Năm cấp 1, bố mẹ cho tôi học hệ chương trình thực nghiệm, tôi luôn
là học sinh xuất sắc và đứng đầu lớp. Hồi đó với hệ thực nghiệm, lớp 4-5
là đã học gần như chương trình của lớp 8-9 hệ phổ thông rồi nên lúc nào
tôi cũng tự hào về bản thân.
Được bạn bè và gia đình xung quanh khen ngợi, tôi càng thấy bản thân mình như cái rốn của vũ trụ.
Có
lần gặp con của bạn bố mẹ, tôi nhất định không chơi với bạn chỉ vì …
bạn là học sinh tiên tiến của một trường tiểu học hệ phổ thông.
Hôm đó về nghe kể lại xong, mẹ tôi giận bắt úp mặt vào tường cả tiếng.
***
Lên
cấp 2 tôi học Chu Văn An, vẫn là chi đội trưởng rồi tổ trưởng các thứ
các kiểu học lúc nào cũng nhất nhì lớp. Tôi vẫn luôn nghĩ là mình giỏi,
và các bạn kiểu gì cũng nể phục mình, cần mình giúp đỡ.
Một
ngày đẹp trời, tôi lên mặt dạy đời với Huyền Đô - con bé to cao nhất lớp
hồi ấy, nói nó đừng mải chơi nữa phải chăm học vào. Thế là nó lao vào
túm tóc đập cho tôi một trận sứt đầu mẻ trán, tôi thì bé lớn chỉ biết
học với đọc sách, hôm đó mới biết mình còn giỏi chịu đòn nữa.
Tôi
về mách bố, bố bảo sao phải mách, đi học võ đi sau này tự vệ, với người
biết lý lẽ thì mình nói lý lẽ còn với người chỉ biết nắm đấm thì con
phải biết tự vệ. Thấy bố chẳng an ủi mình, tôi chán đi đọc sách tiếp.
Nhưng từ khi bị đánh, tôi cũng biết mình chưa giỏi bằng Huyền Đô.
***
Cấp
3 trôi qua không có biến cố gì vì lớp tôi học ai cũng giỏi, mỗi đứa
giỏi một mảng và được các thầy cô tạo mọi điều kiện để phát triển, chẳng
đứa nào phải ganh đua với đứa nào. Chắc cũng vì thế mà giờ ra trường đa
số đều ở nước ngoài, mỗi đứa một nơi, mỗi người một mảng, ít liên lạc
lại. Tôi vì thế, một lần nữa, lại nghĩ mình là trên hết, chẳng quan tâm
đến ai cả, mình giỏi thế này là được rồi.
***
Những
năm học đại học và sau này ra đi làm, cái vũ trụ mà tôi tưởng mình đang
là trung tâm ấy ngày một nhỏ dần và biến mất khi nào không biết.
Có
thể là khi tôi gặp một cặp vợ chồng học xong tiến sỹ bên Mỹ quyết định
trở về Việt Nam mở một quán cà phê, và chị vợ thì làm tiệm may nhỏ,
khách lúc nào cũng nườm nượp và anh chị cùng các con lúc nào cũng tràn
đầy mãn nguyện.
Có thể là khi tôi gặp một bác
xe ôm biết vẽ tranh truyền thần, sáng chạy xe, chiều lang thang phố vẽ,
mà vẽ rất đẹp, có mấy chú hoạ sĩ đi qua nhìn đều tấm tắc hỏi mua.
Có
thể là khi tôi bước vào ngân hàng đi vay tiền, và gặp người bạn giám
đốc ngân hàng lại chính là người bạn học sinh tiên tiến tôi từng không
muốn chơi cùng thời tiểu học. Bạn vẫn nhận ra niềm nở hỏi thăm.
Có
thể một lần khi tôi ghé ngang chợ Đồng Xuân một đêm mùa đông, quên mang
tiền và được chị khách đứng cạnh đề nghị trả giúp - là Huyền Đô đầu gấu
cấp hai chứ ai, tay bồng con, nói cười rất duyên, bảo ngày đó xem tivi
thấy cậu mà tự hào lắm phải khoe với mọi người bạn cấp 2 của con đấy.
Có
thể một lần tôi ép tim đầy tự tin cho một bệnh nhân ngừng tuần hoàn,
nhưng cũng chính là người thông báo cho người nhà bệnh nhân đã tử vong
sau bao nhiêu phút tích cực cấp cứu.
Có thể một
lần khi tôi chỉ biết im lặng ngóng chờ sự quan tâm từ một người bạn, vì
nghĩ việc gì mình phải quan tâm trước, mình giỏi mà, mình nổi tiếng
trên mạng mà, nhiều người hâm mộ cơ mà, rồi một ngày tôi thấy số bạn gọi
đến mừng rỡ nghe, bên kia đầu dây mẹ bạn nặng lòng: “Con thu xếp qua
tiễn bạn nốt đoạn đường cuối nhé!”.
***
Bố tôi luôn bảo, một người thợ điện giỏi cũng là người giỏi,
một người nấu ăn ngon cũng là người giỏi,
một người hát hay cũng là người giỏi,
một người dẻo miệng bán đắt hàng cũng là người giỏi,
một người mang tiếng cười cho người khác cũng là người giỏi,…
Con
luôn chỉ là một hạt cát vô cùng nhỏ bé trên cuộc đời này. Những gì con
giỏi, sẽ có người giỏi hơn con. Những gì con thấy họ chưa giỏi như con,
là vì họ còn bận xuất sắc trong các tài năng khác của họ đấy.
Nếu
con chỉ luôn đứng một chỗ và nghĩ mình là xuất chúng, là trên hết, nghĩ
ai cũng phải theo mình, ai cũng phải yêu thương tôn trọng mình, thì rồi
sẽ đến lúc con chỉ còn thấy mỗi mình với chiếc bóng ảo tưởng của chính
mình thôi.
Bố không cầu con phải leo lên đến địa vị này, kiếm được từng kia tiền, được người đời trọng vọng ra sao.
Bố
cũng không muốn con nhu nhược chịu đựng, dũng cảm là biết ngồi xuống
lắng nghe nhưng dũng cảm cũng là đứng lên nói điều cần phải nói.
Chỉ
mong con sống luôn cố gắng, sống hạnh phúc và vui vẻ, sống tử tế và
khiêm nhường, sống để ai ở xung quanh con cũng thấy dễ chịu và nhẹ
nhàng, vậy là bố vui lắm rồi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét