11 thg 7, 2024

Truyện Ngắn Của Ý NHI - MIÊN (Văn Việt )

Anh dự định dành một ngày nghỉ cho việc mở mấy thùng carton đựng sách để sắp xếp lại nhưng cái ngày ấy mãi không đến. Lúc thì về nhà quá muộn, khi thì phải đi công tác xa, lúc thì mệt, khi thì bực bội vì công việc ở sở làm. Anh đợi một vài ngày nghỉ lễ nào đó nhưng rồi chúng cũng vội vã trôi qua trong những cuộc tụ hội bạn bè, ăn nhậu, hò hét đến mệt lử, về nhà chỉ kịp thay quần áo, lăn ra ngủ.

Mỗi buổi đi làm về, khi thì anh vòng qua bên phải, lúc lại vòng qua bên trái nhưng dù vội vã đến đâu, chưa khi nào anh bước ngang qua những vật cản ấy.

Đây là lần thứ ba anh chuyển nhà từ khi đến thành phố này, lần thứ ba, bên cạnh chiếc va li nhỏ là những thùng carton đã bắt đầu xộc xệch. Lần thứ ba, anh đặt các thùng sách ngay giữa gian ngoài của căn nhà.

Đôi lần, anh tự hỏi, vì lẽ gì mình không cất những thùng sách ở gian trong hay trên gác xép nhưng anh không có câu trả lời, chưa có câu trả lời hay đúng ra là, anh tránh một câu trả lời.

Cũng có lúc anh nghĩ, cuộc tìm kiếm Miên đã làm tê liệt những suy đoán của mình.

***

Gần như toàn bộ số sách mà anh có là nhờ vào sự thu thập của anh và Miên, từ những ngày còn đi học ở thị trấn lớn, xa quê.

Quê anh, một ngôi làng ven sông với mấy chục căn nhà, thoạt tiên, xếp dọc theo lối đi bên mép sông.

Con đường này có những lối ngang xuyên qua cánh rừng thưa thớt nối với một thị trấn cũng thưa thớt, rồi từ thị trấn ấy lại có những lối ngang dẫn tới đường tỉnh lộ ngày đêm rộn rịp người xe, nơi có vô số những ngôi nhà lớn, những rạp chiếu phim, những quán cà-phê, những cửa hàng ăn uống đông vui và một ngôi trường lớn, trồng rất nhiều phượng vĩ. Người ta gọi đó là thị trấn lớn, để phân biệt với cái thị trấn thưa thớt nằm ở quãng giữa làng và phố.

Theo lời cha anh, dòng họ Nguyễn của anh là những người đầu tiên đặt chân lên dải đất ven sông ấy. Do những bức bách nơi sinh quán, ông cố của anh dong buồm ngược sông rồi trong một đêm trăng muộn, tấp thuyền vào bờ, nơi có một vạt lau đang trổ hoa, trông xa tựa một thảm bông từ đâu đó rơi xuống rồi vĩnh viễn đậu lại.

Dải đất có bờ lau bông trắng ấy cứ ngày thêm đông, ngày thêm rộn rịp, ngày thêm mở rộng ra, theo chiều dọc, theo chiều ngang, để thành một ngôi làng. Người sau được người trước đón nhận, không hạch hỏi, không dò xét, theo kiểu tụ hội của giang hồ lãng tử thuở xa xưa.

Miên nhập làng vào một buổi chiều đông. Cô bé mang một chiếc ba-lô nhỏ, đến với người bác họ, vốn là láng giềng của gia đình anh.

Theo lệ làng, người ta không tìm kiếm thông tin về người mới. Miên đến lớp như một học sinh vừa nghỉ ốm dăm ba ngày.

Anh, cậu bé lên mười, ngồi dịch vào, nhường chỗ cho cô bạn mới, vài lần lặng lẽ đẩy qua chỗ bạn một cục tẩy, một mảnh giấy thấm, một cây viết chì khi thấy bạn cần và nhận lại lời cảm ơn bằng một cái nghiêng đầu khiến mái tóc dài xõa xuống, che một phần gương mặt.

Nhiều năm sau anh mới biết Miên chưa bao giờ giáp mặt bố, dù cô biết ông ở đâu đó, rất gần.

Cha mẹ anh yêu thương Miên.

Ngôi trường nhỏ xíu do dân làng gom góp tiền của xây nên chỉ có thể giúp bọn trẻ hoàn tất chương trình tiểu học. Chúng cần phải ra thị trấn lớn để có thể học tiếp. Cha mẹ anh đã tìm cách phụ với người bác, giúp Miên để cô có thể cùng anh học lên thêm.

***

Hai đứa trẻ chỉ biết đến sách khi trọ học tại thị trấn lớn, nơi có một quán sách nằm kế bên cổng trường.

Người thì bảo quán có trước khi xây trường, kẻ lại bảo trường có trước, quán có sau.

Quán sách là gian ngoài của một căn nhà hai tầng, xây khá kiên cố. Ở cái gian ngoài ấy, sách che gần kín các mặt tường.

Ông chủ quán đứng tuổi, cao dong dỏng, đeo kính gọng bạc, lúc nào cũng khoác chiếc áo vest màu xám nhạt, ngồi sau một chiếc bàn sơn màu nâu sẫm với một cuốn sách đang mở là một hình ảnh lạ lẫm, đầy hấp dẫn với hai đứa trẻ. Chúng nhìn ông như nhìn một một nhân vật huyền thoại, người có khả năng nắm giữ những bí mật.

Nhưng, đó không phải lần đầu chúng nhìn thấy sách. Chúng từng biết đến sách từ một cơ hội khác, trước đó. Khi chúng đang bận rộn chuẩn bị cho kỳ thi cuối cấp hai, một người anh họ của Miên bất ngờ ghé thăm. Anh tự giới thiệu mình tên K, phóng viên báo tỉnh nhà.

Anh K. có mái tóc quăn với một lọn nhỏ rủ xuống trước vầng trán rộng và đôi mắt sáng lấp lóa sau cặp kính gọng đen thanh nhã. Anh rút từ chiếc túi vải bạt đeo bên mình ra một hộp bánh và cuốn Cánh buồm đỏ thắm của Alexandre Grin đưa cho Miên, bánh ngon, sách hay, em ăn bánh rồi đọc sách hay vừa ăn bánh vừa đọc sách nhé. Cách nào cũng thú vị. Anh cười, như tự thưởng thức câu nói ý nhị của mình.

Cậu bé là anh ngày ấy dán mắt vào chàng thanh niên đẹp trai tên K, trong khi Miên gần như chết lặng trước món quà bất ngờ. Cô chắp hai tay lại trước ngực, đăm đắm nhìn vào cái bìa sách có cô gái xinh đẹp và chiếc thuyền ngoài xa với những cánh buồm rực đỏ.

Chính giây phút đó, cậu bé chợt cảm thấy một nỗi lo sợ âm thầm dâng lên, khiến cậu gần như nghẹn thở.

Những ngày sau, Miên không rời cuốn sách kể về cuộc gặp gỡ của cô bé Assol sống tại một xóm biển nhỏ bé, nghèo nàn, đầy hiềm khích và chàng thuyền trưởng giàu có, đẹp trai, hào hoa phong nhã, Gray.

Gần như trong phút chốc, Miên đã rơi vào một thế giới khác. Thế giới của sách.

Cậu bé là anh ngày ấy bước theo cô với niềm vui mơ hồ của một tình yêu trẻ thơ.

Miên có thể dành hàng giờ để để nhìn ngắm các tủ sách hoặc nghe ông chủ mặc áo vest màu xám nói về những cuốn sách ông đã đọc, không chỉ một lần, vào những thời điểm khác nhau, những biến cố khác nhau, những nhận biết, những khám phá khác nhau trong đời mình, về việc người ta đã chuyển ngữ những cuốn sách ra sao, về sự khác biệt giữa bản gốc và bản dịch, giữa một tác phẩm văn học và tác phẩm điện ảnh, về những cuộc tranh cãi bất phân thắng bại giữa các nhà văn, về số phận huy hoàng hay bi thảm của họ, những mối tình vừa đẹp đẽ vừa buồn bã của họ…

Trên chiếc bàn thấp kê bên cạnh lúc nào cũng có, khi thì một chùm nho xanh mướt khi thì mấy quả mận chín đỏ, khi thì một ít kẹo hoa quả, mấy chiếc bánh cốm được bày trong những chiếc đĩa sứ xinh xắn bên cạnh những chiếc ly thủy tinh trong vắt.

Những gì được ông nói ra với âm điệu nhẹ nhàng như gió thoảng ấy gần như là một thứ kinh cầu. Người nghe không cần thấu hiểu, không cần đặt câu hỏi, chỉ đơn giản bị cuốn đi, chìm đi, ngập mình trong dòng chảy ngôn ngữ kỳ điệu.

Những cuốn sách chúng đặt mua nhiều khi không phải để đọc mà để sở hữu, để tin vào giá trị của nó.

Miên là một tín đồ ngoan đạo và ông là nhà truyền giáo tinh anh, nhẫn nại.

Anh ngồi bên họ, thoạt tiên là một tín đồ bất đắc dĩ rồi cũng dần giác ngộ, dù vẫn canh cánh trong lòng nỗi lo ngại về lai lịch của nhà truyền giáo và cái cách mà ông hút hồn người bạn của mình.

Không ít lần, anh lo lắng khi nhìn vẻ vui tươi hay lo âu, nhìn nụ cười nhẹ nhõm hay vài vết nhăn trên vầng trán của bạn khi cô rời tiệm sách. Không ít lần, anh nhìn thấy đôi mắt thiếu ngủ của Miên, vẻ lơ đãng trong khi nghe giảng bài trên lớp của cô.

Hai đứa trẻ là anh và Miên dành dụm từng đồng trong số tiền cha mẹ chu cấp, số tiền trợ giúp cho học sinh vùng sâu vùng xa, số tiền chạy bàn cho quán cà-phê cách nơi trọ vài dãy phố, để mua sách. Những gì không có trong tiệm của mình, ông chủ tìm mua từ những nguồn khác với nỗi chờ đợi thấp thỏm của bọn trẻ, với niềm vui như vỡ ra khi cầm những ấn bản, dù đã sờn cũ, thậm chí, có cuốn sách còn lưu lại dấu vết của ai đó, một đoạn gạch dưới, một dấu chéo bên lề, một ghi chú ngắn…

Trong căn phòng trọ của mỗi đứa, lần lượt, những cuốn sách đã đọc những cuốn sách còn mới nguyên, những Tô Hoài, Tế Hanh, Tố Hữu, Thạch Lam, Nguyên Hồng, Xuân Diệu, Xuân Quỳnh, A. Daudet, A. Chekhov, Gorki, Paustovski, Remarque, O. Bergolt, O. Henry, Maupassant…được đặt vào các thùng carton.

Các thùng carton đựng sách ngày một nhiều lên, không chỉ lấp đầy tâm trí chúng mà còn như muốn lấp đầy cái khoảng không chật hẹp ấy, vừa khi chúng kết thúc chương trình phổ thông.

***

Anh chọn nghành Thổ nhưỡng học, Miên chọn ngành Văn hóa học. Miên nói, mình cần một nền móng rộng và vững vàng cho việc đọc. Anh ngờ ngợ đó là câu nói của ai khác được bạn mình nhắc lại nhưng thừa nhận đó là một suy nghĩ hợp lý. Hai người dự hai nhóm luyện thi khác nhau, bận rộn và hào hứng.

Vào buổi sáng đến phòng thi, anh vội vã sắp xếp mọi thứ rồi qua đón Miên.

Cửa phòng Miên mở rộng, phơi ra trước anh một khoảng trống lạnh lẽo, không có cả một cuốn vở, một mẩu giấy, một chiếc bút.

Mặc cho tiếng còi của xe đón thí sinh rúc liên hồi, anh chạy khắp các phòng trong nhà trọ, tìm Miên. Không ai trông thấy cô.

Anh bổ nhào đến tiệm sách. Một ổ khóa to đùng móc vào hai khoen cửa rỉ sét. Phía trên ổ khóa, một dòng chữ viết vội trên mặt gỗ: Cửa hàng tạm nghỉ.

Anh đưa tay định đấm mạnh vào cánh cửa rồi dừng lại, buông thõng.

Anh lướt qua những khuôn mặt trên xe, phấp phỏng hy vọng nhìn thấy Miên trên một hàng ghế nào.Anh nghe có ai đó hỏi anh về Miên.

Mắt anh khô khốc, rát cháy.

Anh không biết mình đã vượt qua kỳ thi nặng nhọc ấy bằng cách nào và vì sao, anh có thể đủ điểm để vào trường đại học, đúng chuyên khoa anh đã chọn.

Ngay ngày đầu tiên sau kỳ thi, anh đi tìm anh K ở tòa soạn báo tỉnh nhà.

Anh thấy mình gần như lọt thỏm trong phòng khách rộng lớn, đèn đuốc sáng trưng, tranh ảnh, giấy khen treo đầy bức tường màu hồng nhạt của tòa báo, khi ngồi chờ nhân viên bảo vệ liên lạc với bộ phận của K. Hình như là ban Văn hóa – Văn nghệ gì đó.

Trên bàn của nhân viên thường trực có một tờ báo tỉnh nhà, đang mở trang quảng cáo. Giữa những mẩu quảng cáo được trình bày đầy màu sắc, lọt vào một khung nhỏ, đen trắng: cần sang nhượng gấp quán sách. Gần như nín thở, anh xem đi xem lại những thông tin như tên tiệm, địa chỉ, số phôn… cho đến khi tin chắc rằng đó không phải là quán sách gần bên ngôi trường cũ.

Chú tâm vào mục quảng cáo, anh không nhận ra có người vừa vào phòng và hình như vừa nói điều gì. Ngẩng lên, anh bắt gặp ánh nhìn chăm chú của một người phụ nữ khá đẹp, em tìm anh K có việc gì. Thấy chàng trai đỏ mặt, chị gợi ý, em muốn gửi bài à. Dạ không, anh lúng búng. Thế em là họ hàng của K à. Dạ không. Thế, chị hơi dài giọng, vậy, em cần gì. Dạ em không cần gì. Tự nhiên, anh thấy ngượng ngùng vì cuộc tìm kiếm có vẻ vô lý của mình. Anh muốn đứng dậy, rời đi nhưng anh không sao có thể nhấc mình lên.

Có vẻ đã hết kiên nhẫn, người phụ nữ vừa nhịp những ngón tay thanh mảnh lên mặt bàn, vừa nói rành rọt, giọng đột nhiên trở nên khô khan, K đã rời tòa soạn được vài ba tháng, hình như đến một nơi nào đó và dành thời gian cho một vài kế hoạch cá nhân nào đó. Anh gắng gượng, chị có địa chỉ không ạ. Người phụ nữ cười khẽ, bí mật mà em.

Anh rời tòa soạn, cố xóa đi hình ảnh K với món tóc rủ xuống vầng trán rộng, đôi mắt sáng sau chiếc kính gọng đen trang nhã, chiếc áo kẻ ô sẫm màu… cố xóa đi cái mẩu tin sang nhượng quán sách, xóa đi tiếng cười lạnh lẽo của người phụ nữ, như cố chạy khỏi một tai họa đang đổ ập xuống đời mình.

Gần như ngay sau đó, anh hay tin người hàng xóm của nhà anh – người nuôi Miên trong một thời gian khá dài, đã rời làng, hình như trở về quê cũ để nhận một gia tài nhỏ được cha mẹ chia đều cho các con.

Kiệt sức, chàng trai mười tám tuổi là anh ngày ấy, trở về quê, chờ đợi kết quả của kỳ thi đại học.

Gần ba tháng trời, anh sống trên mảnh đất mới khẩn hoang của gia đình, lặn lội tìm kiếm vài giống ngô, khoai, sắn, vài giống cây ăn quả cho mùa tới, vài loại phân bón có thể làm mới mảnh đất cằn khô.

Gần ba tháng trời anh chờ đợi một lời nhắc nhớ đến Miên của bố mẹ nhưng họ hoàn toàn im lặng.

Gần ba tháng trời, trong những giấc mơ rời rạc của mình, anh gặp Miên – Miên của tuổi lên mười, khẽ nghiêng đầu qua phía anh, mái tóc dài xõa xuống, che một phần gương mặt. Trong mơ, anh nghĩ, chỉ một chút nữa thôi, Miên sẽ quay hẳn sang và anh sẽ nhìn thấy trọn vẹn gương mặt cô nhưng, lần nào cũng vậy, đúng vào giây phút đó, anh nghe thấy một tiếng động lớn rồi giật mình tỉnh dậy.

***

Trước ngày nhập học một tuần, anh quyết định tìm về vùng quê của Miên.

Làng Miên, một làng nhỏ nép sát vào chân ngọn núi lớn ở vùng trung du.

Tránh sự tò mò của đám đông, anh ghé vào hàng nước của một cụ bà đặt ngay trong sân đình.

Như mọi quán chè chén khác, trên cái bàn gỗ nhỏ, có vài ba hũ đựng kẹo lạc, kẹo vừng, kẹo chè lam, một cái khay nhựa in hình một khóm trúc đã úa vàng vì cặn nước chè và dăm cái cốc. Ngay bên dưới bàn là một ấm nước chè được ủ kín trong lớp bao tải cũ và một chiếc điếu cày.

Bà cụ đon đả, cậu ở xa tới phỏng. Câu hỏi của bà giúp anh có thể bước ngay vào câu chuyện của mình, dạ, cháu đi tìm người họ hàng ạ. Bà vừa chuyên nước ra chiếc ly thủy tinh vừa hỏi, chả hay cậu tìm ai. Dạ, bà Mận ạ. Bà cụ nhìn anh, vẻ tư lự, Mận ư. Mận nào, Mận xóm Đông, Mận xóm Bắc, Mận nhà cả Tam hay Mận nhà Lạng. Bất ngờ, anh ngẩn ra một lúc, dạ, bà Mận khoảng trên năm mươi, hơi đậm người, da ngăm ngăm ạ.

Bà đẩy nhẹ lọ kẹo lạc về phía anh, cậu ăn kẹo, uống nước, thong thả để tôi nhớ xem, tôi cũng lẩm cẩm rồi, bầy cháu nội ngoại ở nhà mà còn nhầm tên, nhầm tuổi đứa nọ với đứa kia.

Bà chợt kêu lên mừng rỡ, tôi nhớ ra rồi. Người giúp được cậu là ông Tỏ, thợ cắt tóc. Họ nhà ông ấy ba đời làm thợ cắt tóc, gỉ gì gì ở cái làng này ông ấy cũng biết, ai nên ai hư ai thành ai bại, chuyện làng trên xóm dưới gì lão cũng tỏ tường. Cậu cứ ra đầu làng là thấy ngay cái quán của lão.

Quán cắt tóc của ông Tỏ gá lưng vào bức tường đá ong của ngôi nhà đầu làng, rộng khoảng hơn ba mét vuông, che tạm bằng mái tranh trên bốn cọc gỗ khẳng khiu.

Anh may mắn gặp khi quán vắng khách. Chỉ thoáng nhìn, ông đã biết khách từ xa tới và hẳn là chẳng để cắt tóc. Ông hỏi luôn, cậu muốn tìm ai.

Anh thở ra nhẹ nhõm, dạ, cháu tìm bà Mận trên năm mươi, người hơi đậm, da ngăm ngăm ạ. Rồi tự thấy thông tin của mình không đủ, anh nói thêm, bà ấy đi xa ít lâu, vừa mới về lại ạ.

Ông Tỏ quay nhìn bộ mặt gầy choắt tóc tai bờm xờm của mình trong gương, bất chợt cười lớn, cậu thấy không, chả có anh thợ cắt tóc nào tóc tai gọn ghẽ, chả có ông thợ may nào quần áo bảnh bao. Dốc lòng làm đẹp cho thiên hạ, tâm trí đâu mà lo cho bản thân. Anh chưa kịp hiểu điều gì đang xảy ra, ông bất ngờ cất giọng khàn đặc vì thuốc lào của mình, bắt vào một đoạn hành khúc quen thuộc vì nhân dân quên mình vì nhân dân hy sinh… rồi lại đột ngột đổi tone một lần nữa, mắt nheo lại như cười, mà không chỉ giới bình dân chúng tôi đâu nhé. Làng tôi có một ông diễn viên xịn xò lắm, đóng toàn vai ông lớn giàu có, ăn bận sang chảnh, nói năng rành rẽ, vậy mà, thi thoảng về làng giỗ chạp, cứ lử khử lừ khừ như từ vào đền. Rõ hãm.

Ông chợt im bặt, khi bắt gặp ánh nhìn hoang mang của chàng trai trẻ trong gương. Ông quay lại, giọng trầm xuống, cậu đừng chấp, tính tôi tếu táo, thích trêu thích đùa cho mọi người cười, cả làng gọi tôi là Tỏ tếu, mà xem ra, lúc này cậu chẳng cười nổi.Vậy là, cậu tìm bà Mận mới về làng à. Chẳng đợi anh trả lời, ông nói một hơi, bà ấy lại đi rồi, nghe đâu theo cô cháu gái vào đâu phía nam, chẳng biết miền Tây hay miền Đông, miền núi hay miền biển. Đời nó cứ vẩn vơ mờ tỏ thế đấy.

Ông dừng lại, như đợi phản ứng của người nghe nhưng chàng trai vẫn im lặng tựa mình vào chiếc cột khẳng khiu, hai tay khoanh lại trước ngực, đầu hơi cúi xuống. Chẳng hiểu vì lẽ gì, chính cái dáng vẻ như cam chịu ấy lại thôi thúc ông phải nói cho bằng hết những ý nghĩ chợt đến, đất này động cậu ạ, chẳng ai ở yên được, hết người này đến người khác, từ đời xưa đến thời nay, cả làng cứ xáo xác, người đi kẻ ở, đi rồi về, về rồi lại đi, cũng có người mất tăm mất dạng ở nơi nào, chẳng ai biết. Bởi vậy, tìm người ở làng này nhiều khi như mò kim đáy bể cậu ạ. Cậu cứ rảo quanh làng một vòng mà xem, buồn lắm, chỉ có người già con nít thôi. Mấy đứa con tôi đó, đi hết rồi, chúng bảo làm sao sống với mấy rẫy sắn, rẫy khoai. Tôi bảo, cụ tổ cụ tông chẳng sống đấy thôi. Chúng vặt lại, các cụ đâu có xem ti vi, đâu có đọc sách, đọc báo, đâu có fây búc, tít tốc… Xin lỗi cậu, có đứa còn nói hỗn, các cụ thì biết đếch gì.Thế đấy.

Giọng ông mỗi lúc một nhỏ lại, gần như thì thầm, cứ phải vui mà sống cậu ạ. Cái gì mất thì không còn thuộc về mình, cái gì không giữ được thì buông.

Thấy anh dợm bước ra khỏi quán, ông đặt tay lên vai anh, xoay người anh lại, ấn nhẹ anh ngồi xuống ghế, cậu ngồi xuống đây, tóc dài rồi, cho phép tôi khoe chút tài mọn nhé.

Anh nhìn thấy trong tấm gương lớn khuôn mặt của chàng trai mười tám tuổi, miệng như mỉm cười mà ánh mắt không cười.

***

Trước ngày cưới khoảng một tháng, anh quyết định đóng một chiếc kệ sách, kê dọc theo bức tường phòng ngoài.

Anh giở tất cả các thùng sách ra sàn. Anh muốn sắp xếp chúng theo một trật tự khác, theo từng nước, từng khu vực, từng tác giả.

Trong đống sách, có một số cuốn còn nguyên giấy bọc. Anh nhặt lên cuốn gần mình nhất, mở bọc giấy bóng kính. Bìa sách in hình một người đàn ông mặc bộ quần áo màu đen đang hướng về phía một mặt trăng tròn vành vạnh, bóng người ấy đổ dài trên một vũng sáng. Trên cái nền ấy có một dòng chữ nhỏ, hai màu đỏ, trắng, ghi tên tác giả và tác phẩm: Paul Auster – Moon Palace. Anh không nhớ họ đã mua cuốn sách trong tình huống nào nhưng chắc chắn đã làm theo chỉ dẫn của ông chủ quán sách hoặc anh K.

Tò mò, anh mở sách và đọc vài trang đầu. Một chàng sinh viên mồ côi, nhận được gia tài là những thùng sách của người bác từng cưu mang anh. Chàng trai đã lần lượt đọc chúng và lần lượt bán đi, cho đến cuốn sách cuối cùng, để có tiền sống qua ngày…

Mình cũng được thừa hưởng một gia tài, anh nghĩ khi nhìn đống sách ngổn ngang trên nền nhà.

Ở rìa đống sách, sát với chân tường, phần bìa có hình ảnh cô gái của cuốn Cánh buồm đỏ thắm bị che khuất, chỉ có màu đỏ của những cánh buồm hắt lên một vệt sáng trong chiều muộn.

Bất giác, anh nhớ giọng nói trầm trầm của K trong một lần gặp: “Cậu nên biết, với nhiều người, trong đó có cậu, truyện của Grin chỉ là một giấc mơ nhưng với Miên, đó là niềm khao khát, khao khát chạm đến giấc mơ ấy, khao khát cầm nắm giấc mơ ấy”.

                                                                                                         SG 6/2024-Ý NHI

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét