Thưa các quí ngài,
Tôi viết mail này không phải tôi phật ý với mấy ông trí thức đã tỏ rõ quan điểm về cái tên tranh cãi của tôi cho dù tôi cũng có công khai phá xứ Đông Dương. Chẳng hạn, PGS.TS Lê Cung bảo, Alexandre de Rhodes có tội làm sao đặt tên đường được. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân lại phán, chữ quốc ngữ tạo ra không nhắm phát triển dân tộc ta mà là công cụ xâm lăng. Cứ gọi tôi là Alexandre de Dốt cũng “OK – ça va bien – tốt thôi”.
“Dốt” hay nói chữ nên tôi, với mục đích truyền giáo, đã trót dại đưa tiếng Việt, một cách thoát Trung hơn hẳn Triều Tiên và Nhật Bản cố vượt ra khỏi bóng chữ tượng hình mà điển hình là chữ Nho.
Ý tôi là phổ cập chữ cho mọi người dân hơn là chỉ để mấy lão hủ nho ngồi ngâm vịnh câu chữ để vợ gánh gồng đi chợ nuôi chồng, nuôi con. Phần đông dân chúng biết chữ vẫn hơn là vài lão nhiều chữ trong bụng nhưng toàn ăn báo hại, bám gấu váy vợ ngày hành kinh vẫn đi lội ruộng mà thổ chữ Nho.
Tôi xin các ngài hãy ngừng ngay việc lấy tên “Alexandre de Rhodes” đặt cho bất kỳ một phố nào ở Việt Nam. Hà Nội, Sài Gòn từng có những con phố mang tên tôi, rồi “cách mạng bùng lên, rồi kháng chiến trường kỳ, quê tôi đầy bóng giặc”, họ xóa luôn, nhưng nghĩ thấy sai sai và cho tên tôi trở lại, đúng kiểu “sáng đúng, chiều sai, mai lại đúng” ở xứ các ngài.
Theo thiển nghĩ của tôi, một người sinh ra cách đây hơn 4 thế kỷ, thì xứ Việt coi chuyện đặt tên mang mầu sắc chính trị từ thời phong kiến đến cộng sản, trong khi tên phố cần sự ổn định lâu dài vì liên quan đến địa chỉ người ở, nhà cửa, đất đai, giấy khai sinh, bao việc thế mà cứ đổi luôn xoành xoạch thì chết bố lão “Dốt”.
Bắt chước Mỹ là hay, tên phố theo vần ABC, 1, 2, 3, chế độ thay đổi nhưng tên phố vẫn nguyên. Ngay Sài Gòn thôi các quí vị còn nhớ, cụ Diệm lên cũng đổi nhiều tên phố, cụ Duẩn vào xào nấu lại cho đúng với 4 dòng thác cách mạng. Giờ lại muốn quay về tên cũ mà khó nghĩ kinh.
Tôi nhớ mấy chục năm trước, Việt Nam có lão IT Cua nửa mùa từng email cho tôi đã phạm sai lầm khi các ông ý định tin học hóa xứ này như tôi từng latin hóa xứ Đông Dương.
Số là những năm đầu 1980 khi máy vi tính vào Việt Nam nhưng không có bộ gõ tiếng Việt làm đau đầu các chuyên gia IT. Không nhớ có bao nhiêu hội thảo đưa chữ Việt lên bàn phím và màn hình, cãi nhau hoài năm này qua năm khác. Có lão lấy 2 vợ vẫn không đưa ra nổi giải pháp nào cho ra hồn.
Chả là bảng ký tự ASCII dựa trên bảng chữ cái latin được dùng trong tiếng Anh hiện đại và các ngôn ngữ Tây Âu dễ dàng vì họ đâu có nghĩ cho Việt Nam. ASCII được dùng để hiển thị văn bản trong máy tính và các thiết bị thông tin khác.
Bảng có 128 ký tự và mở rộng tới 256 ký tự, thuận tiện cho tiếng Anh, Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Đức, nhưng ASCII không đủ chỗ cho các nguyên âm tiếng Việt (ô, Ô, ồ, Ồ…) mà “lỗi” thuộc việc lão “Dốt – Rhodes” thêm các dấu sắc, hỏi, ngã, nặng, mũ, ơ, ô. 400 năm rồi vẫn bị đào mồ lên do làm sai, “Dốt” không có tầm nhìn công nghệ.
Đau đầu tới mức trong một hội thảo, một ông IT có tiếng đề nghị đổi tiếng Việt theo kiểu Telex (OO = Ô, OW = Ơ) thì bảng mã ASCII mới kham nổi tiếng Việt. Hội trường nhao nhao nhạo báng nhưng không ít người thấy cũng có lý.
Tranh cãi kết thúc cho đến khi bộ UNICODE ra đời và những gì các bạn gõ dễ dàng kiểu Telex trên máy tính hay smartphone hôm nay là kết quả của bao các kỹ sư, tiến sỹ IT “giời đánh, thánh vật không chết” đó ạ, kể cả ý tưởng thay tiếng Việt telex. Công của lão “Dốt” la tinh hóa tiếng Việt không uổng nhé.
Cho dù vậy, tên tôi không nên đặt cho tên phố ở Việt Nam. Nhỡ hôm nào đó một ai lôi ra khuyết điểm rằng, tôi tuy sống ở thế kỷ 16 nhưng tham nhũng ở thế kỷ 21, sống vô đạo, họ lại hạ bệ tên tôi thì sao.
Đưa tên lên chả sướng nhưng hạ xuống mới nhục nhã, các quí vị ạ. Đấy, các vị về chùa đình miếu mạo có tên các VIP trồng cây, ghi danh, giờ thất thế, vào tù, nhà chùa lại đục đi, xấu hổ không.
Xin các quí vị, đừng bàn “Dốt” cho tên phố nữa.
Alexandre de “Dốt” – níck ảo của Rhodes.
(Từ HieuMinh.Blog )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét