Tác giả: Nguyễn Sơn Hùng
Lời mở đầu: Như đã trình bày trong “Thử Tìm Hiểu Tại Sao Người Nhật Bản Dùng Từ “Miễn Cưỡng” Với Ý Nghĩa Là “Học”” Bài 2 dưới đây: Tại sao người Nhật Bản dùng từ “miễn cưỡng” với ý nghĩa là “học”, người viết bắt đầu tìm hiểu nội dung sách dịch “Tây Quốc Lập Chí Luận” của Nakamura Masanao (Trung Thôn Chính Trực) xuất bản đầu tiên vào tháng 10 năm Minh Trị thứ 3 tức năm 1870. Sách này dịch sách “Self-Help” của Samuel Smiles, xuất bản năm 1859.
Người viết sớm dịch Lời mở đầu của sách này để tưởng nhớ công ơn của một vị nữ giáo sư ĐTTV dạy Việt văn thời trung học, luôn luôn tận tụy hy sinh cả đời với học sinh, vừa mới qua đời ngày 27/7/2023.
- Sơ lược về Nakamura Masanao
Nakamura Masanao (1832~1891) là nhà tư tưởng khai sáng thời Minh Trị, cũng là nhà giáo dục và tiến sĩ văn học. Ông sáng lập trường tư Đồng Nhân Xã同人社 để truyền dạy Anh học. Ông từng đảm nhiệm Hiệu trưởng trường Đông Kinh Nữ Tử Sư Phạm Học Hiệu, giáo sư bộ môn Văn học của đại học Đông Kinh, Hiệu trưởng trường Nữ Tử Cao Đẳng Sư Phạm Học Hiệu.
Năm 1848 vào học Shôheizaka Gakumonjo, học Nho học với Sato Issai佐藤一斎, học tiếng Anh với Mitsukuri Shyuhei箕作奎吾.
Năm 1855 (23 tuổi) làm giáo thụ (giáo sư). Năm 1862 làm chuyên gia Nho học cho Mạc phủ.
Năm 1866 (34 tuổi) (26/10 rời Yokohama) dẫn đầu 12 du học sính sang Anh quốc. Tháng 6 năm 1868 trở lại Nhật Bản vì chính quyền Mạc phủ bị giải tán.
Năm 1869 (tháng 9) làm giáo thụ Shizuoka Gakumonjo. Ở đây ông quen với nhà truyền giáo tên Edward Warren Clark cùng là giáo thụ của trường và thành bạn thân suốt đời.
Thời gian làm giáo sư ông dịch Self-Help và xuất bản năm 1870, bán được trên triệu cuốn, là sách bán chạy lâu dài nhất sánh vai với sách Khuyến Học của Fukuzawa Yukichi.
Năm 1890 được tuyển chọn làm sắc tuyển nghị viên của Quý tộc viện.
Năm 1891 qua đời, thọ 58 tuổi. Ông là một trong Minh Trị Lục Đại Giáo Dục Gia (6 nhà giáo dục lớn thời Minh Trị): Ôki Katatô 大木喬任, Mori Arimori森有礼, Kondô Makoto 近藤真琴, Nijima Jô新島襄, Fukuzawa Yukichi福澤諭吉.
- Nội dung Lời mở đầu của sách dịch
Tên chính thức trong nguyên bản là “Lời mở đầu thiên thứ nhất của sách Tự Trợ Luận”. Lời mở đầu này được viết bằng Hán văn. Người viết không rành Hán văn nên có thể không diễn tả được hết ý của tác giả nhưng tin rằng giúp quý vị độc giả hiểu được đại ý mà tác giả muốn diễn đạt. Nội dung Lời mở đầu như sau.
“Trong lúc tôi đang dịch sách này có một vị khách (1) ghé thăm và hỏi tôi: Này anh, tại sao anh không lo dịch sách về quân sự? (2)
Nghe thế tôi mới hỏi lại: Anh cho rằng đất nước hòa bình yên ổn là nhờ quân sự cường mạnh sao? Và anh cho rằng các nước Âu Mỹ cường mạnh là nhờ quân sự sao? Thật ra không phải như vậy.
Sự cường mạnh của các nước Âu Mỹ là do người dân của họ dốc lòng tin vào đạo của trời. Là do người dân của họ có quyền tự do (3). Là do chính trị của nước họ khoan dung độ lượng và luật pháp công bình. Napoleon khi bàn về chiến tranh có nói “Sức mạnh của đạo đức gấp 10 lần sức mạnh của cơ thể” (4). Và Samuel Smiles nói “Sự mạnh yếu của một quốc gia liên quan đến phẩm hạnh của người dân nước đó”. Ông lại nói “Sự chân thật và lương thiện là cơ sở của phẩm hạnh con người” (5).
Quốc gia cũng tương tự như vậy, vì quốc gia là tên gọi của dân chúng tập hợp lại. Do đó, nếu phẩm hạnh của mọi người đúng đắn thì phong tục của quốc gia đó tốt đẹp. Nếu phong tục của quốc gia tốt đẹp thì đất nước của họ là một quốc gia có đoàn kết và hòa thuận, toàn dân của họ là một khối. Một khi được như vậy thì làm sao quốc gia đó không cường mạnh?
Còn nếu như phẩm hạnh người dân của một quốc gia chưa đúng đắn, phong tục chưa được tốt thi khi vận dụng quân sự hiếm khi tránh khỏi việc họ trở thành những người hiếu chiến, yêu thích việc sát hại con người. Như thế thì làm sao có thể trông mong đất nước được hòa bình yên ổn?
Ngoài ra nếu lấy lẽ trời mà nói, việc chỉ muốn một mình cường mạnh là trái nghịch lớn với lẽ trời. Tại sao vậy? “Mạnh” là để gọi điều trái ngược của “yếu”. Trời sinh ra mọi người và muốn mọi người tiếp nhận được sự an vui giống nhau, tu dưỡng đạo đức giống nhau, cùng quý trọng trí thức như nhau, và thích chuyên cần với nghề nghiệp như nhau. Có lẽ nào trời lại muốn kẻ này mạnh, người kia yếu, kẻ này giỏi người kia dở. Do đó, mọi quốc gia trên trái đất thật sự nên trao đổi học vấn, công nghệ và nghệ thuật với nhau để sử dụng các dụng cụ, máy móc để làm đời sống con người trở nên tiện lợi và phong phú hơn, đem lại lợi ích cho lẫn nhau (6). Mọi người trên thế giới cùng nhau an khang, cùng nhau hạnh phúc (7). Nếu như vậy thì làm sao còn việc so sánh mạnh yếu, còn có việc cạnh tranh hơn kém. Con người vốn biết sợ mệnh trời nên thật lòng làm việc tốt lành. Một người làm như vậy. Rồi cả nhà làm được. Kế đến, cả nước làm được. Cuối cùng cả thế giới làm được. Lòng hiếu thảo đối với cha mẹ, sự quan tâm để ý đến người khác lan tràn đến mọi nơi, người người trên thế giới cùng nhau vui vẻ với cuộc sống. Mầm mống chứa đầy thương yêu khoan dung độ lượng, hòa thuận thân tình xuất hiện trong vũ trụ. Như thế còn cần gì đến binh lính và vũ khí?
Chẳng phải người xưa đã từng nói những lời sau sao? “Quân đội là phương tiện để sát hại con người; chiến tranh rất nguy hiểm, độc hại” (8), “Người có lòng nhân, trong thiên hạ không ai địch lại” (9), “Nên xử phạt nặng những người giỏi chiến tranh” (10).
Sinh mạng của một con người nặng hơn cả trái đất (11). Hành động của một thất phu (người bình thường) liên quan đến quốc gia, thế giới. Điều này có nghĩa là việc bởi vì lòng ham muốn đất đai mà gây tai họa cho mạng người rất cao quý là trái ngược với ý trời, đi ngược lại với công ơn của tạo hóa, không thể nào tránh được truy tội của trời.
Các nước Âu Mỹ gần đây giảm bớt hình phạt, tuy nhiên vẫn chưa có thể làm chiến tranh không xảy ra. Kết quả này phải chăng là do còn có người chưa được giáo dục đạo đức cảm hóa? Thời vận mà vũ trụ thái bình vốn còn chưa đến sao? Mong sao cho trong tương lai của thế giới, lễ giáo thịnh hành mà quân sự và hình phạt không còn. Ngày đó chắc chắn phải đến! Đáng tiếc là anh và tôi không còn sống để thấy ngày đó!
Khách hài lòng khi nghe xong, và từ giả ra về. Tôi viết lại nội dung trên để làm Lời mở đầu cho sách đang dịch.
Thượng tuần tháng tư Minh Trị năm thứ 3.”
Nakamura Masanao
- Nhận xét
1) Người viết rất ngạc nhiên khi đọc “Sự cường mạnh của các nước Âu Mỹ là do người dân của họ dốc lòng tin vào đạo của trời” của Nakamura. Không hiểu ông căn cứ vào đâu mà cho rằng người Âu Mỹ dốc lòng tin vào đạo trời? Và đạo trời của Âu Mỹ mà ông nói có giống đạo trời của Đông phương hay của Khổng Mạnh học không?
Ông là người dịch câu châm ngôn tiếng Anh “Heaven helps those who help themselves” trong đầu chương I của Self-help là “Trời giúp người biết tự giúp mình”. Có lẽ do ông thấy tư tưởng này và các tư tưởng khác trong Self-help như “Sự mạnh yếu của một quốc gia liên quan đến phẩm hạnh của người dân nước đó” tương tự với Đông phương mà ông cho người Âu Mỹ cũng tin vào đạo trời chăng?
Theo wiktionary tiếng Anh, câu châm ngôn tiếng Anh nói trên do một tác giả của Hy Lạp cổ đại tên Aesop viết ra, sau đó được dịch sang tiếng Latin và Pierre Millot đã đưa vào tiếng Pháp vào năm 1646. Samuel Smiles đã đưa câu châm ngôn này vào Self-help năm 1859. Châm ngôn này cũng được Benjamin Franklin đưa vào tác phẩm “Poor Richard’s Almanack” (năm 1739) của ông.
Như chúng ta biết Socrates và Khổng tử có những điểm tương tự. Nếu chúng ta hiểu “đạo trời” là “quy luật tự nhiên” hay “chân lý” thì không lấy làm ngạc nhiên khi có sự giống nhau giữa Đông và Tây. Tuy nhiên, vấn đề là có hợp lý khi tổng quát cho rằng mọi người hoặc đa số người Âu Mỹ tin vào đạo trời chăng? Đối với những người thành công nhờ kiên trì phấn đấu từ nghèo khó thì khả năng này lớn nhưng đối với những người không phải khổ cực mà thành công liệu họ có tin như vậy không? Đó là nghi vấn của người viết.
Từ việc trên cho thấy Nakamura vẫn chịu ảnh hưởng của Khổng Mạnh học mặc dù ông có muốn học hỏi những điểm tốt của Âu Mỹ.
2) Khi đọc “Một người làm như vậy…. Cuối cùng cả thế giới làm được” chúng ta có thể thấy cách suy nghĩ giống như trong sách Đại Học: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” (Nguyên văn: Thân tu, nhi hậu gia tề. Gia tề, nhi hậu quốc trị. Quốc trị, nhi hậu thiên hạ bình.)
Mới đọc qua người viết cho rằng cách suy nghĩ này quá lý tưởng mặc dù không sai trên mặt lý luận. Nhưng sau khi suy nghĩ thêm với lập trường của một nhà giáo dục, ngoài cách này không còn có cách hợp lý khác. Lập trường và quyền hạn của nhà giáo dục khác với nhà chính trị. Khác nhau thế nào?
Nhà chính trị có thể đặt ra chính sách và áp dụng cho đối tượng nhiều người để có kết quả rộng lớn. Nhà giáo dục có thể đề nghị chính sách nhưng không có quyền quyết định để thực thi rộng rãi. Nhà chính trị cần nên hiểu rõ vai trò quan trọng và trách nhiệm nặng nề này.
Ngoài ra, với vai trò của một nhà giáo dục không thể chỉ theo đuổi hiệu quả to lớn của tập thể mà bỏ qua giáo dục của từng cá nhân. Đó là điểm đẹp của nhà giáo và cần nên duy trì.
Khi biết câu truyện “Sinh mạng của một con người nặng hơn cả trái đất” ở Nhật Bản, người viết càng tin rằng tư duy “Từ một con người để rồi đến cả thế giới” nên là phương châm cơ sở của giáo dục và cần nên duy trì mặc dù chậm có hiệu quả. Xem tiếp theo.
3) Người viết lại ngạc nhiên khi biết Nakamura Masanao là người đầu tiên viết ra câu “Sinh mạng của một con người nặng hơn cả trái đất” trong Lời mở đầu của tác phẩm dịch thuật của ông vào năm 1870.
Càng ngạc nhiên khi biết có một vị thẩm phán đã trích dẫn lời này trong bản án của Toàn thể thẩm phán (đại pháp đình) của Tòa án tối cao vào ngày 13/3/1948 về việc phán quyết lần đầu tiên việc xử tử hình của tội phạm (do các tòa án cấp thấp hơn) có phù hợp với tinh thần của hiến pháp mới của Nhật Bản được ban hành sau Thế chiến thứ hai hay không.
Lời nói trên chỉ xuất hiện một lần trong Lời mở đầu của sách nhưng vẫn có người để ý đến và ghi nhớ đến để trích dẫn sau 78 năm trôi qua! To lớn thay cường mạnh thay một lời nói chân chính! Vị chủ trì 鈴木眞道của tu viện富春院 thuộc phái Lâm Tế Thiền ở thành phố Shizuoka viết: “Lời này vẫn vang dội mãi trong lòng của người Nhật Bản từ thời Minh Trị đến nay.”
Lời này lại được vị Thủ tướng Fukuda Takeo lập lại trong sự kiện không tặc xảy ra ngày 28/9/1977, sau 29 năm bản án của Tòa án tối cao nói trên và 107 năm sau của Lời mở đầu sách! Nhờ tinh thần trân trọng sinh mạng con người này, 156 người của các hành khách và phi hành đoàn đã được bình yên an toàn đoàn tụ lại với gia đình.
Khi người viết giới thiệu việc “khám phá” nói trên của người viết trong cuộc nói chuyện hàng tuần bằng Zoom Meeting, một người bạn Nhật lớn tuổi trong nhóm cho biết ý kiến: đối với các vị Thủ tướng ngày trước như Fukuda Takeo hoặc Nakasone Yasuhiro thì như vậy, còn đối với các Thủ tướng gần đây chưa hẳn có ý tưởng này. Ý kiến này thật đáng suy ngẫm. Tại sao vậy?
Từ 2 sự kiện nói trên đối với một lời chân chính của Nakamura Masanao đã làm cho người viết có niềm tin và kỳ vọng thêm vào cách suy nghĩ “Từ một con người để rồi đến cả thế giới” của Lời mở đầu và phương châm giáo dục của Khổng Mạnh học.
Nguyễn Sơn Hùng, viết xong ngày 30/7/2023
Xem thêm cùng tác giả: Những bài viết và dịch của Nguyễn Sơn Hùng
Ghi chú
(1) Hiện nay chưa rõ khách là ai. Truyện xảy ra khi Nakamura dịch sách ở Shizuoka.
(2) Vào thời đại của Nakamura, việc dịch sách quân sự được xem là trách nhiệm của các người theo Tây học sau thời Hà Lan học.
(3) Trong nguyên bản là “tự chủ”. Trong tiết mục 2 thiên thứ nhất Nakamura dùng từ “tự chủ” để dịch “liberty” trong tiếng Anh. Vào thời này các thuật ngữ dịch tiếng Anh chưa được thống nhất ở Nhật Bản.
(4) Nguyên văn tiếng Anh “The normal is to the physical as ten to one” (Tiết mục 1, thiên 13 của sách dịch). Trong bản dịch dùng “đức thiện” (đạo đức), “thế lực” (sức mạnh).
(5) Lời nói này xuất hiện ở tiết mục 4, thiên 13.
(6) “Lợi dụng hậu sinh” là từ trong sách kinh Thư.
(7) Trong nguyên bản dùng từ “phúc chỉ福祉” (hạnh phúc).
(8) Trích dẫn từ Trào Thác Truyện của sách Hán Thư: “Binh hung khí, chiến nguy sự dã”
(9) Bài 5, thiên 1 Lương Huệ Vương thượng trong sách Mạnh Tử.
(10) Bài 14, thiên 7 Ly Lâu thượng trong sách Mạnh Tử.
(11) “Sinh mạng của một con người nặng hơn cả trái đất”. Mới đầu người dịch nghĩ là câu nói của người xưa khác nhưng sau khi tra cứu trên Internet tiếng Nhật mới biết đây là lời của Nakamura Masanao và ngày nay câu nói được phổ biến rộng rãi ở Nhật Bản. Bối cảnh như sau.
(i) Trong bản án của Tòa án Tối cao ngày 13/3/1948 về tội tử hình, thẩm phán Mano Tsuyoshi 真野毅 (1888~1986) đã viết “Sinh mạng (con người) là tôn quý. Sinh mạng của một con người nặng hơn cả trái đất”. Kết quả phán quyết là không miễn được tội tử hình của tội phạm.
Thẩm phán sau đó đã cho biết ông đã trích dẫn phần sau câu nói trên từ Lời mở đầu trong tác phẩm dịch thuật của Nakamura Masanao.
(Tội phạm không chịu làm việc và oán hận mẹ và em gái đối xử không tốt nên đã giết hại cả hai và bỏ xác xuống giếng nước để che dấu.)
(ii) Ngày 28/9/1977 không tặc (hijack) đã cướp chuyến bay 472 của Hàng không Nhật Bản gồm 156 người của phi đoàn và hành khách. Không tặc đã đòi hỏi chính phủ thả tội phạm đang bị giam giữ và số tiền to lớn, nếu không đáp ứng họ sẽ giết chết phi hành đoàn và hành khách. Chính phủ phải chấp nhận điều kiện của họ. Thủ tướng Fukuda Takeo đương thời đã thốt ra lời “Sinh mạng con người nặng hơn trái đất”.
Ngày nay câu nói trên được nhiều người Nhật biết đến nhưng có lẽ ít người biết tác giả đầu tiên là Nakamura Masanao của thời đại Minh Trị.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét