Có lẽ tuổi thơ ai cũng đã từng một lần đi xem cúng đình. Tôi từng được ông ngoại dắt đi xem cúng đình thần Phước Lễ (Bà Rịa) hai lần, được xem hát bội và ăn heo quay. Không nhớ rõ thời gian cúng đình Phước Lễ hàng năm chính xác vào ngày nào, chỉ nhớ cúng đình hồi đó thường diễn ra trong 3 ngày vào những tháng cuối năm. Trong những ngày này, cờ ngũ sắc được treo trước cổng và xung quanh đình nhìn rất đẹp. Người ta nườm nượp bưng những mâm lễ vật như xôi chè, trái cây, heo quay, bánh tét bánh ít đến cúng đình. Nam phụ lão ấu đều ăn mặc thật chỉnh tề, đàn ông mặc áo dài khăn đóng màu đen, đàn bà mặc áo dài có quấn khăn choàng cổ, con nít cũng được mặc những bộ quần áo mới khi đi xem cúng đình. Các gánh hàng rong như chuối nướng, mía ghim, cà rem, kẹo kéo, bong bóng...được dịp tề tựu dọc theo con đường trước cổng đình, buôn bán tấp nập. Không khí cúng đình thời đó thật vui và nhộn nhịp y như những ngày tết nhờ có các trò chơi dân gian trong sân đình như nhảy bao bố, bịt mắt đập nồi, thảy vòng vịt... Ngày khai mạc cúng đình gọi là ngày "xây chầu", người ta đánh trống liên hồi để cung thỉnh các vị thần về tham dự.
Đình Phước Lễ, Bà Rịa được xây dựng cách đây hơn 200 năm tại khu Lò Than của làng Phước Lễ tức vào khoảng thập niên 1800 do dòng họ Lê, cụ cố tổ của ông Lê Thành Duy lập nên. Hồi đó còn nhỏ nên tôi chưa hiểu lắm về các vị thần được thờ trong đình, cứ nghĩ trong đình thờ những vị thần do con người tưởng tượng ra như thần núi, thần sông, thần nước...Sau này tìm hiểu mới biết đình Phước Lễ thờ hai vị danh nhân có thật trong lịch sử, một văn và một võ. Vị thứ nhứt là La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, là quan văn thời vua Quang Trung, về sau được vua Tự Đức sắc phong là Thần hoàng. Vị thứ hai là Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, được tôn là Đức Thánh Trần, đã 3 lần đánh đuổi giặc Nguyên. Các đình tại các địa phương khác cũng thờ các vị tiền nhân có công với đất nước hoặc những vị có công trực tiếp tại địa phương đó, như đình Thoại Sơn, An Giang thờ ông Thoại Ngọc Hầu (Nguyễn Văn Thoại), là người chỉ huy trưởng đào kinh Vĩnh Tế dài 87 cây số nối liền Châu Đốc và Hà Tiên, kinh được đào từ năm 1819 đến năm 1824 dưới thời vua Gia Long.
Màn hấp dẫn nhất trong những ngày cúng đình là được xem hát bội. Các tuồng hát bội hồi đó thường được trình diễn theo truyện Tàu như Tam Quốc Chí, Tiết Đinh Sang chinh tây, Phàn Lê Huê, Lữ Bố Điêu Thuyền, Chung Vô Diệm...Các đào kép hát bội được hoá trang rất đậm nhứt là cặp mắt, cặp lông mày và cái miệng giống như đang đeo một cái mặt nạ nhiều màu sắc, sau lưng có gắn những cây cờ phướng, trên cái mão có hai cọng râu dài. Hồi đó tôi sợ nhứt khi ông Trương Phi ra bộ, ổng trợn hai con mắt rất to nhìn về phía mình, một tay cầm cây thương, một tay chỉ thẳng vô mặt mình, rồi lên giọng những tiếng ư...ứ...ư...tưởng như ổng sắp đâm mình một nhát. Khoái nhứt là màn phi ngựa, ông Trương Phi đưa cái roi ngựa lên cao quay vòng tròn, chân đi gập ghềnh vài vòng trên sân khấu theo tiếng trống chiến và tiếng chập chỏa dồn dập thật sôi động và hào hứng.
Ngoài đình thần Phước Lễ, đình Long Hương cũng có cúng đình hàng năm rất lớn. Bây giờ cúng đình người ta gọi là Lễ Kỳ Yên (ngày xưa gọi là Lễ Cầu An, tức là cầu cho quốc thái dân an). Tôi vẫn thích hai chữ "cúng đình" vì nghe giản dị và gần gũi với người miền Nam.
Copy từ FB Quan Nguyen
1./
2./
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét