Trong một tùy bút viết trước 75, nhà văn Võ Phiến có
đưa ra nhận xét ngộ nghĩnh, vui vui về chuyện du lịch của đồng bào ta ở
miệt Nam bộ. Sau khi đi tham quan vài ngọn núi ở tỉnh Châu Đốc, ông bảo
những danh lam thắng cảnh, những chỗ non nước hữu tình, nếu muốn thu hút
du khách cho đông đảo thì nên xây dựng nhiều… chùa. Nơi có cảnh đẹp mà
không có chùa chiền thì cũng sẽ vắng bóng du khách như… chùa Bà Đanh
thôi. Bằng chứng trước mắt, ông bảo tiếp, là núi Ba Thê và núi Sam. Cảnh
sắc thiên nhiên bên núi Ba Thê cũng đẹp đẽ chẳng kém bất cứ nơi nào
khác, gần đó lại có gò Óc Eo, một di tích lịch sử và khảo cổ quan trọng
của miền đất này, nhưng hình như chẳng có mấy du khách cất công lên núi
tham quan. Còn bên núi Sam? Trời! Ông bảo, người đâu mà vô số kể, nhất
là vào những ngày rằm, hay lễ Tết. Núi Sam đông người lên thăm bởi nơi
đấy có rất nhiều chùa, am, miếu. Liên tiếp san sát nhau trên đường từ
chân lên đỉnh núi, cứ cách một quãng lại có một mái chùa hay cái miễu,
cái am nho nhỏ nào đó.
Ngót nghét nửa thế kỉ trôi qua từ ngày Võ Phiến
viết bài tùy bút. Tôi không rõ bây giờ núi Ba Thê ra sao, núi Sam ra
sao, có còn như xưa không, tượng Bà Chúa Xứ vẫn uy nghi, sáng ngời,
chung quanh vẫn khói hương nghi ngút, khách thập phương tấp nập ra vào
lễ bái? Hay là…
Dân Nam bộ tìm núi non có chùa để du ngoạn, hay
việc lễ bái mới là chuyện chính, cảnh đẹp xung quanh chỉ là bức phông
thiên nhiên làm tăng thêm vẻ tiêu tao, trầm mặc của cảnh chùa? Tôi tự
hỏi như thế. Nhưng dù sao chăng nữa đây cũng là điểm đáng chú ý cho các
nhà kinh doanh có ý định thành lập, mở mang các khu du lịch.
Đi lễ chùa. Hình ảnh mang nhiều nét thơ mộng của thơ ca. Cụ Chu Mạnh Trinh sau khi lên thăm chùa Hương đã cảm khái thốt lên:
Bầu trời, cảnh bụt,
Thú Hương sơn, ao ước bấy lâu nay.
Hay, đi lễ chùa để mơ tưởng đến tâm hồn thơ ngây,
ngọt ngào, chan chứa cảm xúc của cô gái thanh xuân, chân theo mẹ đi lễ
chùa mà lòng thì không ngớt vương vấn mối tơ tình chớm nở với chàng thư
sinh tuấn tú đi gần bên, trong thơ Nguyễn Nhược Pháp.
Hay, gần gũi với tôi hơn, lên chùa để bắt chước Phạm Thiên Thư tìm một Vết Chim Bay:
Ngày xưa anh đón em,
Nơi gác chuông chùa nọ.
Con chim nào qua đó,
Còn để dấu chân in…
Thơ mộng quá! “Phạm Thiên Thư” quá! Đi lễ chùa kiểu này, tôi có thể đi mỗi ngày.
2.
Sự thật là tôi ít khi đi chùa. Thuở tôi còn bé,
nhà tôi ở Đà Lạt. Vào những ngày rằm mẹ tôi hay dẫn tôi lên chùa Linh
Sơn lễ Phật. Bà dạy tôi cách quỳ lạy, chắp tay khấn vái. Vào đến chính
điện, tìm được chỗ trống, bà bảo tôi, “Con quỳ xuống đây rồi chắp tay
lạy Phật, xin Phật phù hộ độ trì cho gia đình mình tai qua nạn khỏi, chị
em học hành thông minh tấn tới, bố mẹ buôn may bán đắt, con nhé.” Tôi
làm theo lời bà, nét mặt đầy vẻ thành tâm, kính cẩn, lạy lấy lạy để.
Nhưng chỉ được năm phút, đợi lúc bà bận xì xụp vái lạy, không để ý, tôi
chạy tọt ra ngoài sân tìm lũ trẻ đồng trang lứa rồi cứ thế vừa chạy vừa
la hét gọi nhau ầm ĩ giữa những cội thông già cao vút quanh chùa. Chạy
chơi chán, chúng tôi đi bắt chim, lẻn vào am sau ăn cắp xôi oản trên bàn
thờ. Hơn một lần tôi bị sư cô bắt quả tang, bị nhéo tai đau điếng. Đấy
là những kỉ niệm đẹp của tuổi thơ tôi.
Sau này khi lớn khôn, nhớ lại những câu khấn mẹ
tôi dạy trong chùa, tôi không khỏi bất giác mỉm cười. Giáo pháp đạo
Phật, có lẽ tầm hiểu biết của tôi thuộc hạng tiền sơ cấp, nhưng đại khái
tôi cũng biết những gì mẹ tôi dạy tôi khấn vái trong chùa đều đi ngược
lại với giáo pháp ấy. Phật bảo đời là bể khổ, là sinh lão bệnh tử, thì
mẹ tôi xin Phật cho “tai qua nạn khỏi”; Phật bảo muốn lên Niết Bàn, hãy
diệt dục thì mẹ tôi xin Phật cho “làm nhiều tiền” và ngày Tết xin xăm
thì van vái Phật Bà Quan Âm, xin Phật Bà cho “tài lộc dồi dào, tiền vào
như nước.” Vân vân và vân vân.
Nhưng tại sao tôi lại mỉm cười mỗi khi nhớ đến
những kỉ niệm ấy? Tôi mỉm cười bởi tôi thấy nó dễ thương hết sức và càng
nghĩ tôi càng thấy thương mẹ tôi hơn.
3.
Trước khi biết đến đạo Phật, người Việt – hay đúng hơn, người Lạc – cổ thời có lẽ đã có ít nhiều khái niệm về tín ngưỡng.
Theo những phát hiện và nhận định mới trong ngành
Khảo cổ học Việt Nam thì con người đã có mặt rải rác khắp các miền Hòa
Bình, Lạng Sơn, Phú Thọ, Nghệ An, Thanh Hoá… từ thời Đá Mới, tức là cách
nay hai, ba chục nghìn năm. Trong khi đó học giả Nguyễn Khắc Ngữ trong
cuốn Nguồn gốc dân tộc Việt Nam thì bảo dân tộc Việt Nam là từ
giống dân Melanesia ở Nam Thái Bình Dương mà ra. Dân Melanesia là một
trong những nhóm người ngành Khảo cổ có cái tên gọi chung là “tộc Lapita.”
(Giống dân Polynesian là đa số, hiện sinh sống tại phần nhiều các đảo
biển Thái Bình Dương, kể cả quần đảo Hawaii.) Họ cực kì tài giỏi trong
nghề đi biển. Từ nhiều nghìn năm trước, họ đã chinh phục toàn vùng nam
Thái Bình Dương, một hải vực mênh mông dài rộng cả triệu dặm vuông. Thậm
chí họ còn sang tìm đất tận đảo Easter gần Nam Mỹ châu, và gần đây có
giả thuyết họ đã đặt chân đến châu Mỹ La-tinh bằng thuyền trước Columbus
nhiều nghìn năm. Với tài đi biển như thế, chẳng có gì ngăn cản một buổi
sáng đẹp trời họ dong thuyền lừ lừ tiến vào vịnh Hạ Long hay một vùng
duyên hải nào đó gần cửa bể sông Hồng rồi đổ bộ lên bờ thám hiểm đất
đai, tìm thực phẩm, bởi lúc đó cụm từ “illegal aliens” chưa xuất
hiện trong bộ từ vựng của loài người. Và tại nơi đó chắc chắn họ phải
đụng đầu với những sắc dân đã có mặt từ trước. Với những cuộc gặp gỡ như
thế, ban đầu phải có những vụ vác gậy gộc choảng nhau đến bưu đầu sứt
trán. Nhưng đánh nhau mãi đến chán rồi mà vẫn không bên nào diệt hẳn
được bên nào, hai bên đành gượng gạo nén giận tạm thời hòa hoãn với nhau
để mạnh ai nấy sống. Thế rồi, nhiều thế hệ trôi qua, hận thù cũ dần dà
nguôi ngoai phai nhạt, lòng kì thị ghét bỏ nhau cũng bớt đi, thấy kẻ
địch cũng có nhiều điều hay ho, hữu ích, có thể cải thiện cuộc sống.
“Cái gì? Thằng mọi xâm mình như con thuồng luồng suốt ngày lặn dưới biển
bắt cá mà cũng biết đúc trống đồng à!” “Hử! Thằng mán cà răng căng tai
đó mà cũng biết làm nỏ bắn nai sao?” Thế rồi, hai bên bèn đề nghị sống
chung hòa bình, trao đổi hết văn hóa đá mới đến văn hóa đồng thau. Rồi
trai bên này chẩu môi nhìn gái bên kia, gái bên kia liếc tình trai bên
nọ, và một hôm ông Lạc Long Quân nào đó của phe đi biển trở thành chồng
bà Âu Cơ của phe trên núi. Thế là dân Lạc ra đời. Ở vào cái thời hồng
hoang đó, kẻ nào bảo không có ái tình, tôi sẽ cãi đến cùng. Dân Lạc ra
đời là kết quả một cuộc tình có thể éo le chẳng kém gì chuyện tình Romeo
và Juliet.
Các di chỉ và di cốt khai quật được cho thấy dân Lạc, dân Lapita
cũng như các nhóm dân khác ở vùng Đông Á châu, từ thời tiền sử tối cổ
đại đã có đời sống tinh thần khá cao. Các nhà Khảo cổ học bảo thế. Họ
cũng bảo các dân tộc này có tục thờ cúng tổ tiên. Người chết được chôn
cất kĩ lưỡng, xác bó chặt, xương sọ và nhiều khúc xương khác được chăm
chút tô điểm bằng một loại phẩm màu đỏ như màu thổ hoàng. Phong tục thờ
cúng ông bà, cha mẹ là tín ngưỡng của dân Lạc vào thời ấy, truyền đến
tận ngày nay và không có dấu hiệu gì chứng tỏ nó phai mờ trong tâm tư
người Việt, dẫu đấy là người li hương sống lang bạt kì hồ tận chân trời
góc bể. Thờ cúng tổ tiên là tín ngưỡng, một tín ngưỡng sinh tồn, tiêu
biểu cho quan niệm phồn thực rất điển hình trong cuộc sống các sắc dân
tiền sử. Bởi thờ cúng ông bà là cầu xin vong linh ông bà phù hộ trong
cuộc sống bình nhật để con cháu sinh tồn trong những điều kiện ngặt
nghèo. (Nghề đi biển, thậm chí ngày nay, vẫn là một trong những lao động
nguy hiểm, dễ chết nhất). Tín ngưỡng đó thấm đẫm vào tâm hồn người
Việt, nói theo thuật ngữ phân tâm học là “vô thức tập thể”, và mẹ tôi,
một cách rất vô tư và thành kính, chắp tay xin Đức Phật cho bà “buôn may
bán đắt để có tiền nuôi con.”
Tôi biết Đức Phật từ bi ngồi tĩnh toạ trên tòa sen, miệng khẽ mỉm cười, hiểu bà hơn ai hết.
4.
Người Việt không có óc kì thị tôn giáo.
Phật-Lão-Nho, “tam giáo đồng nguyên”, là cụm từ tôi thường nghe. Xin lưu
ý từ “nguyên” 源 ở đây có nghĩa là nguồn nước. Hương Hải thiền sư
(1631-1718) đời Hậu Lê có câu thơ, “Nguyên lai tam giáo đồng nhất thể.”
Và như thế các cụ ngày xưa đã xem tam giáo đều có chung một bản thể,
chung một nguồn cội phát sinh. Các cụ là nhà Nho xuất thế hành đạo theo
tôn chỉ đức Khổng Phu Tử, nhưng với tinh thần phóng khoáng các cụ vẫn
tôn kính Phật giáo và Lão giáo. Từ thời nhà Lý, quan niệm cả ba tôn giáo
đều được tôn trọng như nhau đã phổ cập. Về sau thêm đạo Thiên Chúa vào
nữa thành “tứ giáo đồng nguyên” không chừng. Suốt chiều dài lịch sử Việt
Nam người ta có thể chém giết nhau tàn bạo vì tranh giành quyền lực,
đất đai, hoặc nhân danh lí tưởng chính trị này nọ, chứ không có thánh
chiến nhân danh tôn giáo. Càng nhiều tôn giáo càng tốt đối với người
Việt, thêm một đạo thì có thêm một ông Chúa hay ông Bụt cho người dân
phụng tự, thờ cúng, khấn khứa, cầu xin. Chẳng có chi phiền hà cả. Cùng
nhìn ra Hồ Tây Hà Nội, chùa Trấn Quốc thờ Phật và đền Quan Thánh thờ Lão
chỉ cách nhau một thôi đường ngắn mà lúc nào cũng đề huề, hòa hoãn,
chẳng hề xảy ra một vụ xích mích lớn nhỏ nào bao giờ, khác hẳn bên Trung
Đông hay Ấn Độ, nơi người khác tôn giáo, thậm chí cùng tôn giáo nhưng
khác hệ giáo, tìm đủ mọi cách hãm hại nhau, xem kẻ không cùng tôn chỉ,
đức tin với mình là tà đạo, cần diệt trừ bằng được. Nhân danh tôn giáo,
diệt trừ kẻ khác niềm tin với mình là tính cách bệnh hoạn, vô luân nhất
nơi con người.
Tuy vậy, Tam giáo đồng nguyên là chuyện của giới
sĩ phu có học, còn đối với tuyệt đại đa số dân chúng trong nước thì ngàn
triệu giáo cũng “đồng nguyên” tuốt luốt!
Người phương Tây, như linh mục thừa sai Léopold
Cadière (1869-1955), khi mới đặt chân đến đất nước Việt Nam thời cận đại
tìm hiểu, nghiên cứu tôn giáo địa phương thường tỏ ra ngạc nhiên về nhu
cầu tâm linh của dân Việt, bởi bên cạnh những đỉnh cao vươn lên tới các
tôn giáo thượng đẳng vẫn tồn tại những hình thái tín ngưỡng nguyên thủy
của các dân tộc sơ khai sống nơi núi rừng hoang dã, và chính phần này
mới có trọng lượng thật sự trong đời sống bình nhật của dân gian. Trong
mắt họ, tôn giáo người Việt là tôn giáo thờ quỷ thần. Tôn giáo này không
có lịch sử, nó xuất hiện từ khi có nòi giống Việt, hiện hữu ở mọi giai
tầng xã hội. Niềm tin sâu sắc trong cảm thức dân Việt là thần thánh ma
quỷ có mặt khắp nơi. Một hòn đá dị dạng nằm bên vệ đường, một cây cổ thụ
vươn mình oằn oài lơ lửng trên triền đồi, một ghềnh nước oàm oạp tiếng
sóng vỗ, một bờ vực sâu thẳm mờ mịt khói sương… Tất cả đều có thần linh
hiện diện. Thần đá, thần cây, thần sông, thần núi, v.v. Thần thánh người
Việt thờ đông vô số, chỗ nào cũng có thần, không biết cơ man nào nói
cho xiết, thần từ người mà thành, thần biểu tượng các sức mạnh siêu
nhiên, rồi vương thần đủ mọi đẳng cấp, và không thể quên các thần dữ mà
ta phải tìm cách khắc phục để ngăn ngừa tai họa. Ngôi nhà khang trang
nhất trong bất cứ thôn xã miền quê nào cũng là cái đình, nơi thờ thần
Thành Hoàng của làng. Trong lòng người dân, từ vua quan cho đến cùng
đinh, ai nấy đều tin tưởng một cách chắc nịch và thành kính những lực
lượng siêu nhiên ấy trực tiếp ảnh hưởng, chi phối lên toàn bộ nếp sống
thường ngày của mình. Niềm tin ấy được công bố trên bình diện quốc gia
khi nhà vua thay mặt toàn dân ba năm một lần bước lên đàn Nam Giao trịnh
trọng trước mặt toàn thể bá quan văn võ và các vị bô lão về tụ tập, làm
lễ cúng tế long trọng với mọi nghi thức xin Trời Đất ban mưa thuận gió
hòa, mùa màng trù phú, đất nước thanh bình. Đó là loại tín ngưỡng mang
nặng tính phồn thực, bởi mục đích của sự cúng tế là cầu xin các quyền
năng siêu nhiên ban phát ân huệ nhằm thỏa mãn những nhu cầu thực tế
trong cuộc sống.
Có người cho rằng đa số người Việt theo đạo Phật.
Điều đó chính xác không? Đạo Phật là một nguồn sống tôn giáo đưa ra một
hệ thống giáo pháp uyên áo, thâm sâu nhằm giúp ta tìm kiếm một cuộc
sống an lạc thân tâm. Bởi thế, có thể xem đạo Phật như là một triết lí,
một nhân sinh quan, một vũ trụ quan. Thế nhưng, ngoại trừ các bậc chân
tu, các cư sĩ tắm gội trong giáo pháp, phần nhiều những người tự nhận là
Phật tử – trong đó có tôi – lên chùa thắp hương chỉ để van vái cầu xin
chư Phật ban cho mình lợi lộc và sự an lành (sau đó còn được ăn cơm chay
ngon miệng và nhìn ngắm các bóng hồng bay phất phới trong nắng đẹp sân
chùa) chứ có mấy ai thể hiện cái sống và cả cái chết theo đúng những
hành vi tôn giáo cảm thụ từ đạo Phật đâu.
5.
Xem ra tín ngưỡng dân Việt là tín ngưỡng cầu xin.
Và nơi để người ta đến dâng lễ vật van vái cầu xin điều gì thường không
phải mái chùa mà là đền, như đền Mẫu Liễu Hạnh ở phủ Tây Hồ Hà Nội, hay
đền Mẫu Đông Cuông gần thành phố Nam Định. Thốt nhiên tôi nhớ hôm ở Hà
Nội, tôi đi chơi lang thang thế nào mà lạc vào phủ Tây Hồ. (Đúng ra tôi
bí chỗ đi chơi bèn bảo anh tài xế tắc xi chở tôi đến bất cứ nơi nào có
cảnh non nước hữu tình.) Bước xuống xe, tôi bị một dòng người như nước
lũ cuốn về phía doi đất nơi đền Mẫu Liễu Hạnh tọa lạc. Không biết người ở
đâu ra mà đông thế, toàn những cặp vợ chồng trẻ hoặc trai thanh gái
lịch, hai tay bưng mâm hoa quả và nhang đèn, mặt mày nghiêm trang kính
cẩn, chen chúc nối đuôi nhau đi từng bước chậm chạp về phía đền. A, hóa
ra hôm đó là ngày rằm, họ vào đền cúng xin điều gì đó. Điều gì đó, dù
chẳng ai hé môi thổ lộ nửa lời nhưng tôi cũng đoán biết là gì. Cầu đẻ
con trai, cầu doanh nghiệp thành công tốt đẹp trong thương trường, cầu
ngày mai trúng cá độ, cầu kì thi này thi đỗ, vân vân, nhiều lắm, mỗi
người một nỗi niềm mơ ước, mỗi người một nhu cầu khát khao, tất cả trông
chờ vào ân huệ của Mẫu, ân sủng của Đất Trời, tất cả như đắm chìm trong
niềm thương yêu chân phước. Chắc là được, con xin Mẫu ban cho con… Anh
chị cứ thành tâm mà khấn nhé, chỉ cần thành tâm là Mẫu sẽ cho ngay đấy
mà.
Thế là, không hẹn mà gặp, tôi chứng kiến ground zero của tín ngưỡng phồn thực dân gian Việt Nam.
Mẫu Liễu Hạnh, dĩ nhiên, là một huyền thoại.
Tương truyền Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan một hôm trời đẹp bèn cùng hai
người bạn thơ văn thả thuyền ngoạn cảnh Hồ Tây. Đang lênh đênh trên mặt
gương hồ thì bỗng đâu xuất hiện một cô gái xinh đẹp. Hai bên đối đáp thơ
văn tương đắc lắm. Sau một lúc đàm đạo chuyện văn chương thơ phú, Trạng
Bùng ướm hỏi tính danh cô gái, nhưng cô chỉ mỉm cười đọc một bài thơ
rồi biến mất. Chẳng biết cụ Trạng về nhà có tương tư cô gái hay không
(nếu tôi là cụ thì chắc tôi tương tư đến chết mất thôi), cụ đọc kĩ bài
thơ và nhất định bảo cô gái ấy chính là Mẫu Liễu Hạnh. Dân làng nhân thế
lập miếu thờ. Người ta bảo tôi đền Mẫu Liễu Hạnh ở phủ Tây Hồ này linh
thiêng lắm, cầu gì được nấy. Thảo nào…
6.
Cầu xin thánh thần là tốt, nhưng tốt nhất vẫn là
cầu xin tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Dù sao chăng nữa, ông bà là người trong
nhà, họ tộc. Có người cho rằng tôn giáo chính của người Việt không phải
Phật giáo mà là đạo ông bà. Nhưng cũng có lập luận cho rằng thờ cúng
ông bà, cha mẹ chẳng qua chỉ là hình thái biểu hiện lòng tôn kính của
người Việt đối với tổ tiên và các bậc sinh thành đã khuất bóng, không
phải tôn giáo. Tôi e lập luận như vậy có phần không ổn. Chẳng lẽ những
dân tộc không có truyền thống thờ cúng ông bà, như dân Mỹ, họ đều không
biết tôn kính tổ tiên sao? Thật ra, ông bà tổ tiên chỉ là một phần nhỏ
trong tổng thể thần thánh mênh mông, và việc thờ cúng ông bà chỉ là một
trong trăm nghìn khía cạnh tôn giáo đa dạng của người Việt.
Người Việt tin rằng con người, ngoài phần thân
xác, còn có hồn và vía. Tất cả xác hồn vía là những nguyên lí làm nên sự
sống. Hồn thì có sinh hồn, giác hồn và thần hồn. Vía thì đàn ông có
bảy, đàn bà chín. (Ba hồn bảy vía.) Họ tin là sau khi chết, hồn vía
người chết không hề tan biến mà tồn tại muôn đời sau. Căn cứ vào những
nghi lễ tống táng người chết, phần hồn vía ấy được thầy cúng làm phép
cho nhập vào bài vị để con cháu đem về đặt lên bàn thờ. Từ đó trở đi,
vong linh người chết vẫn chung sống trà trộn trong thế giới người sống,
vẫn tác động và ảnh hưởng lên sinh hoạt con cháu trong gia đình. Hồn
người chết sau khi thoát ra khỏi thân xác vẫn có những nhu cầu y như lúc
còn kết hợp với thân xác hồi còn sống. Thờ cúng ông bà tức là vẫn làm
tròn đạo hiếu làm con: phụng dưỡng, săn sóc, chăm lo, tức là phải cung
cấp đồ dùng, tiền bạc cho ông bà tiêu xài ở thế giới bên kia. Thế là mỗi
năm có 5 ngàn tỉ VND vàng mã được đem ra đốt – theo thống kê mới nhất
năm 2019 – để ông bà không bị đói rét. Trong mắt người duy vật thì 5
ngàn tỉ đồng này là sự phí phạm cực kì phi lí, nhưng cái-gọi-là “mê tín
dị đoan” đó đã ăn sâu trong vô thức tập thể người Việt từ nhiều nghìn
năm, tôi không tin người duy vật có thể dẹp bỏ niềm tin ấy trong một sớm
một chiều. (Sự thật là nền móng của việc thờ cúng ông bà thường bị ngập
chìm trong những ý tưởng mê tín dị đoan.)
Người chết vì có hồn vía nên chẳng những không
tan biến mà còn sở hữu một năng lực siêu nhiên, y như thánh thần. Ngày
giỗ, ngày Tết, người ta bày lên bàn thờ những món ngon vật lạ mời ông bà
xơi và gia đình xì xụp quỳ lạy, khấn khứa cầu xin ông bà ban ân phước,
chẳng khác gì lúc lên chùa, vào đền, thắp hương thờ cúng. Sự trường tồn
của tổ tiên, sự hiện diện của ông bà ngay giữa gia đình không phải là
một món hàng thời trang, một cách nói thi vị, mà là một thực tại sâu xa,
ai ai cũng thừa nhận.
Ngày nay sự tôn kính, sùng bái thần vật giảm
thiểu nhiều lắm nhất là ở dân đô thị. Trong lúc lái chiếc ô tô đời mới
bóng loáng hay phóng chiếc xe máy nhiều phân khối qua cầu Cần Thơ, chẳng
mấy ai lẩm nhẩm khấn thầm trong đầu xin “Hà Bá đừng kéo chưn tui xuống
sông nhe,” nhưng về nhà thì hầu như ai cũng kính cẩn thắp ba nén nhang
trên bàn thờ tổ tiên, thành kính vái lạy.
Tôi thấy hành vi đó quả là đẹp và nhân bản xiết bao.
– Trịnh Y Thư (2019)
-
Phần đầu bài viết xuất hiện trong tập tạp bút Chỉ là đồ chơi, xb 2012. Phần sau viết nhân đám giỗ năm thứ ba họa sĩ Đinh Cường tại tư gia họa sĩ Nguyễn Đình Thuần hôm 7/1/2019.
-
Cảm ơn giáo sư Trần Huy Bích đã giải thích thêm về cụm từ “Tam giáo đồng nguyên.”
-
Hình ảnh trong bài viết do tác giả chụp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét