Đức nhân trong chương 6 Ung Dã
Tác giả: Nguyễn Sơn Hùng
Lời mở đầu
Mới đầu người dịch nghĩ rằng có hiểu rõ ý nghĩa của các từ vựng quan trọng trong Nho học mới hiểu chính xác được nội dung của Khổng Mạnh học theo cách hiểu của Itô Jinsai nên đã cố gắng thử biên dịch sách Ngữ Mạnh Tự Nghĩa của cùng tác giả.
Tuy nhiên, sau một thời gian biên dịch thực tế, người dịch mới hiểu được chủ đích của Ngữ Mạnh Tự Nghĩa là giảng giải các nội dung mà Jinsai cho rằng Chu Hy hoặc Tống Nho hiểu sai hoặc giải thích sai, hoặc quá chú trọng về lý luận xem nhẹ thực hành, hoặc chịu ảnh hưởng của Phật Lão, hơn là giải thích ý nghĩa chính xác có hệ thống cho các từ vựng quan trọng trong Khổng Mạnh học. Do đó, có nhiều chỗ người dịch không nắm bắt trọn vẹn hoặc chính xác ý muốn nói của Jinsai, để biên dịch cho đúng và dễ hiểu, vì nội dung trong Ngữ Mạnh Tự Nghĩa rất cô đọng và xúc tích.
Do đó, người dịch thay đổi phương châm tìm hiểu: tìm hiểu sơ bộ nội dung cách hiểu của Jinsai trong Luận Ngữ Cổ Nghĩa qua các từ vựng chủ yếu rồi mới trở lại biên dịch Ngữ Mạnh Tự Nghĩa và tổng hợp cách hiểu Khổng Mạnh học của ông cũng như các nội dung khác biệt với Tống Nho. Jinsai cũng đã trước tác Luận Ngữ Cổ Nghĩa và Mạnh Tử Cố Nghĩa xong mới viết Ngữ Mạnh Tự Nghĩa.
Mọi người đều biết rằng nội dung quan trọng của Khổng Mạnh học là nhân, nghĩa, lễ và tín, trung thứ và trung tín mà đứng đầu là đức nhân và đức nghĩa. Theo người dịch thì trung thứ (điều mình không muốn người khác làm cho mình thì đừng làm cho người) là quan trọng nhất nhưng ý nghĩa của từ này thì rõ ràng dễ hiểu không đa dạng và khó hiểu như tứ đức nói trên. Do đó, người dịch bắt đầu bằng tìm hiểu ý nghĩa cụ thể của đức nhân.
Cách trình bày ở đây
Jinsai không dịch mà trước hết chú thích hoặc giới thiệu ý nghĩa của các chữ, từ đặc biệt khó hiểu hoặc đương thời ít được dùng của từng câu, sau đó giải thích ý muốn truyền đạt của toàn bài, nếu cần sẽ bàn thêm. Có lẽ, Jinsai đặt tiền đề là độc giả có hiểu nghĩa và văn phạm của Hán văn. Người dịch thấy cách làm của Jinsai đáng tham khảo bởi vì dịch rất khó chuyển đạt ý nghĩa của Luận Ngữ và bản thân mình hiện nay cũng chưa đủ sức để dịch Luận Ngữ mà chỉ đang trên đường tìm hiểu.
Tuy nhiên trước hết để quý độc giả chưa biết chữ Hán và Hán văn có thể hiểu đại ý của bài, ở đây giới thiệu lời dịch của cụ Nguyễn Hiến Lê (1912~1984) trong “Khổng Tử và Luận Ngữ”, kế đến là những phần Chú thích, Giải thích và Bàn thêm của Jinsai trong Cổ Nghĩa. Cụ Lê đã xem xét nội dung của nhiều bản dịch và chọn hoặc tu sửa để diễn dịch nội dung mà theo cụ là hợp lý nhất. Do đó, qua lời dịch này cũng giúp quý độc giả biết được cách hiểu khác biệt giữa Jinsai và các học giả khác, nếu có.
Ngoài các phần nói trên là nội dung mới của người dịch. Ở đây gọi bài, chương đối với chương và thiên của nguyên văn. Số thứ tự của mỗi bài gồm 2 số, số đầu chỉ số chương và số sau chỉ số của bài. Tựa của mỗi bài do người dịch đặt ra để sau này lập thành mục lục chi tiết giúp quý độc giả dễ dàng tìm lại những nội dung muốn tìm đọc.
Cuối cùng, nhờ biên dịch các bài về đức nhân trong Luận Ngữ Cổ Nghĩa lần này, người dịch hiểu cụ thể thêm về đức nhân là gì, cách thực hiện cụ thể đức nhân và sự tôn quý của nhà giáo chân chính nên chân thành kính tặng Bài 6.28 đến các vị nhà giáo chân chính suốt đời tận tâm với học trò và thiên chức của mình, trong đó có nhà giáo Đặng Thị Tường Vinh đã qua đời vào ngày 27/7/2023 để tỏ lòng biết ơn.
CHƯƠNG 6 UNG DÃ
Bài 6.5 Khổng tử khen ngợi đức nhân của Nhan Hồi. Đức nhân của Nhan Hồi gần đến mức tự nhiên.
Tử viết: “Hồi dã, kỳ tâm tam nguyệt bất vi nhân, kỳ dư, tắc nhật nguyệt chí yên nhi dĩ hỹ.” (Bài 6.6)
子曰:回也,其心三月不違仁,其餘,則日月至焉 而已矣。
Dịch
Khổng tử nói: “Anh Hồi (Nhan Uyên), lòng ba tháng không lìa đạo nhân, còn các anh khác,một ngày, một tháng là cùng.”
Ghi chú: Trong Luận Ngữ Cổ Nghĩa của Jinsai và trong Tứ Thư Bình Giải của Lý Minh Tuấn là Bài 6.5. Trong nguyên văn chữ Hán của phiên bản của Nguyễn Hiến Lê không có cắt câu giữa “kỳ dư” và “tắc nhật nguyệt”.
Chú thích
“Tam nguyệt” ý nói khoảng thời gian dài. “Kỳ dư” có lẽ ý nói các loại như văn học, chính trị. Hình như ý nói không cần quan sát kỹ các việc ngoài đức nhân như văn học, chính trị v.v…“Nhật nguyệt chí”: có nghĩa là theo ngày tháng (thời gian) tự nhiên sẽ có thể làm được.
Giải thích
Nội dung của bài này là khen ngợi tâm hồn (tấm lòng) của Nhan tử (tức Nhan Uyên (tự) hoặc Nhan Hồi (tên). Nên để ý Jinsai gọi là Nhan tử trong khi gọi Chu Hy là Chu thị và Chu Đôn Di là Chu tử) nhất trí với đức nhân một cách tự nhiên. Việc thực hành đức nhân là việc cực kỳ khó khăn trong thiên hạ. Tuy nhiên, tâm hồn của Nhan tử trong khoảng thời gian dài 3 tháng vẫn tự nhiên hoàn toàn không trái ngược với đức nhân. Đối với những việc khác như văn học, chính trị…dù Nhan tử không nỗ lực cố gắng, theo thời gian tự nhiên cũng có thể đạt được. Thật là bậc hiền giả (người có cả đức lẫn tài)! Trong các người thuộc bậc hiền giả, đại phu (quan chức lớn), môn nhân, đệ tử vào thời đó, người mà phu tử công nhận là có đức nhân không có ai. Chỉ có Nhan tử được khen ngợi như vậy. Chẳng phải là một nhân vật rất quan trọng sao?
Bàn thêm
Quan hệ giữa người và đạo phải chăng giống như dụng cụ vẽ vòng tròn (compass) và dụng cụ vẽ góc vuông, ống thủy đo để biết mặt bằng (level) và thước dây đo (scale)? (Ý nói, đạo giống như những tiêu chuẩn, khuôn mẫu, mực thước để làm con người đúng) Do đó từ thánh nhân ngày xưa cho đến thiên hạ của muôn đời đều căn cứ vào đạo để hành động trong cuộc sống. Trong các kinh sách xưa viết: “Tu thân dĩ đạo” (lấy đạo để tu thân) (chương 20 Trung Dung); “Quân tử dĩ nhân tồn tâm, dĩ lễ tồn tâm.” (Người quân tử lấy đức nhân, đức lễ để giữ gìn và bồi dưỡng tâm hồn của mình) (Bài 28 chương 8 Ly Lâu hạ, Mạnh Tử). Con người có tố chất (tính chất bẩm sinh) tốt đẹp thì không làm những việc trái ngược với đức nhân. Tâm của Nhan tử trong 3 tháng không trái ngược với đức nhân là một thí đụ. Cảnh địa tối cao (nguyên văn là 極致cực trí nhưng nếu hiểu là toàn thể thì có lẽ dễ hiểu hơn) của tâm này hợp thể với đức nhân; tâm này với đức nhân là một, chớ không phải là hai. Tâm của phu tử nói trong câu “Tâm sở dục bất du củ” (Theo ham muốn của tâm cũng không vượt qua khuôn phép) (Bài 4 chương 2 Vi Chính) khi ông 70 tuổi thuộc loại thí dụ này.
Thế gian suy thoái, đạo thánh nhân trở nên lu mờ, người người trở nên tự hủy hoại hoặc xem thường bản thân mình (ý nói tự nghĩ mình không thể thực hiện được đức nhân), nên rất ít ai còn hành động theo đức nhân. Do đó Mạnh tử mới nói “Nhân, nhân tâm dã” (Đức nhân chính là tâm của con người) (Bài 11 chương 11 Cáo Tử thượng) để cho người đời hiểu rằng đức nhân không ở đâu xa, chính là ở gần ngay bên chúng ta. Mạnh tử làm rõ ràng việc cội nguồn của đức nhân có ở trong chúng ta, không cần tìm kiếm nơi nào khác ở bên ngoài.
Đến đời sau (nghĩa là từ đời Tống), người đời tìm kiếm đạo ở nơi quá cao xa, nghĩ rằng quan hệ của tâm đối với đức nhân giống như tấm gương có ánh sáng sáng chói không có một điểm lu mờ (ý nói, tâm là tấm gương và đức nhân là nguồn ánh sáng rọi sáng tấm gương). Nếu như theo học thuyết này thì có thể hiểu lý do tâm có lúc sáng, lúc tối nhưng không thể làm rõ ràng lý do tại sao tâm có lúc nhất trí với đức nhân, có lúc xa rời đức nhân. Đối với Nhan tử tại sao phu tử không nói “Tâm của Nhan tử 3 tháng không lu mờ” mà lại nói “Tâm của Nhan tử 3 tháng không trái ngược với đức nhân”.
Thử thí dụ tâm giống như củi đuốc và đức nhân giống như lửa. Nhờ châm lửa nên củi mới làm việc được (có tác dụng). Nhờ củi, lửa mới biểu hiện được đức nhân của lửa. Tuy nhiên, đối với củi, có thứ cháy tốt, có thứ khó cháy. Bản tính con người có nhiều thứ (ý nói mỗi người mỗi tính khác nhau) nhưng ở điểm có thể (khả năng) làm điều tốt, điều thiện thì tất cả các thứ của bản tính đều như nhau. Mạnh tử nói “bản tính con người thiện” là do lý do này. Tâm của Nhan tử 3 tháng không trái ngược với đức nhân là thứ củi khô dễ cháy. Loại người cố chấp không hiểu đạo lý là thứ củi khó cháy. Nếu phân tích theo thí dụ này thì sự phân biệt đối với đức nhân, đối với tâm, đối với bản tính con người là rõ ràng không cần phải chờ đến phân tích mới rõ.
Nhận xét
(1) Nên để ý nội dung hiểu của phần “kỳ dư, tắc nhật nguyệt chí yên nhi dĩ hỹ” giữa Jinsai và cụ Lê (cũng là cách giải thích của Chu Hy) khác nhau. Theo người dịch, hiểu theo Jinsai hợp lý hơn nếu nghĩ đến đức tính của phu tử.
(2) Nên lưu ý Jinsai hiểu chủ trương của Mạnh tử về tính vốn thiện của con người là nói sự có thể (khả năng) làm điều tốt, điều thiện nếu bản thân họ muốn làm chớ không phải nói mọi người đều được bẩm sinh làm điều tốt, điều thiện. Đương nhiên cũng có một số rất ít người như vậy nhưng đó là bậc bẩm sinh thánh nhân. Một ẩn ý khác của Mạnh tử là để con người có thêm tự tín làm tốt, không tự khinh rẻ, xem thường bản thân. Như chúng ta biết khi con người có tự tín thì việc phát huy khả năng tự nhiên sẽ tăng cao hơn.
Bài 6. 20 Điều kiện để có được đức nhân: vì ích lợi của người khác, kính trọng nhưng xa tránh quỷ thần.
Phàn Trì vấn trí. Tử viết: “Vụ nhân chi nghĩa, kính quỷ thần nhi viễn chi, khả vị trí hỹ”. Vấn nhân. Viết: “Nhân giả tiên nan nhi hậu hoạch, khả vị nhân hỹ.”
樊遲問知。子曰:務民之義,敬鬼神而遠之,可謂 知矣。 問仁。曰:仁者先難而後獲,可謂仁矣。
Dịch
Phàn Trì hỏi thế nào là trí (sáng suốt). Khổng tử đáp: “Chuyên tâm làm việc nghĩa giúp người, kính trọng quỷ thần nhưng tránh xa, như vậy có thể gọi là trí”.
Lại hỏi thế nào là nhân. Đáp: “Người có đức nhân phải chịu khó nhọc làm lụng để rồi sau mới lượm được kết quả, như vậy có thể gọi là đức nhân.
Chú thích
1)“Kính” là không khinh nhờn, hỗn láo. “Viễn” là không khinh nhờn, không làm nhơ nhuốc. Một lòng chuyên tâm cố gắng làm việc cần nên làm của đạo làm người, và không tìm kiếm hoặc làm việc lấy lòng quỷ thần, đối tượng mà con người không hiểu biết, là trí tuệ cao nhất.
2) “Hoạch” là có được. Nhanh chóng làm công việc khó làm và không đòi hỏi thù lao, trả công là tâm của con người có đức nhân.
Giải thích
“Hết lòng làm việc phải cho dân chúng” (Vụ nhân chi nghĩa) là tối cao của đức trí và cũng đem lại ích lợi thực sự cho đời. “Kính trọng quỷ thần nhưng tránh xa” (Kính quỷ thần nhi viễn chi) là biết áp dụng trí tuệ, không có sự mê muội.
Nếu là người bỏ phế những việc cần nên làm hàng ngày để dùng sức vào những việc mù mờ không biết rõ thì tại sao gọi là người có trí tuệ? Nếu là “làm công việc khó làm trước, thu hoạch sau” thì là người có thật tâm vì người khác, cái đức đó thật khó đo lường. Nếu như có lòng mưu tìm trả công thì dù có lập được thành tích to lớn nhất trong thiên hạ thì không phải là đức, thì làm sao gọi là đức nhân.
Phu tử khi đề cập về đức nhân chắc chắn thường hay nói về nhân giả (người có đức nhân), lý do là bởi vì đức nhân là thứ rất khó có thể dùng khái niệm xa rời thực tế mà giảng giải, bàn luận được, do đó ông nêu ra tấm lòng, tinh thần của người đã thực hành đức nhân để trả lời. Tất cả những bài nói về nhân giả đều theo cách suy nghĩ này.
Nhận xét
(1) Người dịch nghĩ rằng không hẳn là người có đức nhân mới cần như vậy, một khi chịu khó làm việc trước thì kết quả tự nhiên sẽ đến sau đó, nếu làm đúng và nỗ lực đầy đủ. Từ đầu không lo làm mà chỉ quan tâm, lo lắng đến thành quả thì khó có tập trung tâm sức đầy đủ vào công việc đang làm như vậy chắc chắn khó thành công. Người thành công hiểu rất rõ điều này. Do đó, trong trường hợp hiểu “nan” là chịu khó làm công việc trước như phần sau của bài mà cụ Lê đã dịch, thì nên lưu ý “Nhân giả tiên nan nhi hậu hoạch” chỉ là điều kiện cần thiết để có đức nhân chớ không phải là điều kiện đủ để có được đức nhân, chớ nên hiểu sai điều này.
Tuy nhiên nếu hiểu từ “nan” trong bài có nghĩa là “việc vì người khác không phải vì bản thân” như Jinsai giải thích hoặc như phần đầu của bài mà cụ Lê đã dịch “chuyên tâm làm việc nghĩa giúp người”, thì đúng là việc khó làm chỉ có người thật sự có tâm hồn như vậy mới làm được, và trong trường hợp này có thể nói “Nhân giả tiên nan nhi hậu hoạch” là điều kiện đủ để có đức nhân.
Nên lưu ý một điều kiện quan trọng để có đức nhân là “kính quỷ thần nhi viễn chi” (kính trọng quỷ thần nhưng tránh xa). Lý do như Jinsai đã giải thích.
(2) Tại sao phu tử khuyên Phàm Trì: kính trọng nhưng xa tránh quỷ thần mà đối với các đệ tử khác không đề cập đến việc này? Điều đáng suy ngẫm.
Bài 6.21 Đặc tính của người có đức trí, đức nhân và hiệu quả của 2 thứ đức này.
Tử viết: “Trí giả nhạo thủy, nhân giả nhạo sơn. Trí giả động, nhân giả tĩnh. Trí giả lạc, nhân giả thọ.”
子曰:知者樂水,仁者樂山;知者動,仁者靜;知者樂,仁者壽。
Dịch
Khổng tử nói: “Người trí thích nước, người nhân thích núi. Người trí thì hoạt động, người nhân thì trầm tĩnh, người trí vui sống, người nhân sống lâu.”
Chú thích
“Lạc” nghĩa là vui thích. Vui thích nước, vui thích núi là nói về sở thích, thú vị. “Động” và “tĩnh” là nói về tài năng. “Lạc” và “thọ” là nói về hiệu quả.
Giải thích
Bởi vì nước là vật thể luôn luôn lưu chuyển, chảy không ngừng, hơn nữa lại bằng phẳng nên trí giả (người có đức trí) vui thích nước. Bởi vì núi là vật thể an định, trọng hậu (nặng và dày) không lay động, và mọi vật sinh ra và lớn lên từ đó nên nhân giả (người có đức nhân) yêu thích núi. Từ lời này chúng ta có thể thấy được sở thích của người có đức trí và người có đức nhân.
Lưu chảy không đình trệ là cơ機 (đặc tính, tác dụng) của động. Luôn luôn an định không thay đổi là thể 体(bản chất) của tĩnh. Từ lời này chúng ta có thể biết được tài năng của trí giả và nhân giả.
Bởi vì không phải khổ sở vì lầm lẫn sai lạc nên vui thích. Bởi vì không phải tiếp nhận tai họa nên trường thọ (sống lâu). Từ nội dung này chúng ta có thể xác nhận được hiệu quả của đức trí và đức nhân. Bài 18 chương 8 Ly Lâu hạ, sách Mạnh Tử viết “Trọng Ni (tức Khổng tử) luôn luôn ca ngợi nước: Hay thay cho nước! Hay thay cho nước! “ (“Trọng Ni khí xưng ư thủy viết: ‘Thủy tai! Thủy tai!’). Trong bài Tiểu Nhã của thiên Xa Hạt kinh Thi viết “Núi cao là nơi chiêm ngưỡng, thắng cảnh là nơi viếng thăm” (ý nói người có đức cao ai cũng kính trọng ngưỡng mộ) (Cao sơn ngưỡng chỉ, cảnh hành hành chỉ). Từ 2 câu này chúng ta có thể thấy được một phần lý do của việc vui thích sơn thủy (núi và nước). Tuy nhiên, điều này không phải chỉ nói đến khí lượng (khả năng dung nạp, chứa đựng; tài năng và độ lượng) của bậc trí giả và nhân giả. Nếu nói đến đức của thánh nhân đó (tức Khổng tử) thì lúc ra làm quan, lúc thôi làm quan, lúc ở lại lâu (một nước nào đó), lúc bỏ ra đi nhanh chóng (một nước nào đó), biến hóa linh động không gì bằng, trong khi động mà có thể tĩnh, trong khi tĩnh mà có thể động, kết hợp cả nhân và trí làm một, không thể dùng từ nhân trí để diễn tả hết được, thật là một loại đức tối thượng (cao nhất).
Nhận xét
(1) Trong bài “Tâm tự nhiên” của sách “Triết học của Matsushita Kônosuke” (tiếng Nhật), cơ quan phát hành: Viện nghiên cứu PHP, năm 2002, trang 42~49 viết:
“Cho đến nay tôi thường có thói quen nói tâm tự nhiên (sunao na kokoro) là tâm giống như nước (tâm như thủy). Có cách ngôn nổi tiếng gọi là “Năm điều lệ của nước”, tôi trình bày ở đây, và có lẽ nhờ đó mà quý vị hiểu rõ hơn về tâm tự nhiên. Nội dung đó như sau:
(a) Tự mình di động trước, từ đó kéo thứ khác di động theo, đó là nước. (Ý nói mình phải làm gương trước cho người khác noi theo).
(b) Tự mình lúc nào cũng tìm đường lối để di động đó là nước. (Ý nói trong bất cứ hoàn cảnh, điều kiện nào cũng tự tìm cách giải quyết, không trông cậy hay đổ thừa cho người khác.)
(c) Tự mình làm trong sạch lấy mình rồi rửa sạch thứ khác, có độ lượng lớn tiếp nhận cả trong và đục, đó là nước. (Ý nói mọi vật, mọi thứ luôn luôn đa dạng, có xấu có tốt. Do đó, chúng ta nên tiếp nhận tất cả và phát huy sở trường của mỗi thứ.)
(d) Khi gặp chướng ngại ngăn trở, càng tăng sức mạnh lên trăm lần, đó là nước. (Ý nói khi gặp khó khăn vẫn không bỏ cuộc mà vẫn tiếp tục cố gắng nỗ lực tích trữ năng lực chờ cơ hội phát huy.)
(e) Đổ đầy biển cả mênh mang, bốc hơi lên thành mây, thành mưa, hoặc biến ra tuyết, hóa ra mưa đá, có lúc ngưng động lại thành gương lung linh nhưng vẫn không đánh mất tính cách của mình, đó là nước. (Ý nói chiếu theo quy luật tự nhiên mà suy nghĩ, xem xét sự việc, và vạn vật có thay đổi hình dạng theo điều kiện của môi trường như bản chất thì bất biến.)
Ngoài ra ông cũng thường nhắc nhở nhân viên: Có luôn chảy như nước không? Có như nước ứ đọng hư thối không?
(2) Một điểm thú vị là Khổng tử thường đặt trí trước, kế đến là nhân và tiếp theo là dũng. Nhưng trong tứ đức mà Mạnh tử đề cập đến thì đặt nhân đầu tiên, kế là nghĩa, rồi lễ, sau cùng là trí. Tại sao vậy? Trong khi đó các nhà Nho học đời sau thường nói Khổng học xem trọng nhất là nhân. Tại sao?
Một điều thú vị khác là Fukuzawa Yukichi của Nhật Bản cũng xem trọng trí hơn nhân và nghĩa. Tại sao?
Người dịch sẽ trình bày đề tài này chi tiết trong dịp khác.
Bài 6.24 Người quân tử ngoài đức nhân còn phải có các đức khác.
Tể Ngã vấn viết: “Nhân giả, tuy cáo chi viết: “Tỉnh hữu nhân yên”, kỳ tòng chi dã?” Tử viết: “Hà vi kỳ nhiên dã? Quân tử khả thệ dã, bất khả hãm dã, khả thi dã, bất khả võng dã.”
宰我問曰:仁者,雖告之曰:“井有仁焉”,其從之 也? 子曰:何為其然也?君子可逝也,不可陷也。可欺 也,不可罔也。
Dịch
Tể Ngã hỏi: “Người có đức nhân nghe bảo: “Có người té xuống giếng” thì có nhảy xuống vớt mà chết theo không?”
Khổng tử đáp: “Sao lại làm như vậy? Người quân tử có thể lại giếng xem (rồi tìm cách cứu) chớ không thể để cho người ta hãm hại mình (hoặc: chứ không tự hãm hại mình); có thể bị gạt một cách hợp lí, chứ không thể bị gạt một cách vô lí.”
Chú thích
1) Chu thị (tức Chu Hy) viết “Chữ nhân 仁của “có đức nhân” đúng ra là phải viết bằng chữ nhân人có nghĩa là con người. Do đó, phải theo người thông báo đi đến giếng nước để cứu người”.
2) “Thệ” ý nói đi đến giếng nước để cứu người. “Hãm” là nói việc rơi xuống giếng nước. “Võng罔” giống như chữ la羅, võng 網, nói việc gạt người điều mà người không biết.
Giải thích
Tể Ngã nghĩ rằng người có đức nhân (nhân giả) vì cứu người cấp bách nên không quan tâm đến bản thân của mình. Do đó ông mới giả sử đặt ra câu hỏi “Nếu như có người sắp té xuống giếng nước. Bởi vì sự kiện xảy ra đột ngột trong chốc lát nên cần phải ứng xử nhanh chóng. Nhân giả thay vì xác nhận thật hư của sự việc, trước hết là nhảy xuống giếng để cứu người.”
Phu tử trả lời rằng đối với sự việc nói trên chắc chắn không nên xử lý như vậy. Nhân giả trước tiên cần phải chuẩn bị sửa soạn bản thân đầy đủ rồi mới cứu người. Trước hết làm cho rõ đạo lý (sự hợp lý của sự việc, nội dung) rồi mới quyết định phương pháp. Tình cảm thương người của nhân giả mạnh mẽ thiết tha nhưng đồng thời cũng là người có trí tuệ biết xem xét cân nhắc tình hình, suy nghĩ tính hợp lý hành xử của bản thân. Do đó, có thể gạt gẫm làm cho người quân tử đi đến hiện trường nhưng không cần lo lắng người quân tử bị rơi vào cạm bẫy.
Trong các đệ tử của phu tử vốn không có người đặt những câu hỏi thiếu suy nghĩ. Nếu có người đặt câu hỏi là chắc chắn người đó có dự định ứng xử sự tình như thế. Câu hỏi của Tể Ngã nhất định có lẽ cũng vì muốn hy sinh mạng sống của mình để thực hiện đức nhân. Nếu như phu tử không cho phương thuốc để chữa trị căn bệnh này thì nhất định ông sẽ ném thân vào lửa để cầu trời mưa, cắt chia một phần thịt của cơ thể mình cho cọp đang đói ăn. Vấn đề này đối với Tể Ngã thật là thiết tha mạnh mẽ.
Bài 6.28 Một phương pháp cụ thể để thực hiện đức nhân. Sự tôn quý
của nhà giáo.
Tử Cống viết: “Như hữu bác thí ư dân nhi năng tế chúng, hà như? Khả vị nhân hồ?” Tử viết: “Hà sự ư nhân! Tất dã thánh hồ! Nghiêu, Thuấn kỳ do bệnh chư! Phù nhân giả, kỷ dục lập nhi lập nhân, kỷ dục đạt nhi đạt nhân. Năng cận thủ thí, khả vị nhân chi phương dã dĩ.”
子貢曰:如有博施於民,而能濟眾,何如?可謂仁 乎?子曰:何事於仁?必也聖乎!堯,舜其猶病諸!夫仁者,己欲立而立人,己欲達而達人。能近取譬,可謂仁之方也已。
Dịch
Tử Cống hỏi: “Nếu có người thi ân cho nhân dân và cứu đại chúng, thì người ấy thế nào. Có thể gọi là người nhân không?”
Khổng tử đáp: “Sao chỉ gọi là người nhân thôi? Phải gọi là bực thánh chứ! Vua Nghiêu, Thuấn cũng chưa làm được như vậy thay. Người nhân, mình muốn tự lập thì cũng muốn giúp người thành công. Biết từ bụng ta suy ra bụng người (mình muốn gì thì giúp người được cái đó) đó là phương pháp thực hành của người nhân.”
Chú thích
1) “Bác” là rộng lớn.
2) “Sự” cũng có nghĩa là dừng lại. Ý nói “việc này tại sao lại dừng lại ở mức độ của đức nhân. Chắc chắn đó là bậc thánh nhân, là người ở địa vị vua mới có thể làm được. Tuy nhiên, ngay cả thánh nhân như vua Nghiêu, vua Thuấn, ở mặt tinh thần cũng phải khổ sở vì sự khó khăn để thực hiện thành công việc này”.
3) “Thí” nghĩa là thí dụ. “Phương” là thuật (kỹ năng, phương pháp). Ý nói người có đức nhân xem người khác như bản thân. Nếu bản thân mình muốn làm nên (lập) thì trước hết giúp người khác làm nên. Nếu bản thân mình muốn đạt được thì trước hết giúp người khác đạt được. Do đó, người muốn tìm kiếm (hoặc thực hiện) đức nhân thì bắt đầu từ chung quanh mình, bởi vì do lấy điều mà bản thân mình mong muốn để suy nghĩ và hiểu được niềm mong muốn của người khác, nên điều mà người khác mong muốn cũng không trái nghịch với nhân tình (tình người) và ý chí mong muốn của bản thân mình. Thêm vào đó, lòng từ ái (thương yêu) ảnh hưởng đến người khác, không tạo ra sự phân cách. Phương pháp thực hiện đức nhân không có cách nào gần gũi hơn cách này.
Giải thích
Lòng từ ái (lòng thương yêu người khác) đến khắp mọi nơi, không chỗ nào không đến (nghĩa là đối với tất cả mọi người mọi vật ở mọi nơi đều có lòng từ ái) gọi là đức nhân.
Đức chí thành đến khắp mọi nơi (nghĩa là đối với tất cả sự việc dù ở bất cứ nơi nào đều ứng xử bằng lòng chí thành) gọi là thánh. Bởi vì thánh là bậc vĩ đại, cảm hóa được con người. Đức nhân là đức lớn có ở bậc thánh. Do đó Tử Cống nói “Nếu là đức nhân và đức trí, phu tử đã là bậc thánh!” (Nhân thả trí, phu tử ký thánh hỹ.) (Bài 2 chương 3 Công Tôn Sửu thượng, Mạnh Tử). Sách Trung Dung viết: “Thành 誠 (hết lòng trung thật) có được không phải do việc thành tựu (thành成) một mình của bản thân mà cũng là do việc thành tựu cho người và vật. Thành tựu bản thân làđức nhân, thành tựu cho người và vật là đức trí.” (Thành giả, phi tự thành kỷ nhi dĩ dã, sở dĩ thành vật dã. Thành kỷ, nhân dã, thành vật, trí dã.) (chương 25). Đây là lý do phu tử nói “Đối với bậc nhân giả, nếu bản thân mình muốn làm nên thì trước hết giúp người khác làm nên. Bản thân mình muốn đạt được thì trước hết giúp người khác đạt được.” (Phù nhân giả, kỉ dục lập nhi lập nhân, kỉ dục đạt nhi đạt nhân.) Nếu như chờ bản thân mình đã làm nên và đạt được mục đích rồi mới giúp người khác làm nên và đạt được mục đích của họ thì kết cuộc ngày mà người khác làm nên và đạt được mục dích của họ sẽ không đến. Bởi vì nếu như nguyện vọng của bản thân không sớm thành tựu nhanh chóng thì phương pháp giúp người khác sẽ tùy theo sức ảnh hưởng của bản thân, không phải là việc quên lợi ích của bản thân để hết lòng lo cho người khác.
Tử Cống chỉ thấy sự vĩ đại của đức nhân mà không biết thực tế về việc thực hành đức nhân nên không biết áp dụng việc làm của thánh nhân thời thượng cổ cho vấn đề thiết thực (gần gũi và quan trọng) đang có của bản thân. Do đó, phu tử mới nói ra phương pháp “Năng cận thủ thí” (Bắt đầu từ chung quanh mình). Rõ ràng có thể nói là một phương pháp đủ để thực hiện đức nhân.
Nhận xét
(1) Theo người dịch điều sau đây rất khó thực hiện, chỉ có nhà giáo (người phụ trách trực tiếp công việc giáo dục) mới có thể làm được! Nếu không thì phải là bậc thánh nhân mới có thể làm được!
“Đối với bậc nhân giả, nếu bản thân mình muốn làm nên thì trước hết giúp người khác làm nên. Bản thân mình muốn đạt được thì trước hết giúp người khác đạt được.”
Từ nhận xét này đã giúp người dịch hiểu cụ thể thêm các điều sau đây:
1) Tại sao người xưa xem trọng nhà giáo và xem nghề giáo là một thiên chức. Bởi vì việc làm của họ chỉ có bậc thánh nhân mới làm được. Đồng thời điều này cũng cho thấy người đời xem Khổng tử là “vạn thế sư biểu” (bậc thầy của muôn đời) là hợp lý.
2) Ý nghĩa cụ thể của “kỷ dục lập nhi lập nhân, kỷ dục đạt nhi đạt nhân” và cách thực hiện điều này: làm như nhà giáo chân chính là được.
3) Hiệu quả cảm hóa của thánh nhân đối với người đời: có nhiều học trò không bao giờ quên công ơn của những vị thầy đã khai sáng hoặc cảm hóa mình trong lúc say mê lầm lạc và nhờ từ đó mà có được cuộc sống tốt đẹp hơn. Tình cảm của người đời đối với thánh nhân chắc chắn cũng như vậy!
4) Lý do tại sao một đất nước muốn tốt đẹp, hạnh phúc bền vững cần phải có nền giáo dục tốt và những nhà giáo tốt.
5) Những ai muốn là nhà giáo chân chính nên nghiền ngẫm câu nói: “kỷ dục lập nhi lập nhân, kỷ dục đạt nhi đạt nhân” của phu tử.
(2) Đối với người dịch từ “lập” trong bài này có thể hiểu nhiều nghĩa. Cụ Lê dịch là “tự lập”, Jinsai hiểu là “muốn làm nên”. Hai ý đều thích hợp. Nhưng người dịch nghĩ rằng trước là “lập”, kế đến là “thành” (làm cho thành tựu, đạt được mục đích). Do đó, nếu hiểu “lập” là định hướng, quyết tâm thực hiện hoặc lập chí thì có lẽ rõ ràng dễ hiểu hơn. Bởi vì để sống tốt đẹp hạnh phúc trong cuộc sống thì trước hết cần phải định hướng đi cho đúng và sau đó thực hiện theo phương hướng đúng là điều thiết yếu. Ý phu tử muốn nói người có đức nhân là người giúp người khác định hướng đúng, và sau đó giúp họ trên con đường thực hiện mục tiêu.
1) Kaitsuka Shigeki (1983): Itô Jinsai, Danh Tác của Nhật Bản 13, Chuokouronsha, trang 143~144.
2) Itô Jinsai: Luận Ngữ Cổ Nghĩa (nguyên văn)
Nguyễn Sơn Hùng, Ngày 28/6/2024
Mời Xem :
Ý nghĩa và xuất xứ của “Trọng nghĩa khinh tài”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét