18 thg 11, 2019

Sài Gòn và Giai Cấp trong xã hộI năm xưa

Đọc cho vui


Vô Nam trước hồi di cư năm 1954, tôi giao thiệp với người dân thấy người miền Nam thiệt thà chất phác, không chen đua với cuộc sống như người dân miền Bắc, tuy nhiên, giai cấp xã hội đã thay đổi theo chiều hướng mới không có chế độ quan liêu của vua chúa khi xưa.


Sau đây là câu chuyện của “anh Tám Charner :

Anh Tám là người con thứ tám trong một gia đình nông dân thuộc tỉnh Bến Tre, anh lên tỉnh để kiếm việc làm, nhưng kẹt nỗi là anh không có nghề gì trong tay. Đem tiền còn lại có được năm mươi đồng bạc, anh đi mướn một chiếc xe kéo để chở hành khách chạy trong thành phố kiếm ăn qua ngày để sinh sống. Một hôm, anh đón khách tại đường CHARNER (đường Thống Nhất củ)trước cửa XÃTÂY (Hotel de ville) chở thầy Ký (thư ký) về cao ốc Cửu Long (building CUULONG) đường Hai Bà Trưng bây giờ.
Anh Tám thường kêu thầy Ký là bác Hai, nhưng thầy Ký quê ở Hà Nội nên thầy không hiểu vội cải chính lại nói rằng: tên tôi là Ký, tại sao anh lại kêu tôi là bác Hai, nhân tiện anh chở tôi vô CHOLON cho tôi ăn cơm, ăn xong anh hãy chở tôi về, sẵn dịp tôi cũng mời anh ăn với tôi cho vui.

Anh Tám để thầy Ký xuống xe ở chợ An Đông, hai người ngồi ăn cơm gà tại đây, bán bày trên lề đường cho có gió mát. Uống xong ly nước mía, anh Tám phân bua nói rằng: sở dĩ tôi kêu bác là thầy Hai, lý do bác làm việc trong Xã Tây, là người có chức vụ quan trọng; ở đây, chúng tôi kêu gọi thiên hạ theo thứ bậc và giai cấp xã hội, bác đứng vào hàng số 2 nên tôi gọi bác là thầy Hai.

Thầy Ký hỏi: như vậy, ai là người lớn nhất ở Saigon?

Anh Tám nói: lớn nhất là ông Xã Tây (monsieur le maire) người Pháp; thứ hai là các thầy Thông (thông phán), thầy Ký (thư ký), tụi tôi kêu là thầy hai.

Thầy Ký hỏi: thứ ba là ai?

Anh Tám nói: thứ ba là người Trung Hoa, tụi tôi thường gọi là Ba Tàu.

Thầy Ký nói: chắc tại họ nắm hết kinh tế, phải không?

Anh Tám nói: đúng vậy, thầy hai. Suốt con đường tại Bến Chương Dương toàn là vua lúa, ghe thuyền tới lui tấp nập; trong thành phố thì mỗi ngã tư có một tiệm chạp phô hay hủ tiếu, cà-phê và tiệm ăn thì hàng hà sa số, thiên hạ cần gì chú ba cũng có: từ cục kẹo đậu phọng cho tới 100gr muối hay 1/2kg đường…vân…vân…kinh tế tại đây hoàn toàn do chú ba nắm giữ.

Thầy Ký hỏi:như vậy ai đứng hàng thứ tư??
Anh Tám nói: thứ tư và thứ năm là các tay anh chị, tụi tôi thường gọi là Tư Búa(chuyên môn đánh lộn) và Năm Đá Cá Lăn Dưa(đá cho con cá lăn ra ngoài sạp để cho đàn em tới lượm, lăn quả dưa cho người khác chạy tới ôm đi)

Thầy Ký hỏi: còn ai đứng hàng thứ sáu?

Anh Tám nói: thứ sáu là anh Mã Tà, tôi cũng không biết tại sao lại kêu là “mã tà”, chỉ biết là anh ta mặc đồ trắng, đầu mang nón trắng, tay cầm cây dùi cui cũng màu trắng, anh đi tới đâu là chị em bán hàng rong trên lề đường LASOM(boulevard de la Somme, ta kêu là Lê Lợi), la lớn lên rằng:”anh sáu tới, tụi bây ơi”, rồi mau mau gánh hàng bỏ chạy cho nhanh đến nỗi đỗ cả nồi nước lèo làm bún, lại còn bị phạt tiền, khóc ra nước mắt, trông thiệt tội nghiệp; từ đó anh có cái tên mới , gọi là Sáu Lèo(nick name của KQ Nguyễn Ngọc Loan).

Thầy Ký nói:tôi hiểu, sáu lèo là tên đặt cho Cảnh Sát (cây dùi cui màu trắng, tiếng Pháp kêu là matraque, phiên âm sang tiếng Việt là Mã Tà), nhưng tính theo thứ tự thì ai đứng hàng số 7?

Anh Tám nói:thứ bảy là Chà Và (người Aán Độ da đen) giàu thì cho vay tiền lấy lời “xanhxitđítđui”(5/6-10/12), nghèo thì làm nghề “gác-gian” chuyên môn gác cổng cho các ngân hàng hay cửa hàng lớn như Godard (Gô Đa)vân…vân…con nít ngó thấy là sợ, muốn khóc mà không ra tiếng

Thầy Ký hỏi tiếp: còn thứ 8 là ai?

Anh Tám nghẹn ngào trả lời: thứ tám là những người không có nghề nên phải kéo xe để kiếm ăn, riêng tôi vì là con thứ tám trong gia đình nên không lấy làm buồn, chỉ mong trong tương lai nếu có được chút đỉnh tiền thì trở về đồng quê làm rẫy, mùa mưa ra ruộng đâm cá, mùa nắng thì đi câu tôm, không phải lo tiền để mướn xe chạy hằng ngày, nắng mưa mệt mõi cái thân.

Tới đây, anh Tám đứng dậy ra xe đẫy lại gần lề đường. Trả tiền xong, thầy Ký nói anh Tám chạy theo đường Thủy Binh (Rue des Marins) được đỗi tên là Đồng Khánh tức là Trần Hưng Đạo sau này. Khi chạy qua dãy nhà màu hồng, anh Tám lên tiếng hỏi:thầy Hai thấy có muốn ghé đây chơi hay không? Thầy Ký vội gạt đi vì nơi đây là chỗ của chị chín Chang, thầy nói: thôi bỏ đi Tám. Khi về tới chung cư CỬULONG (sau này được mệnh danh là Phủ Chín Đầu Rồng)thầy Ký cảm thấy mình đã bị “saigon hóa” vì thầy đã dùng chữ Bỏ Đi Tám, thầy ước mong rằng Saigon sẽ không bị Pháp hóa ở trong tương lai.

Viết lại theo lời kể truyện của DZU HUYEN TIEU Saigon 1968

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét