A. Những giai đoạn tiến triển của Alzheimer
Bệnh lú lẫn Alzheimer tiến triển rất chậm chạp. Sự nhận biết của bệnh nhân có thể giảm dần trong vòng 7 tới 10 năm. Cuối cùng tất cả các bộ phận sinh hoạt của óc như trí nhớ, cử động, ngôn ngữ, cách cư xử, sự phán đoán và óc suy luận trừu tượng đều bị ảnh hưởng. Bệnh Azheimer's thường được chia ra 3 giai đoạn. Tìm biết về 3 giai đoạn này có thể giúp bệnh nhân và gia đình chuẩn bị cách đối phó cho tương lai. Tuy nhiên, không hẳn là bệnh nhân nào cũng theo đúng những giai đoạn này hoặc có những triệu chứng giống nhau.
1. Giai đoạn nhẹ:
Bệnh nhân trong giai đoạn này thường giảm bớt trí nhớ, đôi khi không phán đoán sáng suốt và có sự thay đổi tính tình chút ít. Họ có thể giảm sự chú ý, và bỏ dở việc đang làm. Họ cũng không muốn thay đổi và ngại chuyện khó khăn và có thể bị đi lạc ngay cả ở những chỗ đã quen thuộc. Người nào thì cũng có lúc quên một vài tiếng hay tên người trong lúc nói chuyện nhưng người bệnh lú lẫn thì quên nhiều hơn và càng ngày càng quên thêm. Họ có thể chế ra những chữ không đâu để thay thế. Họ sẽ tránh nói chuyện để khỏi mắc lỗi và càng ngày càng khép kín, nhất là trong những dịp phải giao thiệp xã hội hay phải suy nghĩ nhiều.
Bệnh nhân Alzheimer có thể cất đồ vô những chỗ khác thường thí dụ như cất bóp vô tủ lạnh hay cho quần áo vô máy rửa chén. Họ có thể hỏi đi hỏi lại những câu hỏi và cất giữ những thứ vô giá trị. Khi mệt mỏi hoặc bực mình họ có thể nổi giận dữ dội dù thường ngày hiền lành.
2. Giai đoạn khá nặng
Trong giai đoạn này, bệnh nhân không thể sắp xếp tư tưởng hay theo được những giải thích có tính lý luận cũng như không theo được những chỉ dẫn viết ra. Họ cần được giúp chọn quần áo mặc cho thích hợp với thời tiết hoặc sinh hoạt. Dần dần họ sẽ phải được giúp mặc quần áo vì họ có thể mặc đồ lót ra ngoài hay đi giầy nhầm chân. Họ cũng có thể đại tiểu tiện trong quần.
Trong giai đoạn này, người bệnh thường mất khả năng nhận diện người thân và bạn bè. Họ có thể nhầm lẫn cho con là bạn hay vợ chồng là người lạ. Họ lẩn không biết họ đang ở đâu và không biết ngày tháng. Họ quên địa chỉ hay số điện thoại của chính mình và dễ bị đi lạc vì không thể xét đoán biết mình đang ở đâu, do đó không thể để họ một mình mà phải có người trông nom trong giai đoạn này.
Họ trở nên không yên, làm đi làm lại vài cử chỉ, nhất là về buổi chiều, hoặc nhắc đi nhắc lại một câu chuyện, một vài chữ hay cử động vô nghĩa, thí dụ như ngồi xé giấy. Càng ngày họ càng không thể nói chuyện được với ai vàdẫn đến những cử chỉ kỳ lạ như hoảng loạn, kết tội người khác ngoại tình hay ăn cắp. Bức rức, giận dữ, khó chịu đưa tới chửi thề, đấm đá, đánh cắn, chụp giựt người khác hay la hét.
3. Giai đoạn nặng
Trong giai đoạn này, người bệnh cần được giúp đỡ trong mọi mặt sinh sống. Họ không thể tự đi lại và sau cùng không thể ngồi được. Họ không biết tự đi vệ sinh, không nói rõ được. Họ không nhận biết người nhà. Họ dễ bị sặc vì khó nuốt và có thể từ chối ăn uống. Bệnh sẽ kéo dài bao lâu ?
Mực độ tiến triển của bệnh thay đổi tùy theo mỗi người. Một số người bệnh nặng khoảng năm năm sau khi được định bệnh. Những người khác có thể kéo dài 10 năm.Trung bình, người bệnh sống khoảng 8 tới 10 năm sau khi định bệnh.
Một vài người sống lâu tới 20 năm. Ða số bệnh nhân không chết vì bệnh Alzheimer mà chết vì những nguyên do khác như sưng phổi, nhiễm trùng đường tiểu hay biến chứng sau khi té.
B. Ngăn ngừa bệnh Alzheimer: tập thể dục là cách tốt nhất
Một báo cáo gần đây nhất của Hội bệnh Alzheimer tiên đoán là 10 triệu người Mỹ thế hệ baby boomer tức sinh ra sau thế chiến thứ 2 sẽ bị bệnh Alzheimer (tức tỉ lệ 1/8) khiến những người trong lứa tuổi này thấy lo sợ không ít. Hiện nay đã có vài loại thuốc làm bệnh chậm tiến triển nhưng con đường tìm ra thuốc chữa hãy còn rất gian nan. Trong lúc chờ đợi thuốc chữa bệnh, chúng ta hãy nghe các nhà nghiên cứu nói về kết quả của họ.
Càng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy vận động thân thể mỗi ngày không những chỉ có tác dụng tốt lên hệ tim mạch và giữ cho khỏi lên cân quá nhiều mà còn có thể ngăn ngừa chứng bệnh lú lẫn quái ác. Những nghiên cứu trêndân số cho thấy tập thể dục mỗi ngày sao cho nhịp tim tăng lên trong ít nhất 30 phút có thể làm giảm nguy cơ bị bệnh. Trong một nghiên cứu trên chuột, người ta thấy vận động thân thể có vẻ như ngăn chận được những thay đổi của óc đưa tới bệnh Alzheimer .
Một nghiên cứu có tính chất quan sát về liên hệ giữa vận động với hoạt động của trí óc trên 6000 phụ nữ từ 65 trở lên trong vòng 8 năm, cho thấy những phụ nữ thường xuyên tập thể dục ít bị sút giảm trí óc như những phụ nữ thụ động. Một nghiên cứu khác tại viện đại học Chicago được thực hiện trên những con chuột đã được nuôi sao cho óc bị những mảng giống như óc bệnh lú lẫn.
Một số chuột được cho vận động thường xuyên, số còn lại không được vận động. Óc của những con chuột vận động nhiều có từ 50 đến 80% ít mảng plaque gây bệnh hơn những con thụ động. Chuột vận động cũng tiết ra nhiều chất phân hóa tố chống tạo ra plaque. Họ kết luận: “Vận động thân thể thường xuyên có lẽ là cách tốt nhất để ngừa bệnh Alzheimers, tốt hơn cả thuốc men, vận dụng trí óc hay thuốc bổ và ăn uống kiêng cữ.
C. Cách nói chuyện với bệnh nhân Alzheimer
Bệnh nhân Alzheimers thường dần dần mất khả năng đối thoại khiến người nói chuyện với họ không hiểu nổi họ đang nghĩ gì, nói gì. Do đó, nói chuyện với người bệnh là việc rất khó, chúng ta nên tìm hiểu rõ để bớt được sự bực dọc cho mình và cho họ.
Tiến triển của bệnh: Những tuyến đường thần kinh trong óc của người bệnh lzheimer thường bị phá hủy khiến họ không nhớ và không còn hiểu những chữ thường dùng nữa. Họ có thể cảm tưởng như biết chữ đó, có sẵn trên đầu lưỡi nhưng không thể nói ra, vì thế họ rất bực dọc. Họ có thể dùng một chữ khác để thay thế chữ định nói dù ý nghĩa khác hẳn. Hay họ có thể chế ra một chữ mới để thế chữ họ định nói.
Họ cũng có thể như bị kẹt vô một cái rãnh trên máy hát, nhắc đi nhắc lại mãi một câu hỏi. Người bệnh Alzheimer cũng có thể :
- Bị mất dòng suy nghĩ
- Vật lộn với cấu trúc của câu, chữ cho có nghĩa
- Cần thêm thời gian để hiểu bạn muốn nói gì
- Chửi thề hay nói lỗ mãng
PHẢI LÀM SAO?
- Hiểu người bệnh. Hiểu rằng họ không cố tình làm như vậy.
- Cho họ thấy mình chú ý tới họ. Nhìn thẳng vào mắt họ và luôn ở gần bên để người bệnh biết là bạn đang lắng nghe và muốn hiểu họ.
- Không nói chuyện ở chỗ đông người và nhiều tiếng động
- Dùng chữ đơn giản, câu ngắn. Tránh nói những câu phức tạp hay đưa lời chỉ dẫn. Khi cần, nói chậm và chia thành từng đoạn một. Ðưa ra quá nhiều giai đoạn cùng lúc sẽ làm bệnh nhân rối loạn thêm.
- Không ngắt câu bệnh nhân có thể cần nhiều phút để trả lời. Không phê bình, vội vã, sửa lỗi họ, cãi nhau với họ.
- Ðưa ra vật dụng hay hình ảnh rõ ràng khi nói. Thí dụ dẫn họ đến cầu tiêu để hỏi họ cần đi hay không.
- Không cãi nhau với người bệnh. Họ đã mất khả năng lý luận và phán đoán, do đó cố chứng minh họ sai chỉ là việc không tưởng, làm cả hai cùng tức giận.
- Giữ bình tĩnh và thư giãn. Dù bực tức, bạn nên giữ giọng hòa nhã, bình tĩnh. Nếu lời nói và giọng nói không đi đôi với nhau, bệnh nhân sẽ khó hiểu. Giọng nói, cử chỉ của bệnh nhân nhiều khi nói lên nhiều hơn chính tiếng nói của bạn.
8 Cách Ngăn Ngừa bệnh Alzheimer
Theo BS Weil, tuy nguyên nhân gây ra bệnh Alzheimer vẫn chưa biết chính xác, yếu tố lớn nhất vẫn là tuổi tác: sau 65 tuổi, cứ thêm 5 tuổi thì nguy cơ mắc bệnh lại tăng gấp đôi. Sau 85 tuổi thì nguy cơ bị bệnh là 50%. Nếu bạn muốn giảm thiểu nguy cơ bằng cách thay đổi nếp sống 1 cách lành mạnh, thì hãy thêm 8 điều sau vào thông lệ hàng ngày của bạn.
1. Thách thức bản thân mình. Ngày càng nhiều bằng chứng về y khoa cho thấy việc kích thích não (suy nghĩ) suốt đời là chìa khóa cho việc nuôi dưỡng và duy trì các tế bào não khỏe mạnh, chặn đứng việc giảm trí nhớ và có thể ngăn chặn được bệnh Alzheimer. Hãy thử làm công việc mình thích thú (có lương hay tình nguyện), theo đuổi các sở thích (như chơi cây cảnh, sưu tầm tem, …), tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội, học ngoại ngữ, ca hát, hay cách dùng các phần mềm vi tính.
2. Dùng 1 liều thấp thuốc aspirin hàng ngày (Người không đau bao tử). Một số công trình nghiên cứu phát hiện mối liên hệ giữa việc dùng aspirin (hoặc các loại thuốc kháng viêm non-steroid khác) và sự giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.
3. Bổ sung Vitamin C và E. Một nghiên cứu ở trường ĐH John Hopkins cho thấy Vitamin C và E dùng chung có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh Alzheimer. (Vitamin C có nhiều trong trái cây như: Thơm (dứa), cam, chanh, quýt, dâu, cà chua, rau có lá xanh thẫm, ớt xanh. Là chất chống sự oxy hóa căn bản trong huyết tương, làm lành vết thương, kích thích sản xuất kích thích tố. Làm chậm quá trình lão hóa. Vitamin E có nhiều trong rau, đậu phụng, đậu nành, hạt dẻ, trứng, mầm lúa. Là chất chống oxy hóa hòa tan căn bản trong mỡ của cơ thể, ngăn chặn sự oxy hóa Cholesterol LDL và các chất mỡ khác, nâng cao tính miễn dịch, giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não. Vì nó ngăn chặn sự oxy hóa chất béo trong thực phẩm, bạn nên dùng hàng ngày và nhất là trước một bữa ăn thịnh soạn.)
4. Hàng ngày nên dùng loại thuốc “bổ” multivitamin chứa hàm lượng thích hợp a-xít phô-líc (acid folic tức là Vitamin B9) cùng các Vitamin B khác (tức là Vitamin B complex) vì chúng làm giảm mức homocysteine, 1 loại a-xít amin tạo ra do sự phân hủy đạm động vật. Người có homocysteine ở mức cao có nhiều khả năng bị bệnh Alzheimer.
5. Nấu nướng với các loại gia vị có dược tính tốt. Nghệ, gừng, ớt chẳng những thêm hương vị cho món ăn mà còn là những chất kháng viêm thiên nhiên (còn gọi là kháng ô-xi hóa: anti-oxidant).
6. Dùng những thực phẩm giàu chất béo omega-3; trong đó phải kể cá hồi hoang dã vùng Alaska , cá mòi, bột hạt lanh (flaxseed) mới xay, và hạt óc chó (walnut).
7. Đưa vào bữa ăn nhiều trái cây, rau củ trồng theo lối hữu cơ (không dùng phân hóa học / thuốc trừ sâu).
8. Hạn chế dùng các loại dầu thực vật có chứa chất béo poly-unsaturated (như dầu hướng dương, dầu bắp, dầu safflower) mà thay bằng dầu ô-liu ép nguội (không nấu).
Xin nói thêm:
(1) Cơ thể chúng ta chỉ cần lượng chất béo poly-unsaturated chiếm 3 – 7 % năng lượng cần thiết hàng ngày, chất béo omega-6 chiếm 3% và omega-3 chiếm 0,5 – 1%, nghĩa là tỉ lệ 5-1 hay 10 -1 cho omega-6 và omega-3, thế nhưng đa số chúng ta hiện nay dung nạp 2 loại chất béo này theo tỉ lệ 14-1 hay 20-1, rất có hại cho sức khỏe. Do đó, cần tăng thêm lượng omega-3 trong khẩu phần hàng ngày, có thể bằng cách uống dầu cá thu..
(2) Ở VN dầu ô-liu rất đắt; có thể thay bằng dầu đậu nành nhưng phải rất hạn chế vì trong 100g dầu đậu nành chỉ có 7g chất béo omega-3 mà đến 51g chất béo omega-6
(3) Có thể ngâm nhanh rau củ quả trong dung dịch dấm và nước ở tỉ lệ 10% rồi rửa lại bằng nước thường để loại bỏ thuốc trừ sâu còn tồn đọng.)
(H.Phi chuyển)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét