19 thg 11, 2019

Tưởng nhớ Giáo sư Nguyễn Duy Xuân

Nguyễn Thị Bích Hậu

Trên đường Vạn Kiếp, Bình Thạnh, Sài Gòn có một ngôi chùa tên là Thiên Hưng. Đây là nơi gửi tro cốt của Giáo sư Nguyễn Duy Xuân, Viện trưởng đời thứ 2 của Viện Đại học Cần Thơ từ 1972-1975. Gia đình mới tìm được hài cốt của giáo sư từ trại cải tạo Ba Sao và đưa về đây vào năm 2015 để thờ cúng. Xin viết vài dòng tưởng nhớ thày, một nhà giáo dục, nhà kinh tế tài ba và yêu nước.
Thày Xuân sinh năm 1925 tại Ô Môn, tỉnh Cần Thơ, cựu học sinh Collège de Cần Thơ. Sau khi đậu bằng thành chung, ông sang Pháp du học. Tốt nghiệp cử nhân kinh tế, ông tiếp tục theo học chương trình sau đại học ở Anh, lấy bằng Thạc sĩ về kinh tế học; tiếp đến sang Mỹ theo học ở đại học Vanderbilt và lấy học vị Tiến sĩ kinh tế học rồi trở về Việt Nam năm 1963.
Ông từng làm Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp, Tổng trưởng Kinh tế. Tuy nhiên, từ 1972 tới 1975, sau lời mời của giáo sư Phạm Hoàng Hộ, ông về làm Viện trưởng Viện Đại học Cần Thơ. Từ đó, ông đã nổ lực phát triển Viện Đại học trên mọi lãnh vực từ chương trình giảng dạy, đào tạo cán bộ giảng huấn,ngân sách, tài trợ, xây cất thêm giảng đường, phòng thí nghiệm đến tổ chức hành chánh, y tế sinh viên và thiết lập ký túc xá dành cho sinh viên đến từ các tỉnh miền Tây. Ông cũng đã có công đẩy mạnh phát triển hai ngành sư phạm và nông nghiệp với viễn kiến đào tạo những giáo chức trung cấp để mở rộng mạng lưới giáo dục, nâng cao trình độ dân trí và những cán bộ chuyên môn với những kiến thức về khoa học và kỹ thuật nông nghiệp để gia tăng tiềm năng sản xuất của đồng bằng sông Cửu Long. GS Nguyễn Duy Xuân cũng là người ít nhiều tác động GS Võ Tòng Xuân về nước làm việc. Năm 1972, ông gửi thư cho giáo sư Tòng Xuân nói đồng bằng sông Cửu Long là cái vựa của lúa gạo nên rất cần những nhà khoa học về nông nghiệp. Chiến tranh rồi có ngày hòa bình, đất nước sẽ cần những người như anh..” Đó là một trong những lý do khiến ông Tòng Xuân về cống hiến cho Đại học Cần Thơ và nền nông nghiệp ĐBSCL.
Trước thời điểm 30.4.1975 hai ngày, GS Nguyễn Duy Xuân từ vị trí Viện trưởng Viện Đại học Cần Thơ lên giữ chức Tổng trưởng Bộ Văn hóa, Giáo dục và Thanh Niên của chính phủ mới do Tổng thổng Dương Văn Minh lập. Ông đã cố gắng ở lại để xây dựng đất nước, cho dù ông hoàn toàn có thể chọn con đường qua Mỹ định cư khi đó. Nhưng rồi thật bất ngờ khi ông phải đi cải tạo ở Thủ Đức rồi bị chuyển đi học tập, cải tạo ở trại Ba Sao thuộc tỉnh Hà Nam Ninh.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt Nga – con gái đầu của GS Nguyễn Duy Xuân cho hay những năm sau 1975, có lúc bà ( là một cô bé) giận ba mình ghê gớm. Cô hờn trách và thấy tủi thân khi nghĩ về ba. Cô không thể lý giải và không ai lý giải cho cô biết là tại sao trước và sau ngày 30.4.1975, ba cô có cơ hội ra nước ngoài đoàn tụ với gia đình nhưng ông vẫn ở lại Việt Nam, để mẹ con cô bơ vơ ở đất khách quê người. Bà xúc động thổ lộ: “Tại sao lúc đó ba không ở bên má để lo cho chúng tôi mà đi lo cho người khác. Những ngày Sài Gòn hỗn loạn, gia tài mà má và hai em tôi di tản chỉ là một cái va li nhỏ đựng áo quần dù trước đó ba đã nhờ cậy Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn giúp đỡ. Sự hờn trách ba cứ đeo đuổi tôi nhiều năm sau này”.
Những liên lạc của giáo sư Xuân với gia đình chỉ còn là thư tín. Năm 1983, giáo sư Võ Tòng Xuân vào trại Ba sao thăm giáo sư Nguyễn Duy Xuân. Đó là lần đầu tiên nhưng cũng là lần duy nhất. Vì chỉ 3 năm sau đó, giáo sư Duy Xuân đã chết vì già yếu và bệnh hiểm nghèo tại trại Ba Sao. Mãi cho tới 2015, gia đình giáo sư tại Pháp với sự trợ giúp của giáo sư Tòng Xuân và bè bạn mới tìm được phần mộ.
Bà Nga kể nỗi giận hờn ba kéo dài đến năm bà 44 tuổi. Sau này em trai mất, rồi tới mẹ mất, bà tìm đọc sách Phật, đọc lại tư liệu về ba mình, tìm đọc về những đất nước có hoàn cảnh chiến tranh, chia cắt như Việt Nam, bà mới lý giải một phần lý do khi đó ba mình muốn ở lại quê hương. Vốn là người yêu nước, tính tình hay giúp đỡ người khác lại xuất phát từ nghề giáo dục nên GS Nguyễn Duy Xuân mong muốn ở lại để góp một tay xây dựng quê hương sau chiến tranh.Từ đó, hàng năm bà đều dành một tháng về Việt Nam giúp đỡ trẻ em nghèo khó như thực hiện một phần tâm nguyện của ba mình. Khi hiểu ý nguyện của giáo sư, bà Nga rất đỗi tự hào về cha. Và bà quyết định để tro cốt của cha tại VN để ông được toại nguyện.
(Tôi viết bài này sau bài về giáo sư Phạm Hoàng Hộ, Viện trưởng đầu tiên của Viện Đại học Cần Thơ. Bài viết từ nhiều nguồn tư liệu được tổng hợp lại như một nén tâm nhang tưởng niệm giáo sư Nguyễn Duy Xuân. Thày đã mất được 30 năm rồi. Nhưng trong lòng các cựu sinh viên của thày, những người dân quê hương luôn tưởng nhớ và thương tiếc thày, một vị giáo sư tài ba, một nhà giáo dục, một người yêu nước. Mong rằng các nhà lãnh đạo Viện Đại học Cần Thơ và sinh viên của trường hiện thời nên có những hành động phù hợp để tri ân công lao của giáo sư Phạm Hoàng Hộ và giáo sư Nguyễn Duy Xuân. Bởi “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “Uống nước nhớ nguồn, khi nào cũng là đạo lý dân tộc.)
Nguyễn Thị Bích Hậu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét