Chuyện Thế Giới Trong Tuần
Thứ Hai 15/01/2018
Tháng 12 năm rồi, sau khi quân đội Miến bị thế giới lên án về vụ tấn công giết người ở vùng Rakhine, chính quyền Miến đã phải đồng ý cho phép báo chí được vào đó quan sát, đây là một ngoại lệ hiếm có, chuyến đi ba ngày này, có được vì áp lực mạnh mẽ từ các tổ chức nhân quyền và những cáo buộc nạn diệt chủng của LHQ. Mười ba ký giả báo chí được người của chính quyền Miến hướng dẫn đi tới những chỗ họ muốn tìm hiểu dưới sự theo dỏi của nhân viên an ninh, dân làng còn ở lại không ai dám nói gì vì sợ bị bắt bớ giam cầm nhưng hôm 21 tháng 12, một người đàn ông Rohingya, ông Shuna Mia, 41 tuổi, người ở làng Maungdaw, can đảm nói lên những gì ông ta muốn nói, ông quả quyết, dân làng của ông đã bị quân lính Miến hiếp dâm và giết chết. Khuya đêm đó, dân làng cho biết, có một nhóm người lạ xông vào nhà của ông Mia, gia đình ông ở gần lo sợ chuyện không tốt xảy ra, ngay rạng sáng hôm sau họ bủa ra đi tìm, khoảng giữa trưa ngày đó, một xác chết không còn đầu thấy trôi lềnh bềnh trên con sông cuối làng, dân làng nhận ra đó là xác của ông Mia.
Một năm đi qua, quân đội Miến vẫn cứ tiếp tục đàn áp người sắc tộc Rohingya, hiếp dâm, tra tấn và giết chết hàng ngàn người, thêm vào đó quân đội cho nổi lửa thiêu đốt nhà cửa người dân tàn rụi, trong đó có cả làng Maungdaw nơi ông Shuna Mia ở và cũng là nơi, người ta tìm thấy một cái mồ chôn tập thể lớn trong đầu tuần này, hành động của quân đội Miến đã làm cho hơn 600 ngàn người Rohingya, già trẻ bé lớn phải bồng bế nhau bỏ nhà bỏ làng trốn chạy qua đất Đông Hồi. Miến Điện từ lâu đã được biết như là một quốc gia mà báo chí bị bóp nghẹt, áp chế và có chính sách kiểm duyệt khá gắt gao, một lần nữa cái chết của ông Shuna Mia là cái cớ để chính quyền Miến làm sống lại việc ngăn cấm các bài tường thuật không theo đúng ý của họ muốn. Hai ký giả của hảng tin Reuters, Wa Lone và Kyaw Soe Oo bị bắt ở Yangon tuần rồi, bộ thông tin Miến nói rằng, hai ký giả này đã thu nhận những tin tức bất hợp pháp với ý định cung cấp cho báo chí ngoại quốc, người ta tin rằng, hai ký giả này đã có được những hình ảnh làm bằng chứng của nấm mộ chôn người tập thể tại vùng Rakhine.
Trong lúc cường độ bạo động nhắm vào người Rohingya, có phần ngày càng tăng hơn thì chính quyền Miến và bà lãnh tụ Aung San Suu Kyi ngầm đưa ra một chiến thuật mới: gây hoảng sợ cho người Rohingya trên báo chí, trang mạng điển tử và phủ nhận, bác bỏ mọi sự cáo buộc có tài liệu cũng như chứng cớ xác tín về các tội phạm chống lại nhân loại. Một ngày, sau khi ông Shuma được tìm thấy chết, vài người đại diện cho “người cố vấn của quốc gia Miến” (tên gọi chính thức của bà Aung San Suu Kyi), cho đăng tấm hình của một người mất đầu trên trang mạng Facebook với hàng chữ “kẻ nói sự thật bị chặt đầu”, và cho rằng, Shuma đã nói với báo chí, lực lượng an ninh không gây ra chuyện hiếp dâm hay đốt nhà và kết luận, ông ta đã bị quân phiến loạn Hồi giáo giết để trả thù, các sự việc này trái ngược hoàn toàn với những tường thuật của báo chí địa phương, những người hoạt động nhân quyền và gia đình ông Shuma, đều tin rằng, ông đã bị quân lính bắt đi và chặt đầu vì dám nói sự thật với truyền thông báo chí.
Năm 2010, chiến dịch kêu gọi trả tự do cho tù nhân chính trị ở Miến Điện, tromg đó có dự án “máy phát thanh cho người Miến”, người của tổ chức Ân xá Quốc tế đã lén đưa khoảng 10 ngàn cái vào những vùng nông thôn xa xôi và các thôn ấp hẻo lánh, mục đích để hàng trăm ngàn dân ở đó có thể nghe, biết những tin tức xác thật từ báo chí truyền thông độc lập, vốn bị chính quyền Miến bưng bít, loại bỏ. Bảy năm qua, chính quyền Miến lại có hành động khủng bố nhắm vào người sắc tộc Rohingya một lần nữa nhưng lần này, họ tự viết lên kịch bản của họ dùng với mục đích tuyên truyền thông qua các trang mạng xã hội, tệ hơn, việc này lại đang được bà lãnh tụ Aung San Suu Kyi khuyến khích sau lưng, người đàn bà mà có lần giới lãnh đạo phương Tây xem như là một quán quân của tự do phát biểu tư tưởng.
Trong nhiều thập niên, bà Aung San Suu Kyi luôn luôn lên tiếng kêu gọi tự do báo chí ở Miến và người ta nghĩ rằng, công việc của giới ký giả, phóng viên sẽ được cải thiện hơn sau khi bà được trả tự do sau những năm dài bị quản thúc tại gia nhưng sự việc xãy ra cho người sắc tộc Rohingya trong thời gian qua, bà đã công khai bác bỏ những điều tường thuật lương thiện và không thiên vị của báo chí, bà gọi người Rohingya là quân khủng bố và chính đám quân khủng bố này đã làm ra một tảng băng tin tức không đúng sự thật to lớn. Khi xác chết của ông Shuma tìm thấy, rất nhiều người dân từ làng của Shuma ở, đã nói với báo chí khi họ trốn thoát được tới Đông hồi, một người đàn bà nói trong nước mắt ràng rụa, quân lính đã bắn chết chồng bà tháng 11, một tuần sau đó, họ hiếp dâm bà trước mặt đứa con gái mới lên mười, sự đau đớn tinh thần này bà không thể chịu đựng nổi, bà muốn cả thế giới biết sự việc kinh hoàng đang xãy tại Miến Điện.
Hai ký giả của hảng tin Reuters, bị bắt và đưa ra tòa phiên xử đầu hôm thứ tư tuần qua, chưa có bản án vì tội vi phạm đạo luật “Bí mật Quốc gia”, Wa Lone, 31 tuổi và Kyaw Soe Oo, 27 tuổi, đã khách quan đưa ra loạt bài tường thuật về sự khủng hoảng ở Rakhine, nơi mà theo ước lượng của LHQ, có khoảng 655 ngàn người Hồi giáo Rohingya chạy trốn cuộc lùng diệt nhóm người võ trang phản loạn, theo như họ gọi. Hai ký giả này bị bắt hôm 12 tháng 12 sau khi được mời tới ăn cơm chiều với những sĩ quan cảnh sát Miến, bộ thông tin Miến liền sau đó loan báo rằng, cảnh sát nói họ bị bắt vì có giữ nhiều tài liệu bí mật và quan trọng của chính quyền liên quan tới vụ Rakhine và lực lượng an ninh. Bộ thông tin còn nói thêm, những tài liệu bí mật này hai người ký giả còn có ý định chuyển cho báo chí ngoại quốc do đó họ bị buộc tội, chiếu theo đạo luật “Bí mật Quốc gia” có từ thời còn là thuộc địa Anh quốc của những năm 1923, lúc Miến là một tỉnh của British India, mức án tối đa là 14 năm tù.
Hai người ký giả này cho gia đình biết, họ đã bị bắt ngay tức khắc sau khi đưa một vài tài liệu, tại một nhà hàng bởi hai sĩ quan cảnh sát Miến mà họ chưa gặp trước đây, lần đầu cảnh sát giải họ ra tòa ngày 27 tháng 12 sau khi bị giam giữ hơn hai tuần lễ, trong buổi nghe xử, họ được phép gặp gia đình và luật sư lần đầu tính từ ngày bị bắt. Chính quyền của một số quốc gia dân chủ tây phương bao gồm Hoa kỳ, Anh quốc, Gia Nã Đại và LHQ đã chính thức lên tiếng yêu cầu Miến trả tự do cho họ, cựu tổng thống Hoa kỳ, ông Bill Clinton thúc giục chính quyền Miến phải thả họ ra tức khắc, giam giữ ký giả vô tội là một hành động không thể chấp nhận được. Ông Clinton là tổng thống Hoa kỳ trong những năm 1990, là lúc Hoa kỳ làm áp lực lên Miến Điện, thời đó do quân đội cai trị phải trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi khi bà bị quản thúc tại gia.
Bà Aung San Suu Kyi thắng cuộc bầu cử năm 2015 và lập chính phủ đầu năm 2016, bà không lên tiếng gì về vụ bắt giữ hai người ký giả này, chính quyền Miến bác bỏ luận cứ cho rằng, việc bắt giam này là dấu hiệu của sự đàn áp quyền tự do báo chí và phát ngôn nhân của bà, nói rằng, vụ án sẽ được xử theo đúng tinh thần luật pháp của Miến. Các nhóm tranh đấu cho nhân quyền và tổ chức Ân xá Quốc tế cũng đòi hỏi chính quyền Miến phải thả họ ra ngay và quyền tự do bày tỏ ý kiến phải được tôn trọng, vì vậy, việc áp chế này phải chấm dứt.
Thứ năm tuần qua, chính quyền Miến Điện, lần đầu tiên, mặc dù bà Aung San Suu Kyi, vẫn còn giữ im lặng, thì quân đội Miến nhìn nhận quân lính họ có giết một số người sắc tộc Rohingya, và có 4 quân nhân bị tạm điều tra, những người này dự phần trực tiếp vào các vụ thãm sát Rohignya trong thời gian qua, người ta chưa biết chuyện gì và kết quả sẽ ra sao nhưng cho tới lúc này, sự im lặng của bà Aung San Suu Kyi, quả thật là một sự im lặng đáng sợ.
Thuyên Huy (Monday 15.01.2018).
Ảnh của Reuters: Người tị nạn Rohingya chen chúc trú mưa tại 1 trại tị nan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét