10 thg 8, 2023

Những cú chạm đời.-( Hồi ký GHIMHO )


Những cú chạm đời.
Cùng với học đường và cha mẹ.
Ông thầy đời đã dạy ta được những gì!
Những cú chạm đời tuy rất nhẹ.
Vẫn theo ta vượt muôn dặm trùng khơi.
 
Một ngày của thời thơ ấu, đi học về không thấy Ba và Vú đâu, tôi chạy đi tìm được mấy dì cho biết mọi người đã đi Tân Hương. Bà ngoại Tân Hương đã chết và Ba Vú khi hay tin đã vội vã đi mà không đợi tôi.
Bà ngoại Tân Hương là bà cô họ xa của ba tôi. Bà sống một mình ở một nơi xa xôi nào đó tên Tân Hương. Trong trí nhớ mơ hồ của một đứa trẻ, Tân Hương là một nơi huyền bí, khỉ ho cò gáy, phải lặn lội qua không biết bao nhiêu chiếc cầu khỉ. Nơi ấy như một chổ âm u trong rừng của chuyện cổ tích, mỗi lần qua những chiếc cầu khỉ là run trong lòng và tôi chỉ ngồi xuống và bò qua. Nhà bà không có ai, bà chỉ vui với cái hòm đã đắp chiếu ở góc nhà. Tối đi ngủ là tôi sợ lắm, nằm càng xa cái hòm càng tốt. Sợ cái hòm nhưng tôi rất thích bà. Được về nhà bà là khoái chí lắm, được tha hồ lang thang khắp chốn với cây cối và bò qua cầu khỉ.
Biết mọi người đi rồi, một nổi tức giận ngập tràn, tôi không còn lòng nào đi lang thang cùng mấy đứa trong xóm nữa. Chưa hiểu chết là thế nào, chỉ biết là mình bị bỏ rơi. Bây giờ đi mất tiêu hết rồi…đi đâu Ba Vú cũng dắt đi, tại sao bây giờ họ không đợi tôi về. Sao không cho tôi biết gì hết ! Anh Sa cũng đã đi với mọi người. Lòng tôi thấy bùng lên nổi giận. Tôi ôm hết quần áo trong chiếc tủ cây nhỏ của tôi tung ra ngoài và ngồi khóc. Tủ có hai tầng, tầng trên của anh Sa, tầng dưới của tôi. Dù đang tức tối nhưng tôi cũng biết, chỉ vụt đồ mình ra thôi, không chạm vào đồ anh Sa. Ngồi khóc tỉ tê tôi mới nghiệm ra rằng không phải lúc nào những người thân cũng ở bên ta và có lúc vì lý do nào đó, họ sẽ bỏ ta đi không một lời nhắn gởi. Một cú chạm thật nhẹ đầu đời mà tôi còn nhớ.
Năm học lớp Nhất trường Võ Tánh, tôi học với cô Hội, người đã dạy anh Sa trước đây. Lúc nào cô cũng khen anh Sa học giỏi. Cô nói tôi không bằng một góc của anh. Mỗi lần nói chuyện cùng mọi người cô lại đem những bài viết của anh ra khoe và đọc cho cả lớp nghe. Chữ viết tuyệt đẹp. Lúc nào cô cũng khen anh nức nở. Tôi thấy vậy cũng phải rán hết sức. Lúc ấy tôi không giỏi văn mà lại giỏi toán. Dù rằng khi làm văn tôi thấy rất dể, cầm bút là cứ viết. Hầu như tôi không thể làm nháp trước vì khi viết lại tôi lại đổi khác đi. Dần dần tôi chiếm hạng nhất thường xuyên trong lớp. Khi cô cho đề bài và hướng dẫn mọi người, tôi không cần nghe giảng, chỉ cắm cúi làm . Cô giảng xong là tôi đã có bài nộp lên. Cô thấy vậy cứ thường tuyên bố trong lớp – Lớp này học kém quá, chỉ mình em Ghim là chắc chắn đậu thôi.
Việc học đối với tôi quá dể dàng đến nổi tôi rất ngạc nhiên không hiểu tại sao người ta thi rớt. Điểm cao nhất thì khó chứ trên trung bình mà có đi học là phải đậu. Tôi không kiêu ngạo như anh Sa, vẽ hình con ngựa tung vó và ghi câu – Hồ văn Sa sẽ đậu Đệ Thất lên bảng. Anh còn vẽ lá cờ quốc gia có cái mặt anh trên đó như hình Ngô Tổng Thống khi mình đi xem phim rồi chào cờ. Tôi chẳng phí thì giờ cho việc học nhiều. Tôi có rất nhiều đam mê lúc ấy. Đi xin hình ca sĩ, đi xuống sông vớt cá, đi dạo chợ khi đã tan và lượm thịt vụn còn dính lại ở các sạp, lượm rau củ còn thừa được quăng vào đống rác đem về chế biến thành món ngon tuyệt. Tôi và lũ bạn rất thích nấu nướng . Bọn tôi thường gở những vụn cao su còn bám vào cây của trại cưa đầu ngỏ để nấu ăn. Lúc ấy tôi nghĩ đến khi lớn lên tôi sẽ chẳng dại gì mà đi làm như mọi người, cực khổ quá. Chỉ việc đi chơi và lượm những thứ người ta bỏ ra về ăn cũng tốt chán. Nơi tôi giải trí thường xuyên là chợ thịt, nhảy từ sạp này qua sạp kia như là một môn thể thao ưa thích. Đi bán vé số vừa có tiền mua sách, vừa được rong chơi. Mỗi trưa ba tôi thường bắt tất cả nằm ngủ nhưng chỉ đợi ông ngủ là tôi biến mất. Vú thường tìm tôi bằng một cây roi dài nhưng tôi nhảy rất nhanh, vừa nhìn thấy cây roi trên tay bà là tôi đã co giò chạy mất. Canh chừng nào không có bà mới lủi về. Banh đủa là cái ưa thích nhất.
Thường là tôi trốn trong các nhà hàng xóm chơi với bạn, nếu không anh Sa thấy lại bắt về. Nhà nào tôi cũng kết bạn nên hầu như biết rõ các ngóc ngách của từng nhà. Có lần tôi nghĩ đến viết về xóm mình và vẽ lại cái xóm. Tôi lấy bút chì vẽ từng nhà và kể lại chuyện nhà đó. Công việc chưa xong tôi lại mê chơi và quên mất đã bỏ ở đâu. Trò chơi cuốn hút nhất là banh đũa. Tôi xem viêc học cũng chỉ là trò chơi, đến giờ thì chơi, hết giờ thì quăng.
Năm thi Đệ Thất tôi vẫn chẳng hiểu gì thi cử và tại sao phải thi. Cuối năm lớp Nhất, tôi được lãnh thưởng tại nhà hát, ba mẹ cũng chẳng ai đi. Tôi cũng chẳng thấy quan trọng gì. Trong khi mọi người lo học thi thì tôi chỉ lo chơi banh đũa, rong chơi cùng làng khắp xóm. Tôi không nhớ gì đến chữ nghĩa mà cũng chẳng biết gì đến thi cử. Gần đến ngày thi anh Sa nhớ lại chạy báo với Vú và đưa tôi đi thi. Tôi cũng rất thản nhiên, chẳng lo sợ gì với ý nghĩ là chắc chắn mình sẽ đậu vì cô Hội đã nói thế. Kết quả là không học một chữ và thi rớt là lẽ đương nhiên. Trong cay đắng của – thi không ăn ớt thế mà cay- tôi hiểu rằng – Không phải người lớn nói gì cũng đúng.
 Không nên tin vào lời khen của người khác một cách cứng nhắc mà phải suy xét.


 Mời Xem :

Chiếc bánh tráng cuối năm.- ( Hồi Ký GHIMHO )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét