Chút Mảnh Vụn Đời Để Nhớ
Ngồi ở một góc tiệm kem, sát cửa kiếng, nhìn ra, ngoài đường dập dìu người, nô nức xe, chiều thứ bảy, Sài Gòn chắc chiều thứ bảy nào cũng vậy, là thằng nhà quê tỉnh lẻ, con nhà nghèo, chân ướt chân ráo, không bà con, không người thân thích, bỏ trường tỉnh, tập tểnh lên đại học, ước mơ khiêm nhường, nhỏ nhoi, vậy thôi, trừ những ngày mùa thi, cũng nhớ chút Sài Gòn thoáng qua, giờ mới thật sự sẽ sống với phố phường ngựa xe của nó, ít lắm cũng phải qua đủ bốn mùa của một năm.
Giờ này vẫn lưng chửng chiều, nắng nhẹ và gió mát, tiệm kem, càng lúc càng đông người, Thuận đọc qua đọc lại trang Rao vặt của tờ Chính Luận nhiều lần, chưa tìm được chỗ trọ nào vừa với số tiền mình có, Thuận thở dài, chắc phải ở tạm tại nhà người quen của bác tài xế xe đò, thương tình gởi hai ba hôm nữa, đành vậy biết làm sao hơn. Thuận để nguyên trang rao vặt trên bàn, nhìn bâng quơ ra đường, người ngoài đường cứ đông, từ cửa tiệm đi vào, hai cô gái, xem ra như hai chị em, tóc dài ngng vai, tới cái bàn, sát bàn Thuận đang ngồi, không biết sao, nhiều người vào, lại không thấy bàn này trống. Thuận quay vào, gật đầu cười chào, hai cô vừa chào lại, vừa liếc nhìn trang báo mà anh chưa kịp xếp lại, nhận ra cái liếc mắt vô tình đó, Thuận hơi bối rối, lặng thinh lật qua trang khác, không cần biết là trang gì.
Không còn nhìn ra đường vì đã bị hai cô gái che khuất gần hết, sực nhớ việc phải làm, Thuận đành “phớt tỉnh Ăng – Lê”, lật lại trang rao vặt, chỗ cho thuê mướn nhà, chỗ cho học sinh sinh viên trọ, đọc nữa. Cô ngồi kế bên, có lẻ là người chị, trong mắt Thuận thì khá đẹp, cũng nhìn qua trang báo, cười nhẹ bắt chuyện, hỏi qua lại vài câu, đúng là hai chị em, cô chị cho biết, gần nhà có một căn nhà đang trống, chủ muốn cho ai đó, phải là sinh viên hay học sinh ở, mà không cần trả tiền gì cả, vì họ làm ăn phương xa, nên cần người giữ giùm, đôi khi mười họa từ Đà Lạt mới ghé về, không ở, vì họ cũng có căn phố khác đâu đó trên đường Hồng Thập Tự.
Thuận bất ngờ quá, cứ buột miệng nhiều lần hai tiếng cám ơn, Thuận xếp trang báo lại, hai cô kéo ghế qua ngồi chung bàn, cô em cứ bẻn lẻn cười mà không nói gì hết. Họ quen nhau từ đó, cô chị viết địa chỉ nhà mình, bảo anh cứ tới rồi, cô dẫn chỉ cho, trước khi hai chị em chào tạm biệt, Thuận xếp tờ báo, bỏ vào túi xách, theo sau ra đường tiễn, hai người đi xa về hướng quốc hội, Thuận quàng túi xách lên vai, thả bộ xuống chợ Bến Thành, đón xe lam về ngã tư Bảy Hiền, chỗ anh đang tạm ở nhờ.
*
Căn nhà vừa vặn, có gác lửng trên, nằm gọn không xa đầu vào con hẻm bao nhiêu, xế ngã tư Cao Thắng một chút, ngỏ vào cũng trên đường Phan Thanh Giản, hẻm chạy sâu nối với phía trong cư xá Đô Thành, cách nhà chị Quyên, và cô em gái, Tuyền, hai chị em mà Thuận gặp ở tiệm kem ngoài phố chính, chừng bốn năm căn phố lầu khác. Nhà có sẳn bàn ghế, giường ngủ, tủ đựng áo quần, tủ đựng ly tách, dưới nhà bếp thì nồi niêu soon chảo, chén bát, muỗng đủa, không thiếu thứ gì, Thuận ngỡ ngàng, lúng túng khi theo chị Quyên vô nhà. Hỏi ra mới biết, hai bác chủ nhà là bạn làm ăn với ba mẹ chị Quyên, ba chị hiện làm gì đó chắc cũng lớn và có phần hùn với công ty bột giặt VISO, bác gái, mẹ chi làm công chức ở bộ Nội vụ, chị Quyên năm nay là năm cuối trường Dược, Tuyền thì lên đệ Nhất trường Nguyễn Bá Tòng, vì vậy họ giao trọn căn nhà cho ba mẹ chị Quyên tính sao thì tính.
Nhận nhà xong, Thuận theo chị qua nhà, chào cám ơn gia đình, thì trời chập choạng chiều xuống, cả nhà bảo anh qua ăn cơm, khỏi lo bữa này, mai rồi tính, Thuận hứa rồi đón xích lô xuống phố tìm mua mền gối cho đêm nay, đêm đầu tiên làm người Sài Gòn. Cuối cùng, tạm gọi là xong, hy vọng từ nay, chắc không còn phải lang thang, đời ở trọ, từ chỗ này chỗ kia rày đây mai đó như suốt bảy năm trung học ở tỉnh nhà nữa.
*
Thuận cũng gọi là giỏi toán nhưng không biết phần số thế nào mà trời chưa chịu thương nên, thi vào Phú Thọ, không đậu, qua Sư phạm cũng “trợt vỏ chuối” luôn, đành chịu phép, lũi đầu vào Luật xem sao rồi tính tiếp. Hai bác và hai chị em chị Quyên thấy Thuận hiền lành, nói năng nhỏ nhẹ, bặt thiệp, vui tính, có chí ham học nên thương tình, giúp lo cái này cái kia, nhiều đến nổi làm cho anh lo ngại quá, đôi lúc phải giả bộ kiếm chuyện, bận này bận nọ, không qua bên nhà chị ăn cơm chiều, đã có xe bánh mì góc Cao thắng rồi, đủ no bụng. Chiều chiều hai chị em thường thả bộ qua, kiếm Thuận, ngồi tán gẩu chuyện trời trăng mây nước, xuân hạ thu đông trước hiên nhà, bên kia đối diện cũng réo hỏi “Thuận hởi Thuận ơi”. Thỉnh thoảng, không thường lắm, Thuận cũng hay giúp Tuyền khi gặp phải hai ba bài toán khó, bốn năm công thức định lý nhàm chán có từ trăm năm, từng gây khổ đau, khóc hận không biết bao nhiêu “nam thanh nử tú”.
Về trên nhà ăn tết xuống, buổi chiều, vừa kịp sắp xếp ba thứ lặt vặt thường dùng vào chỗ, thì chị Quyên tới cùng với hai người lạ, trạc tuổi ba mẹ chị, hai người này là chủ nhà mà Thuận đang ở trọ. Hai bác khá vui tính, hiền hậu, bác trai hỏi thăm Thuận chuyện gia đình ở quê, chuyện học hành, ngay cả chuyện ăn uống, bác gái thì ít nói ngồi cười nghe thôi, chắc có nghe chị Quyên nên bác hỏi tới hỏi lui, việc anh đi bán xăng buổi tối ở cây xăng ngã tư Lê Văn Duyệt, có thời giờ học không, có cực nhọc lắm không, chuyện bán xăng là nhờ ở người bạn quen cùng năm ở trường Luật, dân Sài Gòn, giới thiệu cho chú anh ta, là chủ cây xăng Shell, chừng đâu hơn tháng sau ngày nhập học, học ở phân khoa tự do cũng tương đối dễ, muốn tới giảng đường nghe, ghi chép, thì tới, chán cứ về sớm, chẳng ai biết mặt ai, đã có ban đại diện lo quay “cua” bài bán rồi, cộng thêm mớ sách nào cần đọc thêm, thì tạm gọi là không lo chuyện thi cử cuối năm nữa. Bác trai có vẻ lo lắng định hỏi thêm gì đó nhưng lại thôi. Ra về, hai bác để lại túi bánh mứt bảo quà tết, hy vọng sẽ gặp lại Thuận nữa. Thuận theo ra tiễn hai bác, chị Quyên tới đầu ngỏ hẻm, đứng chờ họ đi khá xa, hình như chị Quyên quay nhìn lại, rồi trở vô nhà. Nắng chênh chếch nhạt xuống trên đường lớn, trời hôm nay chiều Sài Gòn về hơi muộn.
*
Tuyền, đậu tú tài Hai, cùng lúc với Thuận đậu vào một trường khác, thi tuyển khá gay go nhưng, giờ được trời thương thiệt nên “bảng hỗ đề tên” mặc dù là đậu hạng gần dưới chót của danh sách trúng tuyển. Chị Quyên cũng tốt nghiệp trường Dược với cấp bằng Dược sĩ khá oai, hình như có nghe thoáng qua trước đây, gia đình tính hùn với ai đó mở tiệm thuốc Tây khi chị có bằng. Trời vào hạ, phượng nở rợp đỏ trên đường, đường vắng áo trắng học trò, phố phường vẫn đông người như ngày tháng cũ, vẫn ngựa xe xiêm áo, thứ ngựa xe xiêm áo thị thành.
Thuận về trên tỉnh thăm nhà, báo tìn vui vài ngày rồi đón xe đò trên tỉnh trở xuống Sài Gòn, chuẩn bị cho năm học đầu ở trường mới, khai giảng sớm hơn các trường khác. Tới Sài Gòn trời cũng ngấp nghé chiều, dọn dẹp ba thứ lặt vặt đâu đó xong, như đã hứa Thuận thả bộ qua nhà chị Quyên, ăn bữa tiệc mừng thi đậu. Nhấn chuông, Tuyền ra mờ cửa, nói nhỏ “anh Thuận ơi, hôm nay có khách quen anh nữa đó”, tiếng chị Quyên hỏi vọng ra “Thuận hả”, Thuận theo Tuyền vào trong, phòng ăn chưa có ai nhưng có tiếng người cười nói trong nhà bếp. Đứng xớ rớ, không tới không lui, thì chị Quyền ngó ra, làm dấu tới chỗ chị đang cắt rau cắt cải gì đó, cạnh chị là một cô gái lạ, tuổi cở tuổi Tuyền và bác gái chủ nhà đã gặp hôm sau tết, chưa biết nói gì thì bác gái chủ nhà hỏi ngay “ba má con trên tỉnh khỏe hông?”, không đợi anh trả lời, chị Quyên ngó qua cô gái, hơi thẹn thùng, “Thuận nè, con đây là Trâm, con gái cưng của bác gái đó”, Thuận cười chào, Trâm bẻn lẻn “dạ chào anh Thuận”. Mẹ của chị Quyên từ vườn sau vào, thấy Thuận bà vui ra mặt “Ủa Thuận, con qua hồi nào?”, không lâu sau thì ba chị Quyên và bác trai chủ nhà cũng theo vào, Thuận cúi đầu chào như những lần chào trước.
Bữa tiệc không rườm rà lắm, cả nhà ngồi hỏi nhau qua lại trăm thứ chuyện, bốn người lớn, bốn người nhỏ, Trâm vẫn còn ngại ngùng đôi chút, nhưng rồi cũng nhập cuộc, chuyện này chuyện kia rân rân, dường như ai nấy cũng nói nhiều hơn là ăn, không biết mẹ chị Quyên có nói gì với bác gái chủ nhà không, bà cứ nhìn Thuận cười hoài, cái cười vui có chút dự tính gì đó.
Dọn dẹp xong, đường đã lên đèn, đêm chầm chậm xuống, chiều đã bỏ đi từ lâu, người lớn bỏ ra ngoài phòng khách, Thuận theo chị Quyên, Tuyền và Trâm ra mấy cái ghế đá vườn sau, Trâm và Tuyền cùng tuổi, cô nàng học Bùi Thị Xuân trên Đà Lạt, cùng đậu tú tài Hai năm nay, về lại Sài Gòn, giờ thì hai cô nàng tính sẽ thi vào Dược, theo chân chị Quyên, khá xinh, một chín một mười so với Tuyền, cũng nói năng duyên dáng, không làm bộ làm tịch, dễ thân thiện, Thuận thì thêm vào bớt ra chuyện này chuyện nọ, ai cũng cười luôn miệng, ba chị em đều biết anh sẽ học cái gì nhưng không hỏi đon hỏi ren. Trời cũng sắp về khuya, từ giã nhau, hẹn gặp lại, ra đường, trước khi lên xe ta-xi, bất chợt bác trai chủ nhà quay lại nhìn Thuận cười “ở đằng đẳng con có cần gì thì nói cho bác biết nghe”.
*
Cũng hay, Tuyền và Trâm, cả hai đều đậu vào Dược, chị Tuyền vào làm ở hảng bào chế OPV, học hỏi chút kinh nghiệm để sang năm sẽ mở tiệm thuốc như gia đình chị dự tính, ba mẹ Trâm, lúc này vì cô ở trong này, nên ông bà thường xuyên về và ở lại Sài Gòn lâu hơn trước, Thuận yên lòng, vào trường mới, vẫn tiếp tục học lên bên Luật, anh đã nghỉ làm cho cây xăng cũng khá lâu, vì đã có tiền học bổng của trường, khấm khá, dư xài mà còn tiết kiệm được đôi chút. Dạo này, anh ta cùng ba chị em, càng ngày càng thân thiết hơn, bát phố, rong chợi đường phố Sài Gòn, dường như lúc nào cũng thấy bên nhau, Thuận lại phải “thân này ví xẻ làm đôi”, hết cơm chiều bên này, nhà chị Quyên rồi cơm trưa bên kia, nhà của Trâm, cứ qua qua lại lại, không dám từ chối bên nào. Riêng anh, có những lúc ngồi một mình trước hiên nhà, bất chợt anh tự dưng lo lo, không biết là có đúng như mình nghĩ, vì dù gì anh cũng nhận ra, qua tình cảm, cử chỉ, lời nói của hai gia đình, hình như có cái gì đó mà họ chưa tiện nói ra, ý tưởng này phút chốc chỉ thoáng qua trong đầu vậy thôi và ngưng ở đó.
Hẹn lần hẹn lựa, rồi cũng đành phải chịu, ba chị em theo Thuận về trên quê thăm nhà, mà nhà anh có gì đâu, nhà nghèo mà, chỉ là một căn nhà mái tôn vách ván, ở gần cuối chợ xã, sau nhà là cái vườn cây vú sửa và hơn chục cây bưởi ngọt, cái vườn đã nuôi anh lớn lên, không dư không thiếu, cái vườn mà ba mẹ anh đã một đời cặm cùi, chắt chiu nắng sáng mưa chiều vất vả, gọi là nhà nghèo nhưng thật ra chưa đến nổi túng thiếu, cũng may số cây trong vườn đã được mấy người bạn hàng dưới chợ quận mua mảo hết khi tới ngày hái.
Họ đón chuyến xe đò quen đi sớm, trời chưa trưa đã tới. Ba mẹ Thuận ngại quá, ngạc nhiên, biết chuyện ăn ở dưới Sài gòn ra sao rồi, vui mà muốn khóc, nhất là mẹ Thuận lúc nào cũng lẩm bẩm “ân nhân của con tôi, ân nhân của con tôi”. Ba cô nàng han hỏi lăng xăng, mang ra mớ quà, bánh trái gì đó tăng ông bà, họ đem theo mà không cho Thuận biết, bàn ghế trong nhà có đôi ba cái, có bao giờ tiếp khách gì đâu, ông bà trả lời mà cứ nhìm Thuận ngầm hỏi “được hông con?”, ông bà gọi cô này cô kia nhưng ba cô nhanh nhẩu bảo “gọi tụi con là con đi bác, coi như anh Thuận mà”. Rồi cũng tạm yên, Thuận đưa ba chị em đi một vòng phố chợ quê, cái chợ quê có cây phượng già độc nhất và hàng cây trứng cá xanh màu lá, cái chợ mà trời chưa đứng bóng đã tan, chỉ còn bầy chim hoang rủ nhau kiếm mồi tại mấy cái sạp bán hàng ọp ẹp.
Trở lại nhà, ba chị em và Thuận kéo nhau ra sau vườn, cũng hên, hai ba cây vú sửa vẫn còn sót trái bộn, trắng và tím, ba cô hăng hái, rộn ràng dùng cây sào thường dùng, bẻ xuống đâu chừng vài chục trái, Thuận đứng nhìn cười, rồi cả bọn ngồi ăn ngon lành ở gốc cây ngã cuối vườn, khen ngon khen ngọt. Bữa cơm trưa hôm đó, cả nhà trải chiếu ăn ngoài vườn, dưới bóng cây vú sửa lớn già nhất, bữa cơm cá trê kho xả ớt và tô canh chua bạc hà trồng bên hông nhà, bữa ăn có nhiều tiếng cười và tiếng suýt soa cay của ớt. Qua giữa trưa, ba mẹ theo ra đường lộ tiễn ba chị em cũng như Thuận đón xe đò chiều về lại Sài Gòn. Xong một ngày đi, một ngày vui.
*
Gần cuối năm thứ ba, một ngày thứ bảy không về trên nhà, trời càng về chiều càng mát, cơn mưa bất chợt mới hùng hỗ hồi sáng giờ ngưng hồi nào, chẳng ai thèm nhớ, đường xôn xao trải nắng, thêm chút bụi nhạt cuốn theo chiều gió, đi tới đi lui, định ra cái xe bánh mì góc Cao Thắng thì chị Quyên tới, giờ này tiệm thuốc cũng đã đóng cửa như mọi ngày, không có Tuyền, hai chị em thả bộ qua cái xe bán bò vò viên, ngay bên đường đầu hông rạp Đại Đồng, ăn đổi món. Vừa ăn vừa nói chuyện, vài chuyện lặt vặt trong ngày nhưng lần này linh tính cho anh biết, chắc có chuyện gì mới, quả đúng vậy, chị Quyên nhìn ra đường rồi nhìn Thuận chậm rãi cho biết “Tuyền nó yêu em từ lâu rồi mà không dám nói Thuận ơi”,
Thuận ngở ngàng giựt mình, trố mắt nhìn chị kinh ngạc, nín lặng, im tiếng không nói được lời nào, chuyện này Thuận chưa hề nghĩ tới nhưng bây giờ đã tới, chị Quyên mĩm cười “chị nói cho em biết vậy thôi, tùy ở em, em biết rồi, gia đình chị lúc nào cũng thương em”. Rồi vẫn không biết nói gì, hai chị em trờ lại nhà, tới đầu hẻm, trước khi bỏ đi về hướng nhà mình, chị Quyên nói khẻ “ngủ ngon, chuyện đâu còn có đó nghe”, Thuận gật đầu, vẫn còn nghẹn lời, bổng dưng anh thấy lòng mình lo sợ. Chuyện giảng đường, chuyện phố phường, chuyện ghế đá công viên của những ngày tháng cũ, họ, Thuận, Tuyền, Trâm vẫn là những ngày vui nhiều buồn ít, Thuận vẫn cố đứng bên đời bên người như đã như vậy.
Bên chị Quyên, buổi chiều, một chiều đầu năm cuối, chuẩn bị tốt nghiệp, trước hiên nhà, đám trẻ xúm xích xem truyền hình trong căn nhà quen đối diện, hò hét, vang trời, Thuận thở dài thở ngắn, cho chị biết, chuyện sau bữa cơm chiều vài ngày trước, ở nhà ba mẹ Trâm, trước khi ông bà trở lên Đà Lạt, chị Quyên im lặng nghe “bữa ăn xong, cả nhà vui vẻ, Trâm lặng xăng dọn bàn dẹp ghế, ca hát như mọi lần, bác gái bảo có chuyện cần muốn hỏi Thuận, anh theo ra ngồi ngoài phòng khách, cũng như chị Quyên hôm nào, bác cho biết là Trâm có tâm sự với bác, nó nói nó thương con từ lâu rồi mà chưa dám nói ra, thấy nó tội nghiệp, thấy con cũng thương cũng mến, nên bác nói ra vậy thôi”. Ngưng ở đó, Thuận lắc đầu nhìn trời trên cao nói thầm “trời ơi”, chị Quyên cũng lặng thinh, rồi ra về, Thuận đi theo, hai chị em bên nhau, đi tới ngoài đầu hẻm, cũng không nói thêm gì. Nắng dịu trên đường, một vài cụm mây xám, đong đưa chậm xuống thấp, Sài Gòn chờ mưa chiều.
*
Ra trường, Thuận chọn về làm việc ở một tỉnh nhỏ biển miền Tây, cuối cùng của đất Nam, anh vui lòng với quyết định của mình, anh không phải làm kẻ đứng ở hai ngã đường tình, có như thế mới trọn vẹn được ơn nghĩa mà anh đã nhận ở đôi đàng. Thuận gởi lại lá thư ngắn trong nhà, và cái chìa khóa chị Quyên đưa từ ngày mới tới trên bàn, lẳng lặng đi, như mọi khi, bác chủ nhà đối diện ngó ra cười, không hỏi gì, bà đã quen quá rồi chuyện đi về của anh , Thuận đón xe đò về trên nhà thăm ba má rồi cũng lẵng lặng bỏ Sài Gòn đi, bỏ lại một mảnh vụn đời để nhớ của mình ở lại, theo chuyến xe đò xuôi miền Tây sông nước. Nhìn lại Sài Gòn một lần nữa sau lưng, Thuận bất giác thở dài, cái thở dài thật buồn.
Thuyên Huy
Một ngày mưa giữa thu quê người 2024
Mời Xem :Vẫn Là Người Không Đạo - Thuyên Huy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét