Tác giả: theo Fb Kim Chi (KC tổng hợp từ báo chí tiếng Anh)
Ảnh: Kim Hằng gửi
KD: Bạn bè gửi cho bài viết và những bức ảnh thú vị này. Câu chuyện rất đơn giản, chỉ từ số phận nghèo của một người thanh niên da đen ở Uganda, nhờ kiên trì và ham học mà được học bổng ở Trường ĐH QG của thủ đô nước này. Nhưng nhờ mạng XH (cả mặt trái mặt phải) mà cậu được biết đến. Số phận và ý chí vươn lên của cậu đã lay động nhiều trái tim, từ ông Hiệu trưởng nhà trường, đến Đại sứ Pháp ở Uganda, và nhất là một tập đoàn xây dựng, khi biết chuyện cậu đã tạo những điều kiện tốt để cậu có thể yên tâm học tốt, có việc làm và biết đâu- thêm chí lớn?
Cũng phải cảm ơn nhà báo của BBC ở London đã phát hiện ra vụ việc và giúp đỡ người thanh niên nghèo này theo cách của nhà báo
Hy vọng, cậu sẽ là “một cái cây rực rỡ dưới ánh nắng mặt trời”, ko phụ lòng tốt và niềm tin của mọi người
Ảnh: Khi Henry đến trường, và những túi quà cậu nhận được sau khi cộng đồng nghe tin
Người thanh niên da đen này xuất thân trong gia đình ở vùng thôn quê hẻo lánh ở Uganda, nghe tên đã thấy rất lạ. Uganda rất xa chúng ta, là nước nghèo ở châu Phi. Bạn này tên là Henry Ssubi, là con thứ ba trong gia đình có 8 con ở vùng sâu vùng xa. Người cha đã mất, cái ăn, cái mặc của các con là phải đổi bằng lao động khó nhọc của người mẹ. Ngay cả thếp giấy ghi bài và cái bút đi học cho con cũng phải được người mẹ thu xếp khéo mới có tiền mua.
Ảnh: Hiệu trưởng nhà trường gặp Henry
Đời sống trong khó khăn, nhưng bạn ấy vẫn chịu khó học hành đạt học sinh giỏi toàn diện với ước mơ trở thành kỹ sư. Nhờ kết quả tốt nghiệp trung học ở tốp đầu, Henry đạt tiêu chuẩn được học bổng của chính phủ cho học đại học.
Đại sứ Pháp ở Uganda gặp Henry
Ngày tựu trường đại học Makarere ở thủ đô Kampala, nơi trường đại học quốc gia danh giá nhất nước này, các bạn đồng học xúng xính gia đình xe con, xe to, xe máy đưa rước nhập học nội trú, Henry chỉ có một mình tới trường trên tay là chiếc túi dứa rách quai và cái rương tôn, thường chỉ dùng chứa đồ cho trẻ nhỏ.
Mấy đứa cũng vào nhập học hôm đó thấy thế cho là buồn cười lắm, một trong mấy đứa đó chụp đúng tấm hình này cho lên mạng xã hội – với lời trêu chọc đại để rằng là ‘này nhìn đứa nhà quê này – bộ dạng thế kia mà cũng đòi nhập đại học quốc gia à?’
Tấm ảnh gây ra làn sóng ‘ghi ý kiến’ bùng lên trên mạng. Giờ hay gọi là gây cơn bão mạng. Tuy vậy chỉ có số ít các ý kiến là hùa vào đám con nhà cũng một giọng nhạo người, còn số đông lại chỉ trích người chụp ảnh và lời ghi trên ảnh đồng thời động viên chàng trai trẻ hãy vững tâm, đừng gục ngã trước sự vùi dập của mạng xã hội chỉ vì phận nghèo.
Nhà báo của đài BBC ở London, chuyên chương trình khu vực châu Phi, thấy cái tút đó với những cái còm vùi dập người ta quá lố, ông liền đăng ý kiến của mình “Trời ơi là trời! Giá mà tôi biết bạn trẻ này là ai? Có ai biết không? Giá mà tôi có thể mời bạn ấy dự tiệc với báo chí chúng tôi để làm câu trả lời cho những kẻ đang nhạo báng bạn ấy. Không có nỗ lực nào là uổng phí, bạn trẻ ơi, hãy tin rằng những điều người ta làm cho bạn phải khổ tâm hôm nay sẽ là trái ngọt cho ngày mai.”
Nhà báo nhập cuộc phối hợp với cánh báo chí địa phương tìm hiểu tình hình và nhờ mọi người hãy giúp bạn ấy. Bất ngờ làm sao, chỉ hôm sau đó Henry được mời lên phòng hiệu trưởng. Bạn trẻ này đang không hiểu chuyện gì (vì bạn ấy không có cả laptop lẫn smartphone!) thì hiệu trưởng cho hay là ông rất phiền lòng việc Henry bị công kích trên mạng, ông muốn Henry hãy tự hào về nỗ lực học tập của mình và hãy có những năm vui sống đời sinh viên ở trường. Hiệu trưởng cũng đăng ảnh buổi gặp mặt Henry lên trang nhà của đại học như mọi khi ông đăng ảnh tiếp các vị khách quý!
Do cái tút của Hiệu trưởng đại học quốc gia và ý tưởng phát động cuộc tài trợ Henry của vị nhà báo uy tín, Henry bỗng nhiên trở thành người nổi tiếng. Những gì diễn ra sau đó mới thật đáng ngạc nhiên.
Hiểu mong ước của bạn trẻ ấy, và nhậy bén trước người thanh niên có ý chí cho tương lai, tập đoàn công ty xây dựng cấp cho Henry học bổng toàn phần cho bạn học ngành kỹ sư xây dựng công trình với điều kiện học xong sẽ về làm việc cho hãng. Thế là Henry chưa bắt đầu học đã chắc chắn có việc làm.
Ngay sau đó Henry nhận được số quà biếu là máy tính laptop và smartphone, tổng cộng là 10 laptop và 2 smartphone. Bạn ấy dự định chỉ giữ mỗi thứ một cái, còn lại gửi cho các em ở quê dùng.
Nhà mạng cho Henry sáu tháng nối mạng miễn phí. Nhà hàng ở nơi gần trường, nơi sinh viên thường ra ăn trưa, cấp cho Henry đủ số phiếu ăn bữa trưa miễn phí trong ba tháng.
Ông Đại sứ Pháp tại Uganda cũng quan tâm tới sự việc cũng tài trợ cho Henry học bổng học tiếng Pháp tại Trung tâm Pháp ngữ ở Kampala và một chuyến đi chơi thăm quan các công trình xây dựng ở Paris. Ông viết “Tôi vinh hạnh gặp người sinh viên Henry Ssubi của Đại học Makerere. Một thanh niên xuất sắc với tương lai sáng ngời. Tôi hi vọng học bổng này sẽ giúp bạn ấy có thêm tiếng Pháp để cho thêm vào câu chuyện thành công của cuộc đời bạn ấy”.
Các nhà hảo tâm cũng gửi tặng người mẹ của bạn ấy – bà được truyền thông ưu ái đặt tên “Mama Ssubi” một chiếc xe máy và tiền để trả học phí cho các con bà còn đang tuổi đi học. Bưu phẩm gửi quần áo, chăn gối, đồ dùng gia đình và văn phòng phẩm được các cá nhân và tổ chức tặng cho tới địa chỉ của bà cũng cứ tới mỗi ngày!
Cái kết hay nữa là người chụp và đăng tấm hình, rồi cuối cùng cũng lên mạng trần tình rằng không có ác ý mà chỉ là thiếu suy nghĩ và tính vui đùa tý thôi, vì rồi cả hai cũng sẽ có những năm sinh viên ở cùng trường nên họ sẽ hi vọng có dịp gặp để làm hoà với nhau!
Báo chí thế giới đưa tin về sự kiện này có ghi một câu triết lý xa xưa của Hy Lạp rằng “người ta vùi em xuống đất, nào ngờ em lại là hạt giống tốt, rồi em cứ thế vươn lên thành cái cây rực rỡ dưới ánh nắng mặt trời”.
(KC tổng hợp từ báo chí tiếng Anh)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét