4 thg 11, 2019

Phan Huy Đường trong việc giới thiệu văn học Việt Nam ra thế giới- Nguyễn Ngọc Giao

Ở Pháp ngày nay, đến bất cứ nhà sách fnac nào ở Paris hay các tỉnh, chúng ta cũng có thể tìm ra ngăn sách Văn học Việt Nam. Trên mạng internet, qua amazon, fnac… có thể mua những bản dịch văn học Việt Nam ra tiếng Pháp, tiếng Anh… Chuyện ấy, cách đây 30 năm, tuyệt nhiên không có.
Phải tới thập niên 90 của thế kỷ trước, một loạt tiểu thuyết và truyện ngắn Việt Nam mới bắt đầu được dịch ra tiếng Pháp và xuất bản tại Pháp, và từ bản tiếng Pháp, một số đã được dịch sang những ngoại ngữ khác… Được như vậy là nhờ các nhà xuất bản Des Femmes, Philippe Picquier, Editions de l’Aube, Sabine Wespieser… đã chấp nhận « rủi ro » tài chính để giới thiệu một nền văn học còn xa lạ với độc giả Pháp. Nhưng trước tiên và chủ yếu, phải nói tới công lao của Phan Huy Đường.
Sau khi dịch một vài truyện ngắn trong thập niên 1980, Phan Huy Đường dịch hai cuốn tiểu thuyết Thiên Sứ (La messagère de cristal) của Phạm Thị Hoài và Tiểu thuyết vô đề (Roman sans titre) của Dương Thu Hương (Editions des Femmes, 1990 và 1991). Từ đó, trong vòng 15 năm, phụ trách bộ sách Việt Nam của nhà xuất bản Philippe Picquier, Phan Huy Đường đã dịch hay tổ chức dịch (với sự tham gia của Đặng Trần Phương, Vũ Văn Luân, Trần Ánh Minh) tiểu thuyết hay truyện ngắn của hơn 30 tác giả đương đại Việt Nam. Từ đó đến nay, các nhà xuất bản Editions de l’Aube, Riveneuve… với những bản dịch của Janine Gillon, Nghiêm Phong Tuấn (Hà Tây), Đoàn Cầm Thi… cùng Sabine Wespieser (với những bản dịch Dương Thu Hương của Đặng Trần Phương) tiếp tục mang lại cho độc giả tiếng Pháp những tác phẩm văn học Việt Nam đương đại. Thiếu số liệu thống kê, ta cũng có thể ước tính : 30 năm qua, ít nhất một trăm tác phẩm văn học Việt Nam (tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ) đã được chuyển ngữ sang Pháp văn, số tác giả đương đại cũng không ít hơn 50.

So với số lượng các tác phẩm văn học ba nước Viễn Đông khác, là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, thì những con số trên có thể nói là ngang tầm. Điều này có một ý nghĩa lớn nếu ta nhận thức được « bề sâu » của nó.
Chỉ cần nêu ra hai điểm mấu chốt :
–   việc dịch thuật và xuất bản tác phẩm văn học Nhật Bản và Hàn Quốc được các tài phiệt (chaebol Hàn Quốc, keiretsu Nhật Bản) tài trợ trực tiếp hoặc thông qua những Quỹ văn học – nói rõ điều này không hề có ý phủ nhận hay đánh giá thấp hai nền văn học đáng nể. Nhờ sự tài trợ to lớn này, các dịch giả nhận được thù lao xứng đáng, và các nhà xuất bản không sợ lỗ vốn.

–   trong trường hợp văn học Trung Quốc, lại có thêm một yếu tố quan trọng không kém : sự quan tâm của độc giả và công chúng đối với Trung Quốc, Ở đây, chỉ xin chia sẻ một trải nghiệm cá nhân : khi cuốn hồi ký Đêm giữa ban ngày của Vũ Thư Hiên được phát hành (ở nước ngoài), ông bạn Georges Boudarel và tôi, cùng với hai bạn khác, đã dịch được khoảng một phần ba tác phẩm, và gửi cho nhà xuất bản Seuil. Vài tuần sau, nhà văn kiêm nhà báo Jean-Claude Guillebaud, giám đốc văn học của Seuil, tiếp tôi và nói : « Tôi chủ trương xuất bản cuốn sách nhưng bên kinh tài không chịu. Họ sợ sách dày quá, bán không được ». Guillebaud nói thêm : « Nói thật với anh, nếu ông Hiên là người Trung Hoa, cuốn sách viết về Trung Quốc, thì chắc chắn bên kinh tài sẽ đồng ý với tôi ».

J.C. Guillebaud nói như thế là nói thật. Mà sự thật còn chua chát hơn, ngay cả với văn học Trung Quốc, nếu chúng ta biết « quy trình » xuất bản cuốn tiểu thuyết Linh Sơn (La montagne de l’âme, giải Nobel văn học 2000) của Cao Hành Kiện thật sự đã diễn ra như  thế nào. Cao Hành Kiện tị nạn ở Pháp, đã được giới văn học nghệ thuật Pháp biết tiếng với những vở kịch và tác phẩm hội hoạ. Tiểu thuyết Linh Sơn (灵山) của ông được xuất bản ở Đài Bắc (Đài Loan) từ năm 1990. Hai chuyên gia về văn học Trung Quốc, giáo sư Trường đại học Aix-en-Provence, ông bà Noël và Liliane Dutrait bỏ công sức dịch 660 trang sang tiếng Pháp, rồi gửi bản thảo tới một nhà xuất bản lớn. Tổng cộng bốn nhà xuất bản lớn (trong đó có Seuil nói trên) đã lần lượt từ chối, một nhà nhận in với điều kiện tác giả chịu lược bớt khoảng một phần ba. Cao Hành Kiện cương quyết từ chối, nói rằng ông đủ sống với tiền bán tranh. Rốt cuộc một nhà xuất bản nhỏ ở tỉnh, đang gặp khó khăn, nợ nhuận bút của khá nhiều tác giả (kể cả tác giả Việt Nam mà chị Janine Gillon đã hiệu đính những bản dịch), đã đánh liều xuất bản. Đó là Editions de l’Aube. Và qua bản dịch Pháp văn, La montagne de l’âme đã được dịch sang tiếng Thuỵ Điển, và được giải Nobel văn học vào năm 2000 (nhờ vậy mà sau đó mấy tác giả Việt Nam đã nhận được nhuận bút !). Đã chót kể lể, xin dông dài thêm một chút : khi chị Janine Gillon và tôi đề nghị với bà Hennebert cuốn Chuyện kể năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn, giám đốc nhà xuất bản L’Aube được giới thiệu về giá trị và ý nghĩa tác phẩm này, sau khi suy nghĩ, đã trả lời : bên ngoài chưa biết Bùi Ngọc Tấn, đưa ngay một tiểu thuyết dài, rất khó, hay là ta bắt đầu bằng một tập tuyện ngắn ? Thế là ba chúng tôi (Đặng Trần Phương, Vũ Văn Luân và tôi) chia nhau dịch 7 truyện ngắn của anh Bùi Ngọc Tấn, chị Janine hiệu đính, tập truyện Une vie de chien được Editions de l’Aube phát hành năm 2007, dọn đường cho Chuyện kể năm 2000 mà anh Nghiêm Phong Tuấn đã bỏ công biên dịch mấy năm sau đó. Nhờ bà Marion Hennerbert đã mạnh dạn và sáng suốt tính toán đường đi nước bước. Nhờ mấy dịch giả đã tự nguyện dịch truyện ngắn, truyện dài, mà không chờ đợi vào tiền nhuận bút.
Nói dông dài như vậy để bạn đọc hình dung được tình hình xuất bản ở Pháp và những khó khăn phải vượt qua để giới thiệu văn học Việt Nam. Và để thấy rõ công lao khai sơn phá thạch của Phan Huy Đường trong thời gian 15 năm (từ 1990 đến 2005) để đưa văn học Việt Nam tới độc giả Pháp, và từ đó, tới độc giả các nước Mỹ, Anh, Đức, Ý, Hà Lan, Na Uy, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Indonesia…

Các nhà phê bình văn học đã nói nhiều tới chất lượng các bản dịch Pháp văn của Phan Huy Đường. Ở đây tôi chỉ muốn nhấn mạnh tới những khía cạnh khác : sự đam mê ‘tới bến’ của Đường, như Nguyễn Văn Khoa đã mô tả rất chính xác ; sức làm việc ‘khoẻ như trâu’ của anh – Đường có thể thức trắng hai ba đêm liền, rồi ngủ bù 24 giờ, tỉnh dậy lại kéo cày tiếp. Có lẽ cũng không thể bỏ qua một nhân tố không mấy « lô gic hình thức », và không hiểu có chút nào « biện chứng »  – hai khái niệm mà ai dị ứng thì đừng nghe chàng nói chuyện : cái duyên. Tôi có thể làm chứng cho cái duyên giữa Phan Huy Đường và văn học Việt Nam thời Đổi mới. Như Nguyễn Tùng và Hà Dương Tuấn đã kể trong hồi tưởng, thời gian từ 1975 đến đầu thập niên 80, Đường đã dành rất nhiều công sức vào việc đưa tin học (từ danh từ đến máy Micral, và những phần mềm viết những đêm thức trắng) về nước. Kết quả thực tiễn tất nhiên không tương xứng với công lao và đam mê của con người ‘nguyên khối’ ấy. Trong bối cảnh chung của tình hình Việt Nam những năm ấy (trại học tập, cải tạo công thương nghiệp, hợp tác hoá, thuyền nhân, cấm vận…), có thể mường tượng ra tâm trạng anh. Mấy năm liền, Đường khép mình trong công việc chuyên môn của mình – hình như cũng là lúc anh thai nghén sáng tác Un amour métèque. Năm 1985, tôi phụ trách Nhà Việt Nam (23 rue du Cardinal Lemoine). May mắn thay, hơn một năm sau, cuộc đổi mới mở đầu, với vai trò quyết định của báo Văn Nghệ mà anh Nguyên Ngọc làm tổng biên tập. 1987, Văn Nghệ với những phóng sự của Phùng Gia Lộc, truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Dương Thu Hương… đã mang lại cho nhiều anh chị em, trong đó có chàng Đường, một nguồn cảm hứng mạnh mẽ. Một sử gia, Yuri Afanassiev nếu tôi nhớ không lầm, đã nhận xét sâu sắc : trong một xã hội không có khoa học xã hội, không có sử học, thì văn học là « địa chấn kế » giúp ta đo được những chấn động ở chiều sâu. Thời gian 1987-1990, Phan Huy Đường ‘tây con’ lần đầu tiếp xúc văn học Việt Nam, lại bằng văn học ‘đổi mới’. Những ‘chấn động’ của nền văn học ấy đã gây ra những ‘hồi chấn’ sâu sắc nơi anh, phần nào dứt anh ra khỏi những năm ‘khép mình’, nếu không nói là khủng hoảng – mà ở con người này, khủng hoảng tất nhiên là khủng hoảng siêu hình, khủng hoảng ‘bản thể luận’.

Đường đã đam mê lao vào công cuộc biên dịch, mà anh đã gọi là ‘mắc dịch’ – lối nói đùa (mà thật ấy) cho đến lúc đó chỉ phổ biến trong nhóm nhỏ những người phiên dịch miệng hay biên dịch văn kiện chính trị.

Từ gần mười lăm năm nay, nói như Nguyễn Văn Khoa, anh đã kết thúc giai đoạn dịch giả. Nhưng văn học Việt Nam đương đại mang một duyên nợ lớn đối với Phan Huy Đường. Ba mươi năm về trước, khi lao vào giai đoạn ‘mắc dịch’, anh đã mang duyên nợ với văn học Việt Nam. Duyên nợ bao giờ cũng hai chiều.

Đường mất đi, những người bạn thân nhất của anh, gắn bó với anh từ năm 1963 ở Hotel Lutèce, đã viết rất đầy đủ về anh. Tôi tới Paris trước họ 5 năm, gặp Đường ba bốn năm sau ở Nhà Đông Dương (cư xá đại học ở đại lộ Jourdan), nên không có sự gắn bó chặt chẽ của tuổi thanh niên "bừng nắng hạ". Dầu sao, tình bạn của chúng tôi cũng là mối tình bạn 50 năm, không bao giờ có sự chia rẽ về quyền lợi, chức vị, tham vọng, nhờ đó mà vượt qua được những cuộc tranh cãi ‘tới bến’, những khác biệt về ‘tạng’ người (nhất là 'tạng' rượu), về quan niệm ‘humour’. Nếu phải tóm gọn trong một câu những gì Phan Huy Đường để lại cho tôi, tôi xin, không ngần ngại, nói rằng : Đường sống thực, và thúc tôi sống thực.
22.10.2019

Nguyễn Ngọc Giao

(Diển Đàn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét