2 thg 3, 2019

CTGTT : FM 974 :Đại Hàn: Chó – Chuyện Ngày Trước Và Chuyện Bây Giờ

Chuyện Thế Giới Trong Tuần Ngày 25/02/2019

Tiếng sủa và mùi phân chó từ xa, không lạ gì với Lee Sang – gu, người đàn ông 61 tuổi, những thứ mà ông đã sống nhờ vào nó, Lee thong thả đầy chiếc xe cúc – kít, từng bước nặng trên con đường lầy lội bùn, về hướng cái trại, như buổi sáng mỗi ngày, ở đó có chừng mấy chục cái chuồng song sắt rĩ sét, trốc nước sơn, mỗi chuồng có độ năm sáu con chó lớn nhỏ đủ loại, từ Chihuahuas, Poodles, Maltese đến Boston Terriers, những con chó này, một số được bán cho người ta mang về nhà nuôi, số khác thì đem cho người ta làm thịt bán ở các chợ quanh vùng. 
  South Korean dog meat farmer Lee Sang-gu (R) looks at his dogs in crates as a member of the Humane Society International (HSI) South Koreans oppose the cruelty of the dog meat industry.(Photo credit should read JUNG YEON-JE/AFP/Getty Images)
    
Tháng hai, trời Hongseong, cái thị trấn nơi Lee ở, miền trung Đại Hàn, nắng sáng rực, Lee bắt đầu một ngày như mọi ngày mà ông ta đã làm trong suốt tám năm qua, lẳng lặng còng lưng xuống, đổ thức ăn cho khoảng 200 con chó đang nuôi, cố gượng để đừng đau, cái đau đã có từ mấy thập niên vì lao động quá sức. Vốn không học hành nhiều, không còn sự lựa chọn nào khá hơn, Lee đành theo con đường buôn bán thịt chó, Lee buồn buồn, đời thật không dễ sống, ban đầu Lee lập trại nuôi heo nhưng lại phá sản, trong nhiều năm, Lee xoay quanh hết thất nghiệp rồi đi làm thuê làm mướn, cuối cùng Lee theo lời bàn của một người bạn cũ, thử thời vận làm trại nuôi chó lấy thịt. Tuy nhiên, chuyện này cũng đang từ từ đi xuống, ngày càng ế ẩm hơn, theo Lee, ngày trước đây, giới trẻ đã không còn ăn thịt chó nhưng hiện nay ngay cả người già cả cũng không còn nhiều người ăn, sự giảm sút nhu cầu đòi hỏi nên giá thịt cũng phải hạ rất nhiều. Năm 2011 Lee bán một con chó lấy thịt khoảng 200 ngàn Won (180 Mỹ kim), gấp đôi số tiền bán hiện nay.
    Theo nhóm hoạt động bảo vệ thú vật Humane Society International, vẫn còn khoảng 17 ngàn trại nuôi chó nhỏ trên khắp vùng nông thôn Đại Hàn. Đại Hàn là quốc gia duy nhất trên thế giới hiện nay còn có kỹ nghệ buôn bán thịt chó, chừng 2 triệu con chó được ước lượng bị giết làm thịt mỗi năm. Nhưng hầu hết là những người già cả vẫn còn ăn vì họ cho đó là tập tục truyền thống có cả hàng bao thế kỷ qua. Hiện giờ, tình trạng di chuyển chỗ ở, thay đổi nơi sinh sống của cư dân đã làm cho quan niệm tiêu thụ thịt chó cũng có khuynh hướng thay đổi theo. Kang Na – kyeong, một cô sinh viên 21 tuổi nói rằng, trong số bạn bè của mình, mười trên mười sẽ không hề nghĩ tới chuyện ăn thịt chó, lý do là vì đã có một lần duy nhất cô thử ăn khi ông bà nội bảo ăn. Trên nhiều  chương trình truyền hình đã có rất nhiều nghệ sĩ nhận chó ở các nhà giữ chó về nuôi, nói chung với Kang, thế hệ của cô nhận thấy chó là con thú để nuôi chứ không phải là của bữa ăn. Trong bản thăm dò gần đây nhất của một tổ chức phi chính quyền “Last Chance for Animals” vào tháng 4 năm 2018 cho biết hơn 80% những người Đại Hàn được hỏi trả lời rằng họ không bao giờ ăn thịt chó, chỉ có 1.2 % nói họ thường ăn một tháng một lần, trong cùng thời gian đó, kỹ nghệ thịt chó Đại Hàn đang tăng lên, năm 2017, số tiền thu được về việc này trị giá 3.4 tỷ Mỹ kim, và theo người dự đoán có chiều hướng tăng cao hơn tới 2 tỷ vào năm 2020.
    Tổng thống Moon Jae –in đã là người ứng cử viên duy nhất trong thời gian tranh cử năm 2017 nói tới vấn đề quyền sống của thú vật, bên cạnh đó ông là chủ của một con mèo, ông kêu gọi người dân nuôi những con mèo hoang không thức ăn thức uống nhưng ông chống lại chuyện ngăn cấm việc tiêu thụ thịt chó, khi nói rằng, thay vì vậy việc này sẽ làm từ từ, dần dần từ giai đoạn. Hai tháng sau ngày lễ tuyên thệ nhậm chức, ông nhận một con chó tên Tory về nuôi, con chó này được cứu từ một trại nuôi chó bởi nhóm CARE. Cũng tổ chức CARE này là tổ chức bị lên án gắt gao khi có người bên trong lộ tin ra là giám đốc của CARE đã bí mật ra lệnh chích cho 230 con chó chết, lý do là vì nhà nuôi chó đã quá đông không còn chỗ và không tìm ra được người nhận nuôi, sau khi tin này loan ra, một số nhà mạnh thường quân của CARE đã chấm dứt việc bảo trợ của họ.
    Thứ bảy tuần rồi, thị trưởng Hán Thành, Park Won –soon, người cho xuất bản cuốn luận án của mình về quyền sống của thú vật khi theo học tại Anh quốc năm 1991, thề sẽ tạo áp lực hơn nữa đối với những người làm thịt chó ở thành phố này buộc họ phải “sập tiệm”. Trước khi có bản tuyên bố của ông Park, tháng 11 vừa rồi, chính phủ Đại Hàn đã ra lệnh đóng cửa khu giết chó lấy thịt lớn nhất nước Taepyeong – dong ở ngoại ô thành phố Hán thành. Tại khu chợ Gyeongdong, đông bắc thành phố này, có không biết bao nhiêu là sạp bán đủ thứ, từ các loại tiêu ớt cho tới thuốc nam, nhưng cũng là “địa điểm nóng” về buôn bán thịt chó nhưng bây giờ, theo hiện tình này, chỉ còn hai sạp bày bán thịt chó mà thôi.
    Với ông Kim Dae –won, 72 tuổi, từng đến khu chợ này từ những ngày còn là con nít, là chứng nhân của sự thay đổi lớn lao của đất nước mình, từ chiến tranh tang tốc, chế độc tài, kinh tế bi thảm của những năm 1950 rồi trở thành một quốc gia giàu có và một nền dân chủ tươi trẻ của thập niên 1980, ông cho rằng, mọi sự việc khác cũng thay đổi theo là chuyện tất nhiên, trong quá khứ người ta bày bán chó nhốt trong lồng sắt đầy chợ nhưng hiện nay ăn thịt chó được xem là một hành động dã man, ông nhắc lại chuyện thịt chó và kỳ thế vận hội ở Hán Thành năm 1988, các nhóm hoạt động cho quyền sống thú vật quốc tế, trong đó có nữ tài tử Pháp, Brigitte Bardot đã lên tiếng về vấn đề này. Ba mươi năm sau, thế vận hội mùa Đông PyeongChang 2018, chính quyền địa phương tỉnh Gangwon, nơi tranh tài, đã yêu cầu 40 nhà hàng bán thịt chó trong vùng ngưng không bán món ăn có thịt chó trong thời gian thế vận hội.



(Photo credit should read JUNG YEON-JE/AFP/Getty Images)
    Tại Hongseon, nơi Lee đang ở, trong nhiều tháng qua ông ta cũng đã nghĩ tới việc đóng cửa trại nuôi chó, nó không còn mang về cho ông đủ số lợi tức thu vào nữa và hàng xóm chung quanh đang lên tiếng than phiền về tiếng ồn ào của chó sủa không ngớt, họ đòi hỏi Lee phải dời đi chỗ khác. Để có được sự giúp đở đổi sang nghề khác, Lee đến gặp nhóm Humane Society International, họ đang có những chương trình tài trợ tái chánh cho những người chủ trại nuôi chó lấy thịt muốn rời bỏ việc này, ông Lee ký một khế ước chấp nhận tuân theo điều lệ họ đề ra trong thời gian 20 năm.
    Mặc áo khoác màu xanh lá cây, chừng sáu bảy nhân viên từ nhóm HSI đến thăm trại của ông Lee để tiến hành thủ tục tài trợ, họ mở khóa các lồng sắt, bỏ  chó lớn nhỏ vào những cái hộp nhựa, rồi chở ra phi trường quốc tế Incheon, ở đây các hộp nhựa này được đưa lên chuyến bay chở hàng của hảng máy bay Gia Nã Đại đến Montreal, từ Montreal chó chuyển đi tới các nhà nuôi chó trong vùng Chicago, hầu hết các con chó này sẽ có chủ mới nhận nuôi trong vòng vài tuần lễ. Trại của ông Lee là trại thứ 14 ở Đại Hàn mà tổ chức HSI có trụ sở ở Hoa Thịnh Đốn đóng cửa, tổng cộng họ đã cứu được khoảng 1300 con chó từ Đại Hàn từ năm 2015. Lee chưa biết chắc là sẽ làm gì trong tương lai, có thể ông sẽ làm một người bảo vệ tại một khu chung cư hay đi học một khóa về điện toán để có chút hy vọng tìm cái nghề khá hơn.
    Lee rất vui, cuối cùng có thể đóng cửa trại nuôi chó, nhưng nhìn mấy người hoạt động cứu thú vật mang các con chó từ trại của mình đi, ông thật không biết phải diễn tả cảm tưởng của mình thế nào, không biết vui hay buồn,  dù sao những con chó đó đã có một thời là bạn đồng hành của ông trong suốt tám năm qua.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét