VẪN LÀ NGƯỜI KHÔNG ĐẠO
Chuyện viết tưởng thật nhưng lại không phải là sự thật từ bối cảnh tới tên người
Ba tôi làm cặp - rằng cho đồn điền cao su ngút ngàn của Tây ở bên kia đường chợ xã, nhà tạm gọi cũng đủ ăn đủ mặc, mái tôn vách một nửa đất, một nửa ván. Không biết ông bà theo đạo gì, trước nhà có cái bàn thiêng giữa sân, thường có nhang đèn, chắc là thờ cúng tổ tiên, không thấy ông bà đi lễ gì của đạo nào, cho nên tôi chỉ lẩn quẩn với hình ảnh đó.
*
Cuối năm lớp Nhất trường xã, dù học giỏi có lảnh thưởng, chuẩn bị thi lên Đệ Thất trường tỉnh, thầy cô đều chắc mẻm với ba má tôi, khỏi lo sẽ đậu. Mấy đứa cùng lớp con nhà khá giả dãy phố gạch bên kia chợ, rộn rịp đi học thêm đâu đó ở trường luyện thi dưới quận, thấy họ rục rịch lăng xăng ông bà cũng lo. Bằng cái xe “gô -ben” của Đức, ba chở tôi xuống quận, tìm trường, cái trường tư nằm cạnh bờ sông dọc theo chợ, hỏi thăm chuyện học thi.
Cuối cùng, không biết sao, một hôm ông chở tôi xuống quận, mang theo túi quần áo, ra tiệm tạp hóa, có bán cả tập vở, giấy viết mua bàn chải, kem đánh răng, tập, viết và một đôi dép Nhật mới, ông đưa tôi tới ở trọ tại nhà cô Ba, không biết bà con như thế nào, trong nhà có chị Sắn, chị gái học đệ tư đệ tam ở trường trung học quận và Thành, thằng em trai, trạc tuổi tôi, cũng sẽ học luyện thi tại cái trường bờ sông, vui vẻ lăng xăng “mầy tao tao mầy”.
Đêm đầu nhớ nhà cứ ngồi trong góc phòng khóc thúc thít, cô Ba chị Sắn an ủi, vỗ về nhưng khóc cứ khóc, chứ biết nói làm sao. Nằm bên rấm rức làm Thành cũng muốn khóc theo, hai thằng ngủ lúc nào không biết.
*
Vậy mà cũng dễ quên, có Thành đi học cùng, chỉ cho cái này cái nọ ở phố quận rộn rịp xe lôi xe kéo, người bán người mua tấp nập, không giống như cái chợ xã, nhà lồng trống trơn, gió lùa gió tạt, lưa thưa người qua người lại, sáng sớm nhóm vội rồi chưa tới trưa đã tan mau.
Nhà cô Ba gần cái chùa cổ xưa, âm u huyền bí, cây lá bao quanh, cách sân sau nhà, bên kia góc ngã ba của con đường trải đá chạy ra bến đò bờ sông. Chiều đi học về, cơm nước xong, thay vì chạy ra đường hứng gió, nhặt hoa phượng, chơi trò chơi đá gà như tụi nhỏ khác, Thành kéo tôi qua bên chùa, dắt tôi vào hậu liêu, gặp ông sư già mặt hiền khô, nhi nhô chỉ tôi “ông ơi, thằng Biên, bạn con, nó cũng học thi đó”, ông gật đầu cười.
Thành chẳng cần ông nói gì, nắm tay tôi đi ra sân trước chùa, có tượng Phật cao, uy nghi, bảo tôi quỳ xuống làm theo như nó, chấp tay, thúc tôi lâm râm “phù hộ cho tụi con thi đậu năm nay nghe ông Phật” rồi làm dấu cho tôi xá xá mấy cái theo nó, vừa đi nó vừa nói “má tao và ông sư dạy bảo ngày nào cũng làm như vậy thì Phật thương sẽ ban phước cho mình” khi hai thằng trở vào trong.
Rồi từ hôm đó, chiều nào cũng vậy, cơm nước xong, hai thằng chạy qua chùa, lấy chỗi quét lá trong sân, những chiếc lá đa lớn vàng héo rụng, gom vào một góc đâu đó, rồi chờ ông sư trong cái áo cà sa vàng phai nhạt, đi lên chánh điện, hai thằng theo sau, phụ đốt đèn cầy, thắp nhang đủ chỗ, trong cái khung cảnh linh thiêng, lâng lâng đó, hai thằng thay phiên cầm cái dùi lớn và dài, đánh cái “đại thần chung” ở góc trong, tiếng chuông vang ra tới tận bờ sông, không chừng cũng theo gió qua sông, trong bóng chiều tà nhá nhem ngã bóng.
Từ đó tôi biết ngân nga đôi ba đoạn kinh mà ông sư già tụng mỗi chiều, biết thương biết nhớ hình ảnh ông Phật uy nghi trong chánh điện. Làm cái gì Thành cũng bảo tôi phải làm tốt, làm lành vì “mình là con của Phật” và cũng từ đó tôi tự cho mình là “con của Phật”. Tuần nào cũng vậy, chiều thứ sáu, tan học, ba tôi đến trường, đón chở hai thằng về nhà, tạt vào hỏi han cô Ba mấy câu, rồi chở tôi về lại trên nhà chơi, sáng sớm thứ hai đưa xuống quận lại. Về lại nhà, mấy hôm như vậy, tôi cứ nhớ cái sân chùa, nhớ cái đại thần chung, nhớ ông Phật giữa chánh điện và nhớ Thành, chắc không có tôi nó buồn, vì nó đã nói như vậy mà.
*
Hai tháng học luyện thi qua nhanh quá, phượng vẫn còn nở nhưng thưa thớt hơn, báo hiệu trời sắp thay mùa, hè cũng sắp hết. Hôm chia tay, ba má tôi xuống, đem chút quà bánh gì đó, cám ơn cô Ba nhưng cô nhất định không nhận, tôi và Thành, xin phép qua chùa, từ giã ông sư già, quỳ trước ông Phật trong chánh điện, cầu nguyện cho thi đậu, hai thằng đứng bên nhau, chấp tay xá, bổng dưng muốn khóc. Ra khỏi cổng nhà, cô Ba, chị Sắn và Thành đi theo sau tiễn, Thành một lần nữa nói với tôi “nhớ nghe, mình là con của Phật” tôi gật đầu hứa, cả ba chúng tôi đi khỏi rồi mà họ cũng còn đứng nhìn theo, đường tới bến xe lam vắng người.
*
Lên trường tỉnh, ba gởi tôi ở trọ nhà chị Tươi, chị của một thằng em trai, cũng từ dưới xã bên cạnh xã nhà tôi lên học cùng lớp năm đầu đệ thất, chị có chồng nhưng anh mất sớm, chị ở vậy với thằng con trai học lớp ba lớp bốn gì đó ở trường tiểu học tỉnh, chị nhận thêu áo dài áo ngắn tại nhà, việc làm không quá bận rộn nên chuyện cơm nước không có gì lo, nhà mái tôn vách ván, không xa trường, nằm trên đường nên đi về quá tiện. Bảo, tên em chị, hiền và ít nói nhưng ham cười, cái gì cũng cười.
Vào học chừng hơn một tháng, đâu đó ổn định, Bảo rũ tôi gia nhập đoàn viên gia đình Phật tử của tỉnh, nhớ lời của Thành “mình là con Phật” tôi đồng ý ngay, phải có đồng phục, chị Tươi may cho khỏi lo. Sau hôm có đồng phục, trừ hai ngày thứ bảy chủ nhật thì tôi và Bảo đón xe chiếc xe đò quen về nhà, hai đứa cứ chiều thứ sáu thì lội bộ ra niệm đường Quảng Đức, ở ngã ba đường lên cư xá công chức tỉnh, sinh hoạt với nhiều anh chị và bạn cùng lứa khác. Đèn đuốc sáng trưng, có tượng ông Phật ở giữa gian phòng, cũng uy nghi nhưng có vẻ không uy nghi hơn ông Phật của cái chùa dưới nhà Thành, một lần nữa tôi là “con của Phật”, có nghĩa là từ đây nếu ai đó hỏi tôi đạo gì, chắc chắn tôi sẽ xác nhận mình đạo Phật. Tôi lại thuộc kinh, đọc tiếng Phạn, như các anh chị trong gia đình Phật tử rành rẻ, nghĩa thì chưa hiểu trọn ý, tôi hảnh diện với cái huy hiệu hình đài sen đeo trên áo, thuộc lào lời Phật dạy như lời của vị đại đức dẫn dắt.
*
Ở nhà chị Tươi với Bảo ba năm, dạo này ba má tôi cũng ít khi lên tỉnh thăm, vì tôi thường xuyên về nhà, và tôi cũng lớn bộn rồi, chuyện ăn đâu ở đâu ông bà để mặc tôi lo liệu. Lên Đệ Tứ, không biết gió nào đưa đẩy, tôi theo Điền, thằng bạn thân cùng lớp, nhà trong khu nhà thờ tỉnh, tới ăn cơm chiều ở cái quán cơm bình dân trên đường Pasteur, nó không lạ gì với hai bác chủ quán, chưa có khách đông, bác gái nghỉ tay, thấy tôi chắc dễ thương nên ngồi bên hỏi này hỏi nọ, Điền nhanh miệng cười cười nói tôi đang tìm chỗ ở trọ đi học, bác gái không chần chờ bảo lại ở với hai bác, tiền bạc khỏi lo, nhà ngay sau lưng, bước hai bước tới quán, là cái biệt thự vừa, cái sân cạnh quán trồng đầy bông Hồng và mấy c ây sa bô chê xanh lá, nhà thờ phía sau nhà. Bác sáu Hiến trai, công chức hỏa xa thời Tây, hưu trí chắc cũng hơn chục năm, tuổi gần bảy mươi, nhà có người con trai một, anh đang du học bên Anh, bác trai là “ông Bỏ” của nhà thờ tỉnh.
Về nhà báo tin, dọn tới nhà bác sáu Hiển chừng hai hôm, bác dành cho một căn phòng vừa vặn, giường mền có sẳn, “buồn ngủ gặp chiếu manh”, chăc nhờ ông Phật thương cho nên có dịp may bằng vàng này. Sáng thứ bảy, không đi học, ra phụ bác gái sửa soạn bàn ghế chén đủa trong quán, chị người làm chưa tới, tôi dành việc này từ hôm đầu, bác gái nẳng nặc không cho nhưng rồi thấy tôi nhiệt tình quá, vã lại có thằng nhỏ lặng xăng nói cười bên mình, cũng vui bác đành chịu, thì ba tôi từ quê chạy xe “gô – ben” lên, quán chưa mở cửa, ba người lớn lên nhà trên, tôi đứng sớ rớ sau lưng, ba tôi cám ơn hai bác có lòng thương, cũng nhờ hai bác dạy dỗ thêm, vì có chút vốn liếng tiếng Tây nên ba tôi và bác sáu trai hỏi han không biết bao nhiêu là chuyện, xong xuôi đâu đó ba tôi kiếu từ ra về, hai bác kêu ông ở lại ăn cơm trưa, nhưng ông khất lại lần tới vì còn nhiều việc cần làm ở dưới nhà. Ngày lại ngày qua, đi học về chiều nào cũng như chiều nấy, chạy tới chạy lui phụ bưng thức ăn cho khách, lau bàn này bàn kia, mặc dù đã có cô chị gái, người làm, nhà ở hẻm nhỏ bên trong xóm đạo.
*
Riết rồi quen mặt, tôi được người trong xóm đạo mến, đi đâu ai cũng “thằng Biên thằng Biên” vì xem tôi là cháu của ông Bỏ nhà thờ. Và cũng từ đó tôi làm quen dần với tượng Chúa, chuông nhà thờ, nước Thánh và thánh kinh. Sáng Chủ nhật, hai bác cháu qua nhà thờ thật sớm, lo sửa soạn mấy băng ghế ngồi, đèn đuốc, chỗ Cha đứng làm lễ… cho người đi lễ sáng, xong xuôi tạm đóng cửa, hai bác cháu về nhà kiếm chút gì ăn, rồi trở qua nhà thờ, mở cửa cũng là lúc người đi lễ vừa tới.
Chuông đổ báo lễ bắt đầu, bác trai vào bên trong, người đi lễ ngồi chật ních, mới đầu thì đứng ngoài cửa, sau một số người tới trễ, dần dần vào bên trong, đứng dựa vào tường, nghe Cha giảng kinh thánh, cứ thấy người ta làm dấu “A men” thì cũng bắt chước làm theo. Và cũng từ đó tôi thêm là “con của Chúa”, tôi thuộc cuốn giao lý của bác sáu trai, thuộc vài phần chính của Thánh kinh Cựu Ước, nhưng vẫn cứ là người ngoại đạo, mặc dù người trong xóm nhà thờ coi tôi là “con chiên ngoan đạo” vì chưa một lần vắng mặt những ngày lễ cuối tuần.
*
Tôi rời nhà hai bác Hiển sau khi đậu Tú Tài Một, vì anh con của hai bác từ bên Anh về, tới ở chung với vài người bạn cùng lớp Đệ Nhất nhưng khác ban, mấy năm dưới môn toán cũng khá nhưng năm nay xem ra “không thọ” với chữ B toán này, nên nhảy qua ban A cho chắc ăn đường thi cử, tại căn nhà ngói âm dương cũ, cuối dốc đường bờ sông, xế ngã ba cổng trường. Bỗng dưng từ đó quên và xa dần với Phật với Chúa, chưa đứng hẳn bên nào, vẫn nhập nhằng “con Phật, con Chúa”.
Trước ngày thi cuối năm trung học, tôi đón xe lôi máy đi ra cái chùa nhiều khách thập phương nằm ngoài ven ranh phố tỉnh, giữa cánh đồng xanh ngát lúa, quỳ dưới tượng Phật, như là “con của Phật” tôi lâm rầm cầu nguyện, lập lại giống hệt lời của tôi và Thành ngày trước ở sân chùa dưới quận. Hôm khăn gói từ giã trường xưa, chờ chuyến xe đò xế trưa về lại nhà, tôi tới từ biệt, cám ơn hai bác Hiển đã thương mến, bao dung cho mình, công ơn này khó quên, rồi tạt qua nhà thờ, đứng dưới tượng Chúa giữa sân, như là “con của Chúa”, chấp tay cầu nguyện rồi làm dấu thánh giá như người ta làm nhưng dấu thánh giá của một người ngoại đạo. Tôi chưa một lần về lại phố tỉnh từ ngày đó.
*
Đầu năm đại học, trên đường về nhà, ghé tạt ngang qua thăm cô Ba, từ ngày lên trường tỉnh, chưa gặp lại cô, chị Sắn, hay tin Thành rớt kỳ thi cuối, đã vào lính, đang đóng đâu đó trên cao nguyên mưa rừng gió núi, chị Sắn chưa lập gia đình, giờ là cô giáo ở trường tiểu học quận, ngay chợ. Từ biệt cô, tôi qua chùa, ông sư già đã viên tịch, xin phép vị trụ trì mới, vào chánh điện thắp nhang cầu nguyện cho ông yên lành về với Phật, rồi ra tượng Phật giữa sân, nhớ Thành nhớ lời cầu nguyện hôm nào, bổng dưng muốn khóc.
*
Má tôi mất giữa năm cuối đại học, đám tang có vị sư làm lễ cầu siêu trước khi chôn cất. Ra trường đi làm chừng chưa đầy năm thì ba tôi cũng qua đời vì căn bệnh thận suy, ông được chôn cạnh má, căn nhà ở chợ xã quê bán lại cho chú thiếm có nhà làm bún đầu ấp với giá rẽ, tôi chưa một lần về lại chợ xã.
Tôi lập gia đình, gia đình bên vợ có đạo Thiên chúa mà là đạo dòng nữa nhưng bà nhạc, vợ tôi không buộc phải theo đạo như nhiều gia đình khác, tôi lúc thì theo vợ đi nhà thờ, có khi một mình tới chùa như thằng ba phải “sáng lạy Chúa chiều xá Phật”.
Bỗng dưng đổi đời, sự việc nhiễu nhương, như hàng ngàn người khác, tôi cùng vợ bỏ Sài Gòn ra đi coi như vĩnh biệt. Ra đến xứ người, chúng tôi làm lại lễ hôn phối tại nhà thờ người mình, sau khi Cha xứ giúp xin bên La Mã, cho phép vợ tôi kết hôn với người ngoại đạo, thường xuyên theo vợ đi lễ nhà thờ sáng Chủ Nhật mỗi tuần, như những ngày còn bên nhà, thời ở trọ nhà hai bác sáu, giáo dân ê a kinh, tôi lặng im nghe, cuối cùng ai nấy A Men tôi cũng A Men nhưng vẫn là người ngoại đạo.
Tôi có hai đứa con trai, khi dọn nhà tới vùng khác, khá xa giáo xứ người mình, lớn chút xíu đã lăng xăng theo mẹ đi nhà thờ, không cần biết có ba theo hay không. Lớn hơn một chút nữa, vào trường tiểu học tư, trường đạo, được Cha xứ người xứ Malta, hiền hậu vui tính thương sao đó, hai đứa làm “phụ bàn thờ” phụ lễ với Cha. Thỉnh thoảng bạn bè thân tới nhà tổ chức nấu ăn, vợ chồng tôi mời Cha tới cho vui, vì nhà không xa nhà thờ, ôi thôi Cha “dô” hết ly này tới ly kia, cười nói huyên thuyên với mọi người, ai cũng một Cha hai Cha, bất kể mình đạo gì, Phật hay Chúa hài hòa như một.
*
Vợ chồng tôi cũng thường theo mấy người bạn chơi thân, làm công quả tại cái chùa khá lớn của người mình, những ngày chùa có bán đồ chay hay ngày lễ Phật Đản, Vu Lan, những ngày này đông nghẹt người và người, tôi lại vào chánh điện, lại quỳ dưới chân đức Phật, thì thầm nhận mình đã là “con của Phật”. Những hôm này vợ tôi bỏ mặc, tụm ba tụm năm với mấy bà chị, có bà biết tôi từ bên nhà, ba bà bốn chuyện, tới trưa cũng chưa chịu về mặc dù họ gặp nhau hàng tuần.
*
Một ngày đầu hạ, cũng đầu hạ như năm xưa ở chợ quận quê nhà, tôi khóc dù cô nén lại đừng khóc, khi đọc thư của chị Sắn từ bên nhà gởi qua, Thành đã mất sau mấy năm ở tù về. Phật đã quên “thằng Thành con của Phật” rồi sao, cái kỷ niệm ngắn ngủi hai tháng học thi đầu hạ của tôi với Thành cứ quanh quẩn trong đầu suốt mấy ngày sau đó, quanh quẩn bao nhiêu thì nước mắt tôi ứa ra bấy nhiêu. Tôi tới chùa, đi một mình, xin phép quỳ dưới chân Đức Phật, cầu nguyện cho Thành được bình yên dưới mộ và xin sư thầy làm cái lễ nhỏ cầu siêu cho hồn Thành thanh thản.
*
Ngày lại ngày qua, tháng đi năm tới, xuân hạ rồi thu đông, tôi vẫn vậy, với Cha, thân tình, gần gũi dù biết tôi là người ngoại đạo, với Thầy cũng thân tình, gần gũi dù biết tôi là người có đạo. Sống với đạo nào tôi cũng cố làm “người tốt” như lời Thành nói ngày xưa còn bé, nhưng có tốt chưa tôi chưa biết, một bên là “con của Phật”, một bên là “con của Chúa”, trong vở tuồng đời, chưa tới màn cuối, tôi vẫn là tôi, người không có đạo.
Thuyên Huy
Xin thứ lỗi nếu có trùng tên ai đó
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét