16 thg 11, 2019

CHỮ NGHĨA LÀNG VĂN 15/11/2019 - Ngộ Không Phi Ngôc Hùng

Chữ nghĩa làng văn 

“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải – Ngộ Không Phi Ngọc Hùng.

***

Đền Ngọc Sơn

 

Nguyễn Siêu là nhà thơ, nhà văn hóa của Thăng Long đã tạo dựng đền Ngọc Sơn nằm giữa Hồ Gươm năm 1865. Ông cho xây dựng Trấn Ba đình, để nối bờ với đảo, Nguyễn Siêu đã cho làm cầu và đặt tên là Thê Húc (có nghĩa là giọt ánh sáng đậu lại). Cầu gồm 15 nhịp, có 32 chân cột gỗ tròn xếp thành 16 đôi, mặt cầu lát ván, thành sơn màu đỏ sẫm, chữ Thê Húc được thếp vàng.
Trên bờ ông cho xây tháp đá ngoài cổng cao 9 m, đỉnh tháp là ngọn bút lông gọi là Tháp Bút, trên thân tháp có tạc ba chữ "Tả thanh thiên" (viết lên trời xanh) và một đài Nghiên, là một cửa cuốn trên có đặt một cái nghiên bằng đá, tạc theo hình nửa quả đào. Qua Đài Nghiên là đến cầu Thê Húc, đầu cầu bên kia là Đắc Nguyệt Lâu (lầu được trăng) tức cũng là cổng đền Ngọc Sơn. Đền là nơi thờ Văn Xương, Quan Vũ và Trần Hưng Đạo.

Năm 1882, sau khi cầu vào đền Ngọc Sơn bị đốt, người ta sửa chữa, lát ván dọc theo cầu để cho dân chúng vào lễ. Trong cuốn Hà Nội và những vùng phụ cận của Claudius Madrolle xuất bản năm 1892, tác giả viết: "Cầu Thê Húc được trùng tu vào năm 1888 để thay thế chiếc cầu ọp ẹp. Nó được thay bằng một chiếc cầu gỗ duyên dáng có tính mỹ thuật, được sơn màu đỏ có dáng uốn cong như cầu vồng".

Tết 1952, người dân đi lễ đền quá đông và cầu Thê Húc bị sập. Rất may nước hồ Gươm năm đó cạn nên những đứa trẻ rơi xuống hồ không bị chết đuối. Thị trưởng Hà Nội lúc đó là Thẩm Hoàng Tín đã cho phá bỏ cầu cũ, xây cầu mới. Để có thiết kế đẹp, ông tổ chức cuộc thi thiết kế mẫu và trong hơn ba chục mẫu của các kiến trúc sư cả Pháp lẫn Việt tham gia, thì thiết kế của kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Diệm được lựa chọn. Nguyễn Ngọc Diệm giữ nguyên 16 hàng cọc tròn, nhưng các đầu trụ được vuốt nhọn hơn. Dầm ngang và dầm dọc của Thê Húc đúc bằng bê tông để kéo dài tuổi thọ, tuy nhiên mặt và thành cầu, ông thiết kế bằng gỗ. Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Diệm (1908 –1999) tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương năm 1939.

(Phạm Vũ - Hà Nội 36 phố phường)

Chữ Việt cổ

Những cứ liệu khảo sát từ cổ rất đa dạng và phong phú, nhưng do điều kiện về thời gian, chúng tôi chỉ khảo sát những từ đã từng tồn tại là những từ bình thường, nhưng nay đã hoàn toàn biến mất trong từ vựng hiện đại

Cố lý : xứ sở mình sanh đẻ 

(Đại Nam quốc âm tự vị - Huỳnh Tịnh Paulus Của)

Bên hè phố sách

Con đường sách Sài Gòn

Trên đường sách, cũng là đường mang tên Đức TGM Nguyễn Văn Bình, bên hông Bưu Điện, chạy dài từ nhà thờ Đức Bà tới đường Hai Bà Trưng, là nơi sinh hoạt văn hoá tấp nập khách đi xem, ngồi tụ tập trong các quán cà phê sách, và một số thì tìm mua sách. Đường sách Nguyễn Văn Bình ngày nay là hình ảnh một mini-đường sách Lê Lợi bán sách sũ của hơn 40 năm trước. 

Khởi từ ý tưởng của báo Tuổi Trẻ, ngày 15.10.2015, sở thông tin thành phố đã khởi công xây dựng “con đường sách” trên đường Nguyễn Văn Bình. Sau gần 3 tháng xây dựng ngày 09.01.2016, “đường sách” chính thức được khai trương. Chỉ với con đường nhỏ chiều dài 144 m, lòng đường 8 m, hai bên vỉa hè rộng 6 m, với thiết kế một bên là 20 gian hàng sách, một bên là café sách và khu triển lãm. Hai đầu “đường sách” là hai bức tượng điêu khắc Cô gái bên trang sách và suy ngẫm – hai tác phẩm được tuyển chọn từ ‘”trại điêu khắc” thành phố Sài Gòn.

(xem Con đường sách Sài Gòn, trang 9)

Ông Lê Hoàng giám đốc Nxb Trẻ mơ ước có một không gian chỉ có sách và sách và ông đã vận động cho việc hình thành “con đường sách”. Đường sách đã trở thành một không gian khá lý tưởng để các nhà xuất bản, nhà kinh doanh sách có cơ hội chia sẻ những kinh nghiệm nghề nghiệp, và cả tiếp cận với giới bạn đọc. Đường sách trở thành một không gian biểu tượng của văn hoá đọc, nơi gặp gỡ của những người yêu sách.

(Con đường sách Sài Gòn và chuyện đốt sách – Ngô Thế Vinh)

Văn tế trận vong tướng sĩ 

Bài Văn Tế Trận Vong Tướng Sĩ  mà mọi người cứ tưởng là của Nguyễn Văn Thành.

Nhưng không phải Nguyễn Văn Thành viết. Mà do Nguyễn Huy Lãng (tức Nguyễn Huy Lượng) tác giả Tụng Tây Hồ phú viết hộ.

(nguồn Hoàng Xuân Hãn)


Chữ và nghĩa

Mút mùa Lệ Thủy
Mút mùa có nghiã là hết mùa, xong xuôi gặt hái. Mút là cái đuôi, phần cuối, phần chót, như ta thường nói: mút đũa. Mút mùa, như ta nghe thấy trong ca dao Bình Trị Thiên:
Mút mùa rạ ngã rơm khô
Bạn về quê bạn, biết nơi mô mà tìm!

Đây là lời than thở của cô gái nhà quê đã gặp chàng trong mùa gặt hái và đã có lời hẹn ước sang năm sẽ gặp lại, nhưng đối với cặp nhân tình đã thề non hẹn biển thì thời gian tâm lý quá dài như thuyền trôi qua mười hai bến nước!
Suýt chút nữa chúng ta quên hai chữ Lệ Thủy. Đây là tên huyện “Lệ Thủy”, phía Nam Quảng Bình. Lệ là đẹp, còn thủy là nước. Lệ Thủy là nước đẹp, có gaọ trắng nước trong, trai thanh gái lịch.

(Thành ngữ tiếng Việt – Bao La Cư Sĩ)

Chữ nghĩa làng văn

Có nhiều nguồn cho rằng câu đối dưới đầy của Cao Bá Quát : 
Thập tải luân giao cầu cổ kiếm 
Nhất sinh đê thủ bái mai hoa 
(Mười năm lặn lội tìm cây kiếm cổ 
Một đời chỉ biết lạy hoa mai) 

Theo các tài liệu thì đôi câu đối trên có xuất xứ như sau : 
Theo “Như Thanh Nhật ký” năm Mậu Thìn (1868) vua Tự Đức cử đoàn sứ bộ sang triều cống nhà Mãn Thanh : cầm đầu là chánh sứ Lê Tuấn (đỗ Hoàng Giáp năm 1853); phó sứ là Nguyễn Tử Giản (Hoàng Giáp năm 1884); phó sứ thứ 2 là cử nhân Hoàng Tịnh. Sứ bộ Việt Nam được viên tri phủ Hán Dương là Ngải Tuấn Mỹ đón tiếp và tặng đôi câu đối cho phó sứ Nguyễn Tử Giản : 
Thập tải luân giao cầu cổ kiếm
Nhất sinh đê thủ bái mai hoa.

Sự kiện trên được chép trong “Yên thiều bút lục” của Nguyễn Tử Giản (1823-1890). Câu đối “... bái mai hoa” của Ngải Tuấn Mỹ tặng Nguyễn Tử Giản là vào năm 1868, trước đó 14 năm.
Cao Bá Quát đã hy sinh trong cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương (Giáp Dần 1854)... phải chăng người đời do quá yêu Cao Chu Thần nên cứ thích tương truyền câu “nhất sinh đê thủ bái mai hoa” là của ông như một giai thoại để đời ? 

(Nguồn Nguyễn Khôi)

Phay

Phay : xé từng miếng nhỏ
(thịt gà xé phay – dao phay)

(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Giai thoại làng văn

Nguyễn Tường Tam sống gần như vô tình với mọi người, nhưng anh mê say nghề một cách kỳ lạ, có lẽ ít nhà văn nhà báo say mê với nghề đến thế. Mỗi khi viết một truyện ngắn, truyện dài, anh suy nghĩ lao tâm khổ trí, nhưng đến lúc truyện thành hình ở trong óc rồi, anh vẫn chưa bằng lòng, anh đem ra trình bày với anh em trong nhà, hội ý rất cẩn thận nhiều lần nữa rồi mới viết. 

Cũng như tất cả các nhà văn viết tiểu thuyết đăng báo, anh không viết cuốn nào một lúc, nhưng viết từng kỳ để đăng, hết kỳ nào viết tiếp kỳ ấy. Nhưng Nguyễn Tường Tam viết mà đã có sẵn dàn bài rồi, chứ không như Vũ Trọng Phụng viết đến đâu lại xoay câu chuyện đến đó, tuỳ theo cảm hứng; hay như Lê Văn Trương viết một hơi hết một truyện dài nhưng viết từng tập, tuỳ theo cảm hứng rồi đem những tập ấy chập lại với nhau thành truyện. 
Có sẵn dàn bài rồi, Nguyễn Tường Tam viết tương đối dễ dàng hơn Khái Hưng. Có một lần nhìn vào một bản thảo của Khái Hưng, người ta thấy anh viết ở đầu trang một chữ "Gia đình", ở cuối trang một chữ "người con gái đẹp" và ở giữa trang một dòng: 

"Trời ơi, biết viết gì đây, hở Trời?". 
(Vũ Bằng - Nguyễn Tường Tam, một nhà văn "đa bất mãn hoài")

Nét “tục” trong tục ngữ phong dao 

Già thì già tóc, già tai
Già răng già lợi, đồ chơi không già

(“Tục Ngữ Phong Dao” - Nguyễn văn Ngọc)

110 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ

Những lúc ấy mắt Nguyên Hồng ánh lên, gò má bóng nhẵn chòm râu hất ra như người ốp đồng lắp bắp sắp nói. Những đêm vui, đầm ấm, thú vị (…)
Hồi ấy, Nguyên Hồng đã để râu. Bộ râu ria lưa thưa mà chúng tôi thường đùa: bộ râu già nua của ông không hợp với hai con mắt lúng liếng nhanh như chớp còn tống tình được của ông. Nguyên Hồng rung đùi, cười khơ khớ, nói: "Quái quỷ! Quái quỷ!". Chẳng hiểu tự cười mình hay thú vị vì câu nói đúng.

Vậy mà cả đến bộ râu hiếm hoi ấy cũng chẳng phải Nguyên Hồng cố ý điểm trang cho vẻ già của mình đâu. Nguyên Hồng để râu khoảng ngoài năm mươi. Nhưng nói Nguyên Hồng để râu, chữ nghĩa cùng sự việc chưa thật chính xác. Nguyên do là lắm khi Nguyên Hồng ở bên cả mấy tháng trên Nhã Nam, ngày đêm viết miệt mài. Mấy năm, xong cả bộ tiểu thuyết Cửa biển, vở kịch Thái hậu Dương Vân Nga, đôi khi cao hứng, làm bài thơ.

Ở nơi khuất nẻo, hết dao cạo râu. Hồi này, lưỡi dao cạo không dễ kiếm. Thế là mặc kệ, rồi đâm quen. Chỉ vậy thôi, thành "để râu”.
(Cát bụi chân ai – Tô Hoài)

J. Leiba
Chính tên là Lê Văn Bái, sinh năm 1921 ở Yên Bái. Chánh quán: làng Nam Trực, phủ Nam Trực (Nam Định). Học trường Bảo hộ Hà Nội đến năm thứ ba rồi bỏ đi theo một bon giang hồ mãi võ chót một năm. Sau về quê học chữ Hán. Năm 1935 đậu thành chung, rồi vào ngạch thư ký toà sứ Bắc kỳ. Vì đau nặng nên được nghỉ phép dài hạn (Đã mất rồi).

Đã viết giúp: Ngọ báo, Loa, Tin văn, L'Annam Nouveau, Tiểu thuyết thứ bảy. Ích hữu, Việt Báo, Nam Cường ký Thanh Tùng Tử và sau J. Leiba. Thơ dăng báo Loa với một tên ký chẳng Việt Nam tí nào, thế mà vừa ra đời Leiba liền được người ta thích.

Người ta thích người vần thơ có giọng Đường rõ rệt, mà lại nói được nỗi lòng riêng của người thời nay. Trong khuôn khổ xưa, cái hương vị mới ấy rất dễ say người. Thơ Leiba ra đời (1934) giữa lúc ai nấy đều cảm thấy mình như trẻ lại. Các nhà thơ đương thời, Thế Lữ, Đông Hồ, Thái Can, kẻ trước người sau, đều tả bằng người nét âu yếm nỗi lòng của người thiếu nữ lúc mới bén tình yêu. Nhưng không ai nói được đầy đủ như tác giả bài "Năm qua" giai đoạn của một cuộc yêu đương nhóm lên từ hồi nhỏ.

Thơ Leiba hồi sau có bài đượm mùi Phật, mặc dầu chưa đúng hẳn với tinh thần đạo Phật. Bài ''Bến giác'' chẳng hạn có một giọng lạnh lùng, chua chát chưa phải là giọng của kẻ đã dứt hết trần duyên. Tuy thế Leiba gần đạo Phật hơn các nhà thơ bấy giờ.

Bến giác
Phù thế đã nhiều duyên nghiệp quá! 
Lệ lòng mong cạn chốn am Không. 
Cửa thiền một đóng duyên trần dứt, 
Quên hết người quen chốn bụi hồng. 

Hay
Mùi thiền, đã bén muối dưa
Màu thiền, ăn mặc đã ưa nâu sồng.
Sự đời đã tắt lửa lòng.
Còn chen vào chốn bụi hồng làm chi! 

Tháng 10-1931 
(Thi Nhân Việt Nam - Hoài Thanh/Hoài Chân)

Ông Táo 

Tìm hiểu bài vị cũng như các bài văn khấn Táo quân (nôm cũng như tự), chúng ta thấy chúng gồm có 3 ngôi:
1 - Đông trù tư mệnh Táo phủ thần quân 
(tức Thổ công)
2 - Thổ địa long mạch tôn thần (tức Thổ địa)
3 - Ngũ phương, ngũ thổ phúc đức chính thần 
(tức Thổ kỳ)

Như vậy, Táo quân không phải là một danh từ riêng chỉ ai đó, mà là danh từ chung cho cả 3 ngôi: Thổ công, Thổ địa và Thổ kỳ. Khác với xã hội loài người: “một nước không thể có hai vua”, thế giới tâm linh có vẻ thoáng hơn trong việc chấp nhận mô hình “ba vua một bếp”. Về vị trí của mỗi ngôi, ở giữa là Vua bà, bên trái là Thổ công, bên phải là Thổ địa. Đó là lý do giải thích vì sao trong ba chiếc mũ đặt trên bàn thờ, chiếc mũ ở giữa không có cánh chuồn, không giống với hai chiếc kia.

(Từ truyền thuyết…ngày Tết ông Táo - Phùng Thành Chủng)

Cảm nhận qua lễ tế thông gia

Người Việt Nam quan niệm sống gửi thác về (sinh kí tử quy). Chết là trở về với tổ tiên bên kia thế giới. Ai cũng mong muốn cho cha mẹ trở về được thanh thoát, may mắn. Người con có hiếu phải thờ cha mẹ đã chết cũng như lúc cha mẹ còn sống, thờ khi mất như lúc hãy còn (sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn)". Tư duy này cũng được phản ánh qua lễ tế thông gia. 

Bởi lẽ, thông gia là "gia đình có con cái kết hôn với nhau, trong quan hệ với nhau". Khi đó, đôi trai gái của hai bên thành vợ chồng, sinh con đẻ cháu là sợi dây nối kết hai bên. Nghĩ đến sự khó nhọc của thông gia trong việc nuôi dạy con để gả/cưới cho con mình nên tình sui gia càng thêm gắn bó. Lúc sinh tiền thì thù tạc bằng đám tiệc, giỗ chạp, khi một trong hai bên qua đời, bên còn lại thủ lễ bằng tế thông gia. 

(Tế thông gia - Đỗ Kim Trường)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Những sai lầm tai hại trong hai quyển Từ điển từ và ngữ Việt NamTừ điển từ và ngữ Hán Việt của Nguyễn Lân.

khoản đãi 款待 

Chúng tôi ngạc nhiên khi thấy soạn giả giải thích rằng, "khoản" nghĩa là lưu khách lại. Thực ra, khoản nghĩa là chân thành, như trong từ "khẩn khoản", và có nghĩa mở rộng là đối xử chân thành.

Các từ điển của Trung Quốc giải thích rằng, khoản đãi nghĩa là ân cần tiếp đãi, tức là tiếp đãi chu đáo, tận tình. Tất nhiên, muốn khoản đãi ai thì thường phải giữ người ta ở lại nhà mình, nhưng chữ "khoản" không mang nghĩa ấy thì đừng nên bịa thêm mà làm sai nghĩa của nó. 

(Lê Mạnh Chiến & H.H.Phúc)

Bên hè phố sách

Con đường sách Sài Gòn

Từ hướng nhà thờ Đức Bà tới đường Hai Bà Trưng, bên trái là 20 gian hàng sách; phải, với bạn trẻ ngồi đọc sách ngoài trời. 
 


Hình chụp hình; trái, 
bức tượng đồng 
“Hai bé ngồi chống lưng 
đọc sách”. 


Đường sách là các cửa hàng café sách, các khu triển lãm; Phương Nam Book Café khang trang lúc nào cũng đông khách; phải, do thiếu diện tích mặt bằng, có thêm mấy Kiosk sách bên lề phải đường sách phía ngã ba Hai Bà Trưng – Nguyễn Văn Bình, anh chị Long đôi vợ chồng rất yêu sách, gốc người Sài Gòn cũ. Những Kiosk sách trên đường sách, gợi lại hình ảnh thật đẹp của Sài Gòn trước 1975 với đường sách Lê Lợi, nhà sách Khai Trí thuở nào; ở Quán Sách mùa thu với thêm dòng chữ “về lại chốn thư hiên”, nơi có thể tìm lại những cuốn sách cũ “tàn dư văn hoá Mỹ Nguỵ” nay trở thành quý hiếm. 

Không biết tôi đã đứng trong Quán Sách mùa thu bao lâu, trong một không gian rất nhỏ, cô chủ quán sách thì tế nhị và lặng lẽ; tôi có cảm giác thời gian như dừng lại. Cầm trên tay những cuốn sách cũ, rất cũ xuất bản lần đầu tiên từ những thập niên 50s, 60s, 70s có những cuốn mà tác giả đã từng là bạn văn còn sống hay đã mất và cả ngạc nhiên nữa là sao những cuốn sách ấy lại có thể sống sót sau cuộc “phần thư”
Rồi tôi bị kéo về thực tại khi có tiếng nói của một thanh niên, có lẽ là sinh viên hỏi cô chủ quán về một đầu sách: Mùa Hè Đỏ Lửa của Phan Nhật Nam. Được biết, các quán sách tuy không có sách nhưng vẫn có thể nhờ kiếm hay đặt mua. Sự kiện thế hệ sau chiến tranh, tìm đọc Ký của Phan Nhật Nam trên đường sách, chắc là điều mà bạn tôi cũng muốn được nghe.

(Con đường sách Sài Gòn và chuyện đốt sách – Ngô Thế Vinh)

Nét “tục” trong tục ngữ phong dao 

Hong hóng như l. chực cưới

(“Tục Ngữ Phong Dao” - Nguyễn văn Ngọc)

Thần làng 

Thần làng của ta là thần riêng của dân làng đó là điều quan trọng vì các làng Trung Hoa không bao giờ có thần riêng cả. Ðình của Trung Hoa không phải là nơi thờ phượng mà chỉ là cái nhà cất trên đường để bộ hành nghỉ ngơi, nam nữ đều vào được. Ðình của ta là nơi thờ thần làng và nơi hội họp của các trưởng lão trong làng và phụ nữ không được vào.
Sự trùng hợp của danh từ đình, là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, hoặc là một cuộc vay mượn vì ảnh hưởng Trung Hoa về sau, ta đã vay mượn một cách không cần thiết một số danh từ mà ta đã có rồi. Cái đình thì người Sơ Ðăng, một thứ người nói tiếng Mã Lai y như Việt Nam, gọi nó là cái rong. Có thể tổ tiên ta đã bỏ rong vay mượn…đình. Thần thành hoàng của Trung Hoa xuất hiện vào đời nhà Chu. Thành là bức tường bao quanh thành phố và hoàng là “cái hào” bao quanh bức tường.

Thần thành hoàng là thần của thị dân. Gọi thần của ta là…thần thành hoàng là sai.

(Bình Nguyên Lộc - Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam)

Tên Nôm tên Tự 

Sự hình thành tên “Đền Quán Thánh
phía bắc thành phố để tới Yên Phụ, thấy tòa tam quan trầm mặc với 4 cột trụ phía trước, cắt ngang mặt là  Hồ Tây. Dân gian có câu “Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương”, chính là nơi đây mọi người từng được biết tới các tên gọi như “Đền Quán Thánh”, “Trấn Vũ Quán”, “Chân Võ Quán”.

Đền Quán Thánh tương truyền hình thành từ thế kỷ 11 đời vua Lý Thái Tổ, trải qua các giai đoạn trùng tu 1618, 1677, 1768, 1836, 1843, 1893, 1941 đều được ghi trên văn bia. Tên là Trấn Vũ hay Chân Võ còn gọi là Quán Vũ, theo đó Quán là nơi sinh hoạt thờ cúng của đạo giáo. Đền thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ trước bằng gỗ, sau bằng đồng đen cao 4m nặng 4 tấn, trong tư thế ngồi, tay nắm đốc gươm, tay bắt quyết. Tục gọi là “Thánh đồng đen”. Theo Đình và Đền Hà nội đời vua Lê Thánh Tông (thế kỷ 15), Nguyễn Công Định đi sứ Trung Quốc mang về tượng Văn Xương đế quân đem thờ trong Đền Trấn Vũ, sau được hội Hướng Thiện mang về thờ tại Đền Ngọc Sơn năm 1843.

 “Đền Quan Thánh” trong đó chữ “Quan” không có dấu sắc, là tên được gọi trong một khoảng thời gian dài, đi sâu vào tiềm thức của một lớp cư dân thủ đô trong thế kỷ 20. “quan” là chữ Hán có nhiều nghĩa và có 2 âm (tức là hai cách đọc khác nhau). 
Âm “quán” bính âm tiếng Phổ thông Trung Quốc là /guàn/ gắn với nghĩa miếu đền đạo sĩ, lầu các là nơi vui chơi, cũng có nghĩa là xét thấu, nghĩ thấu như trong “quán chiếu”. 
Một âm khác là “quan” bính âm tiếng Phổ thông Trung Quốc là /guan/ gắn với nghĩa “quang cảnh” trong “kỳ quan” hay trong nghĩa khác như “tham quan”, “quan điểm
Tiếng Hán đồng âm đa nghĩa (Quán đạo và Quán trọ), hiện tượng đa nghĩa đa âm (Quán và Quan) dẫn đến nhiều thắc mắc, hoài nghi, nhầm lẫn tới ngày nay.

(David Phùng – Tên gọi Nôm một số kiến trúc tôn giáo)

Về Hồ Xuân Hương

Phần lớn các sách in chữ nôm, hay khắc bản của các hiệu buôn sách phường Hàng Gai, Hà Nội. Hoặc tại các hiệu buôn tại Nam Định, Hải Phòng trước năm 1930, nhiều sách không ghi tên tác giả, ngay cả Truyện Kiều. Tại Thư Viện Quốc Gia Pháp tại Paris, Trường Viễn Đông Bác Cổ, và tại Viện Hán Nôm Hà Nội có rất nhiều văn bản:  chữ Nôm, chữ Quốc Ngữ, truyện Nôm.. không đề tên tác giả. 
Vì cho đến đầu thế kỷ 20 các tay lái buôn sách như Lễ Môn Đường, Quảng Thành thấy sách nào bán chạy, bỏ tiền ra mướn thợ khắc bản gỗ chữ nôm lẫn chữ quốc ngữ, hay sắp chữ typo quốc ngữ như nhà  Xuân Lan của Nguyễn Ngọc Xuân đầu thế kỷ  20, họ in bán, không cần biết tác giả là ai, chẳng biên khảo, chú thích gì. Nằm trong trường hợp này, bản in thơ Hồ Xuân Hương, phần trên khắc bản gỗ chữ nôm, phần dưới khắc gỗ chữ quốc ngữ, không có tên tác giả.

Ba mươi năm: vượt qua khỏang cách và dấu nối

 

Trần Nhuệ Tâm: Những tác phẩm ấy thuộc thể loại gì (thơ/truyện/tiểu luận/phê bình)?

 

Nguyễn Trọng Tạo: Lúc đó tôi thích thơ Nguyên Sa, Nguyễn Bắc Sơn, Thanh Tâm Tuyền (người có câu thơ thật ngộ: Tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ)... Tôi cũng nhớ một số câu thơ của ai đó trong một tập thơ không còn nguyên vẹn: "Anh đi ném bom xé nát trăm miền/ Rồi về dưới đó mua chùm hoa nhân tạo/ Sáng mùng một Tết tặng em" "Bấm vào đầu thấy đau/ Bấm vào chân thấy đau/ Da thịt còn đau dấu hiệu sống còn" "Nếu không có con/ Biết lấy ai làm chứng cho ba đã có mặt trong đời"... 

 

Một người lính ở "phía bên kia" đã viết như thế. Rất người. Tôi nghĩ văn chương đích thực sẽ vượt qua thành kiến và thù hận vượt qua biên giới để tìm đến chia sẻ với đồng loại. Bây giờ tôi đọc "Khi tôi chết hãy đưa tôi ra biển" hay "Sóng từ trường", Thụy Khê là nhà bình luận văn chương sắc sảo chấp nhận những góc cạnh của tài năng lại có một giọng nói rất quyến rũ trên đài RFI. Chị đã nêu được nhiều vấn đề văn học trong nước và hải ngoại. 

 

Trần Nhuệ Tâm: Ông có tin là văn học trong và ngoài nước một ngày nào đó sẽ nhập làm một hay không? 

 

Nguyễn Trọng Tạo: Tôi không nghĩ rằng văn học Việt Nam trong và ngoài nước là hoàn toàn khu biệt. Vì văn học là văn học nó mang tính nhân văn bẩm sinh của con người. Chỉ khác chăng nó đang bị khu biệt về độc giả. Những năm gần đây một số tác giả hải ngoại đã in sách ở trong nước. Bộ tiểu thuyết Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác do nhà xuất bản Văn Học (Hà Nội) ấn hành được nhiều người trong nước tìm đọc và được giới thiệu trên báo chí. Tôi đọc Ký sự đi Tây của Đỗ Khiêm là do nhà xuất bản Văn hoá Thông tin của Bộ VHTT ấn hành. 

 

Điều đó chứng tỏ sự khu biệt về độc giả đang dần được giải toả. Có một thực tế là số lượng độc giả trong nước vô cùng lớn so với độc giả hải ngoại. Sự thiệt thòi của những văn thi sĩ hải ngoại về người đọc là cần chia sẻ. Đây là một vấn đề nhà nước nên nghĩ tới giải pháp có lợi cho văn nghệ sĩ và bạn đọc.

 

(Trần Nhuệ Tâm phỏng vấn Nguyễn Trọng Tạo)

Về Hồ Xuân Hương

Những bài thơ Nôm đầu tiên được coi là của Hồ Xuân Hương, xuất bản ở Hải Phòng, năm 1913, với tài liệu không chính thức. Bốn năm sau, năm 1917, Đông Khê Nguyễn Hữu Tiến xuất bản Giai nhân di mặc, toàn những chuyện hư cấu trong đó có chuyện Hồ Xuân Hương và thơ Hồ Xuân Hương dĩ nhiên cũng “hư cấu”. Sau đó nhiều nhà làm văn học dựa vào đó soạn ra Thân thế và sự nghiệp của Hồ Xuân Hương và đánh giá thơ văn của bà, như một tác giả chính thức và có mặt thực sự trong đời sống xã hội. Thấy bán được, các nhà xuất bản tiếp theo in thơ Hồ Xuân Hương như một tác giả “có thật” và số bài mỗi lần in một tăng lên, cuối cùng đến hàng trăm bài.

Vụ thảm sát tôn thất nhà Lý nay ở đâu?

Vụ “tàn sát” tôn tộc nhà Lý sử ghi xảy ra ở Thái Đường, Hoa Lâm. Trong bộ Đại Việt sử ký toàn thư, bản khắc in cũ nhất năm Chính Hoà(1697) ghi: “ Mùa đông năm ấy(1232), nhân người họ Lý tế lễ các vua nhà Lý ở Thái đường, Hoa Lâm. Thủ Độ ngầm đào hố sâu, làm nhà lên trên, đợi khi mọi người uống rượu say, giật máy chôn sống hết”. Các sách hiện nay khi ghi chép địa danh Thái đường, Hoa Lâm đều chú thích nơi đó thuộc huyện Đông Ngàn cũ và ghi chú nay thuộc đất Tiên Sơn, Bắc Ninh
Ngày 31/3/1961 vùng đất Thái Đường về huyện Đông Anh, Hà Nội.

Xưa các vua Lý lập vườn hoa lớn ở Thái Đường, với tên Lâm Hoa Viên. Từ Thăng Long, các vua Lý về chơi vườn thượng uyển Hoa Lâm. Tại xã Mai Lâm, huyện Đông Anh ngày nay còn rất nhiều di tích, truyền thuyết gắn với vườn hoa xưa và các vua triều Lý. Các tên như Danh Lâm, Du Lâm là gắn với Hoa Lâm xưa. Dân xã Thái Bình ngày nay (tức trên đất Thái Đường cũ) đều biết về truyền thuyết thảm án tôn tộc nhà Lý.
(Trọng Huân)












































Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét