25 thg 8, 2017

“Bolero không âm mưu cản đường phát triển của bất kỳ ai”


Bài Phỏng Vấn NS.Tuấn Khanh 
 


– Bolero – từ khóa chưa thôi “hot” trong gần một năm qua với nhiều tranh luận của người làm nhạc. Có người cho rằng, bolero ngày càng sống khỏe – phản ánh giá trị đặc biệt của dòng nhạc này, nhưng có người lại cho rằng, bolero là hoài niệm, nếu sống mãi với hoài niệm, đồng nghĩa không chịu phát triển. Vậy bolero là một dòng nhạc thế nào trong anh? Theo anh, nó đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình?

– Nếu gọi bolero là hoài niệm, thì tôi cho đó là một nhận định sai. Người ta nhắc đến từ “hoài niệm” khi điều đó, giá trị đó không còn ở hiện tại, và chỉ được nhắc lại theo dịp. Nhưng bolero không mất, mà đúng như bạn diễn tả là “đang sống khỏe”, thì không có gì phải hoài niệm cả. Không ai nghe nhạc cổ điển của Mozart hay Beethoven mà bị gọi tên là hoài niệm. Và nếu thích thưởng thức chỉ nhạc cổ điển thôi, cũng không có nghĩa là “không chịu phát triển”.
Tôi cũng rất ngạc nhiên khi nghe một lý luận râm ran và mơ hồ về chuyện bolero đã hoàn thành giai đoạn lịch sử của mình và nên nhường chỗ cho sự phát triển. Tôi đã từng bật cười với bạn bè của mình và hỏi rằng thôi thì cứ cho là âm nhạc cũng cần phát triển như cầu đường hay xe bus, nhưng xin chỉ giúp tôi một “dấu hiệu” về “sự phát triển” mà rất nhiều người đang muốn ngụ ý đến là gì? Cũng cần nên nhớ là bolero không âm mưu cản đường phát triển của bất kỳ ai, mà chỉ là những người chủ trương âm nhạc “phát triển” đang nghèo nàn về khả năng nên giận cá chém thớt thôi.
Rõ ràng việc thị trường âm nhạc hôm nay đơn điệu chỉ có bolero thôi, là một dấu hiệu bất thường và thụt lùi của mặt bằng văn hóa nước nhà. Mà bản thân những sáng tác bolero hơn nửa thế kỷ trước hay người nghe đâu có lỗi. Lỗi thuộc về những người có trách nhiệm về văn hóa.
–Trong quan sát của anh, bolero có đời sống thế nào từ khi nó xuất hiện ở Việt Nam? Dòng nhạc này có lúc được gọi là nhạc vàng, nhạc sến, phản ánh điều gì?
Tôi có viết nhiều bài về chuyện này, nói ra thì rất dài. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng tên gọi vàng – đỏ – xanh chỉ là gán ghép qua vỏ ngôn ngữ. Giống như người ta hay gọi nhạc cổ điển là bác học – quả là ngớ ngẩn – vì không có nhạc sĩ nào muốn làm bác học trong âm nhạc cả, họ chỉ muốn được là một nghệ sĩ, không cần phải là giáo sư hay tiến sĩ gì đó, cũng đã đủ kiêu hãnh.
Ngôn ngữ không có tính giai cấp, chỉ có con người mang sự thô thiển của riêng mình và thói quen áp đặt tạo thành các tên gọi, rồi từ đó tự phân loại xanh đỏ – sang hèn. Từ thập niên 1950 đến nay, ở miền Nam không ai tranh cãi hay phiền hà gì với các tên gọi. Chỉ là trong thời gian gần đây, khi dòng nhạc bolero bùng lên thì các tranh cãi đó mới ăn theo một cách vô nghĩa mà thôi.
– Việc dòng nhạc này thời gian gần đây “sống dậy” mạnh mẽ hơn ở các phòng trà, sân khấu lớn và truyền hình thực tế, anh lý giải chuyện đó thế nào?
– Nếu bạn để ý, phần lớn các ca sĩ của American Idol được chú ý, gây tiếng vang, đều là người trình bày dòng country. Điều đó không có nghĩa là nhạc country đang “sống dậy” ở Mỹ. Các chương trình thương mại ở Việt Nam đang phản ánh nhanh và đôi khi hời hợt – về thị hiếu cúa đám đông. Trong câu chuyện mà chúng ta đang nói đến, có lẽ nên đặt lại một ý khác, là các chương trình giải trí thương mại đang khai thác quá lố và bào mòn một dòng nhạc thưởng thức quen thuộc ở miền Nam, đến mức khiến khán giả của chính dòng nhạc này cũng khó chịu.
– Thực tế, bolero ở thời điểm không xuất hiện trên sân khấu lớn, vẫn tồn tại âm ỉ trong đời sống người Việt, đặc biệt người miền Nam – trên các chuyến xe đò đường dài, quán cafe… qua những chiếc băng cát xét như một mạch ngầm đời sống. Điều ấy theo anh phản ánh tâm thức nào của cộng đồng?
– Tôi đến Huế và đã từng ngồi hết một chương trình ca Huế với lòng tôn trọng, nhưng không cảm thấy mình bị thu hút nhiều. Ngược lại, sau đó nghe những người xung quanh tấm tắc, mới biết mọi thứ thuộc về sự quen thuộc và nhận thức rất riêng. Miền Nam có thú vui riêng của mình như cách ăn phở có nhiều rau và không quen thêm bánh quẩy. Âm nhạc cũng vậy. Miền Nam chọn bolero là cách giải trí và thưởng thức hàng ngày chứ không âm mưu làm một cuộc bành trướng nào về văn hóa. Gọi tên “tâm thức” nghe lớn lao quá. Tôi không nghĩ bolero tự chọn mang vào mình một sứ mạng cao cả nào, mà chỉ là sự chọn lựa đồng thuận của nhiều thế hệ nơi vùng đất hết sức dân chủ: văn hóa nào, dòng nhạc nào cũng có thể mang đến giới thiệu, nếu đủ sức chinh phục thì ở lại, vậy thôi.
– Việc nhiều ca sĩ hát coi việc hát lại các ca khúc này như thổi làn gió mới vào một dòng nhạc cũ, nhưng anh thấy thực sự bolero có được “làm mới”?. Anh chia sẻ thế nào về hiện tượng này?
– Tôi nhắc lại về tính phóng khoáng của bolero nói riêng và khán giả miền Nam nói chung. Có rất nhiều ca sĩ ở miền Trung, miền Bắc đã đến và lập nghiệp bằng bolero. Có người thành danh và được xưng tụng không cần đến báo chí nhận định hay gợi ý, chẳng hạn như ca sĩ Ngọc Sơn. Cũng có những cuộc “cách tân” hay thể hiện mới tạo nên làn sóng trong một thời gian nhưng quy tắc chung thuộc về một phong cách và khuynh hướng riêng của miền Nam vẫn chiếm ưu thế. Mãi mãi Tuấn Ngọc sẽ không thể hát hay những bài hát của Thanh Lam, ngược lại Mỹ Linh sẽ không thể hát như Ngọc Lan hay Tuấn Vũ. Nhưng sự thử sức mình trong một dòng nhạc có cơ may ăn khách là điều bình thường của showbiz trong giai đoạn rộn ràng và đơn điệu. Mai đây, khi thị trường lấy lại sự cân bằng và phát triển đồng bộ, mọi thứ sẽ khác.
– Anh đồng cảm hay không đồng cảm với phát ngôn của Tùng Dương: “già trẻ lớn bé đắm đuối bolero đúng là sự thụt lùi”? Vì sao?
– Tôi có đọc qua lời của ca sĩ Tùng Dương, và cũng đọc những lời chỉ trích anh. Nhưng tôi có sự diễn dịch riêng của mình, khác một chút, từ suy nghĩ của Tùng Dương. Trước đây, chương trình Bài hát Việt cúa VTV tốn rất nhiều tiền của để tạo nên một khuynh hướng mới và rồi cũng lịm dần vì không có khán giả. Rõ ràng việc thị trường âm nhạc hôm nay đơn điệu chỉ có bolero thôi, là một dấu hiệu bất thường và thụt lùi của mặt bằng văn hóa nước nhà. Mà bản thân những sáng tác bolero hơn nửa thế kỷ trước hay người nghe đâu có lỗi. Lỗi thuộc về những người có trách nhiệm về văn hóa, đang làm nghèo nàn đời sống đa dạng vốn đã có từ thời nhạc trẻ Làn Sóng Xanh ở miền Nam vào thập niên 90.
– Cảm ơn những chia sẻ của nhạc sĩ Tuấn Khanh!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét