S. Alexievich
Cách đây không lâu, tôi đã là một người rất hạnh phúc. Tại sao ư? tôi
đã quên mất rồi. Giờ thì tôi có cảm tưởng mình đang sống một cuộc sống
khác. Thậm chí tôi còn không hiểu, không biết làm thế nào mà tôi lại có
thể bắt đầu lại cuộc sống của mình một lần nữa.
Lòng ham muốn được sống mà. Nhưng hãy trông tôi đây này. Tôi cười, tôi
nói. Lòng tôi đang rạn vỡ từng mảnh. Toàn thân tôi dường tê liệt. Tôi
rất muốn được chuyện trò với ai đó, nhưng không phải với con người. Tôi
sẽ vào nhà thờ, ở đó rất yên tĩnh, giống như trên những ngọn đồi. Không
gian yên tĩnh đến độ mình có thể quên hẳn cuộc sống hiện tại của chính
mình. Nhưng, vào mỗi buổi sáng, thức dậy, bàn tay tôi sờ soạng quanh
mình – Anh ấy đâu rồi? Cái gối của anh ấy vẫn còn đây, mùi cơ thể anh ấy
vẫn còn vương vất quanh quẩn. Ngoài kia có con chim nhỏ bé đang nhẩy
qua nhẩy lại trên tấm mành cửa sổ kêu ríu rít những âm thanh nhẹ nhàng
như tiếng chuông làm tôi thức giấc. Tôi chưa bao giờ nghe thấy cái âm
thanh ấy, tiếng kêu ấy. Anh ấy đâu rồi? Tôi không thể nhớ được gì, nói
được gì về tất cả những chuyện đã xẩy ra. Tôi còn không hiểu được làm
sao mà mình có thể sống sót đến hôm nay. Buổi chiều, con gái tôi bảo mẹ:
“mẹ, con đã làm xong bài tập hôm nay rồi.”. Đó là lúc tôi nhớ lại mình
đã có con cái. Nhưng mà anh ấy đâu rồi? “mẹ ơi, cái áo của con đứt cúc
rồi. Mẹ giúp con khâu lại được không?”. Làm sao tôi có thể đi theo anh
ấy, đoàn tụ với anh ấy? Tôi nhắm mắt lại, nghĩ đến anh ấy cho đến khi
thiếp ngủ đi. Anh ấy hiện ra trong giấc ngủ của tôi, nhưng nhanh qúa,
như những ánh chớp loé lên rồi tắt. Rồi anh biến mất hẳn. Tôi vẫn còn
nghe được tiếng bước chân anh quen thuộc. Nhưng anh ấy đi đâu thế nhỉ?
Đi đâu vậy? Anh ấy hoàn toàn không muốn chết. Anh nhìn ra ngoài cửa sổ,
rồi ngước lên nhìn bầu trời. Tôi kê một cái gối dưới đầu anh, rồi hai
cái gối, rồi cái thứ ba. Để anh ấy có thể ngước cao hơn nữa. Anh ấy chết
đã lâu lắm rồi. Cả năm nay rồi. Chúng tôi không thể nào sống cách xa
nhau được. {Chị im lặng một lúc thật lâu}.
Ồ không, bà không phải lo lắng, tôi sẽ không khóc nữa đâu. Tôi muốn
được tiếp tục trò chuyện mà. Tôi không thể tự đánh lừa mình rằng đã
không thể nhớ được điều gì, như nhiều người khác đã làm. Như một người
bạn của tôi đã làm. Chồng tôi và chồng chị ấy chết cùng năm. Cả hai đã ở
Chernobyl với nhau. Vậy mà giờ thì chị ấy đang chuẩn bị tái giá. Tôi
không hề có ý định buộc tội bạn mình – Cuộc sống thì như vậy mà. Người
ta cần phải sinh tồn. Chị ấy còn con nhỏ.
Anh ấy đi Chernobyl ngay vào hôm sinh nhật của tôi. Chúng tôi có mời
bạn bè đến. Tại bàn tiệc, anh ấy xin lỗi mọi người. Rồi hôn tôi từ biệt.
Ngoài cửa, đã có chiếc xe nổ máy chờ anh ấy bước lên.
Hôm đó là ngày 19 tháng 10 năm 1986. Ngày sinh nhật của tôi. Anh ấy
là một công nhân xây dựng, đã từng đi công tác gần như khắp các nước
thuộc khối liên bang Xô Viết. Tôi ở nhà chờ chồng về. Cứ thế, chúng tôi
sống qua bao nhiêu năm – như những con chim nhỏ. Chúng tôi chia tay, rồi
chúng tôi lại đoàn tụ. Nhưng, lần này – một nỗi sợ hãi kỳ lạ thoáng đến
với mẹ tôi, mẹ của anh ấy, và cả hai chúng tôi nữa, nhưng chúng tôi đã
không để ý đến. Tại sao lúc ấy chúng tôi không để ý đến điều ấy nhỉ?
Chúng tôi biết nơi anh ấy sẽ đến. Lẽ ra tôi có thể qua nhà cậu bé hàng
xóm, mượn quyển sách giáo khoa Vật lý lớp 10 của cậu và lật ra coi. Anh
ấy thậm chí không đội mũ. Tất cả những người đi cùng với anh ấy rụng hết
tóc sau một năm, nhưng riêng anh tóc lại mọc rất rậm, như bờm của con
ngựa. Giờ thì chẳng còn ai trong số những người ấy sống sót cả. Nguyên
nhóm của anh ấy, cả thẩy 7 người, đều đã chết. Khi còn rất trẻ. Người
này nối đuôi theo người kia. Người thứ nhất chết sau 3 năm trở về từ
Chernobyl. Chúng tôi bảo: chỉ ngẫu nhiên thôi mà. Số phận ai người ấy
chịu. Rồi đến người thứ hai, người thứ ba, người thứ bốn. Những người
còn lại bắt đầu chờ đến lượt mình. Đấy, họ sống như thế đấy. Chồng tôi
là người chết sau cùng. Anh ấy luôn làm việc ở trên cao. Nhiệm vụ của
anh là tắt những công tắc điện ở những ngôi làng dân chúng đã di tản,
leo lên những cột điện vắt qua những căn nhà chết, những cây chết, lúc
nào anh cũng ở trên cao. Anh ấy cao gần hai mét, nặng gần 90 kí lô –
liệu có ai giết nổi anh ấy? {Bỗng nhiên, chị cười mỉm}.
Ôi, lúc ấy tôi hạnh phúc biết bao – khi anh trở về. Chúng tôi mở
tiệc. Chúng tôi luôn tổ chức tiệc mỗi khi anh ấy đi xa trở về. Tôi có
cái áo đầm ngủ dài, rất đẹp, đêm ấy tôi mặc nó. Tôi vốn thích loại đồ
lót mắc tiền, nên những thứ tôi có đều rất xinh xắn, nhưng chiếc áo đầm
ngủ này thì đặc biệt – chỉ để dành cho những dịp đặc biệt. Như đêm đầu
tiên mỗi khi anh ấy đi xa về. Tôi thuộc lòng từng đường nét trên cơ thể
chồng tôi, không sót một chỗ nào. Chỗ nào tôi cũng đã từng hôn hít. Có
khi tôi mơ thấy mình là một phần thân thể của chồng tôi, phần không thể
nào tách rời được. Thế nên, mỗi lần anh ấy đi xa, tôi cảm thấy nhớ
nhung, nỗi nhớ làm thân thể tôi trở nên đau đớn, khó chịu.Thế nên, mỗi
lần chúng tôi chia tay, tôi phải mất một thời gian ngơ ngơ ngác ngác,
thậm chí không nhớ con đường nhà mình ở, không nhớ đến cả thời gian đang
trôi qua.
Khi anh ấy từ Chernobyl trở về, trên cơ thể nổi lên nhiều hạch. Chúng
tuy rất nhỏ, nhưng tôi nghe được chúng qua môi của mình. Tôi bảo: “Anh
sẽ phải đi bác sĩ khám xem sao anh nhỉ?”. Nhưng anh ấy trấn an tôi: “Rồi
chúng sẽ biến mất thôi.” “Ở Chernobyl tình hình như thế nào?” “Chỉ là
những công việc bình thường thôi.” Không ra vẻ can đảm, cũng không tỏ
nét hoảng sợ. Tôi moi được chỉ duy nhất một điều từ anh ấy: “Ở đây thế
nào thì ở đó cũng vậy.”. Trong nhà ăn, ở tầng một dành cho các công nhân
bình thường, thì thức ăn là mì và các lọai thực phẩm đóng hộp khác. Còn
ở tầng hai dành cho các quan chức và các tướng lãnh thì người ta phục
vụ trái cây tươi, rượu vang đỏ, nước khoáng đóng chai. Ở tầng trên thì
bàn ăn phủ khăn sạch, và mỗi người đều có một cái máy đo độ nhiễm xạ.
Trong khi đó thì cả một trung đoàn công nhân bình thường cũng không được
cấp một cái máy đo.
Ôi, lúc ấy tôi hạnh phúc biết bao! Chúng tôi vẫn còn cùng nhau đi tắm
biển. Biển cũng như bầu trời, chỗ nào cũng có biển. Cô bạn tôi cũng đã
đi biển với chồng của mình. Cô ấy bảo biển bẩn quá – “Bọn mình sợ bị
dịch tả.”. Quả đúng là lúc ấy báo chí có nói về việc đó. Nhưng tôi lại
chỉ nhớ những gì tốt đẹp đã xẩy ra với tôi. Tôi nhớ chỗ nào cũng có
biển, như bầu trời vậy. Trên xanh, dưới cũng xanh. Và tôi luôn có anh ấy
bên cạnh.
Tôi sinh ra chỉ để yêu. Ở trường tôi, bọn con gái đứa nào cũng mơ ước
vào đại học, hoặc được tham dự các chuyến đi dã ngoại của đoàn thanh
niên Cộng Sản. Riêng tôi, tôi chỉ mơ ước được lấy chồng. Tôi muốn được
yêu thương một ai đó, yêu thương một cách mãnh liệt, giống như Natasha
Rostov (1). Chỉ yêu thôi. Nhưng tôi phải giữ kín mơ ước của mình. Vì lúc
ấy chúng tôi chỉ được phép mơ ước tham dự những chuyến đi công tác với
đoàn thanh niên mà thôi. Người ta dạy chúng tôi thế. Mọi người xếp hàng
để ghi tên đi Siberia, đi vào những khu rừng rậm chưa có người bước chân
đến. Tôi còn nhớ một bài hát thông dụng hồi ấy: “Vượt qua sương mù và
bay trên hương rừng taiga”. Năm thứ nhất khi vừa tốt nghiệp trung học,
tôi không vào đại học được vì bài thi không đủ điểm. Tôi đi làm ở trạm
thông tin. Chính ở đây tôi gặp anh ấy. Tôi tự mình đến van xin anh:
“Hãy cưới em đi, em yêu anh nhiều lắm!”. Tình yêu anh ấy đã choáng ngợp
cả người tôi đến tận mang tai. Đó là một chàng thanh niên vô cùng điển
trai. Tôi như lâng lâng trên chín tầng trời. Tôi đã tự mình van vỉ: “hãy
cưới em đi anh!”. {Mỉm cười}.
Có lúc tôi suy nghĩ đến cái chết của chồng và tìm cách để tự làm mình
phấn khởi yêu đời hơn – những ý nghĩ chẳng hạn như, có thể chết không
phải là chấm hết mọi chuyện, và anh ấy chỉ biến hình cách nào đó và sống
trong một thế giới khác. Hiện tôi đang làm việc ở một thư viện, có dịp
đọc rất nhiều sách và gặp gỡ nhiều người khác nhau. Tôi chỉ muốn bàn
luận về cái chết, để có thể hiểu được nó. Tôi muốn tìm sự an ủi. Nếu
những quyển sách, những bài báo, nói về cái chết, tôi sẽ đọc. Nếu một
cuốn phim, một vở kịch, có đề tài về sự chết, tôi sẽ đi xem. Sống không
có anh ấy, thân xác tôi dằn vặt đau đớn – Tôi không chịu được nỗi cô
đơn.
Anh ấy không muốn đi khám bác sĩ. “Anh có nghe thấy gì đâu. Cũng
không cảm thấy đau đớn chút nào cả!”. Nhưng những cục hạch đã lớn gần
bằng quả trứng. Tôi kéo chồng tôi ra xe đến bệnh viện. Họ đề nghị chúng
tôi gặp một bác sĩ chuyên khoa về ung thư. Vị bác sĩ nhìn chồng tôi, rồi
gọi với qua một bác sĩ khác: “Này, mình có thêm một người về từ
Chernobyl đây này.”. Sau đó, người ta không cho anh ấy về nhà. Tuần kế
tiếp, họ làm giải phẫu để cắt bỏ tuyến giáp ở cổ và thanh quản rồi đút
vào trong cổ anh ấy những ống nghiệm. Đúng rồi . . . {cô ta im lặng}. Phải
rồi. Giờ thì tôi biết đó là những khoảng thời gian hạnh phúc. Trời ơi!
tôi nhớ lại những việc tôi tự bắt mình phải làm – chạy từ cửa hàng này
sang cửa hàng khác tìm mua quà cáp cho các bác sĩ, những hộp kẹo
chocolate, những chai rượu nhập cảng. Tôi biếu chocolate cho các y tá
nữa. Họ sẵn lòng nhận quà. Còn anh ấy thì cười nhạo tôi: “Thấy chưa, họ
đâu có phải là thần thánh. Không có kẹo thì họ cũng vẫn cho chạy chemo,
chiếu điện cho anh đấy!”. Nhưng tôi vẫn sục sạo sang cả phía bên kia
thành phố để tìm mua bánh cake phủ kem hoặc nước hoa nhập từ Pháp. Thời
buổi ấy bà không thể nào mua được những thứ đó nếu bà không quen biết
một ai vì chúng không bao giờ được bầy ra trên các kệ hàng. Đó là những
gì xẩy ra trước khi anh ấy được cho về.
Rồi thì họ cũng cho chồng tôi về nhà. Bác sĩ đưa cho tôi một cây kim
đặc biệt và hướng dẫn cách sử dụng. Nhiệm vụ của tôi là cho anh ấy ăn
uống qua cái kim đặc biệt ấy. Tôi phải học để tự tay làm mọi thứ cho
chồng. Một ngày bốn lần, tôi nấu thức ăn tươi – tất cả thực phẩm phải
còn tươi – xong cho vào máy xay thịt nghiền nát, rồi dùng một vật có
chức năng như cái phễu để rót thứ chất lỏng thực phẩm ấy vào cây kim.
Tôi cho đầu kim vào cái ống nghiệm lớn nhất, bơm thức ăn qua ống nghiệm
để nó chảy xuống tới bao tử của chồng. Nhưng đến lúc ấy thì anh ấy không
còn cảm giác gì gì nữa. Tôi hỏi: “Anh thấy nó ra sao?”. Chồng tôi không
còn biết nó có vị gì nữa.
Chúng tôi cũng có vài lần đi xem phim chung. Trong rạp, chúng tôi hôn
nhau. Hạnh phúc của vợ chồng tôi lúc ấy như được treo bằng một sợi chỉ
rất mong manh, nhưng chúng tôi tưởng cuộc sống đã lại quay về như ngày
xưa. Chúng tôi tránh né không nói gì về Chernobyl, cố không nhớ gì về
nó. Đó là một đề tài bị nghiêm cấm. Tôi không để anh ấy trả lời điện
thoại, nếu có tôi cũng tìm cách cắt ngang. Tất cả những người cùng làm
việc ở Chernobyl với chồng tôi đều đã lần lượt qua đời. Đó là một đề tài
bị nghiêm cấm. Thế rồi, một buổi sáng, tôi đánh thức anh ấy dậy đưa cho
chiếc áo choàng mặc ngoài, nhưng anh ấy không thể tự mình ra khỏi
giường được nữa. Cũng không nói được thêm lời nào. Chồng tôi đã mất khả
năng nói. Đôi mắt anh ấy mở trừng trừng. Đó là dấu hiệu anh sợ hãi tột
cùng. Phải rồi . . . {Cô ấy lại im lặng}.
Sau đó thì chúng tôi chỉ còn được một năm. Trong suốt năm cuối cùng
ấy, chồng tôi tiến gần đến cái chết từng ngày một. Mỗi ngày qua đi, sức
khỏe chồng tôi thêm suy nhược, và anh không biết rằng các bạn mình cũng
đang sắp sửa ra đi như mình. Cuộc sống của chúng tôi những ngày tháng ấy
là như thế, chúng tôi phải chịu đựng nó, phải chịu đựng điều không thể
chịu đựng. Bởi vì chúng tôi không biết sự mình phải chịu đựng là gì.
Người ta nói: “Chernobyl”, người ta viết: “Chernobyl”, nhưng không biết
được nó có ý nghĩa gì. Có cái gì đó thật đáng sợ mở ra trước mặt chúng
tôi. Chúng tôi khác biệt nhau về nhiều thứ: chúng tôi sinh ra không
giống nhau, chết đi cũng không giống nhau. Nếu bà hỏi tôi, sau biến cố
Chernobyl người ta chết như thế nào? Con người mà tôi yêu thương hơn bất
cứ ai trên cõi đời này, yêu thương đến nỗi không thể nào yêu thương hơn
được nữa dù cho tôi có đẻ ra người ấy – đã biến thành một con quỷ ngay
trước mắt tôi. Người ta đã cắt bỏ đi những cục hạch, nên máu lưu thông
trong cơ thể bị đứt đoạn. Và rồi mũi của anh ấy như bị méo đi, sưng to
gấp 3 lần bình thường. Mắt anh ấy cũng khác, dường như chúng nhìn về hai
hướng khác nhau, thêm một thứ ánh sáng lạ lùng chiếu trong đó, với
những biểu lộ mà tôi chưa từng thấy bao giờ. Như thể chồng tôi không còn
là mình nữa, mà là một người khác từ trong đó nhìn ra. Rồi từ từ, một
mắt đã khép lại vĩnh viễn.
Khi ấy, điều gì làm tôi sợ nhất? Tôi sợ chồng tôi nhìn thấy được
chính hình hài của mình.Anh ấy yêu cầu tôi, bằng cách dùng tay ra dấu,
hãy đem đến cho anh tấm gương. Tôi chỉ biết bỏ vào bếp, như thể tôi đã
quên yêu cầu của chồng, hay giả vờ như không nghe, không thấy, không
biết. Tôi chỉ lừa được chồng có hai ngày. Ngày thứ ba, anh ấy viết trên
quyển sổ bằng nét chữ khổ lớn và ba dấu chấm than: “Đem gương đến
đây!!!”.Chúng quanh anh ấy có đủ giấy, bút chì, bút mực, để chúng tôi có
thể chuyện trò với nhau, vì anh ấy thậm chí không thể nói ra thành lời,
dù chỉ thì thầm. Anh ấy đã hoàn toàn mất tiếng. Tôi lại chạy vào bếp,
khua nồi khua chảo loảng xỏang, làm như tôi không đọc được chữ viết của
anh ấy, hay không hiểu anh ấy muốn gì. Chồng tôi lại viết nữa: “Đem
gương đến đây !!!”.
Với những dấu chấm than rõ ràng.
Vậy là tôi phải mang gương đến cho anh ấy, cái gương nhỏ nhất. Chồng
tôi nhìn mặt mình trong gương, rồi hai tay anh ấy ôm lấy đầu, liên tục
đập mạnh xuống giường. Tôi tìm cách an ủi chồng – “ngay khi anh khỏe hơn
một chút, chúng mình sẽ về quê, về một nơi không còn ai ở đó. Chúng
mình sẽ mua một căn nhà nhỏ để sống ở đó, nếu anh không muốn sống ở
thành thị đông người. Mình chỉ sống với mình thôi anh nhé!”. Tôi nói
thật đấy. Tôi sẵn sàng đi với anh ấy đến cùng trời cuối đất, bất cứ nơi
nào chồng tôi muốn. Với tôi, anh ấy là tất cả. Tôi nói thật đấy.
Tôi sẽ cố để không nhớ những gì tôi không muốn nhớ. Nhưng mọi chuyện
đã xẩy ra rồi. Tôi bắt đầu nhìn xa hơn thực tại này, có thể xa hơn cả sự
chết. {Ngừng nói}.
Ngày ấy, khi mới gặp nhau, tôi 16 tuổi, còn anh ấy lớn hơn tôi 7
tuổi. Chúng tôi hẹn hò với nhau trong 2 năm. Tôi đã yêu vô cùng con
đường Volodarkoro ở thành phố Minsk, chỗ gần nhà bưu điện, ngay phía
dưới cái đồng hồ thật lớn là nơi thường xuyên gặp gỡ của chúng tôi. Nhà
tôi ở sát khu kỹ nghệ tệ nhất thành phố, nên mỗi ngày tôi leo lên chiếc
xe bus số 5. Xe không ngừng gần nhà bưu điện mà đi xa hơn một quãng tới
chỗ tiệm bán quần áo trẻ con. Tôi luôn luôn cố ý đi trễ để khi lên xe
bus, anh ấy đã có mặt ở đó rồi, với ý tưởng trong đầu là một chàng thật
đẹp trai đang ngồi đợi mình. Trong hai năm trời hò hẹn ấy, tôi chẳng còn
để ý thứ gì khác, không cần biết thời gian là mùa đông hay mùa hè.
Chúng tôi đi xem nhạc, đi xem Edit Piekha (2), ca sĩ tôi mê nhất. Chúng
tôi không bao giờ đi khiêu vũ vì anh ấy không biết nhẩy. Chúng tôi hôn
nhau, chỉ hôn nhau thôi. Anh ấy gọi tôi “bé của anh”. Ngày sinh nhật
tôi, chính là ở ngày sinh nhật của tôi, tuy hơi kỳ lạ, nhưng những gì
quan trọng nhất đời tôi đều xẩy ra vào ngày ấy, dù tôi cố không tin rằng
số phận đã định như vậy. Hôm ấy, tôi chờ anh ấy ở dưới chiếc đồng hồ
lớn. Chúng tôi hẹn gặp nhau lúc 5 giờ. Đến 6 giờ, vẫn không thấy bóng
dáng của anh ấy, tôi bồn chồn xao xuyến, nước mắt đoanh tròng tôi bước
qua đường đi lang thang về phía trạm xe bus. Bỗng nhiên tôi cảm thấy một
điều gì khiến tôi phải nhìn quanh – Kìa, anh ấy đang đuổi theo tôi, bất
chấp đèn đỏ băng qua đường, trên người vẫn còn nguyên bộ quần áo và đôi
ủng mặc đi làm. Tôi thích nhìn anh ấy trong bộ trang phục đi làm, hay
lúc anh khoác chiếc áo ngoài của thợ săn, bên trong là áo sơ mi của thủy
thủ – mà dường như anh ấy mặc gì cũng đẹp. Chúng tôi về nhà anh ấy để
anh thay quần áo, và sau đó quyết định mừng sinh nhật của tôi tại một
nhà hàng. Nhưng lúc ấy là buổi chiều, nhà hàng nào cũng đông, muốn có
chỗ ngồi phải biết hối lộ người quản lý. Nhưng cả hai chúng tôi không ai
biết phải làm như vậy.
Anh ấy bảo tôi: “Thế này nhé, mình sẽ mua chai sâm banh, cái bánh
sinh nhật rồi vào công viên bày ra mừng sinh nhật em ở đó.”. Chúng tôi
ngồi dưới những vì sao, dưới bầu trời mênh mông. Anh ấy là như vậy đấy.
Cứ thế, chúng tôi ngồi bên nhau ở công viên Gorky cho đến sáng. Sau đó,
chưa bao giờ tôi được hưởng một ngày sinh nhật như thế. Đó cũng là khi
tôi nói với anh ấy: “Hãy cưới em đi anh! Em yêu anh quá đỗi!”. Anh ấy
cười lớn: “Nhưng em còn nhỏ xíu mà!”. Dù vậy, ngay hôm sau, chúng tôi đi
làm giấy tờ kết hôn.
Lúc ấy tôi thật hạnh phúc! Bất kể có ai bảo tôi làm khác đi, dù người
ấy ở tận trên trời cao, tôi cũng sẽ không bao giờ nghe theo. Hôm lễ
cưới, anh ấy không tìm thấy giấy thông hành của mình. Chúng tôi lật tung
cả nhà lên để tìm. Cuối cùng, người ta tạm thời viết xác nhận hai chúng
tôi lấy nhau trên một mảnh giấy. Mẹ tôi khóc: “Con gái ơi, điềm xấu
đấy!”. Sau đó, chúng tôi tìm thấy giấy tờ của anh ấy để trong túi chiếc
quần cũ vất trên kho chứa đồ ở mái hè. Tình yêu! Không, đó không phải là
tình yêu, mà là một sự trượt ngã rất lâu trong biển tình.
Hồi đó, tôi hay nhảy múa trước gương mỗi sáng thức dậy. Tôi trẻ. Tôi
đẹp. Chồng tôi yêu thương tôi. Giờ thì tôi đã quên mất khuôn mặt tươi
trẻ của mình, khi còn hạnh phúc bên chồng. Khuôn mặt ấy đã không bao giờ
còn được nhìn thấy trong gương nữa.
Liệu tôi có thể nói về chuyện này được không? Nói rõ ràng bằng lời
nói? Đó là những điều thầm kín, cho đến giờ tôi vẫn không hiểu được.
Ngay trong tháng cuối cùng của đời mình, ban đêm anh ấy vẫn gọi tôi vào.
Anh ấy cảm thấy thèm khát. Anh ấy yêu tôi mãnh liệt hơn cả trước đây
khi còn mạnh khỏe. Ban ngày, tôi nhìn chồng, không thể tin được những gì
xẩy ra trong đêm. Chúng tôi không muốn xa nhau.Tôi ve vuốt thân thể
chồng, tôi cuồng nhiệt đón nhận chồng. Vào những khoảnh khắc như vậy,
tôi nhớ đến những ngày hạnh phúc nhất của chúng tôi. Chẳng hạn như lúc
anh ấy trở về từ Kamchatka với bộ râu quai nón mọc rậm từ khi còn ở đó.
Hoặc hôm sinh nhật của tôi trên ghế đá công viên Gorky “Hãy cưới em đi
anh!”. Tôi có cần phải nhắc lại những khoảng thời gian hạnh phúc ấy
không? Tôi có nên không? Tôi đã đến với anh ấy bằng phong cách của một
người đàn ông đến với một người đàn bà. Liệu tôi có thể cho anh ấy được
điều gì ngoài thuốc men chữa chạy? Hy vọng chăng? Chồng tôi không muốn
chết mà!
Tôi không nói cho mẹ tôi biết gì về anh ấy hết. Bà sẽ không thể hiểu
được. Bà sẽ trách cứ tôi, sẽ nguyền rủa chúng tôi. Bởi vì anh ấy không
phải mắc một chứng ung thư bình thường vốn ai cũng đã sợ hãi, mà còn là
ung thư Chernobyl, thứ ung thư còn đáng sợ hơn. Các bác sĩ bảo: Nếu
những khối u tạo di căn bên trong cơ thể, anh ấy sẽ chết nhanh chóng.
Nhưng ngược lại, chúng lan khắp cơ thể, lên tới mặt. Những vết nám đen
xuất hiện đầy trên người chồng tôi. Rồi cái cằm đi đâu không biết, cổ
cũng biến mất, lưỡi rơi ra ngoài. Các mạch máu ở cổ, ở má, ở tai phồng
lên, rồi vỡ ra làm chảy máu. Chỗ nào trên cơ thể chồng tôi cũng đều có
những vết nứt làm chảy máu. Tôi lấy khăn thấm nước lạnh, đắp vào những
chỗ chảy máu, nhưng cũng không giúp ích được gì hơn. Gối anh ấy dùng kê
đầu ướt đẫm cả máu. Tôi lấy cái chậu từ phòng tắm ra hứng, như hứng sữa
người ta vắt. Âm thanh ấy sao mà an bình và đậm nét thôn dã đến như thế.
Bây giờ, thỉnh thoảng vào ban đêm tôi còn nghe lại được âm thanh ấy.
Những khi chồng tôi tỉnh táo, hễ nghe anh ấy vỗ tay, là tôi hiểu tín
hiệu: gọi xe cứu thương. Chồng tôi không muốn chết. Anh ấy mới có 45
tuổi. Tôi gọi số cấp cứu, họ đã quá quen thuộc với chúng tôi, nên không
đến. Họ bảo: “Chúng tôi không còn có thể làm gì được cho chồng của chị
nữa.”. Cứ cho anh ấy một mũi chích. Một mũi thuốc giảm đau cực mạnh. Tôi
đã học được cách làm công việc này, nhưng vẫn để lại trên da những vết
bầm tím .
Có lần, tôi tìm cách gọi được xe cứu thương đến, đi theo có một viên
bác sĩ trẻ tuổi. Anh ta đến gần, nhìn chồng tôi rồi như bị dội ngược
lại, hỏi: “Xin lỗi chị nhé, anh ấy không phải đã ở Chernobyl chứ?”. Tôi
nói: “Phải, chồng tôi là một trong số những người đã ở Chernobyl.”. Tôi
không cường điệu thêm chút nào hết, viên bác sĩ kêu lên như khóc: “Ôi,
chị ơi, nếu vậy thì hãy để cho anh ấy chết càng sớm càng tốt! Tôi đã
chứng kiến những người ở Chernobyl về chết như thế nào rồi!”. Trong khi
đó, chồng tôi vẫn còn tỉnh táo, anh ấy nghe hết những gì viên bác sĩ trẻ
nói. Nhưng ít nhất, anh ấy không biết, không đoán được anh ấy là người
duy nhất trong đội công tác Chernobyl của mình còn sống đến giờ này.
Lần khác, có chị y tá từ bệnh viện đến thăm bệnh. Cô ta chỉ đứng
ngoài cửa phòng, không chịu bước vào. “Xin lỗi, tôi không thể làm gì
được!”. Còn tôi thì sao? tôi làm được gì ư? Tôi có thể nghĩ được gì nào?
Nghĩ ra cách để cứu chồng mình chăng? Anh ấy kêu la suốt ngày vì đau
đớn. Ngày nào cũng thế. Cuối cùng tôi nghĩ ra một cách: tôi lấy ống kim
chích hút đầy rượu vodka rồi chích vào cho anh ấy. Anh ấy say ngủ, quên
đi cơn đau đớn thể xác. Thực ra, tôi không tự mình nghĩ ra được cách
này. Mấy chị vợ bạn đã mách cho tôi. Họ cũng đã từng trải qua hoàn cảnh
giống hệt như tôi.
Mẹ chồng tôi đến trách cứ: “Sao con lại để cho nó đi Chernobyl? Con
có thể làm chuyện đó được ư?”. Lúc đó, tôi không hề nghĩ rằng mình có
thể cản được anh ấy không đi, và với chính anh ấy, có lẽ anh ấy cũng
không nghĩ rằng mình có thể từ chối. Lúc ấy không phải như bây giờ, thời
chiến tranh mà. Có lần tôi hỏi chồng tôi: “Giờ thì anh có hối hận vì
mình đã đi Chernobyl không?”. Chồng tôi lắc đầu, không! Anh ấy viết
trong quyển sổ nhỏ: “Khi anh chết, hãy bán chiếc xe và cái vỏ dự trữ, và
không được tái giá với Tolik.”. Tolik là em trai chồng tôi. Anh ta cũng
thích tôi lắm.
Còn những điều này nữa – tôi ngồi bên cạnh chồng, cho đến khi anh ấy
thiếp ngủ đi. Anh ấy có mái tóc rất đẹp. Tôi lấy kéo, lặng lẽ cắt một
lọn tóc nhỏ của anh. Đột nhiên chồng tôi mở mắt, thấy lọn tóc trên tay
tôi, anh ấy chỉ mỉm cười. Hiện tôi vẫn còn giữ lại của anh ấy chiếc đồng
hồ, thẻ căn cước quân đội, và tấm huy chương từ Chernobyl. {Cô ta im lặng}.
Tôi đã có những ngày thật hạnh phúc. Trong nhiều giờ liền, tôi ngồi
trong phòng sản phụ, tôi nhớ, mình ngồi sát bên cửa sổ, ngóng đợi chồng
mình đến thăm. Nhiều khi tôi không hiểu nổi chính mình. Tôi bị cái gì ám
vậy? Tôi không bao giờ cảm thấy đủ khi nhìn ngắm chồng. Tôi đã hình
dung đến ngày rồi mọi việc sẽ chấm dứt. Buổi sáng, tôi sửa soạn thức ăn
cho anh ấy rồi cứ ngây người ngồi nhìn chồng ăn, rồi ngắm chồng cạo râu,
ngắm chồng ra khỏi nhà bước xuống đường phố. Tôi là một quản thủ thư
viện giỏi, nhưng tôi không bao giờ hiểu được người ta yêu thích công
việc của mình như thế nào. Riêng tôi, tôi chỉ biết yêu chồng tôi. Chỉ
chồng tôi thôi. Tôi không thể sống không có anh ấy. Đêm nào tôi cũng gào
thét, khóc than. Khi ấy, tôi cắn chặt gối, để các con tôi không nghe
thấy.
Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng chồng tôi sẽ ra khỏi nhà mà không trở về,
rằng chúng tôi sẽ vĩnh viễn cách chia. Mẹ tôi, em chồng tôi, bảo tôi,
một cách bóng gió, rằng các bác sĩ, đại khái họ khuyên, bà biết không,
nói chung, có một nơi gần thủ đô Minsk, một bệnh viện chuyên môn, nơi mà
những trường hợp hết hy vọng như chồng tôi, nơi người ta đưa những
người lính về từ Afghanistan, không chân, không tay đến đó để chăm sóc –
giờ thì ở đó người ta có nhận cả người ở Chernobyl về nữa. Họ van lơn
tôi: Tốt hơn nên đưa anh ấy đến đó, lúc nào cũng có các bác sĩ túc trực.
Tôi không muốn làm việc đó. Không muốn cả nghe nói về việc đó nữa.
Không bảo được tôi, họ quay qua thuyết phục anh ấy. Chồng tôi yêu cầu:
“Đưa anh đến đó đi. Đừng tự tra tấn mình nữa em ạ!”. Trong khi đó thì
tôi gọi điện thoại đến sở làm xin được sử dụng phép nghỉ ốm, hay phép
nghỉ với lý do cá nhân không hưởng lương, vì nghỉ ốm chỉ được dùng để
chăm sóc cho con nhỏ bị bệnh và phép cá nhân thì không quá một tháng.
Còn chồng tôi thì viết đầy cuốn sổ nhỏ, bắt tôi phải hứa sẽ đưa anh ấy
đến bệnh viện chuyên môn gần Minsk. Cuối cùng, tôi lên xe đi viếng địa
điểm cùng với đứa em chồng. Đó là ngôi nhà gỗ rất lớn, nằm ở bìa một
làng có tên Grebenka. Cạnh nhà là một cái giếng cạn. Nhà vệ sinh nằm ở
bên ngoài. Chủ nhà là mấy bà cụ già mặc đồng phục tôn giáo màu đen. Tôi
ngồi lì trong xe, không bước ra ngoài. Đêm hôm đó, tôi hôn anh ấy, hỏi:
“Anh đừng bao giờ bắt em phải hứa đưa anh đến đó. Em nhất quyết sẽ không
để anh đi đâu. Không bao giờ anh nhé!”. Tôi ôm hôn chồng tôi không chừa
một chỗ nào.
Mấy tuần lễ cuối cùng là đáng sợ nhất. Phải mất hàng giờ đồng hồ để
anh ấy đái vào cái thùng nửa lít. Anh ấy cứ cúi mặt xuống vì xấu hổ.Tôi
nói: “Sao anh lại có ý nghĩ như vậy nhỉ?”. Tôi ôm hôn chồng. Ngày cuối
cùng của đời mình, chồng tôi bỗng mở mắt ngồi dậy, mỉm cười và kêu lên:
“Valyushka!”. Là tôi. Anh ấy chết một mình. Mọi người ai cũng chết một
mình. Người ta gọi đến sở cho tôi. “Chúng tôi sẽ mang bằng tưởng lục màu
đỏ đến cho anh ấy.”. Tôi hỏi chồng: “Mấy người bạn anh muốn đến thăm,
họ sẽ trao cho anh bằng tưởng lục.”. Anh ấy lắc đầu: không, bảo họ đừng
đến. Nhưng rồi họ cũng đến, mang theo ít tiền, bằng tưởng lục trong tấm
bìa màu đỏ có in hình Lenin. Tôi cầm lấy và nghĩ thầm “Anh ấy chết cho
cái thứ này đây sao? Báo chí viết rằng, không phải chỉ có Chernobyl, mà
là toàn bộ chủ nghĩa Cộng Sản đã bị nổ tung lên rồi. Sao lại còn có bức
hình này ở đây?”. Mấy người khách muốn nói đôi điều ca tụng với chồng
tôi, nhưng anh ấy đã kéo chăn phủ kín người chỉ còn chừa ra mấy sợi tóc.
Một lúc sau, họ cũng bỏ ra về. Anh ấy sợ gặp mọi người. Chỉ duy nhất
mình tôi là anh ấy không sợ. Khi bỏ xác anh ấy vào quan tài, tôi dùng
hai cái khăn tay để che mặt anh ấy lại. Ai muốn nhìn thì tôi giở khăn
ra. Có một phụ nữ khi nhìn thấy suýt ngất xỉu. Đây là người đã một thời
yêu anh ấy say đắm, và tôi đã từng tỏ ra rất ghen tuông với cô ấy. “Chị
cho tôi được nhìn mặt anh ấy lần cuối!” “Được chứ!”. Tôi không nói cho
cô ta biết rằng khi anh ấy chết, không một ai dám đến gần. Ai cũng sợ
hãi nhìn mặt anh ấy. Theo phong tục của chúng tôi, thân nhân người chết
không được rửa ráy hay mặc quần áo cho người chết. Nhà quàn đã phái đến
hai nhân viên lo công việc này. Họ hỏi xin rượu vodka khi thi hành phần
vụ của mình. Họ bảo tôi: “Chúng tôi đã từng thấy rất nhiều người chết.
Kẻ thì bị đâm nát người, cắt nát mặt, hoặc trẻ em bị thiêu trong hỏa
hoạn. Nhưng chưa bao giờ gặp trường hợp ghê khiếp như thế này. Cái chết
của những người về từ Chernobyl quả là đáng sợ nhất!”. {Tĩnh lặng}. Anh
ấy đã chết và nằm đó, thân xác nóng rực. Nóng đến độ không thể tay
không chạm vào được. Tôi ngưng tất cả các đồng hồ trong nhà lại lúc
chồng tôi chết. Khi ấy là 7 giờ sáng.
Những ngày đầu không có anh ấy. Tôi ngủ li bì suốt trong hai ngày,
không một ai có thể đánh thức tôi dậy được. Lúc tỉnh dậy, tôi chỉ uống
chút nước, không ăn bất cứ thứ gì, rồi lại ngã vật xuống giường. Giờ thì
tôi lại cảm thấy kỳ quái, không thể giải thích được: Làm sao mà tôi có
thể ngủ thiếp như thế được cơ chứ? Khi chồng của bạn tôi hấp hối, anh ta
ném bát đĩa vào vợ, kêu lên: Sao mà cô ấy cứ trẻ, đẹp mãi như thế! Còn
chồng tôi chỉ nhìn tôi, nhìn mãi. Anh ấy viết xuống cuốn sổ: “Khi anh
chết, hãy đem xác anh đi hỏa thiêu. Anh không muốn em phải sợ hãi.”. Tin
đồn đãi rằng, kể cả khi chết rồi, xác những người ở Chernobyl vẫn còn
có thể phát ra những chất phóng xạ. Tôi có đọc được trong báo nói rằng
những ngôi mộ của lính cứu hỏa Chernobyl chết tại bệnh viện Moscow và
chôn ở một nơi gần Moscow là Mitino vẫn còn được coi là có khả năng phát
xạ. Người ta không dám đến gần, cũng không dám chôn cất người thân
chung quanh đó. Người chết rồi lại cũng vẫn sợ người chết. Bởi vì không
một ai hiểu Chernobyl là gì. Họ chỉ phỏng đoán và mang cảm giác mơ hồ.
Chồng tôi có mang về nhà bộ quần áo bảo hộ màu trắng anh ấy mặc khi làm
việc ở Chernobyl cùng với các trang bị chống nhiễm xạ. Bộ quần áo ấy vẫn
được treo trong nhà kho của chúng tôi cho đến khi anh ấy chết. Nhưng mẹ
tôi bảo: “Phải vất tất cả những thứ ấy đi thôi!”. Mẹ tôi sợ. Riêng tôi
muốn giữ lại. Nhưng không được, vì đó là phạm luật, vì chúng tôi có con
nhỏ trong nhà. Vậy nên chúng tôi phải đem tất cả những thứ đó ra ngoài
thành phố và chôn sâu dưới đất. Tôi đã từng đọc rất nhiều sách, tôi sống
với sách, nhưng chưa có quyển sách nào giải thích cho tôi được điều
này. Người ta đưa cho tôi hũ đựng tro cốt của chồng tôi. Tôi không cảm
thấy sợ hãi. Tôi lấy tay lùa lớp tro, cảm thấy có những vật nho nhỏ,
giống như vỏ sò trên bãi cát. Đó là những mảnh xương chậu của chồng tôi.
Tôi đã sờ nắn những di vật của chồng, chưa bao giờ cảm thấy sự hiện
diện của anh ấy, nhưng bây giờ thì tôi cảm thấy dường như anh ấy vẫn còn
quanh quất đâu đây. Tôi nhớ cái đêm sau khi anh ấy chết, tôi ngồi cạnh
xác chồng – bỗng nhiên tôi nhìn thấy một cụm khói bay lên – tôi còn nhìn
thấy cụm khói ấy lần nữa ở lò thiêu – Đó là linh hồn của anh ấy. Không
ai nhìn thấy cụm khói, ngoài tôi ra. Và tôi có cảm tưởng chúng tôi nhìn
thấy nhau thêm một lần cuối cùng.
Tôi đã từng hạnh phúc biết bao! Chồng tôi đi làm việc xa. Tôi ở nhà
đếm từng ngày, từng giờ cho đến khi anh ấy trở về. Thực sự, ở nghĩa cụ
thể, tôi không thể không có anh ấy. Hôm chúng tôi đi thăm em gái anh ấy ở
làng, buổi tối cô ấy bảo: “Em sắp xếp cho anh ngủ ở phòng này, còn chị
thì vào phòng kia.”. Chúng tôi nhìn nhau rồi cười to – chưa bao giờ
chúng tôi nghĩ mình có thể ngủ khác phòng. Tôi không thể thiếu anh ấy
được. Chúng tôi đã từng lén nhà trốn đi với nhau. Em trai anh ấy cũng đã
từng làm vậy. Họ thật giống nhau. Nhưng nếu có ai chạm vào người tôi
bây giờ, hẳn là tôi sẽ chỉ biết khóc. Và khóc.
Ai đã tước anh ấy đi khỏi tôi? Họ lấy quyền gì mà làm thế? Họ đem
đến nhà tôi tờ thông báo trên đầu vắt ngang một vạch đỏ hôm 19 tháng 10
năm 1986, như thể mang đến cho chồng tôi lệnh động viên trong thời
chiến.
{Chúng tôi uống trà với nhau. Cô ấy cho tôi xem những bức ảnh gia
đình, ảnh đám cưới. Khi tôi đứng dậy từ giã, cô ấy chận tôi lại}.
Tôi sẽ sống như thế nào đây? Tôi chưa kể hết mọi chuyện cho bà nghe,
chưa kể đến lúc kết thúc mà. Tôi đã hạnh phúc, hạnh phúc một cách điên
cuồng. Có thể bà không nên viết rõ tên tôi? Có những điều kín đáo –
người ta thường cầu nguyện một cách kín đáo, thì thầm chỉ đủ cho chính
mình nghe .{Ngưng lại}. Không, bà cứ viết tên tôi xuống, để
Chúa được biết. Tôi muốn được hiểu, muốn được biết tại sao chúng ta phải
chịu đau khổ. Để làm gì? Điều gì đã đưa tôi trở lại được với cuộc sống?
Chính con trai tôi đấy. Tôi còn một đứa con trai nữa. Nó bị bệnh từ
nhỏ. Giờ thì nó đã lớn rồi nhưng vẫn nhìn thế giới bằng cặp mắt của một
đứa trẻ, một đứa trẻ 5 tuổi. Tôi muốn được ở bên cạnh con tôi. Tôi hy
vọng mình có thể hoán đổi căn hộ đang ở lấy một nơi gần Novinki hơn, nơi
có bệnh viện tâm thần. Con tôi ở đó. Các bác sĩ bắt buộc như vậy: Nếu
nó sống, nó phải ở trong một bệnh viện tâm thần. Cứ mỗi cuối tuần tôi
đến đó thăm con. Nó chào tôi: “ Bố Misha đâu hả mẹ? Khi nào thì bố đến
thăm con?”. Liệu ai sẽ hỏi tôi câu hỏi đó? Nó vẫn cứ đang chờ bố đến
thăm.
Chúng tôi sẽ cùng nhau chờ anh ấy. Tôi sẽ thì thầm lời cầu nguyện
Chernobyl của mình. Bà thấy không, con tôi nhìn thế giới bằng con mắt
của trẻ thơ.
Valentina Timofeevna Panasevich, vợ một Thanh Lý Viên
Chú Thích :
(1) Natasha Rostov: tên một nhân vật trong tác phẩm Chiến Tranh và Hòa Bình của nhà văn Nga Leo Tolstoy (1828-1910).
(2) Edit Piekha (1937 – ): Nữ ca sĩ người Nga, gốc Ba Lan.
*“Tiếng Vọng từ Chernobyl” của Svetlana Alexievich. Bản Việt
ngữ do T.Vấn & Bạn Hữu thực hiện, dựa trên bản Anh ngữ của Keith
Gessen, Nhà Xuất Bản Dalkey Archive Press –Normal – London 2005.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét