9 thg 11, 2019

VÙNG RỪNG XA XĂM - Truyên Ngắn Của Thái Sinh (Văn Việt )


Truyện Thái Sinh
Trận mưa cuối thu còn vương lại chút bụi mờ rồi chấm dứt, để lại những vạt mây trắng nõn nà vấn vít trên các sườn núi, đỉnh rừng. Đã hơn hai năm đứng chân ở trạm gác rừng này, Nam chẳng còn lạ gì thời tiết nơi đây. Tiễn biệt mùa thu là những ngày mưa kéo dài ba bốn ngày trời, núi rừng ẩm xì, giăng mắc trong màn mưa bụi trắng đục như sữa, con đường ngoằn nghèo về Bản Tác lầy lội những bước chân trâu, đám trẻ con đi học phải đeo ủng tới đầu gối, còn các cụ già phải chống gậy bước đi cho vững.
Những ngày mưa dầm chẳng mấy khi Nam bước chân ra khỏi trạm gác rừng, anh hết đứng lại ngồi nhìn qua vuông cửa sổ mưa như rây bột lúc đậm lúc nhạt buồn não nề. Con suối Bản Tác bắt nguồn trên đỉnh núi Tà Pao chảy ầm ào qua trạm gác rừng nước màu nâu sẫm lạnh giá trước khi đổ ra ngòi Nhùa để nhập vào dòng sông Thao.
Làng anh ở bên kia dòng sông, một ngôi làng bé nhỏ có rất nhiều cọ. Mỗi khi trở về, lúc  nào nhìn thấy những đồi cọ lá non màu cốm xòe như tia nắng mặt trời, đồi nọ nối đồi kia đấy là làng của anh.
Bây giờ người ta chặt gần hết các đồi cọ để thay thế những cây trồng khác, là keo, quế, bạch đàn hay là chè. Rừng cọ thu hẹp dần, mỗi nhà chỉ giữ lại vài chục cây để lợp chuồng trâu hay chuồng lợn. Ngày bé, lũ trẻ chăn trâu thường chặt những cành cọ cắm khum khum ở bìa rừng để trú mưa, trú nắng. Sau mùa gặt chúng túa ra cánh đồng, quàng dây thừng lên sừng mặc cho đàn trâu chạy nhông nhông khắp nơi, còn chúng thì đi tìm các hang chuột hun khói. Cánh đồng nghi ngút khói cùng với tiếng hò reo của đám trẻ náo nhiệt vô cùng.
Nam còn nhớ anh mang về một ổ chuột còn đỏ hỏn, nhai gạo bón cho chúng ăn. Mặc dù vậy, nhưng đám chuột lớn nhanh như thổi, mỗi ngày một khác. Sau ba bốn hôm thì mở mắt bò lổm ngổm trên bàn tay. Mẹ anh thấy thế thì la om sòm:
- Mùa màng thất bát vì lũ chuột, sao mày lại rước chúng về nhà nuôi, để chúng xơi hết những hạt thóc cuối cùng sao? Nói rồi bà hất cả ổ chuột cho mấy con mèo đang kêu khản cổ.
Trạm gác rừng có ba người, Nam là trạm trưởng nhưng mới hai chín tuổi là người trẻ nhất, Hùng râu xấp xỉ bốn mươi, còn Tâm thì hơn anh bảy tuổi. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Lâm nghiệp anh thi đỗ vào kiểm lâm khi mới hăm hai tuổi. Bảy năm trong ngành, đi qua ba hạt Kiểm lâm, nơi nào ở lâu nhất là ba năm.
Do anh có bằng đại học nên hạt nào cũng muốn anh vào làm trong phòng kỹ thuật. Anh lại không muốn suốt ngày thọc hai chân xuống gầm bàn nên xin vào trạm gác rừng Nà Hủ này. Thực tình anh muốn đến đây để bổ sung những kiến thức về rừng mà khi học ở trường còn rất nhiều khoảng trống.
Rừng Nà Hủ là khu rừng nguyên sinh, cách nay vài năm được đổi tên là Khu Bảo tồn thiên nhiên Nà Hủ, có tổng diện tích hơn bốn mươi ngàn héc ta rừng và đất rừng. Trong đó, khu bảo vệ nghiêm ngặt trên bảy ngàn hai trăm héc ta, phân khu phục hồi sinh thái gần mười ngàn héc ta. Đó là nơi anh ao ước bao năm trời nay mới được tới.
Phải vật vã gần một ngày trời Nam mới tới được trạm gác rừng Nà Hủ, con đường khi thì lầy lội, khi lại như bơi trên dòng suối cạn lổng khổng những đá, nhiều lúc phải dắt xe hoặc nhờ dân đẩy mới qua nổi những đoạn đường gập ghềnh để luồn qua cánh rừng già nguyên thủy, giữa ban ngày mà ánh nắng mặt trời chỉ xuyên lờ mờ qua những tán lá rừng xanh đen.
Xã Nà Hủ là dân chạy giặc từ các huyện Mường Khương, Si Ma Cai sau cuộc chiến tranh biên giới tháng 2/1979. Đến đây chủ yếu là dân tộc Mông, qua những câu chuyện truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác, trong suốt nhiều thế kỷ họ chạy trốn những cuộc chiến tranh sắc tộc kéo dài từ bình nguyên sông Hoàng Hà do người Hán gây ra. Cứ theo những dãy núi họ xuôi xuống phía Nam, vùng núi phía Bắc Việt Nam đã chở che họ qua nhiều thế kỷ. Cuộc chiến tranh biên giới tháng 2/1979 đẩy họ xuống cánh rừng Nà Hủ, một vùng rừng nguyên sinh nằm lọt giữa những đỉnh núi xanh mờ nghìn năm không có dấu chân người.
Những người đầu tiên đến Nà Hủ là dân tộc Khơ Mú. Chuyện rằng, cách nay vài thế kỷ, những người Khơ Mú đã tới đây lập làng, dấu vết còn lại là những bờ ruộng bậc thang nằm dọc dòng suối Bản Tác đã bị trùm lấp bởi những cánh rừng đầy cây cối và lau sậy, nhiều cây to vài ba người ôm mới kín gốc. Một căn bệnh quái ác mà người Khơ Mú phải gánh chịu là chân tay họ cứ ngứa ngáy, chảy máu ròng ròng không thuốc nào chữa nổi, rụng dần từng đốt, cúng bao nhiêu lợn gà cũng không khỏi. Quá sợ hãi vì mảnh đất ma ám nên họ bồng bế nhau đi mất. Sau này người ta mới biết đó là căn bệnh hủi thuộc hàng tứ chứng nan y. Từ đó, Nà Hủi đọc chệch ra thành Nà Hủ.
Nam đến trạm gác rừng khi mặt trời đã gác núi, anh dựng xe rồi quẳng chiếc ba lô lên hè, đi vòng quanh trạm một lượt. Trạm chẳng có ai, sân trạm rêu mọc xanh rì, chứng tỏ nơi đây chẳng mấy người qua lại. Căn bếp tối om, bốc mùi ẩm xì, hình như đã lâu không ai nấu nướng. Anh ngồi xuống hè ngó mông lung ra cánh rừng trước mặt, đây sẽ là nơi anh gắn bó trong nhiều năm tới.
Chiều dần sẫm lại, tiếng gà rừng xao xác tìm chỗ ngủ, bóng tối lan tỏa từ lớp cỏ dưới chân tới các bìa rừng, theo chân bóng tối là những loài ăn đêm tỉnh giấc. Bắt đầu là những chú dế, rồi ếch nhái nhảy ra từ các hang hốc, chúng hát bài ca bất tử, tất cả hòa vào nhau thành một chuỗi âm thanh hỗn tạp không đầu không cuối.
Có bước chân người bước rất nhanh trên lớp cỏ ướp đẫm sương đêm, Nam vừa ngẩng lên đã bắt gặp một gương mặt đen xì nhuốm đầy bóng tối. Giọng anh ta khàn đục:
- Nam à, tớ nghe tin chú mày được điều lên đây làm trạm trưởng bảo vệ rừng từ mấy hôm nay rồi. Hay quá! Trạm thêm người, tức là bọn tớ mới thỉnh thoảng được về nhà. Sống ôm trạm buồn nẫu ruột. Bởi thế, hay tin chú vào đây tớ phải vào rừng kiếm mấy con ếch rừng xào măng chua chào mừng. Thằng Tâm về nhà vài ngày nữa mới lên, đã hơn một tuần nay tớ ôm trạm nhưng mấy khi ăn cơm ở nhà, toàn lang thang vào các bản, gặp đâu ăn đấy, tối mới về trạm ngủ. Bây giờ chú mang ba lô vào nhà, cái giường bên tráí là chỗ ngủ của chú và thằng Tâm, giường bên phải của tớ. Chẳng đứa nào ngủ cùng tớ được đâu, vì cái tật gác chân và nghiến răng. Bây giờ thì chú mày nhóm bếp thổi cơm, gạo trong cái thùng tôn, chắc còn vài bữa nữa là phải mua rồi. Tớ mổ ếch, giống ếch rừng da nhớt lắm. Nhưng nấu canh măng chua thì ngon không chê nổi…
Đó là Hùng râu, anh ta nói một tràng như sợ người khác tranh mất. Hình như đã lâu anh mới gặp người nên nói nhiều như thế.
Bếp ẩm, Nam nhóm mãi lửa mới cháy, khói mù mịt. Gần mười giờ đêm họ mới được ăn, chiếc máy phát điện mi ni chạy bằng sức nước chỉ đủ thắp sáng hai bóng đèn, khi ăn cơm họ phải tắt bóng dưới bếp dồn ánh sáng cho bóng trên nhà. Lúc này Nam mới nhìn rõ gương mặt râu ria xồm xoàm của Hùng, mái tóc dài xõa xuống phủ gần kín gương mặt tăm tối của anh. Cả tháng trời nằm ở trạm gác rừng nên tóc tai râu ria như thế là điều dễ hiểu.
Khi đó cả hai đều đói, họ lặng lẽ ăn, gần cuối bữa Hùng mới bảo:
- Chú thấy món ếch nấu canh măng thế nào? Bọn anh mấy năm nay ở đây coi món này là món ăn trứ danh nhất. Nên trong các ống nứa ở góc bếp bao giờ cũng đầy ắp măng chua.
Im lặng một lát Hùng nhìn Nam nháy mắt:
- Chú mày trẻ, chắc còn ở đây lâu đấy. Mà cái nghề của mình là gắn bó với rừng, không ở khu rừng này thì ở khu rừng khác. Không thể trốn được, chỉ tội phải xa vợ con, thương vợ con mà chả giúp được gì. Chú đã có người yêu rồi chứ?
Đặt bát cơm xuống, Nam thở dài:
- Em có bạn gái rồi, nhưng cũng khó nói, hai người ở hai lĩnh vực khác nhau, nên cũng mong manh lắm…
Có lẽ đã khuya, sau khi ăn cơm xong hai người tắm gội qua loa rồi lên hai cái giường ngủ. Vừa nằm một lát Nam đã nghe tiếng Hùng nghiến răng ken két như tiếng mọt gỗ, đôi lúc lại thở phì phì như rắn hổ mang. Mặc dù gần một ngày đánh vật với con đường nhưng Nam vẫn không tài nào ngủ nổi. Anh nhớ tới Liên, cô bạn gái cán bộ ngân hàng huyện. Cha cô là giám đốc một chi nhánh ngân hàng dưới thành phố, Liên được điều về ngân hàng huyện chỉ là bước đệm trước khi rút lên tỉnh.
Nam quen biết Liên qua người anh trai cô thời học phổ thông, khi anh đến nhà chơi. Đi lại một vài lần như thế, bố mẹ Liên quý anh vì sự thật thà của chàng thanh niên nông thôn thấy việc gì cũng xông vào làm. Sau khi yêu nhau Liên mới nói cho anh biết điều đó, cô bảo:
- Bố mẹ em làm ngân hàng, nên quý nhất tính thật thà. Hàng ngày ông phải ký hàng chục món vay, món trả nếu nhân viên dưới quyền không thật thà thì có ngày cả lãnh đạo và nhân viên dắt nhau vào tù. Em cũng vậy thôi, nhưng các cụ bảo: Thật quá hóa đần. Không biết sau này em có phải sống với ông chồng đần không?
Khi biết tin anh xin lên trạm gác rừng Nà Hủ, Liên không hài lòng lắm, cô bảo:
- Người ta xin xuống chẳng được, anh lại xin lên rừng. Chẳng biết rừng có điều gì khiến anh mê đắm đến thế?
Nam không biết trả lời cô thế nào:
- Cái nghề của anh là gắn với rừng. Bây giờ còn trẻ thì đi xa, sau này mới có lý do xin về gần. Vả lại, anh hiểu về rừng quá ít, nên cần phải đến với rừng như chính em cần hiểu khách hàng của mình…
Vậy mà đã hơn hai năm rồi, không ngày nào Nam không vào rừng, anh đi từ sáng cho đến tối mịt mới về. Anh đã thống kê được hơn ba ngàn loài thực vật, trên một ngàn loài động vật, chỉ riêng loài lưỡng cư và bò sát đã có trên trăm loài. Theo trưởng bản Giàng A Châu,  khi người Mông đặt chân tới đây họ còn nhìn thấy vượn đen, một loài động vật quí hiếm bậc nhất của rừng nhiệt đới có tên trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Mỗi sớm trở dậy, tiếng hót của chúng vang động khắp cánh rừng. Bởi thế, các cụ đã ví: Tiếng hót của vượn chính là linh hồn của rừng. Do nhiều năm bị săn bắn, đến nay cả vùng rừng mênh mông không còn nghe thấy tiếng vượn hót. Nam tự hỏi: Chúng đã bị tiêu diệt hết hay chúng đã bỏ cánh rừng này sang cánh rừng khác rồi? Nếu được vậy thì còn may, còn nếu chúng đã bị tiêu diệt thì đúng là nỗi xót xa khôn cùng.
Hơn hai năm anh đã cùng những nhóm tuần rừng đặt chân gần khắp mọi ngóc ngách của cánh rừng rộng hơn bốn mươi ngàn héc ta. Rừng còn khá nguyên vẹn, trên nhiều dông núi cao hơn một ngàn mét có không ít nơi mọc thuần loài pơ mu rộng cả chục ha. Cây thẳng tắp như so đũa, nhiều cây phải năm, sáu người ôm mới kín gốc. Tính ra chúng đã có cả ngàn năm tuổi, những lớp địa y mọc quanh gốc dày đến nửa mét.
Trên đỉnh dốc Ba Khuya có ngôi nhà sàn làm toàn bằng gỗ dựng từ trước khi anh đến đây cả chục năm, nơi người ta thu mua các loại lâm sản ngoài gỗ của người phụ nữ có tên là Dung. Anh chỉ nghe vậy nhưng chưa vào đấy lần nào, khi hỏi Hùng về chủ nhân ngôi nhà và các loại lâm sản họ mua thì Hùng gạt phắt:
- Họ chỉ thu mua những loại dây leo, nấm và linh chi hoang dại, những thứ không cấm. Tiêu thụ giúp bà con những sản phẩm kiếm được từ rừng nhằm tăng thêm thu nhập, chứ không có chuyện mua bán lâm sản trái phép. Chú cứ yên tâm là vậy, mấy năm anh ở đây theo dõi kỹ rồi, có động tĩnh gì là dân báo ngay.
Nói là vậy, nhưng trong những chuyến đi rừng anh vẫn bắt gặp những bãi gỗ xẻ, không ít còn rất mới. Hùng giải thích: Đó là người dân xẻ gỗ làm nhà. Sống ở rừng mà không cho người dân lấy gỗ làm nhà thì vô lý quá. Họ bảo vệ rừng cho ai? Luật của mình cứng nhắc quá, những cây gỗ đổ sao không cho người dân tận dụng xẻ làm nhà? Cấm ngặt quá, buộc người ta phải lén lút khai thác, khi đó kiểm lâm có ba đầu sáu tay cũng không bảo vệ được rừng…
Nam nghe cũng phải, nhưng Bản Tác hai năm qua chỉ có hai nhà dựng mới, Làng Thượng dựng một nhà, Khe Cạn dựng ba nhà. Nhà người Mông đơn giản, bất quá mỗi nhà chỉ xẻ hai cây gỗ đổ là đủ, có nhà không sử dụng hết một cây, bởi mỗi cây có tới năm, sáu chục mét khối, đường kính gốc có cây rộng tới bốn mét, trải đủ hai chiếu nằm. Nhưng anh đếm được có hơn chục bãi xẻ mới, có những tấm phản bỏ lại trong rừng vì bị sẹo rộng dài trên hai mét. Những súc gỗ ấy không phải xẻ để làm nhà rồi, có điều gì khuất tất ở đây?
Anh hỏi trưởng bản Giàng A Châu, ông cười bảo:
- Khó nói lắm cán bộ à! Người đổ các cây gỗ đó đều là dân mình thôi, có người là anh em họ hàng. Cán bộ kiểm lâm không nói thì mình nói làm gì…
Nam hỏi Hùng:
- Liệu có sự lợi dụng việc xẻ gỗ làm nhà ở đây mà cánh ta không biết?
Anh ta cười nhạt:
- Cũng phải giúp họ có đồng ra đồng vào chứ. Sống ở rừng làm gì ra tiền nếu chỉ trông vào mấy chục ngàn tiền bảo vệ rừng? Nhu cầu cuộc sống của người dân bây giờ không như ngày xưa nữa. Cuối tháng này huyện sẽ kéo điện lưới quốc gia xuyên rừng vào đây, bà con phải mua đài, sắm ti vi, rồi đường sắp làm xong người ta phải mua xe máy, ai còn nuôi ngựa như xưa nữa. Muốn thế thì phải có tiền. Hãy đặt mình vào người dân mới thấy khó.
- Nhưng theo quy định thì không thể làm thế được. Nếu mình làm ngơ thì rừng sẽ bị gặm nhấm qua năm tháng chẳng mấy chốc mà mất rừng.
Hùng lắc đầu:
- Mình không thể cứng nhắc như luật được. Chú là trạm trưởng chú cứ suy nghĩ tiếp đi, chú mới lên đây chưa thể hiểu hết cuộc sống của người dân nơi này đâu…
Trao đổi lại điều này với Tâm, anh ta bảo:
- Trước kia anh ấy là phụ trách trạm, có quyền ra lệnh cho bọn tôi làm. Bây giờ thì đến lượt cậu, chúng mình làm theo lệnh của cậu mà…
Nam cảm thấy có điều gì khó hiểu ở đây, hôm rồi bà Dung mang đến tặng trạm một chiếc ti vi:
- Mấy ngày nữa là có điện lưới quốc gia, chị tặng các chú chiếc ti vi để xem cho đỡ buồn.
Nam không nghĩ đằng sau chuyện đó còn có động cơ gì khác, nên anh vui vẻ nhận. Còn bây giờ thì anh đã hiểu, chẳng lẽ lại mang chiếc ti vi trả lại cho bà ấy? Đôi lần Hùng bảo:
- Chú lâu rồi không về thăm nhà, để bọn anh trực thay mấy ngày, đi quá lâu người yêu chẳng theo người khác thì anh cứ đi bằng  đầu.
Khoảng hơn tháng nay Liên không mấy khi gọi điện cho anh, anh gọi hỏi thì cô trả lời:
- Anh cứ đi rừng suốt, gọi có được đâu. Em không muốn làm phiền anh nữa, mỗi người có sự đam mê của mình…
Từ trạm gác rừng trở về, anh vội tạt qua chỗ Liên. Cô ấy bảo:
- Em đang bận làm việc với khách hàng, cuối tuần anh qua nhà chơi…
Cuối tuần anh hai lần đến nhà thăm cô, lần thì nghe mẹ cô nói đang đi tiếp khách, lần thì bảo: Nó vừa cùng với mấy đứa bạn đi chơi rồi, chẳng hẹn khi nào về. Anh gọi điện thì cô không nghe, nhắn tin cô không nhắn lại. Linh cảm mách bảo cho anh biết Liên không muốn gặp anh, cô ấy cố tình tránh mặt thì anh còn biết làm gì nữa. Thôi đành vậy.
Anh chạy xe lang thang trong thành phố một hồi rồi trở về nhà, hôm sau anh trở lại trạm gác rừng sớm.
Khi vừa về tới trạm thì trưởng bản Giàng A Châu đến, ông bảo:
- Tối nay cán bộ Nam xuống nhà tao uống rượu nhé, con Mỷ vừa tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm mẫu giáo, nó sẽ xin về đây dạy học đấy…
Hơn hai năm anh sống ở trạm gác rừng, nhiều lần đến nhà ông Châu nhưng chưa gặp Mỷ lần nào. Anh cũng chỉ nghe loáng thoáng ông có cô con gái đang đi học sư phạm mẫu giáo, tối nay anh sẽ xuống nhà ông uống rượu để tận mắt thấy cô giáo tương lai của bản mặt mũi thế nào.
Anh không tin nổi vào mắt mình khi lần đầu tiên nhìn thấy Mỷ. Cô mặc váy áo Mông, má đỏ lựng, hai mắt sáng long lanh, da trắng mịn như nõn chuối rừng. Mấy năm đi học dưới thành phố nhưng cái đẹp hoang dã của thiếu nữ vùng cao vẫn không phai nhòa trên nếp tóc quăn tự nhiên, đôi lông mày nhỏ xíu cong vút như lá lúa nhìn nghiêng, hàm răng trắng muốt, cô cười nghe tiếng như suối reo.
Vợ chồng ông Châu rất vui, bởi con gái là người đầu tiên ở Nà Hủ tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm mẫu giáo. Ông mổ lợn mời cả bản tới uống rượu.
Gần cuối bữa Mỷ mới bưng bát rượu tới chỗ anh:
- Em nghe bố em kể rất nhiều về anh, hôm nay mới gặp được. Xin được cạn với anh một bát rượu mừng cho người đã hết lòng vì cánh rừng che chở cho làng bản của em, mừng cho em được về đây dạy học…
Nam cũng chỉ nhớ được có thế, anh không biết mình đã cạn với Mỷ bao nhiêu bát rượu, buổi sáng tỉnh dậy anh thấy Mỷ đang ngồi bên cạnh. Nam bám vách nhà nhỏm dậy, giọng anh ái ngại:
- Hôm qua vui quá nên tôi uống hơi nhiều, tại uống thêm mấy bát rượu của Mỷ nên say không biết đường về. Ngại quá! Bây giờ tôi phải về thôi…
Khi anh ra tới cửa, ông Châu nắm tay Nam kéo lại nói nhỏ:
- Hôm trước cán bộ về thăm nhà, họ cho mấy xe gỗ qua trạm. Đêm qua cán bộ uống rượu ở nhà ta, họ cho một xe chở sập bằng gỗ gù hương lọt trạm đấy.
Nghe thế Nam bỗng ngớ người ra. Bây giờ thì anh đã hiểu. Những lần Hùng gợi ý anh về thăm nhà là khi họ cho xe vào chở gỗ ra khỏi rừng. Anh phải báo cáo sự việc này với hạt trưởng để thay người, nếu không chẳng mấy chốc khu rừng này sẽ bị rút ruột do sự tiếp tay của kiểm lâm.
Sau những trận mưa cuối thu là bắt đầu vào mùa khô, rừng khô ráo hơn, Nam định chuyến tuần rừng kỳ này sẽ theo tuyến hang Dơi. Đó là nơi người dân Sung Dô vượt Giàng Pằng sang săn bắt thú rừng và khai thác gỗ lậu. Năm ngoái tổ tuần rừng đã bắt hai vụ xâm hại rừng ở đây, một vụ săn bắn thú rừng, một vụ khai thác gỗ trái phép. Họ lấy hang dơi làm chỗ trú chân và cũng là nơi tập kết gỗ trước khi kéo gỗ vượt Giằng Pằng.
Chuyến tuần rừng nào cũng phải mất từ bảy đến chục ngày, tổ phải chuẩn bị đủ lương thực trong những ngày đó. Hùng bảo anh:
- Chú cứ yên tâm đi với bà con, bọn anh gác trạm cho…
Đi được hai ngày thì ông Châu bảo anh:
- Mình và cán bộ phải về ngay, tôi vừa nhận được tin nhắn của con Mỷ, họ đã cho xe vào chở gỗ rồi đấy.
- Sao Mỷ biết mà nhắn cho ông?
- Tôi dặn mấy người anh em, khi nào thấy xe vào chở gỗ thì báo cho con Mỷ để nó nhắn cho tôi. Bà Dung và ông Hùng đã mua chuộc được gần hết người dân Bản Tác rồi, ai không nghe theo họ thì bị dọa đốt nhà. Thế là đành im chứ ai dám làm gì họ.
Nghe thế máu Nam sôi lên, anh để mọi người đi tuần rừng tiếp, còn anh và ông Châu quay lại bản. Khuya lắm họ mới về tới nhà, Hùng và Tâm đi vắng, gọi điện thì chỉ nghe tút tút. Anh dắt xe máy ra khỏi trạm thì thấy lốp đã xẹp từ bao giờ, anh vội xuống bản mượn xe máy ông Châu, ông bảo:
- Mình cùng đi với cán bộ, có hai xe chở gỗ từ trong rừng ra, toàn sập lớn. Chắc bây giờ mới lên tới đèo Ba Khuya…
Nam cầm lái, khi lên tới đỉnh dốc Ba Khuya, nhà bà Dung còn sáng đèn nhưng không có ai. Anh vội leo lên xe máy phóng đi được chừng nửa cây số thì bắt gặp hai xe chở gỗ đang lao xuống dốc. Vừa điện báo cho đội kiểm lâm cơ động chặn đầu, Nam vừa tăng ga vượt lên trước hai chiếc xe chở đầy gỗ.
Anh dựng xe bên lề đường, ông Châu đứng đó còn anh thì ra đứng gần giữa đường, cầm chiếc cờ lệnh và bấm đèn pin ra hiệu cho xe dừng lại. Một chiếc đầu bù xù ló ra từ cửa ca bin quát lớn:
- Tránh ra thằng khốn! Chúng tao đã đặt cửa rồi, sao mày lại phá thối?
Nam huơ đèn pin tiếp tục phất cờ ra hiệu lệnh dừng xe. Chiếc xe lao tới như chực hất văng anh xuống vực, anh vội tránh được cái xe hung dữ đang lao ầm ầm qua. Anh lại tiếp tục ra đường chặn chiếc xe thứ hai, lần này thì anh đứng hẳn ra giữa đường.
Thấy anh, chiếc xe không hề giảm tốc độ mà lại rồ ga lao thẳng vào anh.
Ông Châu nghe tiếng va đập mạnh, ánh đèn pin loang loáng vẽ lên trời rồi mất hút sau bờ lau rậm bên lề đường, dưới ấy là vực thẳm. Ông nhìn theo chiếc xe chở gỗ hùng hổ lao đi nhưng không thấy Nam đâu, gọi không thấy anh trả lời. Sau một hồi quanh quẩn tìm Nam ông mới quay về báo tin cho dân bản biết chuyện đã xảy ra đêm qua.
Sáng sớm hôm, sau người dân Bản Tác kéo nhau lên đèo Ba Khuya, họ lần theo vết máu tìm thấy Nam dưới vực sâu. Anh bị chiếc xe chở gỗ đâm vỡ ngực hất xuống vực, chết ngay tại chỗ. Họ khiêng anh về trạm gác rừng rồi báo cho hạt kiểm lâm biết.
Mỷ ngồi bệt xuống hiên nhà trạm gác rừng lặng lẽ khóc. Cô đi theo chiếc xe chở xác anh ra khỏi đất Nà Hủ, vượt qua cánh rừng đại ngàn khuất dần dưới chân đèo Ba Khuya rồi mới quay về bản.
Phải mấy ngày sau Liên mới hay tin Nam mất trong khi đang làm việc.
Cô choáng váng xếp đống tài liệu lại, bước thập thững ra ngoài cửa nhìn về phía cánh rừng xa xăm.
Nước mắt cô tự nhiên ứa ra, cảm thấy mình như có lỗi với anh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét