" Tơi bời ong bướm bay qua ngõ,
Mới biết màu xuân ở xóm ngoài "!
Tất cả vạn vật đều bừng lên sức sống trong mùa xuân của thiên nhiên mà không có một sức mạnh nào có thể kìm chế được, cho dù sức mạnh đó mang danh nghĩa của mùa xuân ! Bài thơ Du Viên Bất Trực của Diệp Thiệu Ông đời Tống nói lên cái tinh thần bức phá xé rào đó !
遊園不值 DU VIÊN BẤT TRỰC
應憐屐齒印蒼苔, Ưng lân kịch xỉ ấn thương đài,
小扣柴扉久不開。 Tiểu khấu sài phi cửu bất khai.
春色滿園關不住, Xuân sắc mãn viên quan bất trụ.
一枝紅杏出牆來。 Nhất chi hồng hạnh xuất tường lai !
葉紹翁 Diệp Thiệu Ông
CHÚ THÍCH :
TRỰC 值 : là Sẵn Sàng Đáp Ứng, như Trực Nhật, Trực Ban.
là Nhân Dịp, Gặp Gỡ, đây chính là nghĩa trong bài thơ nầy, nên BẤT TRỰC là Không đúng dịp,là Không gặp được.
Khi đọc là TRỊ 值 : thì có nghĩa là Đáng Giá, như Giá Trị, và như câu :" Xuân tiêu nhất khắc TRỊ thiên kim ", có nghĩa : Đêm xuân một khắc Giá Đáng ngàn vàng !
KỊCH XỈ : KỊCH là Guốc, XỈ là Răng. Ở đây chỉ Những cây Đinh được đóng ở dưới guốc để đi cho khỏi trơn trợt.
TIỂU KHẤU : là Gỏ nhẹ.
SÀI PHI : là Cánh cửa làm bằng cây, bằng gỗ. Ta nhớ...
...Sau khi vừa ước hẹn với Kiều, Kim Trọng trở về nhà trọ, thì khi :
Cửa SÀI vừa gở then hoa,
Gia đồng vào gửi thư nhà mới sang...
QUAN 關 : Danh từ có nghĩa là Cái Ải. Động từ có nghĩa là Đóng lại, ở đây có nghĩa là Khóa lại, Nhốt lại.
NGHĨA BÀI THƠ :
DẠO VƯỜN KHÔNG GẶP
Chỉ thương cho đám rêu xanh nên không muốn in cái vết guốc lên trên đó, vì cứ lảng vảng nơi đó gỏ cửa hoài mà cửa nào có mở cho đâu ! ( Muốn khóa cửa lại để giữ hết vẻ xuân sắc trong đó chăng ?! Nhưng xem kìa ...) Xuân sắc đầy cả vườn nhưng nào có khóa giữ nổi đâu, một cành hồng hạnh đã vượt ra khỏi đầu tường để trổ hoa ra ngoài rồi kia kìa !
Trong thời buổi Tống Nho, thì ý tưởng nầy được xem là một hành động bức phá táo bạo, xé rào Nho Giáo để vượt ra ngoài khuôn phép, đồng thời cũng nói lên được cái tính nhân bản vốn có của con người, nhất là về mặt tình cảm, tình yêu... luôn luôn muốn được tự do tự tại chớ không chấp nhận bị gò bó bởi một trói buộc nào cả !
Câu cuối của bài thơ nổi tiếng và được yêu chuộng đến đổi hình thành một thành ngữ là XUẤT TƯỜNG HỒNG HẠNH 出牆紅杏 dùng để chỉ các bà các cô không chịu nổi cảnh phòng không chiếc bóng trong chăn ấm nệm êm mà làm chuyện vượt ra khỏi vòng lễ giáo. Đối với xã hội Trung Hoa còn mang nặng ảnh hưởng của Nho Giáo, thì Xuất Tường Hồng Hạnh là hành động đáng khinh đáng trách, nhưng với xã hội ngày nay, nhất là ở Mỹ nầy, chuyện trai gái quan hệ nhau là chuyện thường tình, không hợp thì ly dị, không thích thì chia tay ... nên cũng it xảy ra chuyện HỒNG HẠNH XUẤT TƯỜNG. Nhưng dù sao thì sống chung thuỷ với nhau vẫn là nền tảng tốt nhất của gia đình và xã hội !....
Bài thơ nầy còn có một dị bản ở câu thứ nhì như sau :
THẬP khấu sài phi CỬU bất khai ! 十扣柴扉九不開。
Có nghĩa :
Gỏ cửa Mười lần thì hết Chín lần là không có mở cửa !
SƠ LƯỢC TIỂU SỬ TÁC GIẢ :
DIỆP THIỆU ÔNG, năm sanh năm mất không rõ, người đời Tống. Tự là TỰ TÔNG, hiệu là Tịnh Dật, ngưởi đất Xử Châu Long Tuyền, thuộc tỉnh Chiết Giang ngày nay. Ông thuộc thi phái Giang Hồ, còn để lại một tập " TỊNH DẬT TIỂU TẬP.
DIỄN NÔM :
DẠO VƯỜN KHÔNG GẶP
Rêu xanh vì sợ ấn dấu hài,
Gõ mãi cửa sài chẳng có ai.
Xuân sắc đầy vườn không giữ nổi,
Vượt tường hồng hạnh trổ ra ngoài !
Lục bát :
Guốc kia dẫm nát rêu xanh,
Cửa sài nhẹ gõ không đành bỏ đi.
Đầy vườn xuân sắc mà chi,
Một cành hồng hạnh trổ khi vượt tường !
一枝紅杏出牆來。 Nhất chi hồng hạnh xuất tường lai
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét