30 thg 8, 2023

GIÁO DỤC MIỀN NAM QUA CÁI NHÌN CỦA GIÁO SƯ QUYÊN DI 🌹

😀😀😀😀😀😀😀 Chỉ là Xem cho biết thôi


Bài viết của Quyên Di , giáo sư giảng dạy văn hóa Việt Nam tại Trường Cal State Long Beach, đảm trách bộ môn tiếng Việt và văn chương Việt Nam khoa Ngôn Ngữ và Văn hóa Á châu thuộc Đại học UCLA (University of California, Los Angeles)
Bài copy có sự đồng ý của giáo sư Quyên Di
Người đã gây " bão mạng " khi thu hút hơn 7 triệu lượt xem và hơn 700.000 lượt thích chỉ trong ít ngày với vidéo tặng 🐼 gấu bông cho học trò 
 
🌹 LỄ NGHĨA & LƯƠNG BỔNG THẦY GIÁO TRƯỚC 75
Lương của thầy cô giáo cao và dư giả để sống, để dành được tiền mua nhà, mua xe, nuôi vợ con đầy đủ là yếu tố quan trọng nhất chứng tỏ chính thể tốt, xã hội ổn định, gia đình là nền tảng cho xã hội vững mạnh, con người có đạo đức và có nhân quyền.
Năm 1967 tôi 19 tuổi, vừa tốt nghiệp Tú Tài toàn phần là chuẩn bị khăn gói vào Đại chủng viện Sài Gòn, gọi là “đi tu” để tương lai trở thành linh mục Công giáo. Nhưng Ơn Trên định cho tôi con đường khác: Đúng năm ấy thân phụ tôi qua đời. Mẹ tôi loay hoay với nhà thuốc bắc bố tôi để lại, tôi thì đông em. Vị linh hướng của tôi là linh mục Trần Văn Hiến Minh gọi tôi vào văn phòng và dạy rằng tôi không được nhập Đại chủng viện mà phải ở nhà lo giúp mẹ phụ nuôi các em.
 
Trường công lập và Trường tư thục
Tôi vốn là học sinh trường Nguyễn Bá Tòng Sài Gòn suốt từ năm đệ Thất đến đệ Nhất. Đây là trường trung học Công giáo. Ban Giám đốc gồm toàn linh mục và hầu hết là thầy dạy của tôi. Chắc hồi đi học tôi cũng là học sinh khá và ngoan nên các vị này bàn bạc với nhau sao đó rồi cho tôi dạy hai lớp đệ Thất. Nhà trường gửi tên tôi lên Nha Trung Học. Nha cấp cho tôi Giấy phép dạy học bậc Trung Học Đệ Nhất Cấp (từ đệ Thất đến đệ Tứ).👍
Tôi kể trường hợp riêng để thưa với người đọc rằng thời VNCH có hai hệ thống trường học song hành: Trường công lập và trường tư thục.
Giáo chức trường công lập phải tốt nghiệp Cao Đẳng Sư Phạm, Quốc Gia Sư Phạm Sài Gòn, hay Đại Học Sư Phạm, được Bộ Quốc Gia Giáo Dục (thông qua Nha/Ty Tiểu học và Nha Trung học) bổ nhiệm. Giáo chức trường tư thục do Ban Giám đốc nhà trường tuyển dụng, tùy theo bằng cấp và khả năng mà xếp cho dạy lớp thuộc cấp nào. Giáo chức trường công lập lấy làm hãnh diện vì đã tốt nghiệp trường Sư Phạm, có giai đoạn đi thực tập, sau đó được bổ nhiệm, trở thành công chức ngành giáo dục. Giáo viên trường tư thục cũng “vẻ vang” không kém vì có khả năng và đủ bằng cấp mới được trường mời giảng dạy.
Bộ Quốc Gia Giáo Dục quy định: Người có bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp (học xong lớp đệ Tứ, học sinh được quyền thi để lấy bằng này) được phép dạy các lớp bậc Tiểu học.Người có bằng Tú Tài toàn phần được phép dạy các lớp bậc Trung Học Đệ Nhất Cấp (đệ Thất – đệ Tứ). Người có bằng Cử nhân hay Cao học được phép dạy các lớp bậc Trung Học Đệ Nhị Cấp (đệ Tam – đệ Nhất). Trong bài này, tôi không đề cập đến các vị giáo sư, giảng sư, phụ khảo Đại học.
 
🍀 Tình cảm thầy trò và phụ huynh
Giáo viên, giáo sư được phụ huynh và học sinh kính trọng lắm. Thời ấy người ta vẫn giữ lễ như thời Nho học còn thịnh hành. Tết nhất phụ huynh thường biếu quà thầy/cô. Quà không đắt tiền nhưng thể hiện lòng tôn kính. Thầy/cô tiếp nhận quà, đôi khi lại nhờ học sinh gửi lại quà tặng cho cha mẹ. Học trò rất kính trọng và quý mến thầy/cô.
Tôi có kinh nghiệm đi thăm cô giáo bị bệnh. Năm học lớp Nhì, tôi học với cô giáo Lan (hiện cô ở Texas). Cô đẹp và hiền. Cô bị yếu mệt phải nằm nhà thương Chợ Rẫy. Bảy đứa con trai góp tiền mua được sáu trái cam, đi thăm cô. Có bao nhiêu tiền đã mua cam hết rồi, không còn tiền đi xe buýt. Thì cứ leo đại lên xe, chui dưới chân người lớn. Nhưng các bác soát vé lanh lắm, lâu lâu bác kiếm được một đứa, xách tai ném ra khỏi xe. Bị ném khỏi xe này lại leo lên xe khác, cuối cùng cả bọn cũng gặp nhau đủ bảy đứa trước cổng nhà thương . Tìm đến phòng cô, cả bọn tranh nhau kể khổ cho cô nghe. Cô khóc rồi lấy dao xẻ cam cho cả bọn ăn sau đó cho tiền xe về.
Lớn lên, đi dạy học, tôi không có kinh nghiệm dạy trường miền xa như vùng lục tỉnh hay các tỉnh miền Trung hoặc Cao Nguyên Nam Trung Phần. Tuy nhiên có những cuối tuần đi thăm các bạn dạy trường công lập ở vùng lục tỉnh, thấy các đồng nghiệp ấy được phụ huynh thương mến mà ham. Có nải chuối, trái mít, trái sầu riêng ngon, phụ huynh cũng sai con biếu thầy/cô. Có những đồng nghiệp đang đêm nghe đập cửa, mở cửa nhìn ra thì là một phụ huynh nào đó tới mời đi nhậu cá lóc nướng trui ngoài đồng. Tôi được được mời ké. Bữa nhậu giữa đồng, trăng thanh gió mát, đương nhiên có “nước mắt quê hương”, vui và ngon hết biết!
“Mỗi năm đến hè thầy man mác buồn”…🥲
Giáo chức dạy trường công lập có việc làm vững chắc, vì là công chức, trước sau cũng nhận được sự vụ lệnh bổ đi dạy trường này trường nọ. Chỉ có điều may mắn thì được dạy trường gần nhà. Thí dụ, ở Sài Gòn mà lại được dạy tại Sài Gòn thì còn gì bằng. Không may thì phải đi dạy trường xa, khi ấy phải dời nhà đến gần trường mà dạy. Gọi là “may” hay “không may” là theo quan niệm chung thôi. Thật ra về trường xa, thầy/cô thường được phụ huynh học sinh rất kính trọng, quý mến như nói ở trên.
Giáo chức dạy trường tư thục, việc làm bấp bênh hơn. Cứ gần đến hè, thầy giáo thường “hát” câu “Mỗi năm đến hè thầy man mác buồn”. Lý do là không biết nhà trường còn tiếp tục mời mình dạy niên học tới hay không. Vào dịp đó, ban Giám đốc nhà trường Trung học thường gửi các giáo sư một lá thư, bỏ trong phong bì rất trịnh trọng, gọi là “Thư cám ơn”. Mở thư mà thầy hồi hộp. Thư có hai phần: phần đầu là lời lẽ cám ơn rất lịch sự về sự cộng tác trong suốt một năm. Phần này thì thư nào cũng như nhau. Phần hai mới là quan trọng vì nó không giống nhau: ban Giám đốc hân hạnh mời thầy tiếp tục dạy vào niên học tới và xin thầy vui lòng chấp thuận; hoặc ban Giám đốc lấy làm tiếc không thể mời thầy tiếp tục cộng tác, chúc thầy may mắn và hy vọng có cơ hội mời thầy trở lại trong tương lai…Đó là trường hợp thầy là giáo chức bình thường, việc dạy học không lấy gì làm xuất sắc.
Đối với các giáo sư có uy tín, được học sinh mong ước theo học thì lại khác. Ban Giám đốc thường phải thưa chuyện với thầy từ rất sớm, mong thầy xếp đặt giờ giấc, đừng nhận dạy ở trường khác vào những ngày giờ mà nhà trường dự định dành cho thầy vào niên học tới. Những giáo sư này thường dạy nhiều trường; xong giờ dạy trường này là lên xe phóng sang trường khác ngay, mà thời ấy chúng tôi gọi là “chạy trường”. Cá nhân tôi vào những năm cuối nền đệ Nhị Cộng Hòa cũng dám nhận dạy một niên khoá tới 4, 5 trường Nguyễn Bá Tòng Sài Gòn, Cứu Thế Học Đường (đường Kỳ Đồng), Phước An (Thị Nghè), Tân Khoa (Gia Định), Chân Phước Liêm và Dũng Lạc (Gò Vấp). Ấy là chưa kể buổi tối dạy luyện thi mà tôi sẽ nói sau. Nghĩ lại, lấy làm sợ hãi.
 
🌹” BÀI SOẠN”
Nói chung, thời VNCH, có thể nói hơi ngoa ngữ một chút là “đã biết cầm cục phấn là biết dạy học”. Có những vị có khiếu dạy học, dạy rất hay, mặc dù có thể không tốt nghiệp trường Sư Phạm. Năm học đệ Tứ, tôi có một thầy dạy Toán tuyệt vời. Thầy có thể cầm phấn vẽ trên bảng 10 vòng tròn đồng tâm chỉ trong nháy mắt. Lại có những giáo sư dạy Quốc Văn hay Sử Địa, giảng bài hay đến độ học trò ngồi im phăng phắc cả tiếng đồng hồ mà không biết chán. Tôi nghe nói, bộ ba giáo sư “Tế-Khoan-Đáng” (Nguyễn Sỹ Tế, Vũ Khắc Khoan, Tô Đáng) khi lên lớp giảng bài, học trò lớp khác bỏ lớp, đứng ngoài cửa lớp của các thầy để nghe ké.
Giáo chức dạy học không có “giáo án” nhưng có cuốn “bài soạn”. Việc hình thành một bài soạn để dạy trong lớp gọi là “soạn bài”. Vậy thôi. Mỗi năm, thầy/cô bổ túc cho “bài soạn” của mình thêm phong phú, đem lại kết quả tốt hơn. Bình thường thì như thế, nhưng cũng có giáo sư dạy tùy hứng và có khiếu ăn nói. Những vị này thường được nhà trường xếp dạy lớp đệ Tam là lớp cuối năm không phải đi thi, học sinh gọi đùa là “năm dưỡng lão”. Thầy giảng thao thao bất tuyệt, học trò cứ há miệng nghe mà không biết chán.🤪
Tôi nói vụng, thầy tôi, giáo sư Vũ Khắc Khoan (dạy tôi môn Hát Bội ở Đại học Văn khoa Sài Gòn), khi dạy Sử Địa ở trường Trung học, suốt một niên khóa vẫn chưa dạy xong bài “Quân Pháp đánh Bắc kỳ lần thứ nhất!”. Ấy là tôi “nghe nói” như thế.
 
🌹 LƯƠNG BỔNG GIÁO CHỨC
Cuộc sống nhà giáo được xem là “thanh bạch” (cách nói khác của “nghèo”) nhưng thực tế thì không đến nỗi. Một thí dụ: Năm 1964 là năm giao thời giữa đệ Nhất và đệ Nhị Cộng Hòa, một giáo sư Trung học đệ Nhị cấp (dạy từ lớp đệ Tam đến đệ Nhất) mới tốt nghiệp ba năm Đại học Sư Phạm bắt đầu đi dạy, lương và phụ cấp chức nghiệp cộng phụ cấp đắt đỏ, tổng cộng khoảng 7.405 đồng, phụ cấp cho vợ 1.000 đồng, phụ cấp cho ba con, mỗi con 800 đồng, sẽ là 10.805 đồng một tháng. Trong khi đó, một ký gạo giá chỉ có 5 đồng rưỡi.
🍀 Cuối thập niên 1960 đầu thập niên 1970, giáo sư dạy trường Trung học tư thục, thù lao một giờ dạy, thấp nhất khoảng 250 đồng, cao nhất khoảng 1.000 đồng. Nếu vị có lương giờ thấp nhất, dạy một ngày bốn tiếng, mỗi tuần năm ngày (ngày thứ Bảy cũng dạy bình thường), lương tháng vào khoảng 20.000 đồng. Vị có lương giờ cao nhất, cũng dạy với số ngày, giờ như thế, lương tháng sẽ vào khoảng 80.000 đồng. Trong khi đó, giá tiền một ký gạo năm 1971 là 48 đồng, năm 1974 là 171,3 đồng. Như thế thì không thể nói nhà giáo sống thiếu thốn được.
🍀 Giáo sư Trung học có uy tín, được mời dạy luyện thi Trung học đệ Nhất cấp, Tú Tài 1, Tú Tài 2 thì khó mà có con số lương bổng rõ ràng. Những môn học sinh thường học thêm để luyện thi là Toán, Lý, Hóa, Vạn vật, Ngoại ngữ, Triết học, Quốc văn. Các trung tâm luyện thi có thể trả những vị giáo sư này đến 1.500-1.600 đồng một giờ. Vì tiền lương không đến nỗi chật hẹp, giáo chức không phải làm thêm nghề phụ, có thì giờ để chuyên tâm vào việc dạy học, kết quả đương nhiên là tốt đẹp.
 
Viết bài này, tôi hồi tưởng lại đời dạy học, từ khi là một “cậu giáo” 19 tuổi mặt mũi non choẹt, không chút kinh nghiệm cho đến khi lớn hơn, được gọi là “ông Giáo sư Trung học” với lương giờ khá cao, lại cũng vì muốn có nhiều tiền giúp mẹ nuôi các em nên còn nhận dạy luyện thi buổi tối. Mỗi tháng đem về nhà mấy trăm ngàn đồng. Nhưng chuyện ấy không làm tôi nhớ bằng tình thầy trò . Tôi đã vừa là trò, vừa là thầy, nên có thể làm chứng rằng đời sống tinh thần và tình cảm của người thầy/cô thời VNCH thật phong phú mà ai từng trải qua, suốt một đời không thể nào quên.🌹


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét