25 thg 8, 2017

Tại sao xuất bản khoa học cần được cải thiện?

Nguồn:The problem with scientific publishing”, The Economist, 30/3/2017
Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
 
Các tạp chí định kỳ là phương tiện chủ yếu để phổ biến tri thức khoa học kể từ thế kỉ thứ 17. Trong ba thế kỷ rưỡi, các tạp chí đã thành lập các quy ước về xuất bản – chẳng hạn như nhấn mạnh vai trò của các bình duyệt độc lập (và thường là ẩn danh) đối với các bản thảo – nhằm mục đích bảo vệ sự nghiêm cẩn của quy trình khoa học. Nhưng các quy ước đó đã gặp phải ngày càng nhiều chỉ trích trong những năm gần đây. Có điều gì sai với việc xuất bản khoa học trên các tạp chí, và làm thế nào để có thể khắc phục được điều đó?
Các vấn đề này bắt nguồn từ thực tế rằng việc xuất bản tạp chí bây giờ đóng một vai trò nằm ngoài mô tả công việc ban đầu của nó: là một chỉ số về năng lực của một nhà nghiên cứu, và do đó là yếu tố quyết định sự nghiệp học thuật của họ. Động lực để họ giữ kín kết quả trong nhiều tháng hoặc nhiều năm cho đến khi nghiên cứu được công bố là cực kỳ mạnh mẽ. Nhưng những sự chậm trễ như vậy có thể thực sự gây ra tổn hại: trong cuộc khủng hoảng Zika, các nhà tài trợ nghiên cứu phải thuyết phục các nhà xuất bản để họ tuyên bố rằng các nhà khoa học sẽ không bị trừng phạt nếu công bố sớm các phát hiện của họ (trước khi bài được xuất bản).
Các tạp chí hàng đầu (như Science và Nature) cũng không phải là những người giám hộ về chất lượng như họ thường tuyên bố. Số lượng các bài báo có quá nhiều thiếu sót cần phải rút lại đã tăng mạnh trong hai thập kỷ qua, với các tạp chí càng hào nhoáng thì số bài rút lại càng nhiều hơn so với các đối tác kém nổi tiếng hơn của họ. Tồi tệ hơn, các nghiên cứu trong các tạp chí hàng đầu không  thuyết phục hơn đáng kể về mặt số liệu so với những tạp chí có vị trí thấp hơn.
Ba cải cách có ý nghĩa có thể thay đổi hệ thống này, đảm bảo kết quả của các nhà nghiên cứu được công bố nhanh hơn và không có bất kỳ sự thỏa hiệp nào về chất lượng. Bước đầu tiên là để các nhà khoa học đưa các bài báo học thuật của họ, cùng với dữ liệu thực nghiệm, vào các “kho” mà công chúng có thể tiếp cận được trước khi chúng được gửi tới một tạp chí. Điều đó sẽ cho phép các nhà nghiên cứu khác sử dụng các phát hiện này một cách nhanh chóng.
Bước thứ hai là cải thiện quá trình bình duyệt. Các tạp chí hiện đang quản lý một hệ thống tổ chức các nhà bình duyệt ẩn danh để đưa ra đánh giá về các nghiên cứu mới. Nhưng quá trình này là là rất đáng hoài nghi. Tốt hơn là những người bình duyệt nên được nêu tên và chính những bài đánh giá cũng phải được xuất bản.
Cuối cùng, khoa học cần phải ngừng dựa quá nhiều vào việc xem xuất bản trên tạp chí khoa học như là loại chứng chỉ được công nhận duy nhất cho các nhà nghiên cứu và là con đường duy nhất để phát triển sự nghiệp. Hiện đã có các công cụ để biết được một nghiên cứu sơ bộ trước khi xuất bản được xem bao nhiêu lần hay một bộ dữ liệu lâm sàng được trích dẫn thường xuyên hay không trong các hướng dẫn dành cho các bác sĩ. Các trường đại học và cơ quan chính phủ chi trả cho nghiên cứu nên sử dụng chúng.
Nếu những cải cách này được áp dụng, chúng có thể cải thiện và thúc đẩy khoa học. Quan trọng hơn, nó sẽ giúp các cơ quan y tế phản ứng nhanh hơn với dịch bệnh và gia tăng tốc độ phát triển các phương pháp điều trị mới. Điều đó có thể cứu nhiều mạng sống. “Không có gì cần thiết cho việc thúc đẩy tiến bộ trong các Vấn đề Triết học hơn việc truyền tải chúng.” Từ đó mà ra đời số đầu tiên của tạp chí khoa học đầu tiên trên thế giới, tạp chí Philosophical Transactions, vào ngày 6 tháng 4 năm 1665. Những lời này cho đến nay vẫn đúng. Tuy nhiên, xuất bản trong các tạp chí không còn là cách tốt nhất để đạt được mục đích đó.
http://nghiencuuquocte.org/2017/08/23/xuat-ban-khoa-hoc/#respond 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét