6 thg 8, 2023

ThaiLy: HỌC TRÒ TÔI (T.Vấn và Bạn Hửu )

                                  Trưa Xóm Núi – Tranh: MAI TÂM
  Không phải vô cớ mà mỗi khi đi ngang một nhóm “xe thồ” ngồi đợi khách, tôi luôn chăm chú nhìn, nhìn và… tìm kiếm. Để lý giải điều này, có lẽ phải nhờ vào câu chuyện hôm nay.

              Ngược về quá khứ, tôi là một cô giáo trường làng, một làng ven biển, nghèo lắm. Học sinh đến trường hầu hết đi chân trần, áo quần không đến độ rách rưới nhưng thật lam lũ. Tôi khuyến khích các em “mang dép” đi học, vừa sạch đẹp vừa an toàn nhưng, mắc cười gì đâu, tụi nhóc chỉ mang đến khi vào lớp, rồi rút dép bỏ cặp, vẫn đôi chân trần. Trong lớp, tôi đặc biệt chú ý tới một học sinh nam, em Nguyễn Trường Chế. Em có nét mặt vô cùng chất phác, thật thà đồng thời cũng thật khắc khổ, chưa bao nhiêu tuổi mà nhìn em đầy nét cần lao khốn khó. Sau khi vượt quãng đường hơn 5km, trước khi đến trường, tôi còn vượt qua một con dốc, hình ảnh quen thuộc thường gặp là một cậu bé, vóc người nhỏ nhắn, đầu đội một ôm lớn loại rau đồng tiền thường cho heo ăn, chân trần vượt dốc. Đó chính là NTC; em phải hái rau xong mới được đến trường.

                 Sau năm học này, tôi chuyển công tác sang trường khác, rồi trường khác, lại một trường khác. Tôi lập gia đình, sinh cháu rồi ra riêng, để sinh tồn và nuôi con vợ chồng phải “thắt lưng buộc miệng”, tựu trung cuộc sống khá vất vả. Một hôm, trời đã chạng vạng, trong nhà chỉ mình tôi đang lo cho cháu bé, chợt nghe tiếng gọi lớn nhưng có sự e dè ở ngoài cổng:

                     – Cô, cô…cô Lý ơi!

                Nhìn ra, tôi không thể biết là ai. Ba cháu ra và dẫn theo người ấy vào, đối diện tại thềm nhà, tôi cố nhìn nhưng chưa xác định được là ai. Cậu ta tuổi độ đôi mươi nhưng dáng vẻ thật phong trần. Cậu hỏi: 

                    – Cô nhớ em không?

                Dưới ánh sáng nhạt nhoà khi trời đã chạng vạng, tôi cố nhớ, dưới đôi mày rậm là đôi mắt to tròn, khuôn miệng vuông, môi dày, làn da nâu sậm…Ôi, nhớ rồi. 

                    – Là em. Em NTC phải không?

                 Em mừng ra mặt, giọng đầy xúc động, khoé mắt rưng rưng, em nói nhanh:

                    – Em không ngờ cô còn nhớ em….

                Trông dáng vẻ của em, tôi đọc được ngoài sự xúc động còn có cả sự lúng túng, ngại ngần. Có lẽ, em có điều khó nói. Vả lại, trong buổi chiều hôm, đã tối muộn thế này, vô cớ chắc chắn em chẳng tìm đến tôi, một cô giáo “ngày xưa” mà từ bao nhiêu năm nay không hề biết tin tức. Tôi chủ động hỏi cũng là cách “mở lời” giúp em:

                      – Có việc gì cần, em cứ nói. Với lại sao tìm được nhà cô vậy?

                   – Lâu rồi cô, em có chở cô Lài, em có hỏi thăm các cô, nên em biết cô ở trong xóm này. Hôm nay, em chạy xe “ế” quá. Giờ lại hư xe, em sửa xe ngoài trước đường nhưng không đủ tiền, cô cho em mượn được không cô?. 

                Em nói, bằng tất cả sự ngượng ngùng, e ngại. Tôi đọc được điều đó trên nét mặt và ánh mắt của em. Một sự chất phác có thừa. Tôi thương và tin em như những ngày còn dạy dỗ em trước đây. Vả lại, tôi cũng chưa từ chối ai bao giờ nhất là trong cảnh ngặt nghèo này. Tôi hỏi nhanh đồng thời cũng rất hồi hộp. Sợ số tiền em cần quá lớn mà đồng lương tôi thì có giới hạn. Chỉ 50 đ/tháng. Em đáp nhỏ:  

                   – Dạ, cô cho em mượn 20 đồng, chiều mai hoặc chậm lắm là 3 hôm em đem đến trả. Em cám ơn cô nhiều lắm. Em chạy xe ôm cô à.   

                    – Em chờ cô. 

                Tôi quay vội vào nhà, quay ngay ra với 20 đồng trên tay. Đưa cho em. Tôi nói nhanh:

                  – Đây, em đi lo công việc đi. Chừng nào đưa cô cũng được. 

                  Em cầm tiền, kèm lời cám ơn nho nhỏ, rồi cúi mặt quay vội người đi ra cổng. Tôi nhìn theo mà thấy lòng xốn xang chi lạ. Em là học sinh giỏi hiếm hoi của lớp ngày ấy. Gia cảnh đã không chắp cánh được cho em. Cũng không kịp hỏi han nhiều. Chỉ biết là học trò mình rất khổ….Tôi cũng mong gặp lại em, gặp để hỏi thăm em chớ không phải để em “trả tiền”. Bởi vì tôi luôn xác định “đã đưa tiền” cho ai rồi thì không mong chờ lấy lại. Họ trả cũng tốt, không trả thì cũng chẳng có lần sau. Vậy đi. Thà như vậy, chớ không giúp lòng còn trăn trở nhiều hơn. Điều này đã thành thói quen rồi. Ba các cháu cũng “không thèm” hỏi nữa. Lần này, cũng không ngoại lệ. Liệu rồi thầy trò tôi có cơ hội gặp nhau chăng?

           ***

            ….Sau khi em ấy đi rồi, tôi băn khoăn trong dạ, suốt buổi tối và trằn trọc mãi trong đêm. Hình ảnh cậu học trò nghèo năm nào cứ lẩn quẩn trong trí, tôi nhớ có một hôm…

             Em vào lớp muộn, muộn hơn tất cả các ngày trễ học, với bàn tay trái sưng to, thâm tím…Tôi không thể tập trung vào buổi lên lớp, cứ nhìn chừng chừng vào bàn tay và những cái nhăn mặt của em…Giờ chơi đến, tôi đến gần chỗ em ngồi, dặn nhỏ: 

                  – Qua phòng Ban Giám Hiệu gặp cô nhen. 

             Sở dĩ tôi dặn vậy vì phòng học của lớp sát với văn phòng, thầy hiệu trưởng “bận họp” ở đâu không biêt, có nhờ tôi giữ giúp cái “Từ đường”. Gọi là “vắng chủ nhà gà mọc đuôi tôm” vậy. Tôi chờ, rồi em cũng rụt rè bước sang. Tôi hỏi nguyên nhân của bàn tay, em đáp nhỏ với đầy đặn sự lo lắng:

                – Dạ, em bị rắn cắn. Sáng, em đi hái rau, quơ trúng nó mà không biết. 

             Tôi muốn… xỉu. Tôi rất sợ con vật này. Chỉ nghe tên là muốn tháo chạy. Nhưng cố trấn tỉnh. Hỏi thêm, mà trong dạ chẳng yên. 

               – Vậy ở nhà đã thuốc men gì chưa? Có đau lắm không?.

             Giọng em lí nhí:

               – Dạ ba em đắp lá rồi. Nhức lắm cô. Tay em giờ …tê cứng. 

             Tôi chột dạ. Sao lại vậy được, đâu phải chuyện đùa mà gia đình lơ là đến vậy?. Tôi suy nghĩ lung lắm, rồi quyết định ngay. Tôi liều giúp em. Chỉ yêu cầu em “kín tiếng”, và dù vậy, ngay trưa nay phải nhờ ba má cho đi bệnh viện. Tôi sử dụng ngay khoản “trị rắn cắn” đã được chân truyền, đây là lần đầu áp dụng. Cũng là chuyện chẳng đặng đừng, sau khi dặn dò em thật kỹ “không được nói với bất kỳ ai”, rồi bảo em xoay mặt… không được nhìn. Tích tắc là xong việc.

               Câu chuyện trôi xa. Buổi chiều muộn gặp em cũng chìm vào quên lãng. Có nghĩa là “Cô trò tôi không lần tái ngộ”. Cuộc mưu sinh đã ít nhiều xoá mờ ký ức, nhưng dù thời gian có nghiệt ngã đến mấy thì nó cũng chỉ là lớp bụi mờ che phủ chớ không xoá được tất cả và khi có cơ hội ký ức kia vẫn sẽ tìm về. 

             Câu chuyện sau đây xảy đến vào khoảng năm 1993-94 gì đó, tức sau câu chuyện kia gần 10 năm. Những năm này, má tôi và mấy chị em hùn nhau làm kinh tế. Nhờ có người chú họ đỡ đầu, hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp hương liệu, gia đình tôi sản xuất nước ngọt các loại. Do vậy tôi đóng đô luôn nhà ngoại. Và cũng trong một buổi chiều, không, chính xác là đã sắp tối rồi, em trai tôi về, cậu em vừa xong nghĩa vụ quân sự, đang làm ở bảo hiểm, và có dẫn theo một người bạn. Em tôi quay qua giới thiệu, tôi chỉ chào qua, rồi lo dặn dò công việc ngày mai, chuẩn bị về nhà riêng, với lại ít khi tôi tò mò chuyện bè bạn của em út, lại thấy vẻ cậu ấy… chếnh choáng hơi men nên rất ngại. Ở nhà dưới tôi vẫn nghe rõ cậu ấy hỏi em tôi :

                   – Phải chị Hai ông tên Lý đi dạy học không?

                   – Ủa, sao ông biết? 

              Tôi không nghe tiếng trả lời, mà chỉ nghe tiếng kêu thảng thốt như vừa mừng, vừa than của khách:

                   – Cô tui, trời ơi …cô tui. Tui thấy là đã nghi nghi rồi mà….

       … và gần như đồng thời, cậu ấy lao nhanh từ nhà trên xuống, ôm chầm lấy tôi vừa nói:

                  – Cô, cô ơi lâu rồi mới gặp lại cô….em đâu biết cô là chị của Kha đâu.

                  Tôi thật sự lúng túng. Lúng túng vô cùng khi một chàng trai xa lạ, chưa xác định được là ai, lại có hơi men thình lình ôm cứng lấy mình. Tôi cố cựa quậy và nhẹ thoát ra, nhìn tận mặt cậu ấy và cố nhớ, cùng lúc với việc mời ngồi xuống chiếc đi- văng gần đó. Nét mặt…quen quen, khá đẹp trai. Đôi mày thanh mảnh hơi xếch, đôi mắt to đen dưới hàng mi cong, chiếc mũi thanh tú, khuôn miệng khá chuẩn, chỉ là ánh mắt hơi đờ đẫn bởi hơi men, làn da thì bây giờ chỉ một màu… đỏ như mặt trời. Cậu ấy hỏi nhanh, vừa hỏi vừa nhìn tôi bằng ánh mắt chờ đợi và chất chứa hy vọng: 

                  – Cô nhớ em không?

                Tôi chăm chú nhìn và cố nhớ…như sợ mình “thất vọng”, em nói luôn:

                 – Em Hiệp nè cô.

                 Nói xong, em cười…chỉ cần như vậy, tôi đáp nhanh trong nỗi mừng vui vô hạn: 

                 – A, nhớ rồi. Lê Đình Hiệp. Chỉ cần nhìn nụ cười của em là cô nhớ ngay. 

               Vậy rồi, hai cô trò thăm hỏi lẫn nhau. Được biết em đã có gia đình riêng, cuộc sống khá giả, tôi thật sự vui mừng. Lan man câu chuyện tôi chạnh lòng. Mừng cho LĐH nhưng còn NTC thì giờ ra sao, đã ngần ấy năm? Tôi buộc miệng hỏi: 

             – Em có biết em NTC giờ ra sao không? Cô…

              Thiệt tình, tôi không “đỡ” nỗi. Tôi chưa dứt câu, học trò tôi… bật khóc, khóc bằng sự giận dỗi, vừa khóc vừa trách:

               – Cho tới bây giờ cô cũng chỉ thương thằng C. Em ngồi trước mặt cô, cô không nhớ nỗi cái tên, nó tận đâu đâu cô lại nhớ.

              Tôi thật sự xúc động và cả rúng động tận tâm can. Xem ra, cách mình đối xử với học trò dù là nhỏ tuổi cũng tạo nên một dấu ấn vô cùng sâu đậm, nó hằn sâu tận đến gần 20 năm để bây giờ, trước mặt tôi, một người đàn ông đã trưởng thành lại khóc như một đứa trẻ lên ba. Giây sau, khi em vừa qua khỏi phút trào lòng và tôi cũng lấy lại bình tĩnh, tôi nói chậm rãi: 

            – Giữ nỗi ấm ức đến tận bây giờ lận à? Cô không chối là cô thật sự quan tâm tới C nhiều hơn. Giờ, em đã trưởng thành, cô nói chắc em sẽ hiểu. So về mọi mặt, C là đứa khó khăn nhất lớp, những buổi đến trường, em ấy phải lo một ôm rau về cho cha mẹ trước, nói một ôm, nhưng chắc chắn ôm không hết mà phải đội trên đầu… vượt dốc. Áo quần chằm vá, đôi dép đứt quai, trong khi em lại có cuộc sống đầy đủ hơn bạn; cô có thương hơn cũng chỉ là sự quan tâm, là chút tình người chớ không hề thiên vị, mà đó tạm xem như một sự bù đắp tình thương….

                 Nét mặt đầy xúc động, Hiệp ngước nhìn tôi, khoé mắt rưng rưng nhưng lại ẩn chứa một sự xúc cảm chứ không còn giận dỗi trách hờn nữa. Em nói vội: 

              – Dạ, em hiểu rồi cô. C cũng có kể với em là cô đã chữa rắn cắn cho nó nữa, hay lắm, sau đó nó hết nhức, hết tê luôn.

               Tôi… lờ vụ này. Chỉ hỏi thăm sau này có gặp và biết C sống thế nào không, thì ra, em rất khổ, gồng gánh cả gia đình, vì không có đất sản xuất, lại không nghề nghiệp ổn định nên cả gia đình đã đi lên kinh tế mới Nhị Hà, sau em có gia đình riêng, để cải thiện cuộc sống em vẫn giữ nghề chạy xe ôm và tha phương lập nghiệp. Đây cũng chính là nguyên do mà tôi thích nhìn những nhóm xe ôm với ánh mắt dò tìm, dù ở quê hay ở bất cứ nơi đâu với chút hy vọng mong manh: Biết đâu, cô trò sẽ được gặp lại nhau dẫu cho trong cảnh ngậm ngùi. 

                                     ThaiLy

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét