11 thg 5, 2023

SỐ KIẾP - Hồi Ký của GHIMHO

 


Người ta thường nói tài hoa bạc mệnh. Mình không phải kẻ tài hoa nhưng mệnh vẫn bạc như vôi. Dung nhan không xấu không đẹp. Làm việc gì cũng được, không xuất sắc cũng không tệ lắm. Đi học cấp một còn chiếm bảng đầu chớ đến cấp hai ở Gia Long toàn những bậc kỳ tài chỉ một lần hạng sáu, thi Tú Tài I,II chỉ là bình, bình thứ. Cho làm gì thì làm ấy cũng chẳng phân bua lắm lời làm gì. Chỉ hơn người chổ chịu đựng và số đen đủi .
Mẹ bảo sanh ra đã là khó nuôi, bệnh hoạn triền miên. Mẹ cứ ép ăn hoài nên bình sinh lại sợ chữ ăn lắm. Ăn để mà sống nên phải cố thế thôi, lúc nhỏ cứ ao ước có thuốc gì cho mình uống mà khỏi phải ăn. Lúc đi học vẫn là sống chung với bệnh, nhìn mặt bác sĩ hoài cũng ngán, bác sĩ Việt Nam ngoại quốc gì mẹ cũng dắt đến. Hết thuốc tây, thuốc bắc, châm cứu đến thầy bùa, đeo dây niệt từ nhỏ đến lớn. Nhớ lại nhỏ Minh Đức rất cẩn thận không cho mình chui qua sào quần áo bởi vì có đeo dây niệt. Mẹ bảo nuôi em mình rất dể, chỉ mình là khó.
Đến lớn, không quen được ai, mẹ bảo bị ế. Bấy giờ lại sợ chữ ế, cứ nghe nói là thấy khó chịu vô cùng. Nhủ thầm bộ mẹ muốn đuổi mình đi hay sao mà cứ nói ế..ế hoài. Đến 31 tuổi mới lập gia đình mà cũng chẳng ra chi, phải rán mà ngâm câu-
Phận bèo đâu quản nước sa.
Lênh đênh đâu nữa vẫn là lênh đênh.
Khi đi làm thì lúc mình bỏ nghề, lúc nghề bỏ mình. Lận đận hết nghề này qua nghề khác. Bạn bè gặp người tốt cũng có, kẻ xấu cũng có. Kẻ xấu cho mình bị đuổi mất việc, người tốt nâng mình lên. Lúc túng thiếu lại có người bạn từ phương trời xa vẫn gởi giúp dù chẳng gặp lại bao giờ.
Đi làm việc nào cũng có, không giỏi lắm nhưng gánh vác được hết chỉ cái tội là luôn có tai nạn từ nhỏ đến lớn. Tai nạn nghề nghiệp cũng có, tai nạn tự tạo cũng có. Tai nạn đi theo mình cũng như căn bệnh. Lúc mới vào kho, té lộn đầu ở cầu Tân Thuận phải may mấy mủi. Lúc chở con cháu đi suối Lồ ồ chơi, lên dốc không nổi bị tuột. Chở bốn đứa trẻ, bọn chúng không sao, mình bị trật khớp phải nhờ thầy sửa khớp, bó thuốc – đau thấy chết.
Đi xe té cũng nhiều lần, trận nặng nhất lúc đó là tự té ở cầu Bến Lức, chẳng ai đụng. Phải may mấy chổ trên mặt, may ở cằm, giữa trán như con trùng nằm giữa hai chân mày – miểng chai cắm đầy trên mắt. May mắn lại không vào giữa mắt, mặt cũng biến dạng do những vết thương không mất hẳn. Lúc té không biết gì, khi tỉnh lại đã may vá xong hết chỉ biết cái mặt băng bó đầy và nặng như mang nồi cơm điện trên đầu. Ấy thế nhưng không hề biết đau và cũng không biết sợ, mọi diễn biến như một giấc mơ. Tỉnh dậy mới biết là tai nạn.
Chỉ tai nạn ở Sóng Thần vào buổi chiều tối mưa gió là một trận kinh khủng vì mình nhận thức được hết mọi việc. Lúc lủi vào gốc cây như đóng phim, thấy lóe sáng và đau đớn. Không biết mình có ngất đi không chỉ biết chớp nhoáng và ngước lên là đã dưới hố. Nhìn con đường vắng mờ mờ lúc chiều sắp tắt với một vài chiếc xe vụt qua trong màng mưa, muốn kêu cũng không đủ sức, nghe lao xao và có người vực dậy đưa lên khỏi hố. Thì ra hai cậu thanh niên đi xe gắn máy đang về thành phố, thấy tai nạn đến giúp. Dù đau khủng khiếp nhưng mình vẫn tỉnh táo. Nghe họ định đưa vào bệnh viện Quân khu gần đó, mình nghĩ đến khó khăn của gia đình khi phải đi xa để thăm nom nên đề nghị đưa về bệnh viện thành phố. Chỉ sợ trong lòng, có khi nào chết lúc đang đi. Một anh chạy xe của mình, anh kia chở mình đi bệnh viện. Cũng may là xe vẫn còn chạy được. Thời gian như vô tận, mưa lại nặng hạt. Ngồi sau xe, gục lên vai của cậu trai mình chỉ biết đau và nghe ù ù tiếng mưa, tiếng xe. Thỉnh thoảng nghe cậu ta kêu lên – Cô ơi, cô còn tỉnh không ? Cô có sao không ?
Tội nghiệp, cậu ta cũng sợ mình bất tĩnh hay chết lúc đi. Mình cũng sợ lắm chỉ biết giục đi nhanh. Gần đến thành phố, đường lầy lội lại kẹt xe nhưng rất may mình vẫn tỉnh. Bệnh viện gần nhất là tại chợ Bà Chiểu, vào đến nơi mình nhờ gọi về nhà. Khám, chụp hình được xác định gảy xương vai trái. Bác sĩ hỏi có muốn mổ không ! Mổ để ghép xương phải nằm ít nhất một tháng rưởi, không mổ chỉ cần nằm một tuần nhưng phải hết sức cẩn thận – chỉ cần té nhẹ chổ xương gẩy sẽ sút ra. Về phương diện thẩm mỹ không mổ ghép, vai sẽ bị lệch. Nghĩ đến công việc đang cần, không muốn gây phiền lụy cho người thân nếu phải mổ, mình xin chỉ bó cố định vai thôi. Khi nhớ lại thì hai cậu trai đã đi rồi. Cũng như lần té ở cầu Bến Lức, mình không còn kịp trả ân và không biết họ là ai.
Hôm sau mình không muốn nằm nhà, không muốn phiền toái gia đình. Ở kho còn bao nhiêu công việc mới bàn giao, chỉ nghĩ đến đã thấy xót ruột. Nhờ Hải chở lên Sóng Thần, trên đường anh ta chạy thật chậm nhưng chỉ cần xe chạm nhẹ là đau khủng khiếp. Sợ lắm nhưng cũng phải cố chịu, đến nơi là an tâm.
Mình nằm trong phòng nữ gần văn phòng, vẫn có thể làm việc từ xa. Khi cần mọi người có thể hỏi việc kho. Nhờ Lài, lúc ấy bán hàng ăn tại kho và ở lại không về, giúp mình trong việc vệ sinh… Rất may là gảy xương vai trái nên tay phải vẫn cầm bút được và mình coi như không nghĩ ngày nào. Chỉ cần vào văn phòng, ngồi lên ghế xoay. Khi cần gì là xoay ghế không phải xoay người. Khó khăn nhất là lúc nằm xuống, phải cần người đở cho nằm đúng tư thế và nằm im không thay đổi vị trí vì chỉ nhúc nhích là đau khiếp. Những ngày đầu đau mà không được nhúc nhích, nhắm mắt chưa ngủ được cứ tưởng như ở địa ngục đang bị đóng gông. Thế mới biết đời là khổ ải.
Khi ngồi dậy cũng phải cần người đở giúp chứ không gượng được. Rất may có Lài, sau khi bán xong giúp mình tận tình. Thật là một người bạn chân chính . Hơn tuần mình mới về nhà thăm con rồi lên kho ở lại để tránh cử động, di chuyển nhiều.
Thời gian đó mình dành hết sức để tập thể dục, cử động nhẹ dần dần không để bị lệch vai. Cả năm sau khi đi làm dắt xe đi cũng có lúc nghe nhói đau. Chổ xương gảy nhìn thấy rỏ. Mình trở thành phế nhân rồi sao ! Đúng là bảy mươi chưa khoe rằng lành.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét