Mời Xem : Quê hương có phải là tuổi thơ. - Ký Ức GHIM HO P.1 )
Hai anh em
Anh Sa có chiếc xe đạp mini, đi đâu cũng chở mình đi . Lúc đó anh em như hình với bóng. Có lúc có đoàn hát về diễn đại nhạc hội, trước giờ chỉ biết cải lương chứ chẳng hiểu đại nhạc hội là cái gì. Hỏi thì anh bảo là nhạc gì cũng có . Thế là mê quá cứ nhắc anh làm sao cũng phải đi coi cho được. Lúc đó có hai rạp kế nhau, Văn cầm chiếu phim , còn Cẩm Vân thì chuyên hát cải lương . Nghe chữ đại là thích rồi, mình lại nghĩ làm sao mà tất cả các thứ nhạc lại vào được một chổ. Thế là tối đó anh em rủ nhau đi. Không có tiền mua vé thì đứng ở ngoài đợi gần nửa màn, bảo vệ đóng cửa sắt ngoài, mình ở trong được cho vào luôn. Hai anh em mê coi quá quên cả giờ giấc. Lúc ra khỏi rạp đã khuya, về nhà cửa khóa chặt không vào được . Hai đứa sợ quá không dám gọi sợ bị đòn. Anh bảo -Mầy dám trèo lên nóc nhà không ? - Ừ, dám chớ. Thế là hai đứa đi vòng trong xóm, tìm nhà nào thấp thì trèo. Anh cỏng em trèo lên nhà bà ba Tài, má của Lợi, bò qua hai căn mới vào được cửa sổ trên gác nhà mình. Vừa bò trên mái nhà mà run, cứ sợ bị bắn chết . Lúc bấy giờ, mỗi tối đều có lính nhân dân tự vệ mang súng đi canh gác, nếu họ thấy bắn mình chết thì sao. Cuối cùng hai anh em cũng chui được qua cửa sổ êm thắm. Ba Vú không biết gì cả .
Một hôm khác, có gánh xiếc ở Sài Gòn phát giấy quảng cáo khắp nơi, mình gọi là giấy gờ ram –program- Anh nói sẽ chở mình đi làm háo hức quá , chỉ mong tối đến để đi. Hỏi anh biết đường đi không . Anh bảo xe buýt này chạy tới Sài Gòn, chạy theo nó là tới . Tối đó anh chuẩn bị đàng hoàng, hai đứa ra canh xe buýt tới là anh chở mình chạy theo. Tội nghiệp anh đạp thấy chết theo chiếc xe buýt. Có lúc mất nó nhưng nhờ nó ngừng hoài nên anh cũng chạy kịp. Theo đến vườn Tao đàn có gánh xiếc trong hội chợ, coi thoải mái . Có nhiều gian hàng, ảo thuật… Mình mê nhất là chú hề cầm mấy quả bóng nhỏ như trái ping pong thảy lên cao và biến mất. Chú ấy đứng dưới gốc cây to và thảy mạnh lên, quả bóng biến mất . Mình cứ nhìn lên mấy tàng cây to nghĩ thầm- chắc chắn là có người nấp trên đó chụp lại rồi. Thế mà không thấy ai bỏ xuống sao chú ấy lại có trong tay . Lại nghĩ ảo thuật chắc là có phép . Lúc ấy đầu óc rất tin có phép. Có lần Vú dắt hai đứa đi chợ Sài Gòn mà bị lạc , sợ quá - anh bảo mầy cầu ông Địa đi là gặp liền. Mình cầu ông Địa, quả nhiên thấy Vú nên tin lắm. Lúc xem hội chợ, thấy thương con thỏ bị úp trong cái chuông, nhấc chuông lên, thỏ chạy vào hang nào thì hang đó trúng. Mỗi hang là một số và người ta bán số. Hai đứa không có tiền chỉ đi xem mê mệt. Tối quá rồi, mình hối anh về . Chết thật, khuya rồi không có xe buýt. Mình hỏi – Anh nhớ đường về không ? Anh nói -Để tao tìm.
Mình sợ lắm bảo anh hỏi thăm người ta, nhưng anh cũng liều không thèm hỏi. Anh chở đi lòng vòng, chạy vô một hẽm cụt. Quay ra càng sợ. Hối anh hỏi người ta nhưng anh nhất định không hỏi. Lần lần cũng vào được tới nhà. Sau này nhiều lần trèo nóc nhà vào cũng không còn sợ nữa.
Có lúc Vú dắt hai đứa về quê ở Bến Lức, có con sông nhỏ sau nhà. Anh dắt mình ra tắm sông. Đứng trên bờ nhìn thấy anh lội mê quá, mình kêu inh ỏi- Anh đưa em ra đó. Anh vào cỏng mình bơi ra sông . Lúc đó mình cứ tưởng anh giỏi quá, cỏng em mà bơi được. Sau này mới biết anh đi chổ cạn, bơi cái tay cho mình nể thôi.
Sau này anh có người bạn chuyên vẽ quảng cáo cho rạp Văn cầm nên hai đứa được vô coi tự do , mình không nhớ tên chỉ biết anh đó vẽ hoài, nghiêng đầu một bên nên cổ bị nghiêng một bên – không thẳng được. Lúc đó mình đi học, cái gì không biết thì có anh chỉ. Nhất là môn vẽ, mình không biết vẽ. Lúc học lớp năm, học nhằm cô Hội, cô giáo cũ của anh . Lâu lâu mình lại thấy cô lấy bài vỡ cũ của anh, đem ra khoe mọi người. Anh viết chữ rất đẹp. Trong lớp mình cũng luôn hạng nhất nhưng cô nói không bằng một góc của anh. Cái bóng của anh làm bóng mình chìm lĩm.
Vú thường dắt hai đứa đi theo ra bến xe để mua gà về bán. Lúc người ta giao gà thì mình và anh phải lấy dây buộc làm dấu giá tiền. Thời đó không có gà mỹ, gà ta thì bán con chứ không bán ký. Vú nhìn gà rồi ra giá bán, tùy theo gà ngon hay dở. Gà mái tơ thì mắt nhất, gà trống rẻ hơn. Có lúc hai đứa làm dấu không kịp bị la ỏm tỏi – làm dấu là buộc dây ở cánh tùy theo giá , một cánh, hai cánh, một dây, hai dây. Càng nhiều dấu buộc là gà càng mắc. Một hôm anh nghĩ ra kế thật ảo diệu. Anh nói – Tao biểu mày nghe tao nhé. Mang theo hộp sơn,tao nói hai cánh thì phết hai cái, một cánh phết một cái nhé . Khỏi buộc dây cho cực mà lại nhanh. Hai anh em cứ thế mà làm. Mình khoái quá, anh khôn thật. Có lúc Vú không đi, hai đứa đi xích lô máy ra bến xe đã có mối giao hàng. Chỉ phụ người ta làm dấu gà rồi kêu xe chở về.
Qua hôm sau,làm gà ra chợ bán. Lúc bấy giờ mới hởi ơi- không con gà nào có dấu gì hết. Làm lông là dấu bay sạch sẽ, vú không biết giá phải bán nhắm chừng thôi – Hai đứa bị la một trận nhờ sáng kiến của anh- Hết dám sơn phết nữa.
Tình bạn
Cho dù ở đâu và vào lứa tuổi nào bạn bè vẫn là chiếc cầu nối cho ta đi vào cuộc sống. Khi mới vào đời , có nhận biết về mình, anh Sa là người bạn thân thiết nhất để mình trao đổi tất cả những suy nghĩ. Mình bắt chước anh về mọi thứ, học võ, tập thiền, yoga, học bơi… Hai anh em đi học tiếng Nhật. Mình đi học may, anh cũng muốn học may nhưng không còn thời gian nữa. Những ngày anh sắp ra đi, anh tặng quà cho chị bạn học chung trong lớp tiếng Nhật cũng biểu mình đi theo . Nhưng anh rất nhút nhát, thích chị ấy mà lại gọi bằng chị, đưa quà thì run quá làm rớt xuống đất. Mình phải đi theo sau để hộ tống . Lúc đó mình cảm thấy thất vọng . Nếu là mình, mình sẽ nói ngay không e dè gì cả, không gọi chị mà phải là em.
Mình chơi thân với anh Sa quá nên không gọi bằng anh, lúc nhỏ cứ là mày tao. Lớn chút là tui và ầy. Chẳng qua là Ba Vú cấm gọi anh bằng mầy nên mình bỏ bớt chử m và thế là không bị la . Cứ nói là ầy ầy để gọi anh .Vú có rầy thì mình nói đâu có mầy đâu. Mãi về sau khi anh đi du học , hai đứa vẫn viết thơ. Anh vẫn xưng mày tao .
Lên cấp hai anh không còn dẫn mình đi theo nữa, mình chơi thân nhất là bạn Lợi. Lợi lớn hơn mình một tuổi. Bạn ấy không được đi học nhưng rất khôn ngoan và dữ. Nhưng bạn ấy thích mình vì mình có đi học và mình cũng thích bạn vì chơi với Lợi sẽ không ai ăn hiếp mình được. Lợi cũng giúp mình giữ em . Hồi đó, ngoài giờ đi học mình phải ẳm em, lúc nào cũng phải ẳm em. Thường ẳm xốc nách đến chai cả hông. Khi thì em mình, khi thì em bà con- con của dì Tám ở chung nhà . Nhà mình bán gà nên cần nhiều người làm để phụ làm gà và mình phải giữ con của dì nữa. Anh Sa phải dậy sớm làm gà, mình được ngủ tới sáng . Nhưng khi dậy thì mua cơm cho anh ăn. Anh vừa ăn sáng vừa xem bài học . Học về đến nhà là phải bắt tay ngay vào công việc dọn hàng ngoài chợ về, phơi lông vịt . Chiều ra bến xe phụ đem gà về . Mình thì ở nhà phụ giúp việc nhà, giặt quần áo. Nhà đông nên ngày nào cũng giặt hai thau quần áo to. Anh làm rất cực mà học giỏi cực kỳ . Sau này mình mới biết , tất cả sách toán anh để lại đều có đánh dấu làm rồi hết. Anh học Anh văn trong tự điển, học trang nào rồi thì xé ra bỏ luôn. Anh nói phải học vậy mới nhớ. Mình học sách cũ của anh để lại. Sau này có quyển nói về thơ Kiều, bạn anh viết nhảm vào . Trang nào cũng có viết nhảm- Thúy Kiều đi dự hội đạp thanh thì sửa là đạp xích lô. Kim Kiều tái hợp thì sửa là Kim Kiều tái nạm…. Có lúc đang ngồi học, thầy bước xuống đứng kế mình, cầm lên xem. Mình tái mặt không dám ngó thầy nhưng ông không nói gì lật coi hết rồi cười tủm tỉm làm mình sượng luôn.
Lúc nhỏ tánh ngang bướng mà lại thích chọc cho người khác nổi giận. Vú người Quảng Ngãi nên bà con ở Quảng thường vào ở nhà mình . Nghe mấy dì nói trọ trẹ tiếng Quảng là mình khoái chọc lắm. Dì hỏi – Con hạc lớp mấy ? – Mình cải lại – Không có hạc gì hết – Nói học thì trả lời, nói hạc không trả lời.
Dì bảo – Ra chợ mua củ tải ( tỏi )- Mình cũng ngang lại- Nói tỏi thì mua, nói tải không mua . Nghĩ lại, tánh ngang thật. Lớn lên học ở SPSG, bạn trai cũng sợ.
Mỗi ngày hai đứa đều phải phụ làm gà, mang ra chợ, phụ bán. Buổi chiều hàng còn ế, Vú giao cho mình tự đi bán. Vú dặn giá bao nhiêu, bán hơn thì lấy bỏ ống heo. Mấy đứa em nhỏ không biết gì, hai đứa thấy Vú cực quá nên không bao giờ dám xin tiền mua sách . Lúc Vú bán hàng than lổ lả là hai đứa xót xa. Mình nghe Vú nói lổ rồi mà khách hàng vẫn cứ trả giá thì giận lắm – nghĩ thầm người ta nói lổ rồi mà cứ trả giá hoài. Mai mốt mình lớn lên nếu có tiền thì không trả giá như vậy đâu. Anh Sa thì nói phải chi ai mướn mình làm thêm lấy tiền về đưa Vú. Mình không hiểu Vú bán lổ sao cứ bán hoài. Mỗi lần anh cần tiền mua sách lại dụ mình đập ống heo. Anh nói – Mai mốt tao làm vua cho mầy làm quận chúa chớ không cho mầy làm quan . Tại vì mầy ngu lắm. Thôi cũng được, nghe nói quận chúa là khoái rồi. Tiền vú cho mỗi ngày để dành lại, có khi mình không lấy, một tuần mới lấy bỏ ống heo cho nhiều. Lục cơm ở nhà ăn, để dành tiền. Năm anh thi Đệ thất ( lớp 6 bây giờ ) , anh vẽ một con ngựa to trên tường với dòng chử - Hồ văn Sa sẽ đậu Đệ thất – Năm ấy anh đổ rất cao vào Hồ Ngọc Cẩn. Sau đó, anh vẽ lá cờ quốc gia ba sọc đỏ và dán tấm hình anh lên , bắt chước như hình tổng thống Ngô Đình Diệm trong lá cờ. Khi ấy mỗi lần coi phim, trước khi chiếu phải chào cờ có hình tổng thống trên lá cờ bay phấp phới với bài hát – Nầy công dân ơi… sau đó là bài Nhớ ơn Ngô tổng thống. Mình thấy vậy quá ngưỡng mộ và nghĩ thầm nếu mai này anh nổi tiếng như danh nhân mình sẽ viết về anh và những gì anh để lại sẽ rất có giá. Khi anh đi đánh banh bàn thì mình chỉ được xem chứ không được chơi. Anh chơi với đám du côn ngoài chợ thì mình chơi với bạn Lợi. Thường xuyên đi Lăng ông Bà chiểu và bến Bạch Đằng, thường là mình ẳm em và đi bán vé số khô bò với Lợi. Lúc nào mỏi tay không ẳm được mà nó không chịu đi thì hai đứa khiêng nó. Có lúc bán ế quá, thấy người ta ngồi ăn xin mà nhiều người đi ngang qua cho tiền làm mình cũng động lòng. Ăn xin dể hơn đi bán . Cũng còn sĩ diện nên không làm.
Lúc thi đậu vào Gia Long, Vú bắt anh phải đưa mình đi học và lên đón về . Có hôm mình mê chơi, không về, theo bạn vào sở thú chơi. Anh đến đón không gặp, chạy về nhà bị Vú la – Mầy phải đi tìm em .- Anh lại phải chạy lên tìm nữa, bị xe gắn máy của ông người Mỹ tông phải . Ông ấy đem về nhà chăm sóc. Mình đi chơi đã rồi mới về bị chửi một trận, thấy lòng rất ân hận. Lúc anh đi du học, cái đầu cũng còn ảnh hưỡng vụ đụng xe. Anh bảo học nhiều cái đầu nó quay quay. Khi anh sắp đi du học hứa cho mình ăn bò bảy món nhưng không cho. Anh có cây đàn ghitar nhưng cũng đem cho bạn chứ không cho mình. Cũng không buồn lắm vì anh để lại số sách khổng lồ . Lúc đầu không cho mình rớ tới nhưng dần dần cũng cho xem. Đủ loại sách- từ sách Tàu- Phong thần, Tây du ký đến Đông châu liệt quốc, Tam quốc chí diễn nghĩa, Cổ học tinh hoa, Liêu trai chí dị...các bộ truyện chưởng của Kim Dung. Lên đến cấp hai thì chuyển sang xem sách dịch nước ngoài của các văn hào – mê mãi với Jack London,Edgar Poe, John Steinback, Heming way, Hermann Hesse, Saint Exupery …Mình thích nhất vẫn là Hermann Hesse với Đôi bạn chân tình và Câu chuyện của dòng sông . Cả hai đều nói đến những chuyến ra đi khi có gì bức xúc trong cuộc sống . Có lẽ vì mình thích đi .Sau này tất cả những ý tưởng ấy đều bàng bạc trong Krishnamurti. Khi đã xem được Krish … thì không xem truyện khác được nữa.
Tiếc nhất là bộ kinh Dịch của cậu Hai thầy chùa gởi– bảy quyển của Đoàn Trung Còn dịch- mang về quê tiêu tan hết. Lúc anh sang Mỹ bảo mình gởi cho anh bộ kinh Lăng nghiêm, mình xem sơ cũng thấy thích nhưng lại thấm với Krishnamurti hơn nên không xem nữa. Lúc hai đứa ngồi làm gà vịt chung với nhau bàn luận sách vở mê say, lúc ăn cơm cũng vậy. Nhớ lúc đi học thêm Anh văn , tình cờ trông thấy anh cũng học ở đó. Anh đang đứng ăn đậu đỏ bánh lọt- mình thấy nhưng không gọi , vờ đi qua luôn. Về nhà anh bảo – Tao thấy mầy, sợ mầy kêu tao quá – Chắc anh sợ mình đòi ăn - Nghĩ vậy mình cũng nói – Chưa chắc anh kêu mà tui tới- Anh cười nói – Trời đã sanh Du sao còn sanh Lượng – Nghe vậy khoái quá, đó là lời than của Chu Du khi đấu trí không nổi với Gia Cát Lượng. Bây giờ lại nhớ đến những bài thơ trong Tam quốc chí rất rõ.
Ngày anh đi chỉ mình Vú đưa ra sân bay. Ba tránh mặt, thằng Xuân ở trên lầu không xuống . Mình cũng buồn không đi theo , mất bạn rồi . Thôi thì gắn bó với bạn Minh Đức và Sang trong lớp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét