Hôm ấy cũng là một ngày cuối năm của những năm sau chiến tranh . Khi cuộc chiến thảm khốc chấm dứt để những cuộc chiến tang thương khác dấy lên. Khi mọi giá trị đều đảo lộn và tất cả đều hoang mang . Có những cuộc chia tay lặng lẽ với nổi ngậm ngùi của người đi kẻ ở và ngày về là vô định. Những đứa trẻ vô tư ca hát, những người lớn nhìn thế cuộc đổi thay và những kẻ theo đóm ăn tàn được gọi là cách mạng 30/04 .
Sau những nổi xôn xao thời cuộc là nạn đói. Cái đói lan tràn khắp hang cùng ngỏ hẽm, cùng với những ngôi mộ đắp vội vàng ngày một gia tăng cho khu nghĩa trang tự phát của một vùng kinh tế mới được gọi là Ngã Ba Chùa. Một nơi xa xôi thuộc huyện Bình Long tỉnh Sông Bé , xã Minh Thạnh. Khi mà mạng người chỉ đáng giá bằng mấy củ khoai mì, kẻ đào trộm khoai mì được chôn ngay tại rẫy và cũng không ai buồn quan tâm những con người bất hạnh. Cái khổ, cái đói đã làm lạnh đi những trái tim . Người ta ăn tất cả những gì có thể ăn được, người ta chết không vì đói mà vì ăn nhằm những thứ không phải thức ăn, lá mì, nấm độc, củ nần rừng và chết vì thiếu thuốc men, vì bịnh sốt rét rừng .
Lúc ấy tôi là một cô giáo vùng cao, Căm Xe nơi xa nhất của xã Minh Thạnh. Với mức lương không phải là tiền mà là ba kí gạo và một số khoai mì lát khô . Các thầy cô dần dần phải bỏ trường mà đi. Tiền đối với tôi là cái gì mơ hồ vì thỉnh thoảng được lảnh xong là đưa cho mẹ, chẳng quan tâm là bao nhiêu. Mỗi ngày nửa buổi đi dạy, nửa buổi lại vác cuốc , vác rựa vào rừng.Lâu lâu lại có thầy cô hay học sinh xỉu vì đói trong lớp học .
Ấy vậy mà mùa Xuân vẫn đến, và trường tổ chức lễ đón mừng năm mới . Tôi có trách nhiệm dẩn lủ trẻ từ vùng xa, lội qua những con đường gai góc gần mười cây số để đến nghe giảng về lễ rồi cuốc bộ về . Những đứa trẻ cấp một đã quen nắng gió nhưng cũng thở không ra hơi dưới cái nắng gay gắt của buổi trưa và cũng vì đói.
Lễ xong đã trưa, tất cả đều đói. Chúng tôi tụ tập dưới bóng mát của hàng tre để nghĩ, thời may một chị bán bánh tráng đi ngang. Nhìn lại trong túi còn bao nhiêu tôi mua hết bánh tráng cho lủ trẻ . Mỗi đứa một chiếc, ăn vội ăn vàng . Kiểm điểm lại học trò để lên đường. Ô hay sao có một cô bé trên tay vẫn còn nguyên cái bánh . Được hỏi có đói không , bé rơm rớm nước mắt trả lời- Mẹ bệnh ở nhà, con muốn dành cho mẹ.
Bao nhiêu năm trôi qua, khi nhắc lại nước mắt tôi vẫn muốn tuôn rơi theo bé . Mấy mươi năm tôi vẫn không quên hình ảnh chiếc bánh tráng trên đầu cô bé, lấp loáng dưới ánh nắng mặt trời sau lũy tre xanh .
Diệu Tưởng (1 bút danh khác của GhimHo)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét