Tác giả: Nguyễn Sơn Hùng
Cách hiểu không đúng
Hình như thời trung học tôi hiểu ý nghĩa của câu “Trọng nghĩa khinh tàì” là người có đạo đức đáng được quý trọng, tôn kính hơn người có tài năng mà kém đạo đức. Cách hiểu này vẫn giữ cho đến gần đây khi tôi tìm hiểu đạo Khổng Mạnh qua Itô Jinsai và khi đọc sách Mạnh Tử.
Trong Điều 5 của Tiết 6 Nhân Nghĩa Lễ Trí Jinsai trích Tiết 5 của chương 20 của sách Trung Dung “Nhân 仁(đức nhân) là nhân 人(con người), lấy việc gần gũi, thân mật với cha mẹ, người cùng huyết thống làm trọng yếu. Nghĩa 義là nghi宜 (thỏa đáng, vừa phải), lấy sự kính trọng, tôn quý người hiền làm quan trọng. Sự phân biệt cấp bậc tùy theo mức độ của quan hệ huyết thống gần xa, và trình độ hiền (đức hạnh và tài năng) cao thấp mà tạo ra lễ.” (“Nhân giả nhân dã, thân thân vi đại. Nghĩa giả nghi dã; tôn hiền vi đại. Thân thân chi sái, tôn hiền chi đẳng, lễ sở sinh dã.”)
Sách Mạnh Tử cũng có nhiều bài như Bài 7 chương 2 Lương Huệ Vương, Bài 5 chương 3 Công Tôn Sửu…nói việc quan trọng quản trị quốc gia là biết dùng người hiền.
Ngày nay, khi tôi tra ý nghĩa của chữ “hiền” trong Hán Việt Tự Điển của Thiều Chửu thấy ghi “Hiền, đức hạnh tài năng hơn người gọi là hiền”. Nghĩa là “hiền” phải thỏa mãn cả 2 điều kiện đức hạnh và tài năng. Từ ý nghĩa này cho thấy cách hiểu trên của tôi là không đúng như chủ trương của sách Trung Dung và sách Mạnh Tử. Tôi không biết Khổng tử và Mạnh tử đánh giá cụ thể như thế nào khi phải cân nhắc giữa đức hạnh và tài năng nhưng có cảm tưởng là đạo Khổng Mạnh xem trọng đức hạnh hơn tài năng nên tôi mới hiểu ý nghĩa của câu nói như trên. Tôi nghĩ cũng có một số người hiểu nội dung như tôi lúc trước.
Tìm hiểu ý nghĩa
Từ lúc tôi quan tâm về cách hiểu đạo Khổng Mạnh của người Nhật Bản, tôi phát hiện có một thiếu thận trọng không tốt của một số người là lấy chủ trương, quan niệm của người này gắn cho nhân vật khác như tôi đã có lần đề cập đến trong bài “Động Cơ Gì Đã Thúc Đẩy Tôi Tìm Hiểu Nội Dung Lý Giải Khổng Mạnh Học Của Nhật Bản?” (1), nên lần này tôi cũng tra xét xem nội dung câu nói này có ý nghĩa là gì và có xuất xứ như thế nào?
Trước hết tôi tra trên Internet tiếng Nhật, và ngạc nhiên khi họ rất ít đề cập đến câu này! Chỉ thấy một, hai luận văn nghiên cứu viết về chủ trương軽財重義 (khinh tài trọng nghĩa) (tài ở đây có nghĩa là tiền bạc) ở Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. Ngoài ra có một bài dùng câu重義軽利 (trọng nghĩa khinh lợi) khi luận về chủ trương kinh doanh của Shibusawa Eiichi, người được xem là cha đẻ kinh tế tư bản của Nhật Bản và là tác giả của tác phẩm “Luận Ngữ và Bàn Tính” chủ trương sự quan trọng giữ gìn đạo đức trong kinh doanh.
Kế đến tôi tra trên Internet tiếng Việt mới biết “tài” trong câu nói có nghĩa là “tiền bạc” chứ không phải “tài năng, tài giỏi”. Do đó, “Trọng nghĩa khinh tài” có nghĩa “xem trọng điều phải, điều tốt, và xem nhẹ tiền bạc” hoặc “xem trọng điều phải hơn tiền bạc”. Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du có câu sau:
“Chiếc thoa nào của mấy mươi,
Mà lòng trọng nghĩa khinh tài xiết bao! ”
Trên Internet tiếng Việt xem câu trên là một thành ngữ của Việt Nam và có truyện cổ tích “Trọng nghĩa khinh tài”.
Tìm hiểu xuất xứ
Tra Hán Hòa Đại Từ Điển tiếng Nhật của nhà xuất bản Taishukan của chữ trọng có phần giải thích “trọng nghĩa” như sau:
“Trọng nghĩa”: xem trọng con đường (đạo) đúng. Trích dẫn:
(1) Công Tôn Hoằng Truyện của sách Hán Thư: “Chiếu viết: “Hán hưng dĩ tại cổ quăng tại vị, tự hành kiệm ước, khinh tài trọng nghĩa, vị hữu nhược Công Tôn Hoằng gia dã”” . (Tạm dịch đại ý như sau: “Người trên bảo kẻ dưới rằng: “Thời Hán thịnh vượng là nhờ các bầy tôi của vua tự mình hành xử tiết kiệm, khinh tài trọng nghĩa(xem trọng việc làm đúng hơn tiền bạc), chưa có người nào như ông Công Tôn Hoằng””.)
(2) Vũ Lăng Chiêu Vương Ánh Truyện, Liệt Truyện thứ 33 Tề Cao Đế Chư Tử (quyển hạ)- tiết Tiêu Diệp của sách Nam Sử: “Tính khinh tài trọng nghĩa, hữu cổ nhân phong” (Tạm dịch đại ý như sau: “Tính tình (của Vũ Lăng Chiêu Vương Ánh) khinh tài trọng nghĩa, có phong cách của người xưa).
Trong giải thích nghĩa của chữ khinh có phần giải thích “khinh tài” như sau. Có 2 nghĩa: (1) Bảo vật không giá trị; (2) Xem thường bảo vật (vật quý báu). Trích dẫn:
(1) Đệ Tử Hạnh của sách Khổng Tử Gia Ngữ: “Ước hóa khứ oán, khinh tài bất quỹ” (Tạm dịch đại ý như sau: “…Khuyến khích giảm thuế, loại bỏ oán hận của dân, xem thường bảo vật (có người dịch:có độ lượng lớn) nhưng cũng không nghèo túng (thì có thể nói là việc làm của Liễu Hạ Huệ)”)
(2) Thác Tệ 錯幣(chương 4) của sách Diêm Thiết Luận鹽鐵論: “Cổ giả quý đức nhi tiện lợi, trọng nghĩa khinh tài” (Tạm dịch đại ý như sau: “Người xưa quý đức mà xem nhẹ lợi ích, trọng nghĩa khinh tài (xem trọng việc đúng xem nhẹ tiền bạc)”.
Tạm kết luận
Qua kết quả tìm hiểu đã trình bày trên có thể tạm kết luận như sau:
(1) Nghĩa của từ “tài” trong câu “Trọng nghĩa khinh tài” cần phải hiểu là “tiền bạc”, “tài sản” không phải là “tài năng”. “Nghĩa” nên hiểu là việc hợp với đạo đức làm người hoặc “việc phải”, “việc đúng”.
(2) Xuất xứ lời nói này không phải là lời trực tiếp của Khổng tử hoặc Mạnh tử mà được dùng trong cách sách lịch sử hoặc sách cổ điển của Trung Quốc.
(3) Câu “Trọng nghĩa khinh tài” thường thấy trong tiếng Trung Quốc và tiếng Việt nhưng rất ít thấy trong tiếng Nhật. Việc người Nhật Bản ít dùng câu nói này có khả năng như sau: (a) Họ xem trọng cả 2: nghĩa và tài; (b) Ngày xưa, thương gia Nhật Bản xem trọng tài, lợi hơn nghĩa nên so với bậc sĩ (võ sĩ) không được xem trọng trong xã hội. Và là một trong những lý do, Shibusawa Eiichi chủ trương xem trọng đạo đức trong kinh doanh, và nhờ đó thương gia trở nên được xem trọng hơn trong xã hội Nhật Bản.
(4) Từ “hiền” trong Khổng Mạnh học nên hiểu là “đức hạnh tài năng hơn người”, nghĩa là phải thỏa mãn đủ cả hai điều kiện đức hạnh và tài năng.
Nguyễn Sơn Hùng, viết xong ngày 9/6/2024
Ghi chú
(1) Nguyễn Sơn Hùng (2023): “Động Cơ Gì Đã Thúc Đẩy Tôi Tìm Hiểu Nội Dung Lý Giải Khổng Mạnh Học Của Nhật Bản?”
Tài liệu tham khảo
(1) Hán Hòa Đại Từ Điển phiên bản thứ hai (1956, 1996) của nhà xuất bản Taishukan
(2) Itô Jinsai (1683): Ngữ Mạnh Tự Nghĩa (語孟字義)
Mời Xem :
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét