Áp lực trước cuộc sống đã khiến nhiều người trẻ ở Malaysia mắc phải những chứng bệnh tâm thần.
Theo kết quả Khảo sát Tỷ lệ Bệnh tật và Y tế Quốc gia Malaysia, tỷ
lệ người trẻ độ tuổi 16-35 mắc những chứng bệnh tâm thần ở Malaysia
trong năm 2015 là 29,2%, tăng gần gấp 3 lần so với năm 1996 là 10,7%.
Giới chuyên gia cảnh báo ngày càng nhiều thanh thiếu niên được chẩn
đoán bị trầm cảm, rối loạn tâm lý cùng những bệnh lý tâm thần khác do
đối mặt với nhiều áp lực trong cuộc sống, nhất là vấn đề tìm kiếm việc
làm và tài chính, theo tờ New Straits Times.
Có việc làm vẫn trầm cảm
Muhammad Alif (26 tuổi), tốt nghiệp đại học ngành marketing - đang
làm việc tại một công ty xuất bản - cho biết: “Trước đây, tôi bị stress
nặng do phải đối mặt với quá nhiều ứng viên xin việc làm. Giai đoạn mới
tốt nghiệp là thời điểm căng thẳng nhất và tôi đã bị trầm cảm”.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Muhammad nộp đơn cho hàng chục công ty
nhưng không nơi nào chấp thuận với lý do anh thiếu kinh nghiệm giữa lúc
đang phải tìm cách chi trả khoản vay đóng tiền học phí đại học.
Ngoài ra, mạng xã hội cũng tác động nhiều đến giới trẻ như
Muhammad. “Khi tôi có việc làm rồi vẫn cảm thấy stress, thậm chí ganh tị
khi chứng kiến bạn bè làm việc tại những công ty lớn, sắm nhà, xe hơi
và tận hưởng cuộc sống xa xỉ”, Muhammad chia sẻ.
Không giống như Muhammad, Melissa Zain (22 tuổi), một cô gái xinh
đẹp khá nổi tiếng trên mạng xã hội, luôn được các công ty lớn săn đón
nhờ thành tích học tập tốt trước khi tốt nghiệp đại học. Dù vậy, cô vẫn
luôn có cảm giác tội lỗi, không xứng đáng với những gì mình có trong
cuộc sống hiện tại. Đây là dấu hiệu của rối loạn trầm cảm kinh niên.
Tránh so sánh bản thân với người khác
“Cơ chế thích nghi của giới trẻ thời nay hoàn toàn khác so với
30-40 năm trước do có quá nhiều yếu tố và áp lực trong cuộc sống. Tỷ lệ
cạnh tranh trong tìm kiếm việc làm quá khốc liệt”, chuyên gia tâm lý
Katyana Azman thuộc Bệnh viện Pantai tại thủ đô Kuala Lumpur, đánh giá.
Bà Katyana lưu ý stress là một trong số yếu tố dẫn đến chứng bệnh
tâm thần cùng với những căn bệnh khác như đau nửa đầu kinh niên, mất ngủ
cùng rối loạn ăn uống, ảnh hưởng đến khả năng học tập và làm việc.
Ngoài áp lực tài chính, việc làm và gia đình, mạng xã hội giờ đây tác động lớn đến sức khỏe tâm thần của giới trẻ.
“Thanh thiếu niên có thói quen theo dõi, ganh tị trước những thành tựu mà bạn bè khoe trên mạng xã hội”, bà Katyana lưu ý.
“Người trẻ nên mạnh dạn tìm kiếm sự giúp đỡ và chia sẻ từ người
khác trong lúc gặp khó khăn, không nhất thiết phải là chuyên gia tâm
lý”, bà Katyana lưu ý.
Lời khuyên của bà dành cho giới trẻ là hãy giữ cho đầu óc thanh thản, chấm dứt so sánh bản thân với người khác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét