Gabriel Garcia Marquez
♦ Chuyển ngữ: Vũ Thành Sơn
♦ Chuyển ngữ: Vũ Thành Sơn
Lời người dịch:
Gabriel García Márquez cũng như nhiều nhà văn Nam Mỹ khác thường được coi là những đại biểu xuất sắc của phương pháp sáng tác hiện thực huyền ảo. Vì vậy nhắc đến G.G Márquez hầu như ai cũng gắn tên tuổi ông với tác phẩm Trăm Năm Cô Đơn và quên bẵng đi, hay gần như vậy, hoặc coi nhẹ những tiểu thuyết, truyện ngắn khác rất thành công của ông. Không có sự nhầm lẫn nào đáng tiếc và đáng trách hơn thế. Bởi vì trong suốt sự nghiệp sáng tác của G.G Márquez, hầu hết ông đều sáng tác theo phương pháp tâm lý hiện thực, và những tác giả mà ông chịu ảnh hưởng, như ông thú nhận, lại chính là Sophocles, William Faulkner, Yasunari Kawabata…(Đọc: J.M. Coetzee, Inner Workings, Essays 2000-2005, để biết thêm nhận định sắc sảo của nhà văn đoạt giải Nobel 2003, đồng thời là một nhà phê bình văn chương tài năng này). Từ chính phương pháp sáng tác đó, G.G Márquez đã cho ra đời nhiều tiểu thuyết có giá trị khắc họa nên một chân dung chân thực của xã hội Colombia cũng như của thân phận con người; và cũng từ đó, G.G Márquez đã có những truyện ngắn trở thành kinh điển, như One of These Days, The Woman Who Came at Six O’Clock hay truyện ngắn được giới thiệu dưới đây.
Đối với G.G Márquez, cái gọi là hiện thực huyền ảo chỉ là một cách kể chuyện, không hơn không kém, một câu chuyện khó tin với một bộ mặt tỉnh rụi. Đó là cái mẹo mà ông học được từ bà ngoại của ông ở Cartegena. Cái mà người ta, nhất là phương Tây, cho là khó tin trong những câu chuyện của G.G Márquez, mỉa mai thay, lại là cách kể chuyện quá phổ biến ở Nam Mỹ. Nó hoàn toàn không làm nên sự độc đáo cho G.G Márquez. Điều đó cũng giải thích lý do vì sao, những nỗ lực sáng tác theo lối hiện thực huyền ảo ở những châu lục khác (hay ở Việt Nam, chẳng hạn) chỉ đều cho ra đời những bản sao mờ nhạt, vô giá trị một khi nó thoát ra khỏi cái nôi văn hóa của Nam Mỹ.
VŨ THÀNH SƠN
Chiếc xe lửa rùng rùng chui ra khỏi đường hầm làm bằng đá sa thạch, bắt đầu băng qua những đồn điền trồng chuối nằm đối xứng, kéo dài bất tận, không khí đã trở nên ẩm và họ không còn có thể cảm thấy gió biển nữa. Một đám khói ngột ngạt tuồn vô cửa sổ. Trên con đường hẹp chạy song song với đường sắt những chiếc xe bò chất đầy những nải chuối xanh. Phía bên kia đường, trên những mảnh đất không trồng trọt xếp đặt theo những khoảng cách không đều nhau là những công sở với những chiếc quạt điện, những tòa nhà tường gạch đỏ và những căn nhà với ghế và những chiếc bàn nhỏ màu trắng kê trong sân giữa những hàng dừa và những bụi hoa hồng bám bụi. Mười một giờ sáng và cái nóng vẫn chưa bắt đầu.
“Tốt hơn hết là mày đóng cửa sổ lại đi,” người đàn bà nói. “Tóc mày sẽ bám đầy muội khói cho mà coi”.
Đứa con gái cố đóng, nhưng tấm rèm vốn đã rỉ sét không nhúc nhích.
Họ là những hành khách duy nhất trong toa hạng ba duy nhất. Khói của đầu máy vẫn cứ tiếp tục luồn vào cửa sổ, đứa con gái rời khỏi chỗ ngồi của mình, đặt xuống dưới chân những thứ họ vỏn vẹn mang theo: một cái túi nhựa với vài món đồ ăn, một bó hoa bọc trong tờ giấy báo. Nó ngồi ở chiếc ghế trước mặt, xa cửa sổ, đối diện với mẹ. Cả hai đều mặc bộ quần áo tang trang nghiêm và sơ sài.
Đứa con gái mười hai tuổi và đây là lần đầu tiên nó mới được đi xe lửa. Người đàn bà có vẻ quá già để là mẹ của đứa nhỏ, bởi những đường gân xanh nổi trên mí mắt, và một thân thể không còn ra hình thù gì trong bộ trang phục trông giống như một cái áo chùng thâm. Bà ngồi trên xe với cái cột sống dí sát vào thành ghế, hai tay giữ lấy cái túi xách tay đã tróc hết da đặt trên đùi. Bà khoác vẻ điềm tĩnh cần mẫn của một người đã quen với sự nghèo khó.
Đến mười hai giờ thì trời bắt đầu nóng. Xe lửa dừng mười phút để tiếp nước ở một cái trạm không có phố xá. Bên ngoài, trong cái im lặng bí ẩn của những đồn điền, những cái bóng mát trông có vẻ sạch sẽ. Nhưng bên trong xe không khí đông cứng của nó lại có mùi của một thứ da chưa thuộc. Xe lửa không tăng tốc. Nó dừng ở hai cái thị trấn giống hệt nhau với những căn nhà bằng gỗ sơn màu sáng. Người đàn bà đầu gật gù một lúc rồi rơi vào giấc ngủ. Đứa con gái tháo giày ra. Đoạn nó vào phòng vệ sinh để rắc lên bó hoa một chút nước.
Khi nó quay trở lại chỗ ngồi, mẹ nó đang đợi để được ăn. Nó đưa cho bà một miếng phó mát, nửa cái bánh bằng bột bắp và một cái bánh ngọt rồi lấy một phần hệt như vậy cho mình từ cái túi nhựa. Trong lúc họ ăn thì xe lửa chầm chậm vượt qua cái cầu sắt và đi qua một thị trấn y hệt như những thị trấn hồi nãy, chỉ khác một điều là ở thị trấn này có một đám đông trên quảng trường. Một nhóm đang chơi từng bừng một điệu nhạc dưới mặt trời đổ lửa. Phía kia của thị trấn những đồn điền kết thúc ở một cánh đồng đã nứt nẻ vì khô hạn.
Người đàn bà đã ngừng ăn.
“Mang giày vô đi”, bà nói.
Đứa con gái ngó ra ngoài. Nó chẳng thấy gì ngoài những cánh đồng bỏ hoang, nơi xe lửa lại bắt đầu tăng tốc, rồi bỏ miếng bánh ngọt cuối cùng vào gói và lẹ làng xỏ giày. Người đàn bà đưa cho nó cái lược.
“Chải đầu lại,” bà nói.
Trong lúc đứa con gái chải lại đầu thì xe lửa bắt đầu rúc còi. Người đàn bà lau mồ hôi trên gáy và lấy ngón tay chùi dầu trên mặt. Khi đứa nhỏ ngừng chải, xe lửa đi qua những căn nhà nằm bên ngoài một thị trấn lớn hơn nhưng buồn hơn những thị trấn trước.
“Nếu mày muốn làm gì thì làm ngay đi,” người đàn bà nói. “Lát nữa, ở đâu cũng không được uống cho dù mày có chết khát. Trước hết, không được khóc.”
Đứa con gái gật đầu. Một ngọn gió khô và nóng thổi vào cửa sổ, cùng với tiếng còi tàu và những cái rung lắc của những toa già nua. Người đàn bà gập cái túi nhựa còn sót lại chút thức ăn, nhét vô túi xách. Trong phút chốc toàn cảnh của thị trấn, vào ngày thứ Ba trong tháng Tám sáng sủa đó, bừng lên qua cửa sổ. Đứa con gái bọc lại bông hoa trong tờ giấy báo ẩm ướt, nhích ra xa cửa sổ một chút và ngó mẹ đăm đăm. Nó được nhận lại một vẻ vui vẻ trên gương mặt bà. Xe lửa bắt đầu rúc còi và chạy chậm dần. Một lúc sau thì dừng hẳn.
Không có một ai ở ga tàu. Ở bên kia con lộ, trên vỉa hè phủ bóng mát của những cây hạnh nhân, chỉ có mỗi cái sảnh bi da là mở cửa. Thị trấn trôi đi trong cái nóng bức. Người đàn bà và đứa con gái bước xuống tàu, băng qua nhà ga hoang vắng – những cái ngói lợp bị nứt ra và cỏ dại mọc len vào giữa – và qua bên phía có bóng mát của con lộ.
Gần hai giờ. Vào giờ này, dưới sức nặng của cơn buồn ngủ, thị trấn chìm trong giấc ngủ trưa. Cửa hàng, công sở, trường học đóng cửa lúc mười một giờ, và mở cửa lại trước bốn giờ một chút, vào lúc xe lửa quay trở lại. Chỉ có khách sạn đối diện nhà ga, và nhà giây thép bên cạnh quảng trường là còn mở cửa. Những căn nhà, mà phần lớn đều xây cất theo kiểu của công ty chuối, khóa cửa bên trong và buông rèm. Một vài căn trong số đó nóng chịu không nổi khiến người ta phải ngồi ăn trưa ở trong sân. Những người khác ngồi tựa ghế vào tường, dưới bóng râm của những cây hạnh nhân, và ngủ trưa ngay ngoài đường.
Vẫn nép mình dưới bóng mát của những cây hạnh nhân, người đàn bà và đứa con gái đi vào thị trấn mà không khuấy động giấc ngủ trưa. Họ đi thẳng đến nhà thờ giáo xứ. Người đàn bà lấy mấy ngón tay cào cào vào song sắt trên cửa, đợi một lúc, rồi cào tiếp. Một cái quạt điện chạy rầm rì ở bên trong. Họ không nghe thấy tiếng bước chân. Rồi họ thoáng nghe có tiếng xịch cửa rất khẽ, và lập tức sau đó một giọng nói cẩn trọng ngay kề bên song: “Ai đó?” Người đàn bà cố nhìn xuyên qua song sắt.
“Tôi cần một ông cha xứ,” bà nói.
“Hiện thời cha đang ngủ.”
“Đây là trường hợp khẩn cấp,” người đàn bà nài nỉ.
Giọng bà tỏ ra một sự kiên quyết điềm tĩnh.
Cánh cửa hé mở, khẽ khàng, và một người đàn bà tròn trịa, lớn tuổi hơn xuất hiện, với nước da nhợt nhạt và mái tóc màu thép. Mắt của bà trông quá nhỏ đằng sau cặp kính dày.
“Vào đi,” bà nói và mở rộng cửa.
Họ bước vào gian phòng thấm đẫm mùi những bông hoa cũ. Người đàn bà trong nhà thờ đưa họ đi tới một cái băng ghế gỗ và ra dấu cho họ ngồi xuống. Đứa con gái làm theo, nhưng mẹ nó vẫn đứng, đầu óc xa vắng, hai tay giữ khư khư cái túi xách tay. Không có một tiếng động nào ngoài tiếng quạt chạy.
Người đàn bà trong nhà thờ xuất hiện trở lại ở cánh cửa cuối phòng. “Cha nói bà nên trở lại sau ba giờ,” bà nói bằng một giọng rất khẽ “Cha vừa mới nằm được năm phút.”
“Tàu chạy lúc ba giờ ba mươi,” người đàn bà nói.
Đó là một câu trả lời ngắn gọn và tự tin, nhưng giọng của người đàn bà vẫn dễ chịu, đầy ẩn ý. Lần đầu tiên người đàn bà trong nhà thờ mỉm cười.
“Thôi được rồi,” bà nói.
Khi cánh cửa cuối phòng đóng lại lần nữa, người đàn bà ngồi xuống cạnh đứa con gái. Gian phòng đợi hẹp, nghèo nàn, ngăn nắp và sạch sẽ. Bên kia rào gỗ chia đôi gian phòng là một cái bàn làm việc–một cái bàn bình thường với tấm phủ bằng vải dầu, bên trên là một cái máy đánh chữ cổ lỗ sĩ cạnh một lọ hoa. Sổ sách ghi chép của nhà thờ ở ngoài cùng. Người ta có thể thấy đó là một văn phòng được giữ gìn ngăn nắp nhờ bàn tay của một gái già.
Cánh cửa cuối phòng mở ra và lần này ông cha xứ xuất hiện, chùi cặp kính đeo mắt bằng chiếc khăn tay. Chỉ đến lúc ông đeo nó lên thì hiển nhiên ông là em trai của người đàn bà ra mở cửa hồi nãy.
“Tôi có thể giúp được gì cho quý vị?” ông hỏi.
“Chìa khóa vô nghĩa trang,” người đàn bà nói.
Đứa con gái ngồi với bó hoa đặt trên đùi và hai bàn chân bắt chéo dưới băng ghế. Ông cha xứ nhìn nó rồi nhìn người đàn bà rồi nhìn xuyên qua tấm lưới cửa sổ ra ngoài bầu trời sáng sủa, không mây.
“Với cái nóng thế này,” ông nói. “Lẽ ra quý vị nên đợi cho đến khi mặt trời lặn.”
Người đàn bà lặng lẽ lắc đầu. Ông cha xứ đi qua bên kia cái rào gỗ, lấy trên tủ một cuốn sổ bọc vải dầu, một cái hộp đựng bút bằng gỗ, một cái lọ mực và ngồi xuống bàn. Lông lá trên hai bàn tay của ông quá đủ để bù vào những sợi tóc đã rụng mất trên đầu.
“Bà muốn thăm ngôi mộ nào?” ông hỏi.
“Của Carlos Centeno,” bà đáp.
“Ai?”
“Carlos Centeno,” người đàn bà nhắc lại.
Ông cha xứ vẫn chưa hiểu.
“Nó là kẻ trộm bị giết chết ở đây tuần rồi,” người đàn bà trả lời bằng một giọng đều đều. “Con là mẹ nó.”
Ông cha xứ nhìn bà săm soi. Bà nhìn thẳng vào ông với một vẻ tự chủ bình thản, và ông cha xứ đỏ mặt. Ông cúi đầu xuống và bắt đầu viết. Trong lúc ông viết ông hỏi bà về nhân thân, và bà trả lời không chút do dự, với những chi tiết chính xác, như thể bà đang đọc nó. Mồ hôi ông cha xứ bắt đầu túa ra. Đứa con gái cởi nút thắt dây giày chân trái, rút gót chân ra và gác lên cái để chân dưới băng ghế. Nó cũng làm y hệt vậy với chiếc giày phải.
Mọi thứ bắt đầu từ thứ Hai tuần trước, lúc ba giờ sáng, cách đây mấy khu nhà. Rebecca, một quả phụ sống đơn chiếc trong căn nhà chứa đầy những thứ linh tinh, nghe trong tiếng mưa rơi có người ở bên ngoài đang cố nạy cánh cửa trước. Bà đứng dậy, mò mẫm tìm trong tủ một khẩu súng lục cũ mà chưa ai bắn phát nào từ thời ngài đại tá Aureliano Buendía,[1]rồi đi ra phòng khách mà không bật đèn. Dường như nỗi khiếp đảm, dấy lên trong người bà từ suốt hai mươi tám năm cô độc, thay vì tiếng động từ ổ khóa, đã giúp bà xác định trong trí tưởng tượng không những vị trí của cánh cửa mà cả chiều cao chính xác của cái ổ khóa. Bà giữ chặt khẩu súng bằng cả hai tay, nhắm nghiền mắt, và lẩy cò. Đây là lần đầu tiên trong đời bà nổ súng. Ngay tức thì sau tiếng nổ, bà không thể nghe gì khác ngoài tiếng rên rỉ của mưa rơi trên cái mái nhà được mạ chì. Rồi bà nghe thấy một tiếng rơi nho nhỏ của kim loại trên sàn xi măng hiên nhà, và một giọng yếu ớt, dễ chịu nhưng hoàn toàn kiệt sức: “Ôi, Mẹ ơi.” Người đàn ông mà họ thấy nằm chết trước cửa nhà buổi sáng hôm đó, mũi nát tanh bành, mặc chiếc áo sơ mi dệt len với những sọc màu, quần tây có thắt lưng dây và đi chân trần. Chẳng ai trong thị trấn biết hắn là ai.
“Vậy tên của anh ta là Carlos Centeno,” ông cha xứ nói thầm thì khi vừa viết xong.
“Centeno Ayala,” người đàn bà nói. “Nó là thằng con trai duy nhất của con.”
Ông cha xứ quay trở lại cái tủ. Bên trong cánh cửa tủ có hai chiếc chìa khóa to đã rỉ sét treo lủng lẳng; đứa con gái tưởng tượng như mẹ nó đã từng tưởng tượng khi còn là con gái cũng như ắt hẳn ông cha xứ đã từng tưởng tượng vào một lúc nào đó, đó là những chiếc chìa khóa của thánh Phêrô[2]. Ông lấy nó ra, đặt vào cuốn sổ đang mở trên chấn rào gỗ và chỉ ngón tay vào một chỗ trên trang giấy ông viết hồi nãy, nhìn người đàn bà.
“Ký vào đây.”
Người đàn bà tay tì lên cái túi xách, viết nguệch ngoạc tên mình. Đứa con gái cầm bó hoa lên, lê bước đi đến chấn rào gỗ, chăm chú ngó mẹ nó.
Ông cha xứ thở dài.
“Bà có bao giờ gắng khuyên nó trở lại con đường công chính không?”
Người đàn bà trả lời khi đã ký tên xong.
“Nó là một đứa con có hiếu.”
Ông cha xứ hết nhìn người đàn bà rồi nhìn sang đứa con gái, nhận ra với một sự kinh ngạc gần như thán phục là họ đã không òa khóc. Người đàn bà tiếp tục nói bằng một giọng đều đều:
“Con đã từng căn dặn nó đừng có lấy cắp bất kỳ cái gì mà ai cũng phải cần để ăn, và nó đã nghe lời con. Nhưng trước đó, hồi nó còn chơi quyền anh, nó đã từng nằm ba ngày trên giường, đuối sức vì bị đấm.”
“Nguyên bộ răng của ảnh cũng bị nhổ hết,” đứa con gái nói chen vô.
“Đúng vậy,” người đàn bà đồng ý. “Mỗi miếng ăn của con hồi đó đều đượm mùi những cú đấm mà con trai của con hứng chịu vào những đêm thứ Bảy.”
“Không ai đoán được Ý Chúa,” ông cha xứ nói như yên ủi.
Nhưng ông nói điều ấy ra mà không mấy tin tưởng, một phần do kinh nghiệm đã làm cho ông nghi ngờ và một phần là do cái nóng. Ông nhắn họ nên che đầu lúc ra ngoài để tránh say nắng. Ngáp, và bây giờ thì buồn ngủ quá mức, ông chỉ cho họ cách tìm đến ngôi mộ của Carlos Centeno. Khi trở lại họ sẽ không cần phải gõ cửa. Ông nói họ nên đặt chìa khóa bên dưới cánh cửa; và cũng ở cùng chỗ đó, nếu có thể, nên đặt lễ vật cho nhà thờ. Người đàn bà lắng nghe cha xứ chỉ dẫn một cách chăm chú hết mực, nhưng chỉ cám ơn ông mà không nở được một nụ cười.
Ông cha xứ nhận ra có ai đó đang ngó vào, mũi dán chặt vào song sắt bên ngoài, ngay cả trước khi ông mở cửa ra ngoài đường. Có một nhóm trẻ con tụ tập bên ngoài. Khi cánh cửa mở toang, bọn trẻ con liền giải tán. Thông thường vào giờ này, chẳng có một ai ở ngoài phố. Bây giờ không chỉ có con nít. Bên dưới những cái cây hạnh nhân còn có những nhóm. Ông cha xứ đảo mắt nhìn con đường ngập chìm trong cái nóng và rồi ông hiểu ra. Một cách nhẹ nhàng ông đóng cửa lại.
“Đợi một chút,” ông nói mà không nhìn người đàn bà.
Chị ông xuất hiện ở cánh cửa cuối phòng với chiếc áo khoác đen bên ngoài áo ngủ và tóc của bà buông xõa xuống vai. Bà nhìn ông cha xứ lặng lẽ.
“Cái gì thế?” ông hỏi.
“Người ta biết chuyện rồi,” bà nói nho nhỏ.
“Tốt nhất là quý vị nên đi ra bằng cửa dẫn ra sân sau,” ông cha xứ nói.
“Phía đó cũng vậy thôi,” bà chị nói. “Mọi người cũng đang đứng ở cửa sổ.”
Người đàn bà đến lúc đó mới hiểu ra. Bà nhướng mắt nhìn ra ngoài đường qua song sắt. Đoạn bà cầm lấy bó hoa từ đứa con gái và bắt đầu đi về phía cửa. Đứa con gái theo sau.
“Chờ cho mặt trời lặn đã,” ông cha xứ nói.
“Quý vị sẽ bị xỉu cho coi,” bà chị nói, đứng bất động ở cuối gian phòng. “Đợi đi, tôi cho mượn cái dù.”
“Cám ơn cha và bà,” người đàn bà đáp. “Chúng con đi phía này không hề gì.”
Vũ Thành Sơn dịch từ Gabriel García Márquez, Collected Stories, (bản Anh ngữ của Gregory Rabassa và J.S. Bernstein), Penguin Books, 2014
[1] Aurelio Buendía, nhân vật trong tiểu thuyết Trăm Năm Cô Đơn của G.G Márquez, là con trai thứ hai của José Arcadio Buendia, tộc trưởng bộ lạc Buendía và là người thành lập làng Macondo. Aurelio tham gia kháng quân giải phóng và trở thành người chỉ huy chống lại chính phủ bảo thủ.
[2] Chìa khóa là biểu hiệu của người quản gia và Nhà của Thiên Chúa đã được uỷ thác cho Thánh Phêrô.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét