11 thg 3, 2019

Chuyện xưa để lại muôn đời: Nghĩa tào khang trăm năm không phụ bạc

Thời Xuân Thu Chiến Quốc có một vị quan xuất thân bần hàn, nhưng khi công thành danh toại vẫn giữ trọn đạo nghĩa vợ chồng. Câu chuyện của ông chính là bài học hay về đạo vợ chồng, để lại tiếng thơm cho muôn đời sau. Trong văn hóa truyền thống, hôn nhân mang ý nghĩa vô cùng thiêng liêng và thần thánh. (Ảnh qua Pinterest)
Thành danh vẫn giữ đạo vợ chồng


Bách Lý Hề xuất thân nghèo khó, nhưng ông rất thông minh và được nhiều người quý mến vì tốt tính. Dù nghèo khó nhưng ông vẫn lấy được vợ và có một con trai.
Hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên vợ Bách Lý Hề gợi ý chồng xa xứ để kiếm kế sinh nhai. Ông không còn cách nào đành từ biệt vợ con trong nước mắt để bôn ba nơi xứ người.
Nhà nghèo không có gì mở tiệc đãi chồng trước lúc lên đường, vợ Bách Lý Hề đã giết con gà duy nhất mà họ có, tháo cánh cửa nhà để làm củi nấu bữa cơm tiễn biệt.
Khi Bách Lý Hề tới nước Tề, ông đã gắng sức phụng sự nhưng phát hiện rằng quan lại đều tham nhũng, mà bản thân không có tiền hối lộ để thăng tiến. Toàn bộ số tiền ít ỏi vợ đưa cho ông đã tiêu sạch, nên buộc phải ăn xin trên phố để sống qua ngày.Sau đó ông lại tới nước Ngu rồi tới nước Chu, nhưng đường công danh vẫn lận đận vì tài năng của ông không được trọng dụng. Thay vào đó, nước Chu còn cho ông trông coi súc vật. Sau đó ông còn bị người nước Sở bắt giữ và giam lỏng.

Khi đó, Tần Mục Công đã nghe tới trí tuệ và tài năng của Bách Lý Hề, bèn mời ông làm một chức quan, và cuối cùng Tần Mục Công phong ông làm Tể tướng. Tuy nhiên để mời được Bách Lý Hề, Tần Mục Công phải tìm kế dùng 5 tấm da dê để chuộc ông về từ nước Sở.
Bách Lý Hề phải mất 30 năm để thành danh, vì thế khi được phong Tể tướng, ông đã 70 tuổi.
Câu chuyện về vị Tể tướng nước Tần nổi danh và được chuộc về bằng 5 tấm da dê đã lan truyền khắp nơi, vợ của Bách Lý Hề cũng nghe được. Vì thế bà đã tới nước Tần để tìm chồng, nhưng không rõ liệu đó có phải là chồng mình hay không.
Bà có lần nhìn thấy xe ngựa của Bách Lý Hề đi qua nhưng lại không nhìn kỹ nên không chắc chắn đó là chồng mình. Cuối cùng bà tìm được công việc giặt giũ trong phủ của Bách Lý Hề. Vợ của ông đổi thành họ Đỗ, được nhiều người quý mến vì là người chăm chỉ và vui vẻ.Một ngày nọ Bách Lý Hề mở tiệc đãi quan khách, bà Đỗ đã nhờ đoàn nhạc cho được biểu diễn vì nói mình có tài ca hát.
Họ đã đồng ý giúp bà. Khi lên sân khấu, bà đã chơi một bản nhạc réo rắt nỗi buồn đau của người vợ mòn mỏi chờ trông chồng nơi xa xôi.
“Chàng còn nhớ nước mắt thiếp rơi khi chúng ta ly biệt?
Chàng còn nhớ chúng ta đã nghèo thế nào nên thiếp phải dỡ bỏ khung cửa nhà để nấu con gà duy nhất tiễn chàng lên đường?
Chàng biết rằng giờ chàng đã là tể tướng nước Tần, mặc áo gấm vinh hoa còn thiếp chỉ là một người giặt giũ hầu hạ người khác?Chàng còn nhớ người vợ thuở bần hàn của mình hay chăng?”.
Bách Lý Hề vô cùng bất ngờ khi nghe bài hát, không ai biết những điều này trừ vợ của mình. Ông đã cho mời người nghệ sĩ vừa hát đó lên và nhận ra đó chính là vợ mình.
Họ đã không gặp nhau suốt 30 năm, cả hai đều ôm chầm lấy nhau mà khóc vì mừng rỡ và xúc động. Gia đình họ cuối cùng đã đoàn tụ và sống hạnh phúc bên nhau.
Tể tướng Yến Anh một lòng một dạ
Yến Anh là nhà tư tưởng, nhà ngoại giao nổi tiếng của nước Tề, được vua Tề Cảnh Công rất coi trọng.
Một lần, Vua Tề Cảnh Công đến nhà Yến Anh làm khách. Lúc hai người đang uống rượu, Cảnh Công nhìn thấy vợ của Yến Anh đi qua, liền hỏi: “Đó là thê tử của khanh à?”.
Yến Anh trả lời: “Đúng vậy”.
Cảnh Công cười và nói: “Cô ta vừa già lại vừa xấu. Ta có một đứa con gái, tuổi còn trẻ lại xinh đẹp. Ta nghĩ chi bằng gả cho khanh.” Đạo vợ chồng, phải chung thủy với nhau trước sau như một, dù người kia có già nua xấu xí đi nữa. (Ảnh qua Trithucvn)


Yến Anh nghe xong, lập tức đứng dậy, cung kính trả lời: “Hiện giờ, vợ của thần vừa già vừa xấu, nhưng xưa kia khi nàng còn trẻ đẹp đã cùng thần chung sống lâu dài. Hơn nữa, làm vợ vốn dĩ là trao thân gửi phận cả đời, từ lúc trẻ trung xinh đẹp cho đến lúc già nua xấu xí. Vợ thần khi còn trẻ đã phó thác cuộc đời cho thần, thần đã tiếp nhận lòng tin cậy ấy. Quân Vương tuy rằng hiện giờ muốn ban thưởng, nhưng làm sao thần có thể phụ bạc lòng tin của thê tử được?”
Yến Anh bái mấy bái xin tạ ơn và từ chối Tề Cảnh Công. Tề Cảnh Công thấy Yến Anh dứt khoát, coi trọng tình nghĩa vợ chồng như vậy nên từ đó trở đi cũng không nhắc lại thêm lần nào nữa.
Có một lần, Điền Vô Vũ, vị tông chủ thứ năm của họ Điền gặp Yến Anh ở nhà một mình và gặp một người phụ nữ trong nhà bước ra, quần áo giản tiện, mái tóc đã bạc. Điền Vô Vũ chế giễu Yến Anh, nói: “Người đàn bà đó là ai vậy?”
Yến Anh trả lời: “Là thê tử của ta”.
Điền Vô Vũ nói: “Ngài là quan lớn trong triều, thực ấp điền thuế thu vào bảy mươi vạn, tại sao lại nhận bà lão này làm vợ?”.
Yến Anh trả lời: “Ta nghe nói, bỏ rơi một người vợ già là loạn đạo, thú vui lấy thêm thê thiếp trẻ tuổi là dâm đãng. Thấy sắc đẹp mà bội nghĩa, thấy phú quý vứt bỏ luân thường thì đó là nghịch đạo. Yến Anh ta làm sao có thể có hành vi dâm loạn, coi thường luân lý, đi ngược lại với lời dạy của cổ nhân như thế được?”.
Tuệ Tâm (T/h)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét