Mẹ kéo! Bàn tay bé nhỏ của tôi bị giữ chặt trong bàn tay mạnh mẽ và kích động của mẹ. Tôi không thể nào theo kịp bà bằng những bước chân ngắn ngủn.
-Nhanh lên con. Trễ rồi.. Mẹ phải nói cho nó hiểu…
Mẹ tôi cứ liên tục nói một mình. Nhưng điều mà bà muốn nói với tôi, thực ra, tôi chưa hiểu hết, phần vì dòng người đông đảo làm tôi mất tập trung, phần vì những âm thanh vô cảm từ loa phóng thanh đang dội lại từ những bức tường cao ốp bằng đá hoa cương bóng láng.
-Xe lửa đi Milano sẽ khởi hành lúc 16h ở đường tàu số 8.
Chúng tôi cũng vừa đến Roma bằng xe lửa nên trong tai tôi còn lùng bùng vì những tiếng xình xịch của con tàu. Mẹ có cuộc hẹn để gặp một ai đó.
Tôi lẫm đẫm chạy theo, nhiều lần suýt té vì bị mẹ kéo, càng lúc bà càng căng thẳng.
Một người đàn bà, tay dắt một bé gái đang lạc lõng trong nhà ga giữa những hành khách xa lạ. Mỗi người đều có câu chuyện của riêng mình.
-Mẹ muốn nó nhìn thấy… để nó hiểu là nó nhẫn tâm đến đâu… ông ta… đã bất ngờ bỏ rơi mẹ con mình… mà không thèm nói một tiếng nào…
Tôi vẫn không hiểu. Tôi còn nhỏ quá.. Tôi chỉ nhớ một nỗi buồn kinh khủng trong khi tôi cúi nhìn đôi giày, bước từng bước để khỏi bị vấp ngã.
Kỷ niệm về cái ngày đó thường hiện về trong trí tôi và nhiều lúc tôi ước gì đó chỉ là một cơn mộng dữ.
-Đây rồi… bây giờ mình đi toilette rồi lát nữa đến quán nước gần quầy vé.
Có một điều gì trong giọng nói của mẹ tôi, có lúc tôi thấy bà mạnh mẽ và tự tin, nhưng chỉ một lúc sau thì hình như không phải vậy, như thể có hàng ngàn nghi vấn đang xung đột trong đầu bà.
Chỉ khi lớn lên tôi mới hiểu. Chúng tôi đang đi gặp người đàn bà mà ba tôi đã đi theo và bỏ rơi mẹ con tôi. Chuyến đi Roma ngày đó không phải là du lịch, không phải đi thăm bạn bè hay người thân.. ngược lại là khác. Chúng tôi đang đi gặp mặt kẻ thù mà dù chưa gặp lần nào tôi đã thấy ghét, như mẹ tôi từng căm hận bà ta. Sự căm thù của mẹ đã nhiễm vào lòng tôi từng ngày; mẹ liên tục lập lại điệp khúc là bây giờ chúng tôi phải tự lo, và người đàn bà kia chính là kẻ phải trả giá cho những đau khổ mà chúng tôi đang gánh trên vai.
Nỗi đau của kẻ bị bỏ rơi thường tạo nên một mặc cảm tội lỗi. Nhưng điều này không xảy ra với mẹ tôi. Bà là người vợ đảm đang, chu đáo và quan tâm đến mọi nhu cầu của chồng, từ món ăn hợp khẩu vị cho đến đôi dép và quần áo để thay khi ba tôi từ công sở trở về nhà. Chỉ có tôi là cảm thấy mình có lỗi, vì nghĩ chắc mình đã làm đều gì xấu nên ba tôi đã không trở về nhà.
Về cái ngày đau thương ấy tôi nhớ đến từng chi tiết, từng lời lẽ bén sắc như dao và những tia nhìn đầy tiềm năng bạo lực.
Chúng tôi đến trước quán cà phê ở nhà ga và bằng đôi mắt sáng quắc mẹ tôi chăm chú nhìn tất cả những người khách đang ngồi ở các bàn.
-“Nó kìa, cái con đĩ !”. Bà kêu lên, như thể vừa phun ra một bãi nước bọt.
Chúng tôi tiến đến và tôi có cảm giác là mẹ đang đẩy tôi về phía trước, có lẽ để cho người đàn bà tóc dài chú ý. Bà đang ngồi, hai tay bà đặt lên đùi và mắt chăm chú nhìn những sợi khói bốc lên từ tách trà.
-“Đây rồi”!
Trong tiếng kêu đó không có sự ngạc nhiên mà hình như có một sự thõa mãn nhẹ nhàng, như người vừa nhận được một điều gì để chứng tỏ mình là người mạnh nhất. Mẹ tôi ý thức về điều ấy nên lúc đứng sau lưng tôi bà hùng hổ xác nhận sự vượt trội của mình.
Người đàn bà trẻ vẫn ngồi yên nhưng khuôn mặt có vẻ bối rối. Có lẽ bà ta cũng đã trăn trở trước quyết định đến nơi hẹn hay không, nhưng dù sao ngồi ở đây có nghĩa là bà ta đã quyết định tranh đấu.
Mẹ tôi kéo một chiếc ghế và bế tôi đặt ngồi lên đó. Sau đó bà mới ngồi trước mặt người đàn bà, lúc này im lặng và khuôn mặt hơi tái.
Người bồi bàn tiến đến, vô tình ngăn lại cái giây phút an lành giả tạo.
-“Một cà phê espresso và một ly nước suối cho con bé!”
Nhiều năm sau này tôi mới hiểu là chuyến đi đó chúng tôi đã tốn rất nhiều tiền. Thời gian đó mẹ tôi chưa có việc làm, bà đã bỏ học đại học vì đã yêu, mang bầu nên sau đó phải làm đám cưới sớm. Sự bỏ rơi của ba tôi đã đẩy mẹ vào tình huống tuyệt vọng vì chúng tôi không có tiền và nỗi lo không tìm được việc làm để nuôi sống tôi và người anh trai.
Sau ít phút người bồi bàn mang cà phê và nước suối, trong lúc hai người đàn bà lẳng lặng nhìn nhau, trao đổi những tia nhìn như thể đó là những mũi tên tẩm độc.
-“Mầy không biết xấu hổ sao, con đĩ! Thằng khốn đó đã can đảm bỏ rơi tao, con trai và bé gái này! Tất cả là tội lỗi của mầy! Mầy phải đi, hiểu không? Con khốn nạn!”
Có bao nhiêu bạo lực trong những lời lẽ đó. Cái ngón tay chỉ vào mặt giống một mũi kiếm sắc chất chứa bao nhiêu giận dữ trong giọng nói của mẹ tôi.
Đây là lần đầu tiên hai người đàn bà này đối diện nhưng mẹ tôi đã không dùng bất cứ sự tế nhị nào; bà thẳng thừng thóa mạ và buộc tội.
Nhưng, có điều gì thay đổi trong cái nhìn của người đàn bà trẻ, như thể bà ta vừa tìm thấy một chiến lược tối ưu để sử dụng. Từ sự bối rối lúc ban đầu bây giờ có thể nhìn thấy ở bà một sự tự tin.
– “Tôi rất tiếc thưa bà, chính bà là người muốn gặp tôi. Bà có thể chửi mắng, muốn đành đập, làm cho tôi biến mất. Nhưng có lẽ bà chưa hiểu rõ hoàn cảnh: Chính chồng bà mới là người đã bỏ nhà ra đi, vì có lẽ ông ta không thích sống với bà. Đó là lỗi của bà, và bà phải hiểu rõ lý do mà chồng bà không hài lòng chứ.”
Người đàn bà trẻ nói chậm rãi và thỉnh thoảng đưa tay sửa lại lọn tóc dài màu đen nâu rơi phủ xuống mắt.
– “Không hài lòng? Mà ông ta thiếu cái gì chứ? Đã hơn 20 năm chúng tao sống với nhau! Còn mầy, mầy có cái gì hơn tao nào? Chỉ vì trẻ hơn nên mầy tưởng là có thể chiếm đoạt chồng tao à?”
-Hừm… Tôi trẻ và đẹp, còn bà thì già và trên mặt thì đầy nếp nhăn. Ông ta bây giờ chỉ xem bà là mẹ của hai đứa con, thế thôi. Còn tôi, tôi là bạn của ông ấy, tôi biết lắng nghe, tôi biết cách làm cho ông ấy vui, tôi cười với ông ấy, có thể cười vì những điều vớ vẩn. Đúng rồi, tôi là người tình, bởi vì tôi làm cho ông ta thấy mình trai trẻ, tôi làm cho ông ta thấy mình quan trọng. Chính ông ta là người muốn bỏ nhà ra đi… nên nếu bà tiếp tục nói chuyện này tôi thấy thật vô ích.”
Lúc này mẹ tôi lắng nghe có vẻ chăm chú hơn. Có lẽ trong trí bà đang nhớ lại những năm tháng của hôn nhân: Bà đã chống lại ba mẹ vì đã yêu người đàn ông ấy, bà đã lấy ông, chống lại ý muốn của các thành viên trong gia đình vì bà nghĩ sẽ có thể sống suốt đời với ông ta. Sau đó thì các con ra đời, và bà phải chăm sóc chúng, đưa đón chúng đến trường, chăm sóc căn nhà và người đàn ông mà bà yêu thương. Thế mà lúc này con mụ đàn bà này dám ném vào mặt bà những gì mà vì nó bà đã sống.
Tia nhìn của mẹ tôi không còn giận dữ trong khi giọng nói của bà đang run run tìm cách thuyết phục người đàn bà trẻ này phải bỏ đi.
-“Tao không tin.. chính mầy, con khốn nạn, chính mầy đã dụ dỗ chồng tao…Tất cả đều tại mầy!” theo sau lời nói là một cú bạt tai bất ngờ đập lên má cô gái với tất cả sự giận dữ lâu nay bị kìm nén.
Đôi mắt người đàn bà long lanh đẫm ướt trong khi bà đưa tay lên chỗ má đang ửng đỏ vì cú bạt tai. Và chính trong lúc ấy bỗng dưng tôi bật khóc như thể cú tát ấy đập lên má mình.
Chỉ trong lúc ấy mẹ tôi mới sực nhớ là mình đang ở đâu, trong một quán nước ở nhà ga, trước những đôi mắt dò hỏi của các hành khách. Toàn thân bà căng thẳng, bà run rẩy dùng bàn tay lau nước mắt cho tôi và để trấn an.
-“Bà hãy về nhà đi!” người đàn bà tóc dài nhẹ nhàng nói. “Bà không thể tát tai hết tất cả những người đàn bà là tình nhân của chồng bà đã đến trước tôi… hay những người khác sẽ đến trong tương lai. Tôi không ảo tưởng. Ai đã từng phản bội họ sẽ còn phản bội.
Tôi có việc làm, tôi tự túc được. Ông ta sẽ trở về nhà, bởi vì ông là một người hèn nhát và luôn cần một người đàn bà giặt ũi quần áo mà không đòi hỏi thù lao. Rồi ông ta sẽ nhận ra là mình đã già và đang làm một chuyện nực cười. Đến lúc đó ông ta sẽ nhớ đến vợ. Bà cần phải kiên nhẫn. Đó chính là sức mạnh của bà.”
Mẹ tôi bị lý lẽ của người đàn bà thuyết phục, bà đang hoài nghi về mình nên không tìm ra lý lẽ để phản biện.
-“Vĩnh biệt bà, tôi chỉ thấy cảm thương cho bà, về sự yếu đuối của bà, về ảo tưởng giữ được tình yêu của một người đàn ông chỉ lợi dụng và xem bà như con ở. Tôi không thể nào chấp nhận ông ta và không thích người đàn ông ích kỷ đến thế. Tôi không biết quan hệ giữa tôi và ông ta sẽ kéo dài bao lâu nhưng sau cuộc gặp này, tôi tin là ông ta sẽ sớm trở về nhà. Còn tôi, tôi sẽ ra đi, nhưng không phải vì bà hay vì bé gái này. Tôi đi, chỉ vì tôi đã chán ông ta. Chúc bà lên đường bình an.”
Người đàn bà trẻ với tay lấy chiếc bóp trong túi xách rút ra vài tờ bạc bỏ lên bàn rồi đứng dậy. Bà cúi xuống nhìn tôi, vuốt ve lên má tôi rồi bỏ đi, dáng bà chìm lẫn trong đám hành khách, bỏ lại mẹ tôi đang ngồi khóc và ngẫm nghĩ về thân phận làm vợ của mình.
Suốt cuộc hành trình về lại nhà mẹ tôi khép mình trong im lặng: Bà cảm thấy xẩu hổ, thua cuộc và tôi thấy đôi mắt bà đẫm nước mắt.
Người đàn bà trẻ đã tiên đoán đúng. Khi trời bắt đầu trở lạnh và sắp vào Đông ba tôi đã trở về nhà. Ông đứng trên thềm trước cửa nhà và chờ đợi hằng giờ.
Ông không thể nào tưởng nổi là vài tuần sau cuộc hẹn ở nhà ga, chúng tôi đã dời về sống ở một thành phố khác mà chẳng thông báo cho ai biết./.
Elena Pucillo Trương
(Trương Văn Dân dịch từ nguyên tác tiếng Ý: “Appuntamento alla stazione”)
(trích từ tập truyện Vàng Trên Biển Đá Đen)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét