9 thg 11, 2019

Microsoft công bố công nghệ đột phá: lưu dữ liệu vào trong một tấm kính (Từ Bình Luận Án )

Hoa Văn


Hãng công nghệ hàng đầu thế giới của Mỹ Microsoft mới đây (tháng 11/2019) tuyên bố đã thành công trong một công nghệ mới mang tính đột phá: lần đầu tiên lưu trữ được dữ liệu vào bên trong một tấm kính. Như vậy chúng ta đã có thêm một công nghệ/phương tiện lưu trữ mới. Công nghệ này cũng được xem là bàn đạp để Microsoft tăng tốc phát triển nền tảng dịch vụ đám mây Azure (iCloud) của mình.

<< Bên trong một miếng kính này là bộ phim Superman nổi tiếng. Những tấm kính như thế này sẽ thay thế các ổ cứng trong tương lai? (ảnh minh họa)


Dữ liệu nay có thể lưu trữ trong một tấm kính

Lưu trữ dữ liệu trên kính là một công nghệ mà những năm gần đây nhiều nhà khoa học cho rằng hoàn toàn "có thể". Nhưng chưa ai đạt được thành công.

Các chuyên gia của Microsoft đã hợp tác với hãng phim nổi tiếng Warner Bros (Mỹ) tiến hành dự án chứa bộ phim Siêu nhân (Superman, bản phát hành năm 1978) vào một miếng kính kích cỡ 75x75x2 milimet. Đây là một tấm kính thạch anh (quartz) thông thường, chịu được nhiệt độ cao và có khả năng chống xước tốt.

Dự án có "mật danh" là Silica, được đầu tư hàng tỷ USD, mục tiêu là phát triển công nghệ lưu trữ và bảo quản dữ liệu.

Satya Nadella, giám đốc điều hành của Microsoft nói: “Chúng tôi thành công chủ yếu là nhờ công nghệ lưu trữ lạnh mới”. Các chuyên gia của Microsoft đã sử dụng laser hồng ngoại để mã hóa dữ liệu vào trong những “voxel” - tương tự như pixel trên màn hình điện thoại, nhưng khác ở chỗ nó có 3 chiều. Với công nghệ này, dữ liệu sẽ được đưa vào bên trong tấm kính. Khi cần sử dụng, thuật toán machine learning sẽ giải mã dữ liệu (đã được số hóa) để lấy lại dữ liệu.

Điều đáng nói hơn, là với công nghệ này, dữ liệu/thông tin sẽ được lưu trữ (dưới dạng số hóa) gần như vĩnh viễn theo thời gian, với độ an toàn và bền vững rất cao. Khác biệt hẳn so với công nghệ hiện tại.

Hiện công nghệ này vẫn đang ở giai đoạn thử nghiệm và cũng chỉ vừa mới công bố báo cáo khoa học. Tuy nhiên rõ ràng đây là một bước đột phá về công nghệ lưu trữ.

Với kết quả này, chúng ta có thể hình dung một ngày không xa, tấm kính trên chiếc điện thoại mà mình đang dùng có thể chứa hàng ngàn bộ phim, hàng trăm ngàn bức hình, hàng triệu cuốn sách... Khi cần xem, sẽ không cần phải vào thư viện, rạp phim nữa, cũng không cần phải kết nối với internet.

Những bước tiến trong công nghệ lưu trữ dữ liệu
Việc lưu trữ thông tin luôn đồng hành với loài người trong suốt lịch sử tiến hóa của mình - với khoảng 40.000 năm. Tuy nhiên, nếu trừ ra quãng thời gian khoảng vài trăm năm trở lại đây, những gì loài người lưu giữ được về "hiện tại" ngày xưa của mình cho đến ngày nay là quá ít ỏi.
Ngày nay, chúng ta chỉ biết và hình dung ra xã hội thời cổ đại cách nay nhiều nhất là khoảng 4.000 năm qua các hình vẽ, ký hiệu được khắc trên đá, trong vách kim tự tháp... Còn trước nữa thì đành chịu.
Tại Việt Nam, cách nay 4.000 năm như thế nào không ai biết, ngoài những hình vẽ khắc chim, người, thuyền độc mộc... trên vài chiếc trống đồng còn sót lại. Những câu chuyện về bà Trưng, bà Triệu hay An Dương Vương cũng chỉ có tính huyền thoại, dã sử. Thực chất như thế nào không khẳng định được.
Có thể cách nay nhiều ngàn năm, khi đó loài người cũng đã tìm cách lưu giữ thông tin của mình trên các vật liệu khác. Như: khắc lên trên đất, lá cây, tấm kim loại ...vv.  Nhưng những vật liệu như vậy sẽ bị hư hỏng hoàn toàn trong một thời gian rất ngắn.
Từ khi loài người phát minh ra chữ viết và giấy, dữ liệu/thông tin được lưu trữ tốt hơn, bằng cách in thành sách, lưu giữ và truyền lại cho hậu thế. Nhưng sách vẫn hoàn toàn có thể bị hư hỏng, chữ viết sẽ mờ chỉ trong một thời gian ngắn...
Tới những năm 1960, dữ liệu được chuyển thành dạng điện tử (số hóa) và được lưu trữ trên các ổ cứng vi tính. Cùng đó là các hình thức như băng video, phim ảnh ... Nhưng tất cả vẫn đều dễ bị hư hỏng, phá hủy. Không bảo đảm sự an toàn và bền vững. Chưa kể là chi phí rất tốn kém, nặng nề, chiếm không gian quá lớn, việc lục tìm và đọc khó khăn.
Thời điểm hiện tại, các công ty giải trí/hãng phim lưu trữ kho tàng nghệ thuật của mình bằng cách tạo ra bản sao, chuyển đổi bản phim kỹ thuật số thành phim analog (hiểu đơn giản là lưu trữ dưới dạng băng video, ổ cứng thông thường); chia thành ba phần với ba màu - xanh cánh chả (cyan), hồng sẫm (magenta) và vàng (yellow), rồi chuyển mỗi màu trên vào một phim âm bản đen trắng bởi chúng sẽ không phai màu như phim màu được quay kỹ thuật số. Những phim âm bản này sẽ được lưu giữ trong các hầm lạnh với nhiệt độ và độ ẩm được kiểm soát nghiêm ngặt, bên cạnh đó là một hệ thống cảm biến hóa học có thể “ngửi” ra bất kỳ thay đổi hóa học nào - dấu hiệu bất thường cho thấy phim có thể hỏng. Sẽ phải làm ngược lại những bước phức tạp vừa nêu để có lại được bộ phim hoàn hỉnh. Đây là quá trình đắt đỏ và tốn kém.
Chính vì vậy, từ rất lâu các nhà khoa học luôn quan tâm đến việc nghiên cứu, đưa ra những phương pháp, công nghệ lưu trữ mới và tiên tiến hơn.
Trên thực tế tại thời điểm hiện nay, chi phí về lưu trữ dữ liệu vẫn chiếm một tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá thành của các thiết bị thông minh (smartphone). Chẳng hạn như giá một chiếc iPhone có dung lượng lưu trữ 256 GB chắc chắn sẽ đắt hơn chiếc có dung lượng 32GB hàng trăm USD.

Bảng giá trên (tháng 11/2019) cho thấy chiếc iPhone 11 dung lượng lưu trữ 256GB là 899 USD, đắt hơn 150 USD so với chiếc có dung lượng lưu trữ 64GB.
Ngoài công nghệ lưu trữ vào kính như Microsoft vừa thành công bước đầu, còn có rất nhiều ý tưởng và công nghệ khác đang được nghiên cứu, thử nghiệm. Thậm chí có những ý tưởng rất độc đáo và táo bạo: như lưu trữ dữ liệu vào trong gen ADN của con người!
Sẽ không quá bất ngờ nếu một ngày nào đó, loài người sẽ lưu trữ được dữ liệu ngay trong ... không khí! Hoặc dữ liệu sẽ được chuyển hóa thành những dạng hình mà ngày nay ... chưa ai nghĩ ra! 
Thậm chí ngay cả thân thể một con người đang sống (suy cho cùng cũng là một dạng "dữ liệu") sẽ được "chuyển hóa" thành dữ liệu số và lưu trữ trong một tấm kính chẳng hạn. Một tỷ năm sau, khi mà sự sống trên Trái đất đã kết thúc từ lâu, một nhóm người ngoài hành tinh tìm đến Trái đất. Họ tìm ra các dữ liệu về loài người, và "mở" ra, làm cho con người này sống lại! Không gì là không thể.   

Cả vũ trụ cũng có thể lưu trữ dưới dạng số hóa 
.....* Thông tin tham khảo:
Microsoft
Microsoft là một tập đoàn công nghệ khổng lồ của Mỹ, trụ sở chính tại Redmond, Washington. Microsoft chuyên phát triển, sản xuất, kinh doanh bản quyền phần mềm và hỗ trợ trên diện rộng các sản phẩm và dịch vụ liên quan đến máy tính. 
Công ty Microsoft được sáng lập bởi Bill Gates và Paul Allen vào ngày 4 tháng 4 năm 1975. Nếu tính theo doanh thu, Microsoft hiện đang là hãng sản xuất phần mềm lớn nhất thế giới và là "một trong những công ty có giá trị nhất trên thế giới".
Được thành lập để phát triển phần mềm trình thông dịch BASIC cho máy Altair 8800, Microsoft vươn lên thống trị thị trường hệ điều hành cho máy tính gia đình với MS-DOS giữa những năm 1980. 
Cổ phiếu của công ty sau khi được phát hành lần đầu ra thị trường đã tăng giá nhanh chóng và tạo ra 4 tỷ phú và 12.000 triệu phú trong công ty. Kể từ thập niên 1990, công ty đã đa dạng hóa sản phẩm hệ điều hành và tiến hành nhiều thương vụ thâu tóm công ty mà điển hình là sáp nhập LinkedIn với giá 26,2 tỉ USD vào tháng 12/2016, Skype Technologies với 8,5 tỉ USD tháng 5/2011. Công ty cũng cung cấp nhiều phần mềm máy tính và máy chủ cho người dùng cá nhân và doanh nghiệp, trong đó có công cụ tìm kiếm Internet (với Bing), thị trường dịch vụ số (với MSN), thực tế hỗn hợp (HoloLens), điện toán đám mây (Azure) và môi trường phát triển phần mềm (Visual Studio).
Năm 2000, Steve Ballmer thay thế Gates ở vai trò CEO, tái định hướng công ty theo chiến lược "thiết bị và dịch vụ". Sự thay đổi bắt đầu bằng việc sáp nhập Danger Inc. vào năm 2008, công ty bước vào thị trường sản xuất máy tính lần đầu năm 2012 với việc tung ra máy tính bảng Microsoft Surface, rồi thành lập Microsoft Mobile sau khi thâu tóm mảng thiết bị và dịch vụ của Nokia. 
Năm 2014, từ khi Satya Nadella nhận vai trò CEO, Microsoft chuyển trọng tâm từ sản xuất phần cứng sang làm dịch vụ điện toán đám mây và việc này đã đưa giá trị công ty đạt mức cao nhất kể từ tháng 12/1999.
.....
Thủy tinh
Thủy tinh (hay còn gọi là kính, kiếng) trong trạng thái bình thường là một chất rắn trong suốt không màu không mùi, không vị, không có hình dạng nhất định (vô định hình).
Về thành phần hóa học, thủy tinh có gốc silicát -  là điôxít silic (SiO2) có trong dạng đa tinh thể như cát và cũng là thành phần hóa học của thạch anh. Silicát có điểm nóng chảy khoảng 2.000 °C (3.632 °F), vì thế có hai hợp chất thông thường hay được bổ sung vào cát trong công nghệ nấu thủy tinh nhằm giảm nhiệt độ nóng chảy của nó xuống khoảng 1.000 °C.
Thủy tinh tương đối cứng, khó mài mòn, rất trơ hóa học, không cháy, không hút ẩm và hầu như không bị ăn mòn. Tuy nhiên thủy tinh cũng dễ gãy và giòn. Để khắc phục những nhược điểm của thủy tinh, trong công nghệ chế tạo thủy tinh nhân tạo, người ta bổ sung vào thành phần một số chất khác.
Bằng chứng về việc loài người sản xuất ra thủy tinh được tìm thấy ở Ai Cập khoảng năm 2000 trước công nguyên, tức là cách nay khoảng 4.000 năm. Khi đó thủy tinh được sử dụng như là men màu cho nghề gốm và các mặt hàng khác.
Trong thế kỷ 1 trước công Nguyên kỹ thuật thổi thủy tinh đã phát triển và những thứ trước kia là hiếm và có giá trị đã trở thành bình thường. Trong thời kỳ La Mã, rất nhiều loại hình thủy tinh đã được tạo ra, chủ yếu là các loại bình và chai lọ. Các đồ vật làm từ thủy tinh từ thế kỷ 7 và thế kỷ 8 đã được tìm thấy trên đảo Torcello gần Venice.
Đến thế kỷ 11, người Đức phát minh ra phương pháp chế tạo thủy tinh bằng các quả cầu để thổi, sau đó chuyển nó sang thành các hình trụ tạo hình, cắt chúng khi đang còn nóng và sau đó dát phẳng thành tấm.
Ngày nay, thủy tinh được sử dụng rất rộng rãi trong mọi lĩnh vực. Thủy tinh có trong hầu hết các vật dụng, máy móc, thiết bị ... thân thuộc hàng ngày. Chẳng hạn như những chiếc iPhone 11 sản xuất năm 201 có mặt lưng làm bằng kính.
(Theo từ điển mở Wikipedia)

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét