Sóng Thời Gian – Tranh: MAI TÂM
Từ Hà Nam về Phủ Lý, trong túi có một hòn bi ông mới tìm thấy. Từ đấy mỗi lần nhìn thấy nó, ông lại lò dò chống gậy tìm về quê nhà nằm ẩn sâu trong ký ức.
Với đất quê, ông kỳ cổ qua tự truyện với danh xưng “tôi”…
Quê “tôi” có con sông Đáy, theo già làng xưa kia nước trong có thể trông thấy đáy vì vậy mới có tên ấy. Riêng cây đa ở miếu thổ thần dây mơ rễ má đến ông họ Trịnh thuộc chi nào đấy trong họ tộc ông cả mấy trăm năm thời Trịnh Nguyễn. Nghe già làng kể lại, ông họ Trịnh có chí học hành lều chõng đi thi. Vậy mà đỗ thám hoa lại không được dân làng ô che lọng chắn đón rước vì ông là ăn mày ngoài chợ, là dân ngụ cư. Thế là ông treo cổ ở cây đa cạnh miếu thổ thần và nguyền rằng sau ông làng này không ai đỗ đạt gì nữa. Vì chết vào giờ linh, làng thờ ông là thần hòang.
Làm như cái huông sao ấy của ông ăn mày, tôi cứ đụt ra nên ăn mày chữ nghĩa cũng không xong. Năm lên mấy không nhớ, tôi được cõng tới trường làng. Đâu đó ba bẩy hai mươi mốt ngày bị tống cổ về nhà vì ỉa đùn. Năm sau, thầy tôi đưa tới nhà ông đồ để tôi ê a “Thiên trời, địa đất, cử cất, tồn còn – Tử con, tôn cháu, lục sáu, tam ba”. Tôi thân quen thằng con thầy tên Quy, “Quy về, tẩu chạy, bái lạy, quy quỳ”, cái thằng không khá hơn tôi là bao, suốt ngày ăn roi mây và bị…quỳ. Vì nó to xác hơn tôi mấy tuổi, tôi chơi với nó mong được chơi trò người nhớn. Tết đến, nó làm pháo lệnh, vôi sống bỏ vào ống tre đực, đầu ống tre chụp loong sữa bò. Nó khóet một lỗ rồi châm lửa nổ một cái “bùng”, cái loong bay vù cả mấy thước. Nó vênh mặt khoe nhằng: “Đằng ấy cứ lõ mắt mà xem, ít nữa tớ còn chế súng cà-nông bắn Tây cơ đấy”.
Kẻ sĩ bách vi, ông đồ lỡ thời bố nó hay nói vậy, nên thêm nghề phó cạo. Một ngày, tôi lò dò qua nhờ bố nó xén cho cái tóc để ăn Tết, nhìn thấy bố nó xắn tay áo ngả con xề nặng cả tạ cắt tiết lợn đến phát khiếp. Học nó, tôi hỏi: “Đằng ý có hãi không?”. Nó khè cần cổ: “Sợ đếch gì!”. Rồi lôi trong túi ra một hòn bi, nói vừa moi trong bụng con xề. Ngồi bệt xuống thành cầu ao, vừa kỳ cọ, vừa ư hử: “Giã ơn cái cọc cầu ao – Nửa đêm gà gáy, có tao có mày”. Xong, nó lẳng lặng đưa cho tôi và gục gặc đầu hỏi: “Đằng ý chén tiết canh lợn bao giờ chửa?”. Không đợi tôi trả lời nó ngay đơ: “Biết chó gì!”. Và câu sau là: “Ừ nhẩy!”. Sau này, tôi giữ mãi hình ảnh cái đầu húi cua, hai tiếng đầu môi chót lưỡi của nó: “Đằng ý, với ừ nhẩy”.
Mấy năm sau tôi nghe nói nó giã ơn cái cọc cầu ao và bỏ nhà đi làm…cách mạng. Khi rày lớn bộn rồi, tôi nghe lõm bõm người lớn nói chuyện để hiểu ra thế nào là hậu phương với vùng tề. Sau này đọc sách, học được nhiều chữ mới khác nữa mang vào bài viết này, để phù hợp với thời gian tính. Vừa lúc quê tôi bắt đầu có tiếng súng cà-nông tắc bọp từ trên tỉnh câu về trong đêm. Tối đến du kích về tuyên truyền, họ lập tóan nhi đồng đánh trống ếch nhịp ba, nhịp sáu ròn rã lòng vòng ngoài phố chợ. Ít lâu sau, nghe tin Tây nhẩy dù xuống Phát Diệm, thầy u tôi tản cư về nhà dì tôi.
Về quê ngọai, tôi nhớ thằng Quy, không biết bây giờ nó ở đâu. Nghe đồn thỉnh thỏang nó về làng, lưng đeo lủng lẳng trái lựu đạn nội hóa. Rồi thầy u tôi đảo về quê thăm chừng nhà cửa. Hiệp định “Giơ-ne” chia đôi đất nước, Việt Minh tiếp thu Hà Nội. Đến khi thầy u tôi nhắn tin đã trốn ra tới Hải Phòng rồi. Dì tôi đưa tôi lên Hà Nội, dắt tôi ra ga Hàng Cỏ xuống cảng Phòng. Trên đường đi Việt Minh chặn người xuống Hải Phòng để làm khó dễ hay tuyên truyền ở lại. Dì tôi giả bộ đi buôn gà, các toa tầu đông đặc những người là người, đa số là những người buôn bán. Vì cái bu gà kềnh càng, hai dì cháu len lỏi mãi mới tới toa chở hàng hóa.
Trời xâm xẩm tối, chuyến xe lửa Hà Nội “tăng bo” tại ga Hải Duơng. Vì sợ tôi bị bắt lại, dì tôi xúi tôi chui xuống cuối toa để nấp. Bỗng có tiếng chân, tiếng người lao xao ở ngoài, tiếp đến tiếng mở cửa lách cách. Ánh đèn pin đảo một vòng từ từ tìm kiếm, đến ngay tôi thì ngừng lại. Bị lóa mắt, tôi đưa tay che mặt, nhưng qua những kẻ hở bàn tay, tôi nhìn thấy…thằng Quy. Nó đội mũ “Tây thuộc địa”, dạo đó gọi là “mũ bộ đội”. Miệng tôi ú ớ định gọi nó, nhưng không hiểu sao lại thôi. Ngay lúc ấy, tôi có linh tính thằng Quy cũng nhìn thấy tôi qua đống hàng hóa vì ánh đèn ngừng lại ở góc toa cả một lúc lâu. Hơn nữa, theo tôi nghĩ nó chẳng quên được cái đầu húi cua mà bố nó cắt cho tôi dạo nào…
Có tiếng chân người đi lại. Nó tắt đèn, ai đấy hỏi gì đó tôi nghe không rõ, chỉ nghe nó trả lời: “Không” cộc lốc. Rồi nó kéo cánh cửa sắt cái rầm và bỏ đi.
Cả gia đình tôi vào Vũng Tầu đầu năm 1955. Đúng hai mươi năm sau, ấy là cái năm 75, chưa kịp đến tuổi Ai ra bến nước trông về Bắc – Chỉ thấy mây trôi chẳng thấy làng, thì đâu đó vào cuối năm, trời yên biển ắng, tôi lại lặng lẽ xuống thuyền vượt sóng, vượt biển nương tạm sống nhờ ở mảnh đất Viễn Tây quê mùa, hoang dã như quê tôi ngày nào. Nhưng thiếu vắng hẳn những bến nước, bến bãi.
***
Mấy chục năm sau nữa, từ miền đất tạm dung, khi tóc đã ngả màu với muối nhiều hơn tiêu nay “tôi” trở thành “ông” và trở về thăm quê nhà. Để rồi cái đầu được thể Ta về tắm lại dòng sông cũ – Truy tầm mê mỏi lý sơ nguyên. Và ông chọn ngày 30 tháng Tư vì bị người nhạc sĩ họ Trịnh xúi dại khi đất nước tôi thanh bình, tôi sẽ đi không ngừng, Sài Gòn ra Trung, Hà Nội vô Nam, tôi đi chung cuộc mừng. Mừng nhất là ngòai Sài Gòn, Hà Nội, ông về Hà Nam là nhẽ đương nhiên. Sau đấy ông dự định đi Ninh Bình xơi món…dê núi.
Tới Hà Nam, ghé Phủ Lý, ngày về ông nôn nao bao nhiêu thì càng gần đến quê, ông càng xa lạ bấy nhiêu. Từ Phủ Lý bắt vào vào Quốc lộ 21, qua cầu Quế khoảng một cây số, khi nhìn thấy núi Ngọc là vừa lúc tới chùa Bà Đanh nằm bên bờ sông Đáy, chùa thuộc thôn Đanh, xã Ngọc Sơn. Ngay chân cầu xe rẽ vào con lộ nhỏ cách núi Ngọc khoảng một trăm thước là tới làng Ngọc Động quê ông.
Vào làng quang cảnh đều khác xưa. Đi qua miếu thổ địa nay không còn dấu tích, chỉ còn cây đa mà ông thám hoa treo cổ tự vẫn. Gần đến nhà thằng cháu, ông đã dặn từ trước, nó sẽ đưa ông ra mả đồng làng thăm mộ phần ông bà, tạt qua nhà từ đường. Vừa thóang nhìn ngôi mộ gia tộc, ông thấy có phần tươm tất. Hỏi thằng cháu nó láo ngáo hình như có cụ nào ấy ăn nói trọ trẹ ngòai đền. Ông ghé thăm nhà từ đường của tộc Trịnh nhà ông, nhân tiện ông cũng muốn cám ơn “cụ nào đấy” ngoài đền một tiếng cho phải phép. Thằng cháu về nhà lo cơm nước, vì họ hàng tới thăm. Ông dặn nó làm gì thì làm nhưng cố kiếm cho ông bát tiết canh. Một phần vì từ tấm bé đến giờ, ông chưa khi nào ăn tiết canh lợn.
Nhẽ nữa trong đám làng trên xóm dưới, có thằng…“đằng ấy” của ông tên Quy.
Vào nhà bái đường, đến bài vị của dòng họ có chữ Nho bằng nửa bàn tay mà ông đóan chừng là “chữ Trịnh”, cúi xuống tìm thẻ nhang. Bỗng có tiếng từ sau lưng:
– Nhà bác họ Trịnh?
Quay lại, ông bắt gặp cụ ông có khuôn mặt thật đôn hậu. Về tuổi tác ắt hơn ông hai con giáp là ít. Làm như gần gũi, cụ điềm đạm:
– Tôi họ Nguyễn.
Và hỏi tiếp:
– Vậy chứ quê quán nhà bác đây ở đâu ta?
Ông đáp:
– Thưa làng Ngọc….
Không để ông hết lời, cụ xóng xả:
– À ra thế đấy, làng Ngọc Động. Biết ngay mà.
Ông được dẫn sang nhà trung đường để nghe kể chuyện trong làng ngoài xã. Trong đầu ông lau lách với cụ từ ở cái tuổi xế chiều, lại họ Nguyễn, khi không về cái đền của họ Trịnh này để làm ông Từ…quét lá đa, nên ông hỏi cho có chuyện?
Ông Từ đắn đo một nhát rồi chậm rãi qua vật đổi sao dời:
– Tôi với nhà bác cùng một gốc gác…Xưa kia Nguyễn Kim gả con gái cho Trịnh Kiểm. Các cụ ta theo thói lạt mềm buộc chặt, sau có một số họ Trịnh kết nghĩa phu thê với họ Nguyễn. Rồi xẩy ra chiến tranh Đàng Trong, Đàng Ngòai. Hết đánh nhau, cả hai họ gồng gánh về đất này, họ tôi lấy Bình Lục là tổ quán…
Nhấp ngụm trà thấm giọng, cụ Từ tiếp:
– Họ Trịnh chỉ có hai chữ như Trịnh Bồng, Trịnh Sâm. Trôi sông lạc chợ đến đây, mượn tên làng làm chữ đệm, con người dính liền với đất đai là vậy.
Rồi cụ nhướng mắt thăm dò:
– Hỏi khí không phải, họ đệm nhà bác là Ngọc. Trịnh Ngọc…
Ông nào có biết gì hơn chuyện…ông ăn mày làng Ngọc Động của các cụ ta xưa. Chuyện này quàng qua chuyện kia thì lưu lạc qua xứ người, tới đất Kim Bảng, ấy vậy mà nay ông cũng “lưỡng quốc cử nhân” như ai. Ông cười cười:
– Dạ, thưa vâng.
Cụ Từ cũng cười, miệng như nở hoa. Tay với cái điếu bát, tay chỉ cái tấm giấy bồi treo xô lệch trên tường với dăm hàng chữ thảo nét viết còn thô vụng, nhưng cụ vồn vã với âm giọng đầy tự hào:
– Thơ cụ Nguyễn Khuyến đấy, tôi cùng huyện Bình Lục với cụ.
Thở ra khói, cụ Từ vừa xuống giọng khê thuốc lào ngâm nga: Non nước đầy vơi có biết không (Nguyễn Khuyến). Vừa cười đấy, bỗng cụ thừ ra bâng quơ: “Tất cả chỉ vì con sông Gianh, hợp rồi tan, như vận nước”. Vừa nhả khói, giọng trầm trầm: “Vận nước muôn đời là vậy, để rồi tan lại hợp”. Ngừng lại một chút, như nói cho riêng mình: “Đất nước ta chẳng may chỉ phát triển được bề dài, nên lòng người cần phải rộng đủ để giữ được cái đạo quân bình, có thế mới mong giữ được sự vững bền”.
Chưa nắm bắt hết ý, ông chỉ nghĩ cụ Từ như con ve sầu ẩn mình sâu dưới lòng đất, chỉ đợi một mùa hè nào đó để râm rả với những chuyện xưa và nay. Xưa có con sông Gianh cùng Đàng Trong, Đàng Ngòai. Nay có dòng Bến Hải cùng kẻ Bắc người Nam. Thế nhưng cụ chỉ có dòng sông rộng. So với ông có cả một đại dương bao la cách biệt giữa người trong nước, người ngòai nước, mang nặng những phân hóa hạn hẹp. Trăm tội chẳng qua cũng chỉ vì ở cái vận nước, ở cái lòng người, cuối cùng ông đã đi hết biển, nay cũng vừa hết đất. Mà có đi hết đất thì cũng quay trở về quê nhà (ông học theo Trần Văn Thủy) như ông đấy thôi
Đang lan man chuyện non nước mình vừa lúc thằng cháu chạy sang nói ông Trưởng gọi về “làm việc”. Mắt tròn dấu hỏi, cụ đon đả: “Để tôi đi với nhà bác”. Trên đường thả bộ qua nhà thằng cháu, ông kể chuyện tình bạn từ thuở còn mặc quần thủng đít của ông và thằng Quy. Nghe rồi cụ lắc đầu và râm ran: “Trưởng sở gì nó! Nó bị cho về vườn lâu rồi. Bây giờ nó như nhà bác, như tôi vậy mà”. Khi không ông cảm thấy vui vui vì cái thằng vẫn tính nào tật đấy, chỉ cái nước huếch không ai bằng. Bao năm rồi, ông gói ghém trong cái rương kỷ niệm và lát nữa đây, cả hai sẽ mặc sức moi móc những ngày xưa tháng cũ ở…cái cầu ao chẳng hạn. Như thói quen mấy ngày nay, ông thò tay vào túi quần mân mê hòn bi.
Và ông ngẫm nguội có khối chuyện để nói…Như tối nay, ông dự định qua ngủ với nó. Hai thằng sẽ gác chân lên nhau tha hồ chuyện nổ như gạo rang, chuyện dai như giẻ rách, chuyện đổ bốn chân giường, chuyện long ba bức vách (ông học theo Trần Tế Xương). Ông bảo nó dẫn đi thăm thắng cảnh Tràng An ở Ninh Bình. Ghé chùa Bà Ngô, chùa Bái Đính, động Tam Cốc, động Hoa Lư gần đền Đinh Bộ Lĩnh. Đến tao đọan này, Đinh Bộ Lĩnh với 12 sứ quân ngọ nguậy trong đầu ông nhưng ông chịu chết nghĩ không ra. Tuy nhiên ông sẽ không quên món…dê núi nướng. Bỗng không, ông âm ử vừa đủ cho mình ông nghe khi đất nước tôi không còn giết nhau, trẻ con đi hát đồng dao ngòai đừơng, tôi sẽ đi thăm. Tôi sẽ đi thăm….
Từ đằng xa ông nom thấy nó đứng đợi ở trước cửa, không phải thằng Quy ngày nào với trái lựu đạn nội hóa và mũ bộ đội. Mà là thằng Quy hôm nay với dáng có vẻ bồn chồn, như đang trông ngóng ông. Ông thóang nghĩ: “Ừ nhẩy, ít nhất cũng phải như vậy chứ”. Chỉ với hai chữ “Ừ nhẩy” không thôi của cái tuổi ấu thời, cũng trên dưới năm mươi năm rồi, ông chưa một lần được nghe lại. Vừa lúc nó ngửng đầu và đưa tay lên, không phải để…chào ông mà để vuốt tóc.
Nó cúi xuống nhìn đàn gà con, ông nhướng mắt nhìn theo, chân nó đi “dép lốp”. Làm như cả mấy chục năm không gặp lại nên thằng dép lốp vẫn còn ngại ngùng với một khoảng cách nào đó. Nào ông có hơn gì, vì trong đầu ông đang có những suy nghĩ vu vơ về những người kẹt lại năm 54, làm thế nào được khi ý thức hệ, thể chế và hai mươi năm chiến tranh đã để lại những cái nhìn lệch lạc giữa kẻ đi, người ở. Ông và nó, trong cuộc chiến chẳng có gì để mà chọn lựa, không đứng bên này cũng ở bên kia, vô hình chung đành chịu trận giữa hai lằn đạn.
Ấy là ông ngẫn ngẫn vậy thôi. Nó ngẩng đầu lên: “Mới về?”.
Ông hơi khựng lại, thoáng nghe có phần hờ hững bằng vào câu “mới về” như xa cách. Qua đàn gà nhởn nhơ, cả một quá khứ của cái buổi thiếu thời ẩn hiện qua bờ ao cũ: Nó lôi trong túi ra một hòn bi vừa tìm thấy trong bụng của con xề. Ngồi xuống thành cầu ao, kỳ cọ, ngâm nga: “Giã ơn cái cọc…
Cùng quá khứ đẩy đưa, ông rì rầm nho nhỏ vừa đủ cho hai người nghe:
– Giã ơn cái cọc cầu ao…
Rồi ông đưa đẩy chậm rãi với từng chữ của quá vãng: “Nửa đêm gà gáy…”. Tiếp, ông chờ đợi nó tiếp: “Có tao có mày”. Nhưng chỉ thấy nó lắc đầu:
– Cọc cạch gì, chỉ linh tinh.
Vào trong nhà, ngó mâm cơm, nó quay sang cụ Từ:
– Cũng biết ăn tiết canh?
Chưa ăn mà ông nghe muốn nghẹn vì ông biết nó hỏi ông chứ không phải hỏi cụ Từ. Ngồi xuống, không khí còn gượng gạo hơn nữa. Ông muốn nói chuyện…nổ như gạo rang. Nhưng mồm miệng ông cứ lấn cấn vì miếng tiết canh lợn gờn gợn ở kẽ răng nên không biết nói năng gì. Trong khi tay nó cầm cái quạt rình rình con ruồi đang là là bay và sắp sửa sà vào bát tiết canh.
Không ngẩng đầu lên, mắt vẫn nhìn con ruồi. Nó bâng quơ:
– Ta bắt đầu làm việc.
Với “Ta bắt đầu làm việc”, ông muốn…“Ơ” cũng không thành tiếng. Ông liếc mắt sang bên cạnh ngầm cầu cứu. Ông Từ ngó lên trần nhà đuổi bắt con ruồi vừa bay lên. Vẫn không nhìn ông và làm như không có ông ở đấy. Nó nhắc lại:
– Chúng ta bắt đầu làm việc.
Vì ngồi xếp bằng trên chiếu cói, hòn bi trong túi quần cồm cộm làm như muốn nhắc ông hỏi nó về cái đêm trong toa xe hỏa ở Hải Dương. Ông chưa kịp hỏi, thì… thì bất ngờ nó cất giọng lõng bõng như bát tiết canh bị lỏng chân:
– Anh về…một ngày nhưng cũng phải đăng ký tạm trú.
Cả chiếu ăn lặng như tờ, con ruồi không vo ve nữa vì vừa đậu xuống bát tiết canh đỏ ối. Đỏ đến nhức mắt. Làm như ngày có đám, nó không ăn cũng chẳng uống, chỉ ngồi không. Bỗng có tiếng khua bát đũa lách cách của ai đó. Im ắng. Ắng lặng …
Đột nhiên nó lấy quạt đập con ruồi cái chát:
– Thôi ngày mai anh không phải đăng ký tạm trú nữa.
Ông nghe mừng húm.
– Ngày mai anh về thì hay hơn.
Nghe thủng rồi chưa hiểu gì sất, nó mổ tiếp:
– Mai này là ba mươi tháng bốn. Ngày chiến thắng vĩ đại của quân dân ta.
Ông lẫn đẫn trông thấy. Cụ Từ ghé tai nói nhỏ:
– Thôi về.
***
Chiều tối, về lại phòng cụ nói chuyện vãn một hồi. Ông thấy cụ Từ thay áo nâu sòng để sửa sọan tụng kinh…Vào giường nhưng trằn trọc không ngủ được, ngòai trời mưa rơi rả rích. Lắng nghe tiếng mưa lả tả đập lên tàu lá chuối bên mái hiên. Ông nghĩ quẩn, trở về nhà, sẽ cất quá khứ vào một ngăn kéo nào đó và khóa kín nó lại.
Vừa lúc ngòai kia ngưng tiếng mõ, ông lần mò ra ngòai và kể cho cụ nghe những gì đang vất vưởng trong ngõ ngách của tấm khảm…
Cụ ngậm tăm một nhát rồi chậm rãi:
Ai trước khi có hiện tại đều có quá khứ, quá khứ nhiều lúc muốn cởi bỏ nó không phải là dễ. Như chuyện con ốc nhỏ sống cô quạnh trong một vũng đầm lầy với chuỗi tháng ngày, cứ day dứt nó mãi. Cứ mỗi một ngày, trả một ngày cho quá khứ, quá khứ vì thế chồng chất nặng nề trên lưng con ốc. Một hôm nó nhất định mang quá khứ đi chôn, nó nghĩ chỉ có thế mới có được những nhẹ nhàng thanh thản. Khi con ốc chở quá khứ đến mé đường, bên kia là nghĩa địa, nó thấy băng qua bên kia không phải là dễ. Dòng xe như mắc cửi, không chừa một khỏang trống để chậm như nó có thể vượt qua. Cuối cùng con ốc tự thấy rằng, nó sẽ bị bánh xe nghiền nát trước khi đào được cái huyệt. Vì thế nó đành cõng quá khứ trở về nơi đầm lầy nước đọng xưa kia, nó thầm nhủ suốt quãng đời còn lại, đành lẩn quẩn ôm những quá khứ của riêng mình và chờ…chết. Kể xong chuyện con ốc, cụ Từ điểm nhẹ cái chuông một tiếng “coong”.
Ngồi không cũng đụt người, ông dòm trên mặt bàn, ngổn ngang những bức tượng bằng đất sét với ông tướng nọ, ông quan kia. Ông thầm nhủ bằng vào tuổi chín tầng mây mười tầng trời mà cụ còn rị mọ với mấy con giống. Ông đắn đo rồi cũng hỏi cho ra nhẽ, cụ Từ lơ đãng trầm ngâm đọc nho nhỏ câu thơ: Có những kẻ không yêu người đang sống – Mà yêu người đã chết tự nghìn xưa. Xong, cụ chỉ vào mấy bức tượng, này sứ quân Trần Minh Công chiếm Bố Hải Khẩu, nọ Đỗ Cảnh Thạc giữ sông Đỗ Đậu. Còn các sứ quân Kiều Công Hãn, Phạm Bạch Hổ khác nữa… Tiếp, ông Từ xuống giọng: “Đánh nhau mãi không xong rồi hợp nhất, rồi để phân hóa”…Và thở ra: “Đến như Hà Nam, Ninh Bình đất cũ của nhà Đinh, nay ghép họ lại là “Hà-Nam-Ninh”. Họ vá víu như bức dư đồ rách, đất đai như vậy huống chi lòng người”.
Đến đây, ông ngẫm ngợi thời nhà Nguyễn, Hà Nam được thành lập từ “các huyện của Hà Nội và Nam Định”. Tên tỉnh Hà Nam ra đời từ chữ Hà của Hà Nội và chữ Nam của Nam Định ghép lại và Phủ Lý trở thành tỉnh lỵ của tỉnh Hà Nam. Nay từ “Hà-Nam-Ninh” họ đổi là “Nam-Hà” thì đám hậu sinh, hậu bối đọc văn học sử chả biết cụ Nguyễn Khuyến đất quê (Phủ Lý) thuộc…Nam Định hay Hà Nam? Mà Phủ Lý cũng là quê cụ nên ông không vãi miệng với cụ.
Vào đến giường, giọng cụ Từ vẫn đều đều như nói chuyện với khỏang không qua chuyện thời nay thế đấy, thời trước thế đó…Ông thiếp đi lúc nào không hay, văng vẳng bên tai tiếng cụ Từ chép miệng cái bép: “Cứ như phường mù dở ấy. Được như mấy ông tượng câm điếc này, thế mà đâm ra lại hóa hay….”. Bỗng có tiếng con thạch sùng trên trần nhà tặc lưỡi bâng quơ một cái “tách” trong đêm vắng…
Như cụ Từ vừa chép miệng vậy.
***
Chẳng cần ai nói, ông cũng hay biết được một điều, không ai về tắm lại hai lần cùng một dòng sông. Với ông, tùy theo một nắng hai mưa, vì vừa bước ra khỏi cửa đền, mới chỉ qua một đêm không thôi đất trời cũng đã thấy đổi thay sau cơn mưa. Ông mường tượng trên đường về, dọc theo sông nước đất quê ông vẫn bình dị và an phận như ngày nào với bên đồng, bên bãi. Tuy nhiên cũng không thể không có những bến đục, bến trong. Lúc này đây với ông, chỉ là lẽ tất nhiên của trời đất với bên bồi, bên lở, với ba trăm năm sông mới đổi dòng một lần.
Rời khỏi làng, ông không thấy lạc lõng như hôm qua, lúc này ông cảm thấy gần gũi, thân quen từng đụn rơm, từng ụ rạ bên đường. Nhưng thấy thiếu vắng gì ấy, thò tay vào túi quần mần mò tìm kiếm, ông nhón tay vân vê để tiếc nuối.
Hòn bi không còn nằm trong túi quần ông nữa.
Trúc gia trang
Giáp Thân 2004
Ngộ Không Phi Ngọc Hùng
(sửa chữa 2019, 2022, 2024)
Lai cảo chiêu niệm bạn cũ trường xưa, họ Trịnh vừa “về quê” cuối năm 2020…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét