Những Người Bạn Sư Phạm Saigon
15 thg 3, 2019
Người bố hành xử trí tuệ khi con trai lấy trộm đồ của người khác
Có một người bạn tốt đã kể cho tôi nghe một câu chuyện rất cảm động xảy ra khi cậu ấy còn nhỏ. Câu chuyện như sau:
Vào khoảng năm 4 tuổi, cậu ấy được bố đưa đến chơi nhà chú. Ngay lập tức cậu bị thu hút bởi một mô hình máy bay trong phòng của người em họ. Chơi một lúc thì cậu ấy thấy thích lắm, thật sự rất muốn có được nó. Thế là nhân lúc mọi người không để ý, cậu bèn len lén lấy trộm mang về.
Trên đường về nhà với bố, trong lòng cậu thấy rất bối rối, cực kỳ khó chịu, thật sự không chịu được nên đã nói thật với bố rằng mình đã lấy trộm mô hình máy bay của người ta. Bố của cậu trầm ngâm im lặng không nói gì một lúc lâu.
Đến bây giờ cậu ấy vẫn nhớ rõ khoảnh khắc im lặng của bố và tâm trạng sợ hãi cực độ của cậu khi đó. Sau đó, bố cậu rất nhẹ nhàng nói với cậu: “Chúng ta cùng quay lại trả máy bay cho chú nhé, sau này bố sẽ mua cho con một cái”.
Và thế là cậu ấy cùng bố quay lại trả chiếc máy bay nhỏ một cách miễn cưỡng, trong lòng cậu vừa tiếc vừa xấu hổ lắm, cậu sợ đến mức sắp khóc.
Bố cậu chỉ bình tĩnh quay lại giải thích với người chú: “Thật ngại quá, thằng bé bất cẩn cầm món đồ chơi này đi nên bây giờ quay lại để trả” và mọi việc kết thúc như thế. Cậu ấy không hề bị trách móc gì cả và bố cậu cũng không nói việc này với ai khác.
Việc này để lại cho cậu ấy ấn tượng sâu sắc, khi nói đến câu chuyện này, cậu vừa nhớ lại người bố ấm áp của mình, vừa thảo luận với tôi về sự chu đáo của bố mình khi giải quyết sự việc đó.
Người bố trí tuệ này đã làm gì vậy?
Thứ nhất, từ đầu đến cuối, ông ấy không hề sử dụng chữ “ăn trộm” để mô tả hành vi của con.
Bởi vì quan niệm đúng sai của con cái được hình thành do nghe những lời đánh giá cũng như quan sát phản ứng của bố mẹ. Việc các bậc phụ huynh không dễ dàng gán cho con mình cái danh tiêu cực, không phóng đại lỗi lầm của con cái chính là đang bảo vệ con.
Thứ hai, người bố này đã giữ được cảm xúc ổn định, bình tĩnh, nghiêm túc nghĩ cách giải quyết phù hợp nhất. Không trách móc con, không đánh mắng, không giảng giải nhiều.
Khi biết việc con mình “trộm” đồ của người khác, người bố này hoàn toàn không lập tức nổi giận đánh mắng con, cũng không bắt đầu giảng đạo lý dài dòng văn vẻ. Mà ông ấy đã dừng lại để suy nghĩ, sau đó dùng cách đơn giản nhưng hữu hiệu, ôn hòa nhất đế xử lý sự việc.
Sau đó, người bố này đã dùng hành động trực tiếp để dẫn dắt con một cách tích cực.
Thật ra trong lòng con trẻ biết rằng lấy đồ của người khác là không đúng. Vì vậy, điều mà con cần hoàn toàn không phải là giảng đạo lý dài dòng vô nghĩa, mà là học được cách làm đúng từ sai lầm.
Người bố này đã cho con thấy sự khoan dung, trách nhiệm, cũng chỉ nói hai câu đơn giản, một là “cùng quay lại”, đây là bài học về cách sửa sai đúng đắn từ sai lầm; hai là “nếu con muốn, bố sẽ mua cho con”, câu nói này cho cậu ấy biết cách đúng đắn để có được thứ mà mình muốn.
Cuối cùng, còn một điều cần phải nhớ đó là: khi sự việc đã qua rồi thì cho hãy cho nó qua đi. Đừng truy cứu lại nữa, đừng tùy tiện nói với người khác, hãy bảo vệ lòng tự tôn của con mình, hãy cho con sự tôn trọng lớn nhất.
Tuy trẻ còn rất nhỏ, nhưng cũng đã biết tự tôn và biết xấu hổ. Khi thấy con trẻ phạm lỗi, nếu có thể đặt mình vào vị trí của con, nghĩ đến việc nhất định là con không muốn để nhiều người biết được hành vi không tốt của mình, dù cho là người nhà. Vì vậy, việc bạn không kể lại với người khác về sự việc này nữa chính là sự bảo vệ tốt nhất đối với lòng tự trọng của con.
Nói tóm lại, dù khi con trẻ xuất hiện một số “vấn đề đạo đức” mà bạn cho là vô cùng nghiêm trọng đi chăng nữa thì đầu tiên cũng hãy kiểm soát tâm trạng trước đã, đừng dễ dàng “gán mác” cho con. Hãy suy nghĩ lại cách giáo dục con của chính bạn, bình tĩnh, nghiêm túc suy nghĩ cách xử lý hành vi không đúng của con thì mới không gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự trưởng thành của con trẻ.
Ngọc Trúc biên dịch
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét