S. Alexievich
Bà cần biết những dữ kiện chi tiết về khoảng thời gian đó? Hay bà chỉ
muốn nghe câu chuyện của riêng tôi? Chẳng hạn như, trước đó tôi không
phải là một nhiếp ảnh gia, thế mà lúc ấy tôi đã cầm lấy máy hình và
chụp, chỉ đơn giản vì tôi mang theo bên mình một cái máy chụp hình.
Giờ thì chụp hình đã trở thành nghề nghiệp của tôi. Dù rất muốn, tôi
vẫn không thể nào rũ bỏ được cái cảm giác mới mẻ từ lúc ấy nó đã bám vào
tôi. Bà có hiểu được không? {Trong lúc vừa nói chuyện, anh ta vừa
trải những tấm hình ra trên bàn, trên ghế, trên bệ cửa sổ: hình những
bông Hướng Dương khổng lồ to cỡ tay lái xe hơi; hình một tổ chim sẻ
trong ngôi làng vắng hoe không còn một bóng người; hình một nghĩa trang
lẻ loi phía bên ngoài treo tấm bảng có hàng chữ: “Độ nhiễm xạ rất cao.
Không được vào.”; hình một chiếc xe đẩy của em bé đậu trên sân cỏ căn
nhà bỏ hoang, các cửa sổ được che đậy kín mít, và trong chiếc xe đẩy có
một con quạ ở tư thế như thể nó đang canh chừng cái tổ của mình; hình
một khung cảnh cổ điển của những con chim sếu đậu trên một cánh đồng trơ
trọi.}.
Người ta hỏi tôi: “Sao anh không chụp ảnh màu? ảnh màu ấy mà!”. Nhưng
Chernobyl, nghĩa đen của nó là một sự cố ảm đạm, đen tối. Chẳng có màu
sắc gì ở đó cả. Còn câu chuyện của tôi? đơn giản nó chính là những chú
thích cho mấy tấm hình này {ngón tay chỉ vào những tấm hình}. Thôi được rồi. Tôi sẽ cố để kể thành lời câu chuyện của tôi, dù thực sự nó nằm ngay ở trong những bức hình này. {Lại dùng ngón tay chỉ vào những bức hình}.
Lúc ấy tôi đang làm ở trong một xí nghiệp, và cũng đang sửa soạn hoàn
tất lớp học hàm thụ về lịch sử ở một trường đại học. Ở xí nghiệp, tôi
là thợ hàn bậc hai. Họ cho lệnh gom chúng tôi lại thành một tổ và khẩn
cấp đưa chúng tôi đi như thể đưa người ra mặt trận.
“Đưa chúng tôi đi đâu đây?”
“Nơi người ta bảo các anh phải đến.”
“Chúng tôi sẽ phải làm gì?”
“Các anh làm điều người ta bảo phải làm.”
“Nhưng chúng tôi là những người thợ xây dựng.”
“Thì các anh cũng sẽ làm công việc xây dựng.”.
Chúng tôi xây những công trình dùng để yểm trợ: Khu giặt dũ, nhà kho,
lều ngủ. Tôi được giao nhiệm vụ rỡ những bao xi măng. Đó là loại xi
măng gì, xuất xứ từ đâu, chúng tôi không ai thắc mắc. Người ta chở đến
thì chúng tôi rỡ xuống. Cứ thế, cả ngày chúng tôi xúc xi măng. Đến cuối
ngày, xi măng bám vào áo quần, vào trang thiết bị bảo hộ, vào đầu tóc
chân tay thành một lớp bọc màu xám kín đến độ chỉ còn nhìn thấy hàm răng
trắng nhỡn của mỗi người. Xong một ngày, chúng tôi cởi ra, rũ sạch lớp
xi măng để hôm sau lại khoác lên người.
Chúng tôi được tham dự những buổi thảo luận chính trị – ở đó, người
ta bảo chúng tôi là những anh hùng, đang hoàn thành nhiệm vụ cho đất
nước như những người lính ngoài mặt trận. Toàn là những thuật ngữ quân
sự. Bec là gì? Curie là gì? Milliroentgen là gì? Chúng tôi hỏi viên chỉ
huy. Ông ta không có câu trả lời, bảo ở học viện quân sự người ta không
dậy chúng tôi những thứ đó. Milli, Micro, chỉ toàn là thứ ký tự của
người Tàu đối với viên chỉ huy của chúng tôi. “Các anh biết những điều
đó để làm gì? Cứ làm theo lệnh. Ở đây các anh là chiến sĩ.”. Phải rồi,
chiến sĩ – chứ không phải tội phạm.
Một ủy ban ghé thăm. Họ bảo: “Thế này nhé! mọi thứ ở đây đều ổn cả.
Độ phóng xạ trong môi trường ở mức an toàn. Nhưng mà cách đây 4 ki lô
mét tình hình rất tồi tệ. Đã có lệnh di tản dân chúng ra khỏi nơi đó.
Nhưng ở đây mọi thứ đều ổn cả.”. Đi theo với ủy ban có một chuyên viên
đo độ nhiễm xạ. Ông ta mở nút vận hành trên cái hộp đeo trên lưng, rồi
với tay huơ một cái ống dài ngang qua những chiếc ủng chúng tôi đang
mặc. Thốt nhiên ông ta nhẩy nhổm qua một bên – đó là thứ phản ứng tự
nhiên mà ông ta không thể tự mình kềm chế được.
Nhưng đây mới là phần thú vị trong câu chuyện dành cho bà, một nhà
văn. Theo bà thì chúng tôi sẽ nhớ việc xẩy ra như vậy trong thời gian
bao lâu? Nhiều lắm là trong vài ngày chứ gì! Người Nga thường thì không
chỉ suy nghĩ cho riêng mình, cho cuộc sống của riêng mình, hãy đồng ý
như thế đã. Không chỉ những chính trị gia của chúng ta không có khả năng
nhìn thấy giá trị của những cá nhân riêng lẻ, mà chính chúng ta cũng
không có khả năng đó. Bà hiểu ý tôi muốn nói gì không? Chúng ta không
được giáo dục để có khả năng đó. Mà là ngược lại. Tất nhiên là ở trong
Khu Cấm mọi người đều uống rượu. Uống rất nhiều. Đêm xuống là không còn
ai tỉnh táo nữa. Sau một hai ly đầu, người ta nhớ vợ, nhớ con, hoặc kể
lể về công ăn việc làm. Hoặc nguyền rủa các ông sếp của họ. Nhưng đến
khi đã cạn một hai chai Vodka, thì điều duy nhất nói đến trong các câu
chuyện là số phận của đất nước và cấu trúc của vũ trụ. Gorbachev và
Ligachev, Stalin. Liệu chúng ta có trở thành được một đế quốc vĩ đại?
Liệu chúng ta có đánh bại được người Mỹ? Thời điểm ấy là năm 1986 – máy
bay của ai tốt hơn, tàu vũ trụ của ai đáng tin cậy hơn? Ừ thì nhà máy
hạt nhân Chernobyl phát nổ, nhưng chúng ta đã đưa được người vào không
gian đầu tiên! Bà hiểu chưa nào? Cứ thế chúng tôi uống rượu, bàn tán cho
đến khi khản cả cổ, cho đến khi trời sáng. Vấn đề là chúng tôi không có
máy đo độ nhiễm xạ, mà người ta cũng không cung cấp cho chúng tôi một
vài loại bột đặc biệt nào đó để phòng khi? Rằng chúng tôi không có máy
giặt để giặt dũ những thứ quần áo bảo hộ mỗi ngày một lần thay vì một
tháng hai lần? Chuyện đó để sau sẽ nói. Hoặc chờ đến giữa câu chuyện đã,
bà nhé! Khỉ thật! chúng tôi được nuôi dưỡng như thế mà!
Rượu Vodka ở đó quý hơn cả vàng. Không dễ gì tìm mua được. Mọi thứ ở
trong các ngôi làng chung quanh chúng tôi đều say xỉn cả: rượu Vodka,
ánh trăng, kem bôi da, dầu sơn móng tay, bình phun. Hãy cứ hình dung lũ
chúng tôi, với cái chai 3 lít đựng ánh trăng, hay một chai nước hoa hiệu
Shipr, thế là đủ để chúng tôi say sưa với những câu chuyện không bao
giờ dứt. Trong chúng tôi có cả các thầy giáo, các kỹ sư này nọ. Chưa kể
còn có các đơn vị tình nguyện quốc tế: Nga, Belarus, Kazakhs, Ukraina
v..v.. Chúng tôi có các buổi tranh luận triết học – với đề tài tại sao
chúng ta lại biến thành tù nhân của chủ nghĩa Duy Vật, và điều ấy giới
hạn chúng ta với tư cách một vật thể của thế giới này, nhưng Chernobyl
vẫn là cánh cổng mở ra cho chúng ta bước vào vô tận. Tôi còn nhớ những
buổi thảo luận về số phận của văn hóa Nga, về sức hút của nó với những
bi kịch. Bà không thể hiểu được bất cứ điều gì nếu không có cái bóng của
tử thần soi rọi. Và chỉ trên nền tảng của văn hóa Nga bà mới có thể bắt
đầu hiểu được ý nghĩa của các thảm họa. Chỉ có văn hóa Nga mới được
chuẩn bị cho bi kịch. Chúng ta đã từng sợ nào là bom hạt nhân, mây hình
nấm, thế rồi sự việc lại xoay sang một tình huống như thế này.Chúng ta
biết rằng một căn nhà có thể bị cháy thiêu chỉ bởi một que diêm, một cầu
chì điện hỏng hóc, nhưng sự kiện Chernobyl chẳng hề giống như những gì
chúng ta đã từng tưởng tượng. Chúng ta đã nghe những lời đồn đại cho
rằng ngọn lửa cháy ở Chernobyl không phải là lửa của trần thế, thậm chí
nó không phải là lửa, nó là sấm sét, là ánh sáng chói lọi. Nó không có
màu xanh, nhưng lại giống như bầu trời. Cũng chẳng có khói phát ra từ
ngọn lửa. Các nhà khoa học của chúng ta trước đây là thượng đế, nhưng
nay họ đã là những thiên thần gẫy cánh, thậm chí là ma quỷ đáng nguyền
rủa. Họ đã giấu diếm những bí mật của thiên nhiên, và bây giờ họ vẫn
chưa chịu từ bỏ. Tôi là một người Nga, gốc gác ở Bryanschin. Tôi biết
một ông già, lúc nào cũng ngồi bó gối trong căn nhà bị nghiêng và nó có
thể sập đổ bất cứ lúc nào. Vậy mà ông ta không lúc nào ngừng nói về số
phận của thế giới. Ở đâu cũng có những triết gia kiểu nhà thông thái
Aristotle như vậy. Ngay cả ở một nhóm nhỏ công nhân xí nghiệp. Ngay cả ở
một quầy bia uống đứng. Trong khi đó chúng ta đang ngồi ngay dưới một
lò phản ứng hạt nhân. Bà thử tưởng tượng xem chúng ta thừa mứa triết lý
tới cỡ nào.
Các phái đoàn báo chí đến gặp chúng tôi, săn tin chụp hình. Họ dàn
dựng nên những cảnh như thế này: họ để một cây đàn vĩ cầm trên cửa sổ
một căn nhà bỏ hoang, rồi chụp hình. Họ đặt tên cho bức hình là “Bản hợp
tấu Chernobyl”. Lẽ ra họ không cần phải bịa đặt ra những thứ đó làm gì.
Họ chỉ cần biết và nhớ những hình ảnh có thật: một quả địa cầu bị xe
máy kéo cán bẹp dúm ngay giữa sân trường; quần áo phơi trên ban công vẫn
còn ở đó cả năm trời và giờ thì đã ngả màu đen; những nghĩa trang quân
đội bị bỏ hoang, cỏ ở đó mọc cao hơn cả bức tượng người lính và bên
cạnh, tượng cây súng có một tổ chim nằm chênh vênh. Cửa một căn nhà đã
bị kéo sập, bên trong đồ đạc mất hết, chỉ còn lại tấm màn cửa và những
bức hình gia đình. Người ta đã lìa bỏ căn nhà, nhưng hồn người vẫn còn ở
lại qua những khung hình trên bệ cửa.
Không có việc gì là không quan trọng, không có cái gì là quá nhỏ. Tôi
muốn được ghi nhớ hết thẩy mọi điều một cách chính xác ở cả những chi
tiết nhỏ nhất: khoảng thời gian nào trong ngày tôi đã chứng kiến việc
ấy, bầu trời lúc ấy có màu gì, cảm tưởng của tôi lúc ấy ra sao. Loài
người đã từ bỏ nơi này mãi mãi rồi. Và chúng ta là những người đầu tiên
trải nghiệm cái khái niệm “mãi mãi”. Bà không thể bỏ qua bất cứ một chi
tiết nhỏ nhặt nào. Khuôn mặt của hai nông dân già nua – trông họ giống
như hai bức tượng. Họ là những người ít hiểu biết nhất về những gì đang
xẩy ra. Họ chẳng bao giờ ra khỏi vườn nhà họ, mảnh đất họ sở hữu. Họ có
mặt trên cõi đời này, biết yêu đương, biết đem bát cơm về cho gia đình
bằng chính mồ hôi của mình, và cứ thế tiếp tục cuộc sống họ đang sống.
Rồi chờ đợi sự ra đời của lũ cháu chắt. Đến khi hoàn tất xong cuộc sống
trần gian, họ rời khỏi mảnh đất quen thuộc chỉ để hoà làm một với đất,
trở thành đất. Một cái lều của người nông dân Belarus. Với chúng ta,
những cư dân thành thị, nhà là một cái máy để chúng ta sống trong đó.
Với người nông dân, nhà là toàn thể thế giới, là toàn thể vũ trụ. Khi bà
lái xe đi ngang qua những ngôi làng bỏ hoang, bà muốn được nhìn thấy
bóng người. Những ngôi nhà thờ đã bị cướp bóc sạch trơn – dù vậy, khi
bước chân vào, ngửi thấy mùi nến – bà lại muốn được quỳ xuống cầu
nguyện.
Tôi muốn ghi nhớ hết thảy mọi chuyện đã xẩy ra, vì thế, tôi dùng máy
hình ghi lại hết. Đó là câu chuyện của tôi. Cách đây không lâu, chúng
tôi đã chôn cất một trong số những người bạn của chúng tôi đã từng ở
Chernobyl. Anh ta chết vì bị ung thư máu. Chúng tôi tổ chức một buổi
canh thức, và theo truyền thống Slavic, chúng tôi uống rượu. Chúng tôi
trò chuyện với nhau mãi đến nửa đêm. Ban đầu, chúng tôi nói về người
chết. Còn sau đó? Lại một lần nữa về số phận của đất nước và về cấu trúc
của vũ trụ. Liệu quân đội của Nga sẽ rời khỏi Chechnya hay không? Liệu
sẽ có một cuộc chiến tranh khu vực lần thứ hai bùng nổ hay thực ra nó
đã xẩy ra rồi? Liệu Zhirinovsky sẽ trở thành tổng thống? Liệu Yeltsin
được tái đắc cử? Cả câu chuyện về hoàng gia nước Anh với công nương
Diana, về nền quân chủ nước Nga. Cả về Chernobyl với những giả thuyết
khác nhau. Có người cho rằng những sinh vật ngoài hành tinh biết trước
về thảm họa và đã trợ giúp chúng ta; người khác thì lại bảo đó chỉ là
một thử nghiệm, chẳng bao lâu nữa những đứa trẻ với tài năng đặc biệt
hơn người sẽ được sinh ra. Hoặc cũng có thể nước Belarus sẽ biến mất,
như những người Schythians. Chúng ta là những nhà siêu hình học.
Chúng ta không sống trên quả đất này, mà là sống trong những giấc mơ,
trong những cuộc trò chuyện đầy tính triết lý. Bởi vì chúng ta cần
phải thêm một chút gì đó vào cuộc sống tẻ nhạt hàng ngày mới có thể
hiểu được nó. Kể cả khi chúng ta sắp sửa đối diện với cái chết.
Viktor Latun, Nhiếp Ảnh Gia
*“Tiếng Vọng từ Chernobyl” của Svetlana Alexievich. Bản Việt
ngữ do T.Vấn & Bạn Hữu thực hiện, dựa trên bản Anh ngữ của Keith
Gessen, Nhà Xuất Bản Dalkey Archive Press –Normal – London 2005.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét