5 thg 1, 2018

CHU LỆ VƯƠNG BỊT MIỆNG DÂN

Chu Lệ Vương (? - 828 TCN) bạo ngược kiêu ngạo, người trong nước đều chỉ trích vua…
Trước tình cảnh đó Thiệu công đã lên tiếng can ngăn:“Dân không chịu nổi chính lệnh nữa rồi”.
Vua nổi giận, tìm được thầy mo nước Vệ, sai giám sát những kẻ chỉ trích, đem bẩm lại để giết. Người chỉ trích ít đi, chư hầu không tới chầu. Năm thứ ba mươi tư, vua ngày càng hà khắc, người trong nước không ai dám nói, đi đường chỉ dùng ánh mắt nhìn nhau. Lệ vương vui mừng, bảo Thiệu công rằng: “Ta có thể cấm tuyệt lời chỉ trích rồi, không ai dám nói nữa”. Thiệu công nói: “Ấy là bịt miệng vậy. Đề phòng miệng dân còn hơn phòng lũ. Đê ngăn mà vỡ, thương tổn ắt nhiều, dân cũng như vậy. Thế nên người trị thủy phải cho sông được khơi thông, người trị dân phải cho dân được bày tỏ. Vậy nên thiên tử xử lý chính sự, phải sai công khanh cho tới liệt sĩ dâng thơ, nhạc quan dâng khúc hát, sử quan dâng sách, thái sư dâng bài trâm, kẻ mù dâng bài phú, kẻ thong manh dâng bài tụng, trăm quan can gián, dân chúng truyền lời, cận thần khuyên nhủ, thân thích góp ý, nhạc – sử bảo ban, bô lão chỉnh sửa, rồi vua cân nhắc. Vậy nên chính sự thi hành mới không trái đạo. Dân có miệng cũng như đất có núi sông vậy, của cải từ ấy mà ra; cũng như đất có chỗ phẳng trũng cao thấp, cái ăn cái mặc từ ấy mà ra. Qua lời truyền miệng, thành bại từ ấy rõ rệt. Làm việc tốt, ngừa việc xấu, ấy là cách tạo ra của cải, ăn mặc vậy. Dân suy nghĩ trong lòng mà phát lời ở miệng, chín chắn rồi làm. Nếu bịt miệng họ, liệu được bao lâu?”
Vua không nghe. Thế rồi cả nước chẳng ai dám nói lời nào, ba năm sau theo nhau tạo phản, tấn công Lệ vương. Lệ vương bỏ chạy đến đất Trệ.
(Sử ký của Tư Mã Thiên, Trần Quang Đức dịch)

LÝ LY NƯỚC TẤN THỜI XUÂN THU ĐÃ TỰ KẾT LIỄU ĐỜI MÌNH ĐỂ CHUỘC LỖI VÌ XỬ TỬ OAN NGƯỜI VÔ TỘI 

Sửa chữa lỗi lầm của bản thân là loại tu dưỡng đạo đức mà cổ nhân vô cùng coi trọng. “Biết sửa chữa lỗi lầm” được xem là một phương diện trọng yếu của tu thân và tự xét lại mình của người quân tử.

xuân thu chiến quốc, sửa sai, quân tử,
Người biết sai mà dũng cảm sửa chữa là người đáng trân quý. (Ảnh: Sohu)
Trong “Sử Ký” của Tư Mã Thiên có ghi lại một câu chuyện xưa rất cảm động, đại ý như sau: Vào thời Xuân Thu, ở nước Tấn có một danh thần tên Lý Ly. Một ngày, Lý Ly kiểm tra lại hồ sơ các vụ án thì phát hiện bản thân vì nghe lời xàm tấu của thuộc hạ mà giết lầm người tốt. Sau khi Lý Ly xác định được sai lầm của mình, liền tự phán mình tội chết.

Tấn Văn Công nói: “Chức quan vốn cao thấp bất đồng, hình phạt nặng nhẹ cũng khác nhau. Đây là do sai lầm của thuộc hạ, không phải là tội lỗi của ngươi mà”.
Lý Ly nói: “Thần đảm đương chức quan lớn, chưa từng đem địa vị cao này tặng cho thuộc hạ, thần nhận bổng lộc rất nhiều, cũng chưa từng đem chỗ lương bổng đó phân phát cho cấp dưới. Hôm nay thần xem xét thấy vụ án có tình tiết oan sai, còn khiến một người phải uổng mạng, giờ thần lại đem tội lỗi này đẩy xuống cho cấp dưới, đâu có loại đạo lý như vậy chứ?”.
Lý Ly nhất quyết cự tuyệt mệnh lệnh của Tấn Văn Công. Văn Công nói: “Ngươi nhận định nhận mình có tội, như vậy ta chẳng phải cũng có tội sao?”
Lý Ly nói: “Quan tòa xử án có pháp quy, hình phạt sai thì phải tự mình chịu hình, giết nhầm người thì phải lấy thân đền mạng. Hiện tại thần xem xét vụ án có oan sai mà giết nhầm người tốt, vậy nên cần phải phán tử tội”. Cuối cùng Lý Ly không tiếp nhận lệnh ân xá của Tấn Văn Công mà rút kiếm tự vận.
Những danh sĩ trọng nghĩa trọng danh thời Xuân Thu nhiều vô số, Lý Ly vào thời đó cũng không phải là quá nổi danh, ông cũng chỉ là một vị quan nhỏ của nước Tấn. Nhưng mỗi khi chúng ta nghĩ đến những án oan thời hiện đại mà nhớ đến chuyện xưa của Lý Ly, thì không thể không thổn thức trong lòng.
xuân thu chiến quốc, sửa sai, quân tử,
Quân tử dám làm dám chịu, sẽ không tìm cách chối bỏ trách nhiệm của bản thân mình. (Ảnh: Soundofhope)
Cổ nhân coi trọng người biết sửa sai
Cổ nhân cho rằng, dù là bậc thánh hiền đi nữa thì cũng khó có thể không mắc lỗi lầm. Điều quan trọng nhất là biết sai mà dũng cảm sửa chữa. Người biết sai mà dũng cảm sửa chữa là người đáng trân quý.
Trong “Tả truyện” viết: “Nhân thùy vô quá. Quá nhi năng cải, thiện mạc đại yên”, tức là con người ai không có lỗi lầm? Có lỗi mà có thể sửa thì chẳng gì tốt đẹp bằng. Còn nếu có lỗi mà không muốn sửa thì chính là phạm thêm một tầng sai lầm trầm trọng. Đúng như lời Khổng Tử nói: “Quá nhi bất cảithị vị quá hĩ”, đã sai mà không chịu sửa, vậy mới gọi là sai.
“Cải sửa” là tích cực tu chỉnh lại hành vi sai trái của bản thân cho nên rất đáng được khen ngợi. Học trò của Khổng Tử là Tử Lộ từng nói: “Vui mừng được nghe lời góp ý của mọi người!”. Người có tâm muốn cải sửa lỗi lầm thì nên là giống như thế. Một người chỉ có dũng cảm sửa sai mới có thể không ngừng tu chỉnh lời nói và hành vi của bản thân mình và cuối cùng trở thành một người có đạo đức cao thượng.
Học trò Tử Trương của Khổng Tử nói: “Quân tử chi quá dã, như nhật nguyệt chi thực yên: quá dã, nhân giai kiến chi; canh dã, nhân giai ngưỡng chi”. Ý nói rằng, con người khó tránh khỏi phạm phải lỗi lầm, nhất là lỗi của người quân tử thì càng giống như nhật thực, nguyệt thực, người khác dễ dàng thấy rõ.
Đối với khuyết điểm, sai trái của bản thân mà người quân tử có thể sửa chữa được thì mọi người sẽ vẫn ngưỡng mộ họ như trước. Một người nếu biết sai trái mà không sửa, còn cố tình che giấu thì không chỉ không bảo vệ được sự tôn nghiêm của bản thân mà còn khiến người khác xem thường.
Tuệ Tâm

(Từ blog.Phamviedao5)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét