3 thg 7, 2024

Trương Văn Dân: BỨC ẢNH VÀ CHỒNG THƯ CŨ (T.Vấn Và Bạn Hửu )

                  Sân bay Fiumicino, Roma 21.12.1971 – Ảnh (Tác Giả)

Quãng thời gian dài 50 năm như dồn lại trong tích tắc! Nước mắt chỉ chực trào ra còn trái tim đập liên hồi như con chim đang sải cánh bay qua eo biển. 

Mở cái hộp giấy bị quên lãng sau những đợt chuyển nhà, trước mắt tôi hiện ra một túi ny lông mà khi trút ra bên trong có một chồng thư cũ.

Những bức thư của gia đình mà chủ yếu là những bức thư của ba tôi đã gửi trong suốt 36 năm tôi sống ở nước ngoài, cho đến ngày ông mất.

Tôi như chợt thấy một đời người dồn lại.

Chính vào giây phút đó, tôi ý thức rõ ràng rằng những người tuy đã mất đi nhưng vẫn còn hiện hữu, ở đây, lúc này, tuy vắng mặt mà hiện diện cùng tôi.

 Tất nhiên tôi không thể nhìn thấy họ như bóng dáng xưa. Nhưng nếu hiểu theo lời của thiền sư Thích Nhất Hạnh thì: “Ngày mai, tôi sẽ tiếp tục hiện diện. Nhưng bạn sẽ phải rất cẩn thận mới có thể nhìn thấy tôi. Tôi sẽ là một bông hoa hay một chiếc lá. Tôi sẽ ở trong những hình dáng đó và vẫn gửi cho bạn một lời chào. Nếu bạn đủ nhận biết, bạn sẽ nhận ra tôi, và bạn có thể mỉm cười với tôi. Tôi sẽ rất hạnh phúc ”.

                                   🌸

 Năm mươi năm dồn nén như một chiếc lò xo, nhưng khi bung ra thì những  gì xảy ra trong suốt quãng thời gian đó đồng loạt thức dậy. Chập chờn nhảy múa trong một bầu trời đầy sương mù của ký ức.

Chỉ là một tình cờ hay có một sự sắp xếp nào đó của hoá công? Cách đây mấy tháng, một người bạn mất liên lạc hơn 40 năm tình cờ thấy và kết bạn với tôi trên Facebook. Dũng tìm được tôi nhờ đọc một bài báo trên BBC [1] tiếng việt kể về chuyến bay vào tâm dịch Italia để gặp Elena ngay khi nước này dịch Covid-19 đang bùng phát mãnh liệt mà phần lớn các chuyến bay về Milano đều bị huỷ bỏ.

Mấy tuần sau anh gửi qua email mấy tấm hình mà tôi đã quên đi, không còn nhớ. Đó là bức hình chụp vào sáng ngày 21/12/1971  khi chúng tôi, một nhóm sinh viên 13 người vừa đặt chân đến sân bay quốc tế Fiumicino ở Roma (Bức ảnh ở đầu bài).

     Nhìn bức ảnh, cảm xúc trong buổi chiều 50 năm trước như vừa trỗi dậy. Những thanh niên lần đầu xuất ngoại, làm quen, nói cười rối rít, ai cũng cố tỏ ra mình cứng rắn để che giấu những lo âu về con đường trước mặt. Mặt đăm chiêu, ngồi trịnh trọng trên chuyến bay Air Vietnam từ Sài Gòn qua Bangkok. Thế nhưng lớp vỏ mạnh mẽ như lớp sáp tan chảy khi máy bay cất cánh. Tiếng nhạc trong khoang đang mở to lời hát  “Bài không tên số 2” của Vũ Thành An: “Xin một lần xiết tay nhau một lần cuối cho nhau, Xin một lần vẫy tay chào thôi dòng đời đó cuốn người theo” thì có tiếng thút thít từ các ghế ngồi. Một người, hai người… rồi tất cả đưa mắt nhìn nhau, khuôn mặt nhạt nhoà.

           Chờ cảm xúc lắng xuống, tôi ngồi nghĩ lại. Sau bao năm vật đổi sao dời,  tuy khởi điểm là đi chung một chuyến tàu nhưng dòng đời đã cuốn chúng tôi, mỗi người trôi theo một định mệnh khác nhau.  Ai thuận buồm, ai ngược gió, quay cuồng “như lá úa trong cơn mưa chiều…” thành công hay thất bại gì thì cũng chìm trong bể khổ của đời.

                                        🌸

Bắt đầu từ chuyến bay định mệnh ấy là những ngày tháng xa quê hương, bè bạn và những người thân.  Mọi gian khổ vất vả thì chịu được mà sự cô đơn, trống vắng thì nó mênh mang mà  không biết tỏ bày hay chia sẻ cùng ai.

Niềm an ủi lúc đó là được nghe một giọng nói thân quen, nhưng đó là điều không tưởng. Sinh viên thì nhà làm gì  có điện thoại mà gọi bằng gettone* qua điện thoại công cộng, chi phí một cuộc gọi đường dài có khi bằng sinh hoạt cả tháng!

Gettone là đồng xu nhỏ, có một rảnh ở giữa và bỏ lên một khe nằm trên máy điện thoại. Sau khi kết nối nó sẽ rớt vào máy, thời gian rớt được tính bằng khoảng cách từ nơi gọi đến nơi nhận. Gần chậm, xa mau. Khi gọi xa thì tiếng gettone rơi nhanh như nhịp tim người gọi. Khi thời lượng tương ứng với số tiền trả sắp hết máy rung chuông báo, nếu không nạp kịp gettone là cuộc gọi bị ngắt!

 Thập niên 1970 tôi thường gọi Elena bằng cách này. Ngày nào ăn chiều xong chúng tôi cũng nói chuyện với nhau vài phút, nhưng cũng có khi cao hứng, nói với nhau cả nửa tiếng hay nhiều hơn. Vì là điện thoại công cộng nên có nhiều người khác đứng chờ bên ngoài. Có khi sốt ruột họ gõ cửa cabin hối thúc. Đứng bên trong, tôi xoè bàn tay trái đang nắm một mớ gettone, nhìn thấy, họ lắc đầu, miệng làu bàu rồi bỏ đi tìm máy khác!

Những khi nói nhiều, tiếng gettone rơi làm mình chóng mặt mà ở đầu giây bên kia còn nghe tiếng mẹ Elena mắng: nói gì mà lâu dữ vậy!

Vì gọi điện khó khăn và đắt đỏ như thế nên mỗi khi gọi bạn bè ở xa như Pháp, Đức, Thụy Sĩ… thì chúng tôi xem như mời bạn cà phê, nói lâu hơn là xem như mời bữa ăn trưa, liên lục địa.

Vào năm 1981, lần đầu tiên tôi hẹn hai em Xuân, Minh vừa mới định cư ở Sidney (Úc) đến nhà cô dượng Tàu Năm để chờ nghe điện thoại, giọng chúng tôi run lên vì hơn 10 năm anh em mới nghe được giọng nói của nhau. Người nghe, kẻ nói đều đã chuẩn bị sẵn nội dung, tranh thủ nói nhanh để nói được nhiều!

                                          🌸

Những bức thư cất giữ trong chừng ấy năm làm tôi nhớ tới một thời đã qua và âm hưởng vẫn còn đọng tới bây giờ. Nó như những chiếc cầu cho tôi nối lại với cuộc đời chìm sâu trong kỷ niệm.  Mỗi khi nhận được thư của ba tôi, có khi viết tay, có khi đánh máy, tôi thường đọc đi đọc lại nhiều lần, dù đó là những bức thư thật dài, có khi hơn 10 trang giấy. Ba tôi đánh máy rất nhanh, còn viết thì thư ông chỉ có tôi là đọc  “ro ro” còn các em tôi thì vừa đọc vừa phải… đoán.

Sau khi buông thư tôi thường nằm dài suy nghĩ. Có khi tôi nghe như từ những bức thư đang thở ra hơi thở của ba tôi và trên sàn nhà đang thầm thì bước chân của ông, rõ ràng đến nỗi tôi suýt buột miệng gọi ông. Có khi tôi chăng nghe mà chỉ thấy những khuôn mặt xa xôi hiện về. Nhạt nhòa, nhưng vẫn thấy ba má và tất cả các anh em Hiếu, Nga, Nguyệt, Xuân, Minh và tôi đang ngồi chen chúc quanh bàn ăn ấm cúng. Có lúc tôi mơ chân trần bước đi trên cát biển Qui nhơn, thỉnh thoảng ra mé nước nghe sóng vỗ dưới chân. Tuổi thơ của tôi đã trôi như một dòng sông và những lúc lặng lẽ ấy chỉ còn lại những hoài niệm mà thời gian đã mang đi xa lắc.  Đôi lúc tôi thấy tiếc nuối nhưng chỉ một thoáng thôi, vì nhiều nỗi lo toan khi nhìn đến thực tại nơi đất khách.

          Những ngày sau 1975 thời gian rảnh rổi không nhiều vì từ một chàng công tử vô tư tôi phải vừa làm vừa học. Áp lực kinh tế, học hành, tôi phải thanh thủ học trên xe bus lúc đông người mỗi khi đi đến chỗ làm hay lúc về nhà.

          Trong những lúc mềm lòng, tôi rất cần một bàn tay để nắm. Nghe được một giọng nói thân thương, không cần họ làm gì để giúp mà chỉ cần biết có ai đó quan tâm đến mình.

 Nhưng xung quanh nào có ai đâu! Không có sự chọn lựa nào khác là tự bước đi bằng đôi chân, nhận lấy trách nhiệm cho cuộc sống và tương lai của mình.

Hồi đó, trong suốt bao nhiêu năm… tôi mong chờ những bức thư như một bộ hành mơ nguồn nước trong sa mạc. Gửi thư đi, trung bình 3 tháng mới nhận được trả lời. Biết thế, nhưng viết xong thì ngày nào cũng chờ. Mỗi sáng ra khỏi nhà đều nhìn vào hộp thư, dù biết chắc là không có mà lòng vẫn hụt hẫng.

Những bức thư thường làm tôi bâng khuâng, rộn ràng, đầy ắp niềm vui song cũng man mác, bồi hồi.

Vì những điều kiện khách quan nên tôi không được sống gần ba mình. Thế nhưng trong thời gian ít ỏi đó những bài học của ông vẫn theo tôi suốt cuộc đời. Những lời dạy từ  nhỏ vẫn ảnh hưởng rất lớn đến quá trình hình thành nhân cách cũng như quan niệm về cuộc sống.

Trong thư, ba dặn ra xứ người con sẽ phải hoà nhập vào văn hoá và xã hội mới nhưng đừng để bị làm mờ cái gốc của mình.

Tôi nằm lòng lời căn dặn đó. Sống nhiều năm ở trời Tây, mà khi về Việt Nam ít ai nhận ra tôi là “Việt Kiều” vì  phong cách dân dã chân quê, như bùn đất quê hương vẫn còn bám từ bấy đến nay. Tuy đã từng ngắm tuyết ở trời Âu nhưng cũng đã từng tắm truồng trên dòng sông Côn; Từng ở khách sạn 5 sao lộng lẫy ở nước ngoài nhưng cũng đã từng ăn bát cơm nóng nấu trong nồi đất vào ngày mưa ở Vĩnh Thạnh, nhìn gió núi lùa qua cửa sổ, thấy người thân ở quê ngoại rét run người với chiếc áo phong phanh… bấy nhiêu năm, tuy sống xa nhà mà nề nếp, thói quen, tính cách của ngày xưa vẫn con đậm nét.  Tiếng Việt của tôi vẫn như xưa,  thời gian đầu có chút bỡ ngỡ về vài từ mới nhưng chỉ nghe qua một lần là nhớ, và tuy sống ở nước ngoài 50 năm nhưng tôi chưa bao giờ “độn” thêm từ ngoại quốc nào trong giao tiếp, tôi nghĩ viết “chúc mừng năm mới” là đủ nghĩa chứ thấy không cần phải viết “happy new year” làm gì.

Có thể nói cái tâm là ba tôi đã dạy cho tôi. Sau 1975, ông biết tôi sẽ gặp khó khăn và những buồn phiền không thể tránh: “Đã làm người, thì con phải chấp nhận gánh vác. Đôi khi còn phải gánh cả những việc oan ức…” “Nhưng dù thế nào cũng không được thù hận và đánh mất niềm tin vào tính thiện lương của con người”. “Nếu có điều kiện thì cứ giúp người, thà bị sai lầm còn hơn là ân hận ”…

             Trong những bức thư ấy có điều tôi hiểu ngay nhưng cũng có những lời dạy, mà mãi nhiều năm sau, quá tuổi 60, nghiệm ra tôi mới hiểu. “Sống là phải làm tốt vai trò và bổn phận của mình trong xã hội, nhưng cố bỏ cái tôi để sống an nhiên và hạnh phúc với chính mình.” “Tài năng gì cũng chỉ là bọt bèo. Đừng kiêu căng hay đuổi theo ảo ảnh; Danh tiếng, địa vị gì cũng đều phụ thuộc vào lời khen chê của kẻ khác. Đừng để tâm trí mình dao động vì những việc nằm ngoài tầm kiểm soát đó để không bị biến thành con rối của miệng đời.”

          …Rồi biến cố đau buồn.  Vẫn còn trẻ và đẹp nhưng trái tim ông đã lặng lẽ ngừng đập. Ông chỉ sống vừa đủ lâu để thấy những thay đổi của đất nước và lòng người.

Nhưng ba tôi không mất. Ông chỉ nằm an nghỉ trong trái tim tôi mà thôi.

                                          🌸

Những bức thư ấy là những nhịp cầu nối liền khoảng cách và kết nối tình thân. Xa bỗng hóa gần.

 Ngày xưa liên lạc với nhau rất khó! Nhưng hôm nay, với phương tiện sẵn sàng, mọi cuộc gọi đều tức thời và miễn phí nhưng con người lại ít kết nối với nhau! Ai cũng than rằng mình rất “bận”. Là không có thời gian? Nhưng có thực là chúng ta bận đến nỗi đến không thể gửi một tin nhắn vài phút để hỏi thăm, để biết là mình đang nghĩ đến và chia sẻ với người thân?

 Đúng là cuộc sống hôm nay tất bật, nhưng một cuộc gọi, một tin nhắn để biết rằng đang nghĩ đến nhau là luôn cần thiết.

           Với một khoảng cách quá xa, có khi cách nhau nửa vòng trái đất, thì một tin nhắn có nghĩa là ta vẫn hiện diện khi… đang vắng mặt. Người ở xa cũng không đòi hỏi gì nhiều. Một cuộc gọi ngẫu nhiên, để một thoáng quên đi những bận bịu cơm áo thường ngày hay tạm quên đi những muộn phiền không đáng nhớ. Nghe giọng một người quen ở xa là một niềm an ủi. Biết rằng trên đời này còn có ai đó nhớ đến mình.

           Gọi thăm thôi. Cần chi mục đích? Vì thực ra mục đích quý báu nhất là thăm hỏi mà không có mục đích nào.

          Nhưng dường như mỗi cuộc gặp gỡ, mỗi cú điện thoại đều vì một điều gì. Không cần, không liên lạc!

 Ngày nay, con người thực dụng nên cân đong đo đếm tình cảm bằng những điều kiện sinh tồn chăng? Đôi lúc vì dửng dưng mà ta làm nhạt nhòa những tình cảm đẹp, đánh mất những hạnh phúc giản đơn.

Với các lý do “gần như” hợp lý, nhiều người biện minh cho sự bận rộn vì nỗi lo cơm áo, mà thực tế là trên mạng xã hội hằng ngày họ vẫn đưa hình khoe con khoe cháu, tiệc tùng ăn uống hay hiện diện ở các địa điểm du lịch đấy thôi.

 Hãy sử dụng tốt thời gian vì không ai biết mình sẽ còn bao lâu nữa.

Hơn hai năm bị mắc kẹt Covid ở Ý, tôi đã nhận ra: có một số người nếu không chủ động tìm, họ chẳng bao giờ hỏi đến. Nhờ thời gian đó mà hiểu ai mới thật sự là người quan tâm đến mình.

May là suốt những ngày bị cách ly ở Milano vì Covid -19… tôi đã sống toàn tâm toàn ý với tình yêu văn chương. Đọc và viết rất nhiều. Tôi dành trọn ngày đêm để viết những quyển sách của mình, thi thoảng sửa lại một vài truyện ngắn hay dịch vài đoạn văn hay. Trên bàn làm việc luôn có một bình hoa nhỏ đa sắc mà Elena đã trang điểm cho không gian sáng tác. Phòng làm việc có một cửa sổ lớn nhìn ra ngoài, bầu trời có khi xám xịt, có lúc trong sáng tùy theo mùa. Những lúc nghĩ ngợi, tôi thường nhìn cây lê đơm hoa trắng muốt báo mùa xuân, rồi hoa rụng báo mùa hè, rồi lại lá lại vàng để báo thu sang, sau đó thì trút lá, cành trần trụi trong sương tuyết khi một mùa đông đang đến. Hoa lê trắng còn nở lần thứ hai để mùa xuân khác đến rồi sẽ sớm trôi qua vào mùa hè, mùa thu và mùa đông thứ hai. Thế giới, ký ức về Việt Nam như càng ngày càng xa.

 Thế rồi, đùng một cái, ánh sáng như chói chang rực rỡ hơn từ cái thế giới sáng tạo chiếu vào cái không gian chật hẹp tù túng của những ngày bị cách ly, khi tiểu thuyết Ước Hẹn Cuối Cùng bước vào giai đọan cuối. Nhìn khuôn mặt rạng rỡ của tôi, Elena liền hỏi: anh viết xong rồi hả? Năm mươi năm qua, không cảm xúc nào của tôi mà không bị vợ mình phát hiện.  Suốt hơn hai năm tôi đắm mình cho tiểu thuyết, miệt mài buồn vui hạnh phúc khổ đau cùng nhân vật. Câu chuyện trong tiểu thuyết vô vàn đắm say mà cũng đầy thăng trầm, sầu khổ. Nhưng câu trả lời của tôi là một tràng cười. Điều kỳ lạ là tiếng cười của mình làm tôi kinh ngạc. Cảm tưởng như 50 năm về trước tôi đã nghe chính giọng của mình trong một máy ghi âm trên băng casette. Lúc đầu tôi hoàn toàn không nhận ra, tuy nó đúng là giọng của tôi, nhưng đó là cái giọng mà người khác nghe chứ không phải cái giọng mà bản thân tôi nghe được như máu thịt đến từ bên trong của con người mình.

Suốt hai năm qua tôi âm thầm và im lặng làm bạn cùng nhân vật, hòa mình với những đau thương, chết chóc nên tôi như đã quên đi thực tại. Cười như thế nào? Và bây giờ giống như lần đầu tiên tôi nghe tiếng mình cười.

Lệnh giãn cách lúc này đang nới lỏng và sắp chấm hết. Tôi sẽ được tự do bay về Việt Nam để gặp lại bạn bè và lo việc in ấn tác phẩm tâm huyết của mình. Thế nhưng khi dịch bản thảo ra tiếng Ý- L’ultima promessa- cho hai người bạn thân thì họ khuyên nên in trước bằng tiếng Ý vì bối cảnh tiểu thuyết ở Milano và những vấn đề liên quan đến văn hóa và luật pháp ở Ý…

 Tôi sẽ làm gì với ánh sáng chói chang của những ngày “tự do” sắp tới? Tôi sẽ làm gì với những thói quen cũ, gặp gỡ bạn bè bị gián đoạn sau một thời gian dài? Một quyển sách sắp in không thể trả lại cho tôi những ngày bị cướp mất vì đại dịch. Nó như một đứa con sắp được sinh ra, cần phải chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ, giúp nó tránh những cạm bẫy, những phê phán, đố kỵ hay yêu thương chào đón… tất cả những hệ quả mà mình đã mường tượng trong lúc hình thành câu chữ. Vâng, tôi biết khi sách ra đời, nó cũng không thể nào tránh được những hệ lụy như một con người, cái đề tài mà trước đây tôi đã từng trăn trở khi viết tiểu thuyết Trò chuyện với thiên thần.

Trương Văn Dân


[1] https://www.bbc.com/vietnamese/culture-social-52089979?fbclid=IwAR3B-XnOx36srzUb5qkbVbwLumAjeZvl6Uld_e6QJUDnLQrysJazTeANZlw

*Đồng xu Gettone và máy điện thoại công cộng:


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét