Tác giả: Michael Hesse
Người dịch: Nguyễn Hàn Giang
Nhà ngôn ngữ học Noam Chomsky nhận ra sự khác biệt cơ bản giữa học máy [Machine Learning] và tư duy của con người. [ND: Kể từ thập niên 1970 cho đến nay, Chomsky luôn được thừa nhận là một trong những nhà ngôn ngữ học hàng đầu của Mỹ cũng như của thế giới].
Sống trong thời kỳ đầy thử thách và nhiều triển vọng, con người dễ dàng được truyền cảm hứng. Nhà văn Jorge Luis Borges đã nói rằng, trong trường hợp đó, bạn tồn tại giữa những khả năng của hài kịch và bi kịch. Trong thời đại của chúng ta, các ứng dụng như ChatGPT mang lại nhiều hứa hẹn và đồng thời sinh ra cảm giác là con người đối mặt với một mối nguy hiểm chưa biết. Nhà ngôn ngữ học Noam Chomsky tự hỏi: Ứng dụng này có phải là trí tuệ nhân tạo (AI) thực sự không? Rồi chúng có thể suy nghĩ như con người, một cách khái quát và với các kết luận hợp lý không? Và những cỗ máy AI như vậy có hưởng quyền tương tự như con người nếu chúng có ý thức?
Những cuộc tranh luận như thế không phải là mới, như Chomsky nhấn mạnh. Máy tính vạn năng của nhà điều khiển học Alan Turing đã gây ra làn sóng phản đối ngay từ thập niên 1940. Turing đã loại bỏ sự khác biệt giữa máy móc và sự tính toán của con người chỉ trong một cú đánh dứt điểm. Do đó, Turing tự hỏi làm thế nào người ta có thể chứng minh rằng máy móc cũng sở hữu trí tuệ nhân tạo. Năm 1948, ông đưa ra câu trả lời: một con người ngồi đối diện với máy Turing mô phỏng khả năng trí tuệ. Khi mà con người không thể phân biệt được bất kỳ sự khác biệt nào giữa họ và máy móc, bài kiểm tra đã được thông qua và bằng chứng đã được cung cấp để chứng minh rằng, máy móc cũng có thể suy nghĩ như con người.
Thí nghiệm này cũng là trọng tâm cốt truyện trong phim “Ex Machina”. Một lập trình viên được người đứng đầu công ty công nghệ “Bluebook” lựa chọn để cố gắng xác định xem, liệu hệ thống AI trong rô bốt phụ nữ có năng lực cảm nhận, cảm xúc và biểu lộ tâm trạng hay chỉ là chuyện đóng kịch. Thanh niên cuồng máy tính đó đã chứng thực trí tuệ nhân tạo của máy. Tuy nhiên, thực sự chiếc máy đã đánh lừa anh ta. Nó chồm lên dồn dập. Với sự bùng nổ của nó, nó báo trước thời đại máy móc thống trị con người.
Các nhà sản xuất bộ phim “Ex Machina” đã không gọi công ty công nghệ là “Bluebook” một cách tình cờ. Nhà triết học Ludwig Wittgenstein đã đóng các bản thảo khái niệm của mình trong một chiếc hộp màu xanh lam. Ông gọi nó là “Cuốn sách màu xanh”. Trong đó, ông thảo luận về những câu hỏi cốt lõi như “Đau là gì?”, “Suy nghĩ là gì?”, “Cái gì là của tôi?” Wittgenstein cảnh báo rằng chúng ta không thể trả lời những câu hỏi này bằng cách chỉ dựa vào những đồ vật như cây cối hoặc nhà cửa. Đó không phải là thế giới của những thứ có thể giúp chúng ta tìm ra câu trả lời về việc liệu ai đó có bị đau hay không. “Chúng ta cảm thấy rằng không có gì chúng ta có thể chỉ ra để trả lời câu hỏi, nhưng đồng thời chúng ta nên chỉ ra một điều gì đó. (Ở đây chúng ta đang giải quyết một trong những nguồn gốc lớn của sự nhầm lẫn triết học: một danh từ thôi thúc chúng ta tìm kiếm một sự vật tương ứng với nó. )”, nội dung cuốn sách màu xanh nói như thế. Câu trả lời chỉ có thể được tìm thấy trong các tương tác xã hội và ngôn ngữ của con người: “Chỉ xuất phát từ những gì thuộc con người, mà bạn có thể nói rằng sự đau đớn đang hiện hữu.”
Liệu chúng ta có thể biết rằng máy móc sở hữu ý thức hay không? Có lẽ là không, David Chalmers nói trong một cuộc phỏng vấn với “FAZ – Nhật báo Frankfurt ”. Nhà triết học và toán học người Úc là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực triết học tinh thần, chuyên nghiên cứu về mối quan hệ giữa các trạng thái ý thức và các quá trình sinh lý cơ bản của chúng. Đằng sau điều này là vấn đề phần cứng-phần mềm cổ điển về cách thức não bộ và tâm trí tương tác với nhau. Trong trường hợp có thể có ý thức về trí thông minh máy móc, Chalmers chỉ ra rằng chúng ta không thực sự biết rằng máy móc thông minh cũng có ý thức. Chúng ta chỉ đơn thuần cho rằng trạng thái bên trong của những máy móc đó tương tự như trạng thái của chúng ta.
Chalmers không loại trừ khả năng một ngày nào đó chúng có thể trở nên có ý thức. ChatGPT và các chương trình tương tự được thiết kế không giới hạn về những gì chúng có thể “học”, “tại sao nhận thức lại không phát sinh trong quá trình này?”
Tuy nhiên, có một sự khác biệt nghiêm trọng giữa con người và trí tuệ nhân tạo gần như là thiết yếu. ChatGPT của OpenAI, Bard của Google và Sydney của Microsoft là những tuyệt tác học máy. Chúng tiếp nhận một lượng lớn dữ liệu, tìm kiếm các mẫu trong đó và ngày càng hoàn thiện hơn trong việc tạo ra các kết quả có thể xảy ra theo thống kê – chẳng hạn như lời nói và suy nghĩ có vẻ giống con người.
Điều này dường như đang tiến gần hơn đến thời điểm đã được tiên tri từ lâu khi bộ não máy móc không chỉ vượt qua bộ não con người về mặt định lượng về tốc độ xử lý và kích thước bộ nhớ, mà còn vượt qua bộ não con người về chất lượng liên quan đến sự hiểu biết sâu sắc về trí tuệ, khả năng sáng tạo nghệ thuật và mọi khả năng khác của con người. Nhà ngôn ngữ học và người vô chính phủ Noam Chomsky viết trên New York Times: “Có thể tưởng tượng rằng, ngày đó có thể sẽ đến. Tuy nhiên ánh bình minh vẫn chưa ló dạng”.
“Tuy nhiên, các chương trình này có thể hữu ích trong một số lĩnh vực hẹp, chúng tôi biết từ khoa học ngôn ngữ học và triết lý nhận thức rằng chúng khác về cơ bản cách con người suy nghĩ và sử dụng ngôn ngữ. Nhà ngôn ngữ học người Mỹ cho biết: “Những khác biệt này hạn chế nghiêm trọng khả năng của các chương trình này, vì chúng mắc phải những thiếu sót không thể xóa nhòa”.
Chomsky giải thích tâm trí con người theo tư duy của Wilhelm von Humboldt cho rằng, thông qua ngôn ngữ, có thể “sử dụng vô hạn các nguồn tài nguyên hữu hạn” và tạo ra các ý tưởng và lý thuyết trong những tầm với phổ quát. Đối với người đàn ông mà nay đã 94 tuổi, tâm trí con người hoàn toàn khác so với những phát triển trước đây trong lĩnh vực AI. Trí óc con người không phải là một cỗ máy thống kê cồng kềnh để so sánh các mẫu, và “ngốn hàng trăm terabyte dữ liệu và để suy luận tìm câu trả lời đàm thoại có khả năng nhất hoặc câu trả lời có khả năng nhất cho một vấn đề khoa học”. Đối với Chomsky, trường hợp hoàn toàn ngược lại: “Trí óc con người là một hệ thống hiệu quả và thậm chí tinh tế một cách đáng ngạc nhiên, hoạt động với một lượng nhỏ thông tin; nó không thử làm công việc tìm tương quan giữa các dữ liệu, mà cố gắng tìm một lời giải thích“.
Trọng tâm của máy móc là những mô tả và dự đoán, trong khi trong suy nghĩ của con người chủ yếu là tìm những lời giải thích. Chomsky sử dụng một ví dụ cổ điển để minh họa sự khác biệt: “Giả sử bạn đang cầm một quả táo. Bây giờ thả quả táo xuống, bạn quan sát kết quả và nói, ‘quả táo rơi.’ Đây là một sự mô tả. Một dự đoán sau đó của bạn sẽ là ‘quả táo sẽ rơi nếu tôi thả nó ra’.”
Một lời giải thích cung cấp một cái gì đó nhiều hơn là mô tả và dự đoán. Tất nhiên, mọi giải thích dựa trên kiểu mẫu con người không nhất thiết phải đúng; „chúng ta cũng mắc sai lầm. Nhưng đó là một phần ý nghĩa của suy nghĩ: để có phán đoán đúng, nó phải có khả năng một lúc nào đó nó sẽ sai. Trí thông minh không chỉ bao gồm những phỏng đoán sáng tạo mà còn bao gồm cả những lời phê bình sáng tạo“.
Tư duy của con người dựa trên những giải thích và sửa lỗi có thể xảy ra, một quá trình thu hẹp dần những khả năng có thể được xem xét một cách hợp lý. “Ví dụ, một cách vô thức, tự động và nhanh chóng từ những dữ liệu nhỏ bé, một đứa trẻ đang học một ngôn ngữ sẽ phát triển một ngữ pháp, một hệ thống các nguyên tắc và thông số logic phức tạp đến kinh ngạc.” Ngữ pháp học được có thể là sự diễn đạt một khái niệm di truyền có sẵn, gọi là “hệ điều hành” , mà theo Chomsky, nó cho phép mọi người có khả năng sáng tạo các câu phức tạp và các chuỗi suy nghĩ dài. Tuy nhiên, “hệ điều hành” của đứa trẻ hoàn toàn khác với chương trình học máy. Theo Chomsky, ngay cả những gì có vẻ là kết quả tốt nhất của AI cũng dựa trên “một công cụ thống kê cồng kềnh để nhận dạng mẫu“. Nó chỉ tập hợp những gì có vẻ như phù hợp với nó. Theo Chomsky, trí tuệ nhân tạo sẽ tạo ra ảo giác. Hiệu suất máy dù sẽ cao đến mấy cũng không thay đổi thực trạng đó.
Tuy nhiên vẫn có nguy cơ là AI được đánh giá quá cao và đặt nó lên trên tư duy của con người. Theo Chomsky, điều này sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với khoa học và đạo đức. Thời gian của hứa hẹn sau đó sẽ kết thúc trong thảm kịch.
Tác giả & nguồn: Michael Hesse, Frankfurter Rundschau 3/4/2023: Philosophen über Künstliche Intelligenz: Was denken die sich?
Người dịch: Nguyễn Hàn Giang
Xem thêm những bài khác về trí tuệ nhân tạo
1./ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO – CÓ THỂ LÀ CHÚNG TA BỊ NGUYỀN RỦA (Diển Đàn Khai Phóng )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét