29 thg 8, 2017

8 ‘đồ vật đơn giản’ có thể cứu mạng người lúc nguy cấp trên máy bay, ai cũng nên biết



Di chuyển bằng máy bay có thể là một trải nghiệm không mấy dễ chịu với một số khách hàng, nhất là khi họ hình dung tới một sự cố nào đó có thể xảy ra khi cả phi hành đoàn đang lơ lửng giữa bầu trời. Những hiểu biết về các dấu hiệu an toàn trong máy bay có thể sẽ khiến bạn an tâm hơn rất nhiều. 
Dưới đây là những chi tiết rất nhỏ, nhưng lại có tác dụng lớn trong việc tối đa hóa sự an toàn cho chuyến bay của bạn.
1. Rìu cứu hỏa
Chiếc rìu cứu hộ (Ảnh: Daily Mail)

Bạn hẳn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng, trong tất cả các máy bay của Mỹ đều được trang bị những chiếc rìu như thế này, đặc biệt là trong khoang lái, và những nơi kín đáo khác, theo luật của Cục hàng không liên bang. Đây thực ra là một dung cụ cứu hỏa chuyên dụng. Khi xảy ra hỏa hoạn bên trong thân máy bay, cơ trưởng và những nhân viên có trách nhiệm sẽ dùng rìu để xẻ khoảng đang bị cháy ra khỏi phần còn lại của khoang. Điều đó khiến lửa không thể lan rộng và nhanh, đồng thời phần bị cháy sẽ được dập tắt nhanh chóng và dễ dàng hơn.
2. Tam giác đen
Tam giác đen trên máy bay (Ảnh: Daily Mail)

Bạn có thể tìm thấy những tam giác đen này phía trên các ô cửa sổ mà từ đó có thể quan sát cánh máy bay một cách rõ ràng nhất. Những tam giác tí hon này giúp tổ bay có thể nhanh chóng xác định vị trí để kiểm tra cánh máy bay khi có bất cứ nghi ngờ gì về an toàn.
3. Lỗ thủng trên ô cửa kính
Lỗ thủng trên ô cửa kính (Ảnh: Flickr)

Lần đầu tiên đi máy bay, bạn có thể cảm thấy hoang mang khi nhìn thấy lỗ thủng “đáng sợ” này trên cửa sổ của máy bay. Nhưng trong thực tế, lỗ thủng nhỏ bé này lại chính là chi tiết mang lại an toàn về áp suất cho hành khách.
Để đảm bảo được áp suất bên trong máy bay phù hợp tối đa với khách hàng, cửa kính của máy bay được chế tạo theo một thiết kế ba lớp: Lớp nhựa trong cùng – lớp kính giữa – lớp kính ngoài cùng. Lỗ hổng mà chúng ta quan sát được nằm ở lớp kính ở giữa của cửa sổ. Lỗ nhỏ này có tác dụng khiến áp suất bên trong máy bay chỉ tác động lên lớp kính ngoài cùng của cửa sổ. Từ đó đảm bảo cho các tấm kính sẽ không bị vỡ cùng một lúc nếu xảy ra sự cố về áp suất.
Trong trường hợp xấu nhất, tấm kính ngoài cùng sẽ vỡ trước, tấm kính ở giữa sẽ có thể chịu được áp suất trong khoảng thời gian vừa đủ để cơ trưởng có thể hạ độ cao đến mức an toàn (dưới 3000 m).
Bên cạnh đó, “lỗ thở” nhỏ này còn có tác dụng giúp ngăn ngừa hơi ẩm và tuyết bám tụ trên cửa sổ. Điều này lý giải vì sao cửa sổ của bạn không bị mờ đặc mỗi lần máy bay đi qua các đám mây.
4. Móc trên cánh máy bay
Móc trên cánh máy bay (Ảnh:Shutterstock)

Bạn có thể quan sát thấy chiếc móc vàng này ở trên cánh của tất cả các máy bay. Nó sẽ được dùng tới khi xảy ra sự cố, đặc biệt khi máy bay phải hạ cánh xuống mặt nước là một ví dụ cụ thể. Các tiếp viên sẽ luồn dây thừng vào chiếc móc này. Đoạn dây đó có tác dụng giúp các hành khách di chuyển ra bên ngoài qua cánh máy bay một cách an toàn. Trong trường hợp cần sử dụng xuồng cứu sinh, dây sẽ được móc một đầu vào chiếc móc này, đầu còn lại mắc vào xuồng cứu hộ để giúp hành khách lên xuồng an toàn.
5. Van Cooper 
Van Cooper (Ảnh dẫn theo khoahoctv)

Bạn hãy tưởng tường, thảm họa sẽ xảy ra nếu cửa máy bay sẽ bật mở trong không trung (áp suất bên trong giảm đột ngột dẫn đến tình trạng thiếu oxi trong khoang hành khách và tăng khả năng làm đứt gãy máy bay…). Tuy nhiên, thông thường việc mở cửa máy bay trong khi máy bay đang ở trên không trung là một điều bất khả thi. Áp suất bên trong máy bay sẽ tạo nên lực hút với cánh cửa này.
Tuy vậy, vào năm 1971, một người tự xưng Dan Cooper khống chế một chiếc Boeing 727, đòi 200.000 USD tiền chuộc. Sau đó, Cooper nhảy dù ra khỏi cửa gần đuôi máy bay và mất tích. Sự thực là, trước đó, không tặc này đã yêu cầu cơ trưởng giảm áp trong máy bay nên chiếc cửa này mới có thể mở.
Một năm sau đó, tất cả các máy bay đều được gắn thêm chiếc Van Cooper như bạn nhìn thấy trên hình, để đảm bảo rằng cửa của các máy bay thương mại sẽ không bao giờ có thể mở ra khi máy bay chưa hạ cánh.
6. Thiết bị năng lượng phụ trợ (APU)
APU (Ảnh: Wikipedia)

APU có tác dụng chủ yếu là khởi động các động cơ chính trong máy bay. Đó là lý do, chúng ta có thể nghe thấy rất rõ tiếng của bộ phần này khi máy bay bắt đầu quy trình cất cánh của mình.
Bên cạnh đó, APU còn cung cấp điện cho toàn bộ máy bay trước khi cất cánh và sau khi hạ cánh, giúp các hành khách có thể được tận hưởng điều hòa và ánh sáng trong thời gian chờ đợi.
7. Gạt tàn thuốc trong nhà vệ sinh
Gạt tàn thuốc trong nhà vệ sinh (Ảnh: Shutterstock)

Hút thuốc lá là hành vi bị cấm trong tất cả các chuyến bay hiện đại để đảm bảo an toàn cho tất cả phi hành đoàn. Tuy nhiên, các hãng hàng không không thực sự có thể đặt niềm tin nơi khách hàng trong việc họ sẽ nghiêm chỉnh chấp hành quy định này. Đặc biệt, hành khách thường “trốn vào” các nhà vệ sinh để hút thuốc. Chính vì vậy, trong các buồng vệ sinh, người ta đều trang bị một chiếc gạt tàn dành cho những vị khách không chấp hành luật. Đảm bảo tối đa an toàn cháy nổ cho máy bay.
8. Tay nắm hai bên cửa thoát hiểm
Tay nắm hai bên của thoát hiểm (Ảnh: Shutterstock)

Đây có lẽ là chi tiết duy nhất trong danh sách này dành riêng cho sự an toàn của các tiếp viên. Các tiếp viên sẽ nắm chặt tay nắm này trong trường hợp khẩn cấp cần phải mở cửa thoát hiểm. Khi cánh cửa này mở ra, bạn có thể hình dung tình thế trên máy bay hỗn loạn tới mức nào. Khi đó, việc tiếp viên có một chỗ bám cố định sẽ giúp họ bình tĩnh hơn để đưa hành khách ra khỏi máy bay một cách an toàn nhất.
Hy Văn (T/H)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét