Một trăm bốn mươi năm nay, sừng sững bên Đại lộ Vòng cung Lớn, trung tâm Budapest, là Ga Tây (Nyugati), một kiệt tác kiến trúc và xây dựng không chỉ của Hungary, mà còn mang tính đại diện và biểu tượng cho cả khu vực Trung Âu thế kỷ 19. Với diện tích 6.150 m2, đó là nhà ga xe lửa quốc tế lớn nhất của Đế chế Áo – Hung vào thời điểm lúc bấy giờ, và nếu điểm qua đội ngũ kiến trúc sư đã tạo dựng ra nó, có thể nói không quá rằng, đây là nơi hội tụ của những anh tài.
Ga Tây – Budapest
Đặc biệt, Ga Tây gắn liền với Gustave
Eiffel, tên tuổi lớn của nền kỹ nghệ Pháp, lừng danh với những giải pháp
kỹ thuật tiên phong đương thời, 15 năm trước khi người kỹ sư này hoàn
tất tác phẩm để đời: ngọn tháp mang tên ông tại Paris. Đáng ngạc nhiên
là dầu vậy, nhiều tình tiết về hoàn cảnh ra đời kỳ thú, cũng như những
con người xuất chúng đã gây dựng nên nhà ga, tới giờ vẫn không được biết
đến nhiều ngay cả trong giới chuyên môn.
Khởi đầu từ Auguste de SerresNăm 1877. Mười năm sau khi thành lập, nền “song quốc quân chủ” Áo – Hung ở vào thời kỳ cực thịnh của nó xét về mọi mặt. Đó là một liên minh tồn tại 51 năm, lãnh thổ trải dài bên dòng Danube với gồm Đế quốc Áo và Vương quốc Hungary. Cho đến Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914), đế chế này đứng thứ hai Châu Âu kể về diện tích, thứ ba về dân số, và là nơi tụ hội của 13 dân tộc, xứng đáng với danh hiệu tiền thân đầu tiên của Liên Âu.
Hơn nửa thế kỷ ấy của nền quân chủ Áo – Hung, về sau đi vào lịch sử và tâm thức người dân Hungary như những năm tháng hạnh phúc và hòa bình, sau nhiều thế kỷ chinh chiến liên miên. Đặc biệt, trong thời gian đó, Budapest được hợp nhất bởi ba phần thành phố nằm bên hai bờ sông Danube (năm 1873) đã trở nên một đô thị tầm cỡ ở Châu Âu, với những công trình lớn kế chân nhau ra đời, xứng đáng với tên gọi “Tiểu Paris ở Đông Âu”.
Liên tục, những đại lộ lớn với nhà cửa
khang trang được thiết kế và thi công, tạo dựng diện mạo đô thị của
Budapest, trong đó có Đại lộ Vòng cung Lớn được xây dựng trong vòng 24
năm (1872-1896), là tuyến đường chính yếu và quan trọng vào bậc nhất của
thủ đô Hungary. Năm 1887, tuyến tàu điện đầu tiên tại Hungary đã được
khởi động ở đây, và tới giờ nó vẫn là tuyến tàu điện sầm uất nhất Châu
Âu với 200 ngàn lượt hành khách mỗi ngày.
Một trong những điểm thiết yếu về giao thông của đại lộ này, từ nửa
đầu thế kỷ 19 đã là nơi tọa lạc của một ga tàu mang tên Ga Pest. Năm
1846, chuyến tàu đầu tiên trong lịch sử đường sắt Hungary khởi hành từ
nhà ga này nối Budapest với thành phố Vác cách đó hơn 40km. Tuy nhiên,
khi khởi xây đại lộ, các nhà thiết kế nhận thấy cần phải dỡ bỏ ga cũ,
xây một ga mới bề thế và phù hợp hơn với cảnh quan và nhu cầu giao
thông.Chủ sở hữu nhà ga, Hãng Đường sắt Quốc gia Áo, giao công việc thiết kế ga mới cho kiến trúc sư, giám đốc xây dựng Auguste de Serres. Là một chuyên gia Pháp giàu kinh nghiệm, chính ông là người đã có sáng kiến vẫn giữ nguyên sảnh của ga cũ để đảm bảo giao thông trong thời gian xây dựng sảnh mới, rồi sau đó mới cho tháo dỡ. Đề án của ông được coi là mang nặng dấu ấn của nhà ga Vienna thời ấy, với hai cánh đối xứng và tráng lệ.
Đến sự dự phần của Gustave EiffelChỉ tới gần đây nhất, khi nhiều tư liệu đương thời được “bạch hóa”,
giới nghiên cứu lịch sử kiến trúc mới xác định được một cách tương đối
chuẩn xác, vậy Gustave Eiffel và các đồng sự có vai trò cụ thể gì trong
việc xây dựng nhà ga gắn liền với tên tuổi ông? Bao nhiêu phần trăm là
công lao của ông, và bao nhiêu thuộc về nhà thiết kế de Serres, đồng
hương của ông, người được khắc tên chính thức tại nhà ga trên cương vị
nhà thiết kế chính?Câu hỏi này vốn khó trả lời, vì các bản thiết kế gốc
đặt tại Bảo tàng Giao thông Budapest đã biến mất sau Thế chiến thứ hai,
và bản lẽ ra có thể còn lưu ở Paris, thì tới giờ cũng không ai tìm thấy.
Chỉ biết, một cuộc đấu thầu để tìm nhà thầu chính cho việc xây dựng nhà
ga theo mẫu của Auguste de Serres đã được tổ chức, và công ty Eiffel
trúng thầu. Khả năng là chính de Serres cũng đã có liên hệ với Eiffel
khi bắt tay vào công việc thiết kế.
Tuy nhiên, không dừng lại ở chỗ đơn thuần chỉ thực hiện theo bản
thiết kế cũ, công ty Eiffel còn có nhiệm vụ hoàn thiện hóa và phát triển
nó để đưa ra giải pháp tối hậu. Ở đây, Eiffel và các kỹ sư của ông đã
giữ lại những kiến trúc hoàn hảo và hoa mỹ của bản nguyên thủy, và tập
trung vào những điểm mà họ rất sở trường, như kết cấu vòm sắt và kim
loại, những họa tiết tân kỳ đòi hỏi kỹ thuật đúc thép ở tầm vóc lớn, hệ
thống chịu lực, v.v…
Giới nghiên cứu cho rằng, không thể coi
nhẹ những công lao to lớn của giám đốc de Serres (Eiffel cũng thừa nhận
điều này trong một ấn bản do công ty ông in năm 1878, và nói rằng mái
vòm chính là của phần người đồng nghiệp), nhưng vẫn có thể khẳng định
được rằng Ga Tây chủ yếu là tác phẩm của văn phòng Eiffel, hơn thế nữa,
là một trong những công trình thành công nhất. Đặc biệt, toàn bộ cấu
trúc sắt của sảnh nhà ga được đúc tại Pháp.
Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, Ga Tây may
mắn được kiến tạo bởi sự hội ngộ của hai anh tài đương thời, để trở
thành một trong những nhà ga nổi tiếng nhất Châu Âu thời bấy giờ. Bên
cạnh đó, nó còn là một trong số ít những công trình còn lại tới giờ của
Gustave Eiffel, mà vẫn giữ chức năng ban đầu, trong khi nhiều công trình
khác hoặc đã bị dỡ hoặc tàn hại bởi thời gian, hoặc đã chuyển hẳn mục
tiêu sử dụng.Biểu tượng của một thời
Một trong những nhà ga tối tân nhất của hậu bán thế kỷ 19 được xây dựng trong vòng 3 năm (1874-1877), và khánh thành ngày 28-10-1877. Thoạt đầu, nó mang cái tên đơn giản Ga Budapest, nhưng rồi từ năm 1891 chuyển sang tên gọi quen thuộc bây giờ – Ga Tây. Không nhiều người biết, không phải vì nó nằm phía Tây hay là điểm xuất phát của các chuyến tàu đi về hướng Tây, mà đơn giản vì tên của hãng đầu tư xây dựng là như vậy.
Trong những thập niên sau đó, Ga Tây trở
thành một tâm điểm của giao thông Budapest, và đi đầu trorng quá trình
hiện đại hóa ngành đường sắt Hungary. Những con tàu chạy điện – phát
minh của kỹ sư, nhà khoa học tên tuổi Kandó Kálmán khởi hành đầu tiên từ
ga này, và cái tên Nyugati (Tây), trùng hợp thay, gợi nhớ Phương Tây
trong nhiều năm Hungary dưới thể chế cộng sản, và quảng trường nhà ga
thì bị đặt theo tên Karl Marx.
Cũng rất mang tính biểu tượng, khi đúng vào ngày Hungary gia nhập
Liên Âu (1/5/2004), một buổi lễ lớn đã được tổ chức tại nhà ga này. Dưới
nền nhạc của Dàn Giao hưởng Đường sắt Hungary, một con tàu mang tính
tượng trưng khởi hành chở khách vào Châu Âu. Và, trong buổi lễ trọng thể
ấy, có sự hiện diện của hai người chắt của Eiffel, cũng theo nghề kỹ
sư, và đây là lần đầu tiên gia đình Eiffel tới thăm công trình của cha
ông mình.Với thời gian, sự hình thành của các nhà ga khác, cũng như việc tái cơ cấu giao thông đường sắt ở Budapest khiến lưu lượng hành khách quốc tế của Ga Tây sụt giảm, và hạn chế về mặt kinh phí trùng tu khiến nhà ga trở nên điêu tàn. Hơn 10 năm trước, từng có dự án “khai tử” ga để biến cả khu vực thành những văn phòng chính phủ, nhưng rồi kế hoạch bị đình chỉ, và Ga Tây vẫn tồn tại, đón du khách, chờ ngày được khoác lên mình bộ áo mới.
Những người hoài cổ đau xót khi thấy Phòng
chờ Hoàng gia của nhà ga – vốn nổi tiếng với kiến trúc kiêu sa và tinh
tế, nơi năm xưa dành riêng cho
Hoàng đế Franz Joseph
và Hoàng hậu Elizabeth, người phụ nữ đẹp
nhất Châu Âu nửa cuối thế kỷ 19, giờ đóng cửa im ỉm vì không đủ tiền tu
bổ. Nhà hàng lộng lẫy của Ga Tây, may thay được hãng McDonalds thuê lại,
thì trở thành… tiệm bán đồ ăn nhanh đẹp nhất nhì thế giới theo các bình
chọn…
Số phận của nhà ga cổ nhất ở thủ đô Budapest, nơi Eiffel đã thi thố
những giải pháp kỹ thuật nổi trội đương thời, tới giờ vẫn chưa được định
đoạt. Mới đây nhất, một đề án cải tạo cả khu vực ga trở thành công viên
cây xanh, cơ sở văn hóa, thể thao, đường đi dạo… được đề xuất, và nhà
ga phải đóng cửa để tu chỉnh trong vòng hai năm. Chưa biết sẽ ra sao, và
liệu không biết “hồn xưa” có còn được bảo tồn với sự can thiệp của thời hiện đại?(*) Bài viết đã đăng trên RFI.
Hoàng Nguyễn, từ Budapest
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét