27 thg 7, 2024

Ý NGHĨA VÀ XUẤT XỨ CỦA THÀNH NGỮ “KHÔNG BIẾT NẶNG NHẸ”

 

Tác giả: Nguyễn Sơn Hùng

Lời mở đầu

Khi biên dịch Bài 4.1 trong Luận Ngữ Cổ Nghĩa của Itô Jinsai, người viết tra trên Internet tiếng Nhật biết được nghĩa của “Bất tri loại”, tiếng Nhật đọc “Rui wo shirazu” có nghĩa là “không biết nặng nhẹ”, và theo Từ điển này (Digital Daijisen, nhà xuất bản Shogakkan), thành ngữ này có xuất xứ từ Bài 12 chương 11 Cáo Tử thượng của sách Mạnh Tử (dưới đây viết tắt “Bài 11.12”). Người viết không ngờ câu thông thường trong tiếng Việt lại phát xuất từ một sách cổ điển xưa như vậy. Có thể đây chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên chứ không phải “Bất tri loại” trong tiếng Hán là xuất xứ của “không biết nặng nhẹ” trong tiếng Việt. Tuy nhiên, nhân dịp này cũng nên tìm hiểu Mạnh tử dùng từ này với ý nghĩa như thế nào và muốn nói lên điều gì, thiết tưởng cũng không phải là vô ích.

Bài 12 chương 11 Cáo Tử thượng của sách Mạnh Tử

 Nguyên văn Bài 12 chương 11 Cáo Tử thượng của sách Mạnh Tử như sau:

Mạnh Tử viết: “Kim hữu vô danh chi chỉ, khuất nhi bất tín. Phi tật thống hại sự dã. Như hữu năng tín chi giả, tắc bất viễn Tần Sở chi lộ, vị chỉ chi bất nhược nhân dã. Chỉ bất nhược nhân, tắc tri ố chi, tâm bất nhược nhân, tắc bất tri ố! Thử chi vị bất tri loại dã.”

孟子曰、今有無名之指、屈而不信。非疾痛害事也。如有能信之者、則不遠秦・楚之路、爲指之不若人也。指不若人、則知惡之、心不若人、則不知惡。此之謂不知類也。

Ghi chú

Nên lưu ý sách tiếng Nhật chú thích “tín信” trong câu trên có nghĩa là “thân伸”, nghĩa duỗi ra, dãn dài ra. Trong Tứ Thư Bình Giải của Lý Mạnh Tuấn, chữ Hán viết 信, âm Hán Việt ghi thân. Chúng ta thấy rõ nghĩa “duỗi ra, dãn dài ra” mới hợp nghĩa của bài. Có thể khi xưa ghi chép hoặc in chữ Hán sai.

Ý nghĩa của bài có thể hiểu như sau.

Giả sử bây giờ có người có ngón tay áp út bị cong, không dãn duỗi ra được. Người đó không đau đớn, cũng không có trở ngại gì trong công việc và sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, nếu nghe có người có thể chữa trị ngón tay thì chắc chắn người đó không ngại đường xa dù phải để đi đến nước Tần hoặc nước Sở để chữa trị. Tại sao vậy? Bởi vì người đó cảm thấy xấu hổ vì ngón tay mình không giống như những người bình thường khác. Trong khi đó nếu tâm (tâm hồn) của người đó có khác với tâm của những người bình thường khác cũng chưa chắc người đó biết xấu hổ. Việc này nói lên điều gì? Đó gọi là “không biết nặng nhẹ” của sự vật.

Nhật Bản Quốc Ngữ Đại Từ Điển (nhà xuất bản Shogakkan) trích dẫn Bài 11.12 sách Mạnh Tử và giải nghĩa “Rui wo shirazu”: Không thể phán đoán giá trị của sự vật. Bỏ mất sự nặng nhẹ, gốc ngọn của sự vật.

Đại Hán Hòa Từ Điển (nhà xuất bản Taishukan) phân chia nghĩa của  chữ loại類 làm 2 nhóm lớn: nhóm I và nhóm II theo âm đọc. Nhóm I có 20 nhóm nhỏ, nhóm II chỉ có 1. Trong nhóm I.3 lại có 6 nghĩa! (Người viết không đủ kiên nhẫn để giới thiệu hết ra ở đây.)

Từ Điển này trích dẫn Bài 11.12 sách Luận Ngữ và xếp vào nhóm 7 của nhóm I. Nhóm I.7 xếp “loại類” có nghĩa là “sự事” (âm tiếng Nhật là koto). Từ Điển này giải thích nghĩa chính của “sự事” là sự việc, sự vật.

Và trích dẫn: “Thử chi vị bất tri loại dã” của Bài 11.12 và chú giải của sách Mạnh Tử “類、事也” (loại là sự).

Chú giải này có lẽ là chú giải của Triệu Kỳ hoặc của Chu Hy. Bởi vì trong phàm lệ của Từ Điển chỉ giải thích “Chú: là nguyên chú của sách được trích dẫn”.

Sách chú giải Mạnh Tử chủ yếu có “Mạnh Tử Chú” của Triệu Kỳ (?~ 201) trong “Thập Tam Kinh Chú Sớ” còn được gọi là “cổ chú”. Chú giải của Chu Hy (1130~1200) trong “Mạnh Tử Tập Chú” gọi là “tân chú”. Ngoài 2 sách chú giải trên còn có “Mạnh Tử Chính Nghĩa” của Tiêu Tuần (1763~1820) (tiếng Trung Quốc) và “Mạnh Tử Cổ Nghĩa” (tiếng Hán) của Itô Jinsai (1627~1705).

Theo người viết, giải thích của Nhật Bản Quốc Ngữ Đại Từ Điển dễ hiểu và rõ ràng hơn.

Trong Tứ Thư Bình Giải của Lý Mạnh Tuấn dịch “Tâm bất nhược nhân, tắc bất tri ố, thử chi vị bất tri loại dã.” là “Còn tâm không bằng người, thì không biết ghét! Điều đó gọi là không biết giống loài vậy”. Từ “không biết giống loài” thật khó hiểu!

Trong phần Từ điển trích dẫn của Từ Điển Hán Nôm dịch câu trên là “Lòng không như người, thì không biết xấu ác, đấy gọi là không biết sự lý.”

Từ “không biết sự lý” thì dễ hiểu hơn “không biết giống loài” nhưng vẫn còn khó hiểu hơn “không biết nặng nhẹ”! Cách giải thích này giống giải thích của Đại Hán Hòa Từ Điển nói trên của Nhật Bản.

Nguyễn Sơn Hùng, ngày 1/7/2024

                 Hoa Tử Đằng (Nhật )
 

Mời Xem Lại :

TÌM HIỂU Ý NGHĨA ĐỨC NHÂN TRONG LUẬN NGỮ CỔ NGHĨA CỦA ITÔ JINSAI (Diền Đàn Khai Phóng )

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét