Đầu năm, mời bạn đọc chút ký ức làng quê để
nhớ tới vài kỷ niệm tỏ mờ nào đó mà chắc ai ai cũng có, về một miền quê
có thật của tuổi ấu thơ, cũng có thể chỉ là một miền quê mơ màng trong
sách vở…
Đã là Quê thì luôn chứa chan tình làng nghĩa
xóm cùng những mối dây vô hình mà bền chặt của người cùng huyết thống,
cùng niềm vui nỗi buồn nhỏ bé, dung dị…
VĂN VIỆT
Bố mẹ tôi là người nhà quê, tôi sinh ra và lớn
lên ở quê, chỉ ít năm nay tôi mới về sống ở thành phố. Tuy thế, mỗi lần
nghe ai đó nói: Người nhà quê, dân quê, bọn nhà quê…, lòng tôi lại sôi
lên vì sự khinh miệt ấy. Có nhiều người là dân quê chính cống nhưng
không dám nhận mình là người nhà quê, chối bỏ cái gốc gác nghìn đời ấy.
Mỗi lần về quê, tôi càng hiểu ra rằng những người sống ở thành phố phải
lâu lắm mới có thể bằng được “người nhà quê”…
Ký ức về một miền quê
Làng Ngọc Tảo quê tôi nằm ở phía tây thành phố Hà
Nội, vượt qua đập Phùng chừng dăm cây số thì tới nơi, ngày xưa các cụ
gọi là Bún Hạ. Tôi không rõ cái tên ấy xuất xứ từ đâu, có người bảo ngày
xưa làng tôi có nghề làm bún. Bún làng tôi trắng và ngon nổi tiếng,
được người ta cất mang đi bán khắp kinh thành. Lớn lên tôi không thấy
mấy hộ làm bún, mẹ tôi bảo: “Đất nước loạn lạc bao phen, làng mình nhiều
lần bị Tây đốt, đến cái cối xay cũng bị đập nát, đói kém triền miên ai
dám làm bún nữa…”.
Nhiều lần về quê, tôi thường bị các ông lái xe ca
gắt om sòm: “Anh xuống Bún Hạ hay Bún Thượng? Bún Hạ à, cứ gọi như thế
cho dễ nhớ, chứ Ngọc Tảo ngọc tiếc làm gì cho rắc rối”.
Ngày xưa đường làng tôi chẳng rộng như bây giờ, ở
giữa lát bốn hàng gạch nghiêng, hai bên là hai dãy ao đặc bèo tây, mùa
hạ hoa nở tím biếc. Tháng ba, tháng tư khi những trận mưa đầu mùa trút
xuống tôi thường buộc chiếc rổ con vào đầu sào đi vớt ốc nhồi nổi trên
mặt ao. Những con ốc nhồi to tướng màu vàng khé mẹ tôi thường nấu với
chuối xanh và lá tía tô ăn béo ngậy.
Cổng làng được xây bằng đá ong bên cạnh gốc gạo
bây giờ, tôi chả biết vì sao họ lại phá đi, nhưng tôi biết ở đây có rất
nhiều dơi, cũng như trên gác chuông nhà chùa, chiều tối dơi từ đấy bay
ra đen đặc.
Mẹ tôi bảo tôi sinh ra ở đất nhà trường, nơi có
cây trôi cổ thụ rất to và bên này đường là cây muỗm lớn. Cách xa làng
vài ba cây số, người ta vẫn còn nhìn thấy cây trôi đó vượt lên trên luỹ
tre làng. Nó là cây đánh dấu vị trí làng tôi, là nơi tụ hội của lũ trẻ
trong làng, nơi mùa hạ để mọi người ra đây hóng mát.
Tán cây rộng, vòm lá xanh đen, lũ chim sáo và quạ
từ khắp nơi kéo về xây tổ, đám trẻ con dùng đủ loại súng cao su bắn lên
nhưng không thể nào tới được.
Năm tôi vào học lớp vỡ lòng người ta xẻ cây trôi
để lấy gỗ làm trường học, các cụ làm lễ phạt mộc, cúng xôi thịt gà,
nhưng không ái dám bổ nhát rìu đầu tiên, vì ai cũng sợ thần linh vật
chết.
Mẹ tôi kể những đêm trăng suông khi đi tát nước
đêm về muộn, bà thường nhìn thấy hai cụ già râu tóc bạc phơ ngồi đánh cờ
dưới gốc cây, lại có khi nghe tiếng hát ru từ đấy vọng ra… Cô tôi và
nhiều người khác cũng kể những chuyện đại loại như thế. Có người bảo cây
trôi là nơi trú ngụ của những oan hồn.
Mỗi lần chị em tôi có việc phải qua gốc trôi khi
trời đã tối, chị em tôi cắm đầu cắm cổ chạy thật nhanh, không ít lần tôi
bị ngã dập cả môi. Bởi thế chả ai dám lấy dao phạt mộc, mãi rồi mới có
một người sau khi uống hết hai be rượu “cuốc lủi” mới bập lưỡi rìu vào
thân cây.
Cây trôi hạ xuống cành lá phủ gần kín sân trường,
nhìn gốc cây thấy vân gỗ y hệt mặt người trán nhăn lại, nhựa đóng thành
cục như máu, mấy người hãi quá bỏ cưa, rìu chạy biến mất. Sau đó mấy
năm không hiểu vì sao những người xẻ cây trôi đó lần lượt ốm chết.
Người ta kháo nhau thần linh vật chết họ đấy.
Cây muỗm bên đường cũng không còn nữa, hai dãy ao
dọc đường cũng đã bị lấp gần hết để dựng nhà, con đường vào làng tôi
giờ đã được đổ bê tông, nghe nói xã đã bán đất lấy tiền làm đường.
Làng tôi ngày xưa nghèo lắm, toàn nhà lợp rạ, thi
thoảng mới có nhà lợp ngói. Đấy là nhà của các địa chủ, còn lại toàn
nhà lá dày xin xít, tường đắp bằng đất nhà nọ cách nhà kia là hàng rào ô
rô hay rặng cúc tần, mùa thu dây tơ hồng giăng vướng vít dọc hàng rào
vào các ngõ. Lũ trẻ chúng tôi thường lấy dây tơ hồng quấn lên đầu lên cổ
giả làm cô dâu chú rể.
Trên đất năm phần trăm nhà ai cũng trồng khoai
đốm, dọc cao vút đầu, gần tết người ta đánh cả bụi gánh về để sau nhà ăn
chống đói tháng ba. Khoai đốm chấm muối vừng, nhiều củ bị nhậy ăn cứ
sàn sạt, nếu luộc không kỹ ăn ngứa đến rát họng. Mẹ tôi ăn củ cái nhường
chúng tôi ăn củ con, vì củ cái bao giờ cũng sượng và ngứa.
Có khoai ăn còn đỡ, nhiều nhà ăn cháo dải khoai
cả tháng ròng, mặt người nào cũng vàng bủng, xanh lét. Mẹ tôi bảo: “Bây
giờ đỡ rồi đấy, ngày xưa á…”. Bà kể cho tôi nghe những chuyện ngày xưa,
đời của mẹ trải qua bao nhiêu khổ cực cơ hàn và đắng cay mà tôi không
thể nào tưởng tượng nổi.
Nhắc lại chuyện ngày xưa không phải để tự hào về
cái nghèo cái khổ. Đó là cái thời không thể nào quên, mặc dù hôm nay
làng tôi đã mọc lên bao nhiêu nhà cao tầng, điện đường sáng choang, các
quán Karaoke hát inh om suốt đêm, nhà nào cũng tường xây cao vút… Nhưng
mà sao tôi vẫn không thể quên được bờ ô rô giăng đầy dây tơ hồng, những
trận mưa tháng mười nổi bong bóng cho lũ trẻ thi nhau ra đồng bắt châu
chấu, những đêm ngồi trên bậc cầu ao lát bằng đá xanh mát lịm nghe tiếng
sáo diều vi vút… Đấy là hồn quê, tình quê đã thấm vào tôi, thấm vào tâm
hồn mỗi con ngwời dẫu xa quê bao nhiêu năm vẫn không thể nào quên nổi.
Cô tôi
Nửa đêm tôi nhận được điện của thằng Núi – em họ tôi, hắn đang là chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp.
- Cụ Chín sắp mất rồi, anh về ngay nhé.
- Mấy ngày nữa anh mới về được, bây giờ anh đang bận quá- tôi đáp.
- Mấy ngày nữa anh về thì lên thăm cụ trên đồng Vừng.
Nói xong nó cúp máy.
Cả đêm tôi cứ thao thức mãi không thể nào chợp
mắt. Cô tôi năm nay đã tám mươi chín tuổi rồi, cô là em út của bố tôi.
Ngày còn sống mẹ tôi vẫn gọi cô là cô Duyên. Cô Duyên làm vợ lẽ sinh tám
bận đều không nuôi được, đến lần thứ chín cô phải mời thầy cúng làm lễ
cầu tự và cắm chín cái kim vào lá bùa yểm dưới chân giường trừ ma quỉ.
Lần thứ chín cô sinh được một đứa con gái đặt luôn tên là Chín.
Chín hơn tôi hai tuổi, nó lấy chồng từ năm mười
tám, người cùng làng. Chuyện chồng con của nó zích zắc lắm. Lấy nhau
được chục năm thì bỏ, nó mang ba đứa con về ở với cô tôi. Nhà cô ở sâu
trong ngõ ngoài thôn Vương Điện, lần nào về quê tôi cũng tới thăm và cho
cô tiền ăn trầu.
Nhà cô bé tẹo, tường đất, mái lợp rạ thấp lè tè
như đụn rơm, ban ngày ngồi trong nhà cứ âm âm tối. Xung quanh cô trồng
toàn đao riềng lấy củ ăn thay cơm vào tháng ba ngày tám, ngôi nhà như
lút chìm trong vườn đao ấy.
Cái Chín mang con về ở với cô tôi, nó cao lớn ăn
khoẻ, làm khoẻ nói năng bộc tuệch bộc toạc, nhà chỉ có mấy sào ruộng nên
mấy mẹ con nó chỉ làm mấy ngày là xong, sau đó nó ra Hà Nội làm thợ hồ
thuê, ngót chục năm thì xây được ngôi nhà ba gian. Lần nào về quê tôi
cũng chẳng gặp được nó, cô tôi mắt đã mờ chẳng nhìn thấy gì sau đận Chín
đưa con về ở với cô. Cô bảo: “Cô mờ mắt là do tuổi già ấy mà”. Nhưng
thằng Núi thì bảo: “Cô khóc nhiều nên mờ mắt thế thôi”.
Chiều tối tôi mới về tới làng. Chú Chung dẫn tôi
ra thăm cô ngay. Từ đêm qua, người ta đã đưa cô tôi ra nằm ở gian giữa.
Cô nằm bất động, mình phủ một chiếc chăn mỏng, người gầy teo tóp gần như
dính xuống chiếu. Mấy người ngồi quây quanh đang bóp chân tay và quạt
cho cô. Cái Chín ghé sát vào tai cô:
- Anh Sinh về thăm mẹ đây này.
Cô khẽ gật đầu, tay hơi cử động như vẫy tôi lại,
Chín bảo tôi ghé sát tai vào mới nghe cô nói được. Cô nói lào thào đứt
từng quãng: “Anh về… cô sắp chết rồi… sắp thành ma rồi… Đi đâu anh cũng
phải nhớ về quê nhé…”. Từ hai hố mắt cô ứa ra hai giọt nước trong veo.
Đêm ấy người làng tới thăm cô rất đông, mọi người
ngồi tràn ra cả ngoài sân. Những người già bắt đầu ôn lại kỷ niệm về
cô, cuộc đời gần chín mươi năm cơ hàn của cô giống như những đoạn phim
ngắn hiện lên trước mắt tôi. Thi thoảng tôi lại vào nhà sờ bàn tay lạnh
giá của cô. Thật khủng khiếp, tôi đang chứng kiến thần chết cướp dần sự
sống của cô. Cô bảo: “Chân cô chết rồi đây…”.
Đêm ấy, có bao nhiêu người thức bên cô, con cháu và bà con chòm xóm.
Cô tôi mất hồi bốn giờ sáng. Những người làng xúm
lại kẻ giúp ít gạo, người giúp đôi ba chục nghìn, người giúp công dựng
rạp, khiêng đòn… Tất cả đều lặng lẽ, tự nguyện.
Đến lúc này tôi mới hiểu, vì sao mẹ tôi và bao
nhiêu người già khác muốn mình nhắm mắt xuôi tay ở quê, nơi chứa chan
tình làng nghĩa xóm.
Ngày giỗ
Chú Chung bảo tôi:
- Ngày hai mươi chín mới giỗ cụ, nhưng bác đang ở nhà, tôi quyết định giỗ trước, tới hôm đó chỉ thắp hương thôi.
Họ Nguyễn Đình ở làng tôi có mấy chi, mấy nhánh
tôi không biết, tuy thua họ Vũ nhưng lại to hơn nhiều họ khác. Bố tôi là
con trưởng nên ngày giỗ chạp bố tôi đứng ra lo liệu tất cả. Khi bố tôi
mất, mẹ tôi đứng ra cắt đặt công việc cho các chú, các cô.
Năm nào cũng vậy, rằm tháng chạp chi họ tôi tổ
chức đi dẫy nội, thắp hương đắp lại mồ mả các cụ ở các khu đồng. Tất cả
con trai đều phải đi, nhà không có con trai thì con gái đi.
Buổi sớm sau khi thắp hương ở nhà xong, các chú
vác cuốc, mang hương dẫn lũ trai trong họ đi ra đồng. Bắt đầu từ Thủ
Bói, nơi có cụ nội chúng tôi, rồi đến Man Khoang, Chum Xanh, đồng Vừng…
Các chú giới thiệu cho lũ con cháu biết từng ngôi mộ, quan hệ với của
từng người đã khuất kia với chúng tôi như thế nào.
Ngày giỗ họ thường vào hai mươi hay hai lăm tháng
chạp. Ngày giỗ họ chúng tôi phải về nhà thờ họ để làm lễ, có tới hơn
hai chục chiếc chiếu trải khắp chiếc sân gạch rộng mênh mông. Chúng tôi
ngồi theo thứ bậc trong dòng họ, dù là tướng tá hay làm chức vụ gì nếu ở
vai dưới thì phải ngồi chiếu dưới, răm rắp một điều thưa gửi, hai điều
thưa gửi.
Kể từ ngày mẹ tôi dẫn chị em chúng tôi lên rừng sinh sống thì việc giỗ chạp chú Chung lo. Chú ở với thằng Nguyên- trưởng nam.
Sau bữa cơm, chú gọi vợ chồng thằng Nguyên tới:
- Ngày mai giỗ cụ, hai đứa chuẩn bị mấy mâm cơm, mấy chị em chúng mày liệu mà lo.
Cái Hoa vợ thằng Nguyên xoa tay hỏi:
- Thế ông định giỗ sáng hay giỗ chiều để chúng tôi còn đi chợ?
- Giỗ sáng! Chú hỏi vọng xuống nhà dưới- Thằng Dũng đâu?
Tiếng thằng Dũng dạ ran, nó đang xem ti vi vội bỏ lên đứng khoanh tay trước ông:
- Cháu chạy sang bảo ông Tuệ, ông Núi, ông Thông ngày mai ông cháu giỗ cụ, mời các ông sang uống rượu nhé…
Buổi sáng, tôi vừa trở dậy đã nghe thằng Núi nói oang oang ngoài sân:
- Ông Chung dậy chưa, em hôm nay bận họp phải về muộn, các bác đừng chờ em.
Núi bảo tôi: “Em bắt cho vợ chồng thằng Nguyên con gà để nó thắp hương, trưa em có thể về muộn anh ạ”.
Các cô các thím lần lượt mang gạo, rượu…, mỗi
người góp một cái lễ nhỏ để thắp hương cụ nội chúng tôi. Gần trưa thì
ông Quỳnh, bà Hằng ở Hà Nội đi xe máy về. Chú Chung sau khi thắp ba tuần
nhang thì mời các cụ cao niên, các bác ngồi trên phản, các chú ngồi
dưới giường, lũ con cháu ngồi dưới chiếu trải xuống nền nhà. Lát lát chú
Chung lại gọi:
- Mẹ Hoa đâu, lấy cho đĩa súp, thiếu đôi đũa của ông trẻ này…
Cứ thế mẹ con cái Hoa hết chạy lên nhà lại chạy
xuống bếp. Mấy cô con dâu, cháu dâu chờ mọi người ăn xong mới ngồi xuống
mâm. Tôi bảo cái Hoa:
- Bọn bay cứ ngồi ăn đi, chờ các cụ còn lâu…
Cái Hoa xua tay.
- Kệ chúng cháu, lát nữa dọn dẹp xong chúng cháu ăn sau cũng được.
Cụ tôi mất cách đây hơn trăm năm, anh em chúng
tôi ngồi đây không ai biết mặt cụ, chỉ nghe cha ông chúng tôi kể lại cụ
vốn làm nghề dạy học, lấy vợ Thanh Đa ngoài đê. Mùa nước to họ hàng
ngoài đó thường kéo nhau vào trong đê tá túc ít ngày chạy lụt. Nhà tôi
nhiều khi chật cứng người, mẹ tôi vét những hạt gạo cuối cùng, củ khoai
cuối cùng để giúp anh em họ mạc gặp hoạn nạn. Bà bảo: “Chết cả đống còn
hơn sống một người”.
Thư tình từ thành phố gửi ông lão bảy mươi nhà quê
Buổi sớm, sau mấy chén rượu ngà ngà chú Chung mở tủ đưa cho tôi một phong thư:
- Tôi đưa cho bác xem lá thư này để bác góp ý với tôi…
Tôi cầm phong thư mở ra xem, Núi bảo:
- Anh cứ đọc to cho mọi người cùng nghe.
Tôi không thể chép lá thư tình dài bốn trang giấy
kẻ ca rô ra đây. Đó là sự ngỏ lời chân thành và tình yêu thiết tha của
người đàn bà có tên là H. ngót năm mươi tuổi với người em con chú của
tôi.
Tôi ngước nhìn mái tóc của chú Chung, mái tóc
bạc phơ đã rụng gần hết. Chú đang bước qua cái tuổi bảy mươi ba, kể từ
ngày thím Thục mất có lẽ đã tám năm rồi, nom chú già đi rất nhiều, nhưng
sức khoẻ vẫn còn cường tráng lắm.
- Ây dà, chuyện rắc rối quá…
- Chú định thế nào bây giờ? Tôi hỏi.
- Bác bảo tôi định là định thế nào ?
- Ý tôi hỏi chú có viết thư trả lời người ta hay
im lặng? Bao giờ ra mắt họ hàng người ta, có lẽ chú phải sắm một bộ tóc
giả, chứ để đầu trọc lốc như thế kia thì khó coi quá…
Mọi người cùng phá lên cười.
- Bác đừng tưởng, tôi là dân nhà quê, nhưng ối bà Hà Nội phải thèm đấy.
Tôi chép địa chỉ của người đàn bà ấy vào sổ tay,
nhất định tôi sẽ tới thăm chị, chị ở phố Thi Sách, phường Ngô Thì Nhậm,
cách cơ quan tôi chỉ vài bước chân.
——————–
(Ngày 21/10/2009 hồi 9h5’, em họ tôi Nguyễn
Đình Chung, nhân vật trong bài viết này đã từ giã cõi trần, thọ 83 tuổi.
Tôi rất buồn. Trong hai tháng em tôi ốm, tôi không đến thăm được, do
quá bận công tác.
Vậy là những người thân yêu của tôi đã lần lượt ra đi, không có gì đau đớn hơn thế).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét