6 thg 10, 2016

CHỮ NHO ... DỄ HỌC (Bài 21 ) Mà Học Không Dễ....Đỗ Chiêu Đức



                               Các bộ 6 nét (tt)
                                  
                               
    Như thường lệ, trước khi bắt đầu bài viết mới, xin mời tất cả cùng giải câu đố chữ sau đây:
                   去了上半截,   Khứ liễu thượng bán tiệt,
                   有了下半截,   Hữu liễu hạ bán tiệt.
                   比成两半截,   Tỉ thành lưỡng bán tiệt,
                   又無下半截 .  Hựu vô hạ bán tiệt.
Có nghĩa :
                   Bỏ đi nửa khúc trên,
                   Có được nửa khúc dưới.
                   So thành hai nửa khúc,
                   Lại không nửa khúc dưới.
GIẢI ĐỐ :
      1. Chữ KHỨ 去 bỏ nửa khúc trên đi, chỉ còn lại
bộ TƯ 厶.
      2. Chữ HỮU 有 lấy phần nửa khúc dưới là bộ NGUYỆT 月.
      3. Chữ TỈ 比 chia làm hai phần, trên dưới đều có nửa chữ TỈ, tức là bộ CHUỶ 匕 .
      4. Chữ VÔ 無 lấy nửa phần dưới, tức là 4 chấm của bộ HỎA 灬
Ghép 4 phần trên lại với nhau :
     * Bên Trái : Tư trên, nguyệt dưới. Bên Phài: Hai bộ CHUỶ một trên một dưới, ta có được chữ NĂNG 能.
     * Chữ  NĂNG 能 thêm bốn chấm của bộ HỎA 灬 bên dưới thành chữ HÙNG 熊.
     * HÙNG 熊 : là Con GẤU, động vật thuộc hệ Bộ Nhũ, thân to đuôi nhỏ, tứ chi thô nhưng bàn tay rộng nên giỏi trèo cây. TAY GẤU là món ăn đắc tiền thuộc hàng cao lương mỹ vị. Các võ tướng cao lớn ngày xưa được diễn tả là HỔ THỂ HÙNG YÊU 虎體熊腰: là Mình Cọp Lưng Gấu. PHI HÙNG NHẬP MỘNG 飛熊入夢: là Nằm mơ thấy Gấu Bay, là điềm của các lãnh tụ sẽ gặp được người phụ tá hoặc cố vấn xuất sắc giúp làm nên việc lớn. Lấy tích từ Sử Ký của Tư Mã Thiên đời Tây Hán, ghi lại việc Châu Văn Vương nằm mộng thấy có một con gấu có cánh bay vào trướng. Hôm sau đi săn gặp được Khương Thượng tức Khương Tử Nha, có ngoại hiệu là PHI HÙNG (gấu bay) ngồi câu trên sông Vị, mới rước về cho đăng đàn bái tướng. Sau giúp cho Võ Vương diệt Trụ, dựng nên cơ nghiệp 800 năm của nhà CHU (Tây Chu và Đông Chu).
                            Image result for 飛熊     
                               
                               Image result for 飛熊
                         PHI HÙNG NHẬP MỘNG 飛熊入夢 
13. BỘ SẮC   :
      SẮC   : là  MÀU, từ kép là MÀU SẮC. SẮC là chữ Tượng Hình Hội Ý, theo diễn tiến của chữ viết,
Ta thấy:
     Đại Triện, Tiểu Triện là hình tượng của một người cỏng một người trên lưng, người dưới phải nhìn sắc mặt của người trên, nên chữ SẮC: Vốn dĩ là Sắc Mặt, dùng rộng ra để chỉ Màu Sắc, ta có từ:
NHAN SẮC 颜色 : là Màu mè. Các bà các cô thoa chút đỉnh Màu mè lên mặt thì sẽ trông đẹp hơn ra, nên NHAN SẮC cũng có nghĩa là Sắc Đẹp. Không có Nhan Sắc là Không có Màu mè, nên cũng có nghĩa là Không đẹp!
     Tâm lý con người cũng thể hiện qua sắc mặt, ta có từ :
     DIỆN SẮC 面色 (ta nói là Sắc Diện), KHÍ SẮC 氣色... đều dùng để chỉ Cái Vẻ Mặt của con người.
     Cảnh thì có CẢNH SẮC 景色, Âm Thanh thì có THANH SẮC 聲色, Âm Nhạc thì có ÂM SẮC 音色 ...
     SẮC DỤC 色慾 : là Sự Ham muốn về tư tình nam nữ. Nói theo bình dân Mê Gái là ham mê Sắc Dục, còn ham mê vẻ đẹp bề ngoài thì gọi là HIẾU SẮC hay HÁO SẮC 好色, hễ gặp gái đẹp là chết mê chết mệt.
      Nói theo đạo Phật, SẮC là Hình thể sự vật, là xác thân của con người, là những thanh sắc ngoại vi cám dỗ, làm cho con người mê đắm, nên Phật dạy :
                      SẮC tức thị Không,      色即是空,
                      Không tức thị SẮC.      空即是色.
     TỬU SẮC 酒色 : là Rượu và Sắc dục. Chìm đắm trong Tửu Sắc là Tối ngày chỉ biết nhậu nhẹt và gái đẹp. Nói theo chữ là TRẦM MÊ TỬU SẮC 沉迷酒色. Nói theo các Thầy Đồ Nho ngày xưa : Trên đầu chữ SẮC 色 có cây Dao (bộ ĐAO 刀), nên giết người âm thầm chẳng ai hay, các Cụ có làm bài thơ ví von thế nầy :
             Nhị bát giai nhân thể thái tô,        
                 二八佳人體態酥,
             Dạ gian phục kiếm trảm ngu phu.      
                  夜間伏劍斬愚夫。
             Tuy nhiên bất kiến nhân đầu lạc,     
                   雖然不見人頭落,
             Đản giáo lang quân cốt tuỷ khô!    
                   但教郎君骨髓枯!
Có nghĩa :
     Người đẹp đôi tám thân hình giòn tan như chiếc bánh sữa.
     Trong đêm nàng giấu một cây kiếm để chém anh chồng ngu.
     Mặc dù không thấy có đầu người rơi xuống đất,
     Nhưng lại làm cho lang quân của nàng xương tủy đều khô khan hết cả!
         Có tất cả 6 chữ được ghép bởi bộ SẮC nầy, tiêu biểu có chữ :
    DIỄM 艷 : là Màu sắc Rực rỡ. nên ...
    DIỄM LỆ 艷麗 : là Đẹp một cách rực rỡ!
    KIỀU DIỄM 嬌艷 : là Yểu điệu rực rỡ rất đáng yêu, Ta cũng hay nói thành Diễm Kiều như trong thơ của Ái Khanh và Nhất Tuấn trong tập thơ "Truyện Chúng Mình" (tập3), sau khi Ái Khanh đã than thở trước khi đi lấy chồng là:
                       Cứ lo ngày trước người ta phụ,
                       Ai biết giờ đây lại có ngày... (mình phụ người ta !)
 ....Rồi mới hứa hẹn với Nhất Tuấn là:
                   ....Đầu lòng nếu sẽ sanh con gái,
                       Vẫn đặt tên con Đặng DIỄM KIỀU !
 ....Rồi lại phân bua :
                        Dẫu biết con không phải của anh,
                        Nhưng lời em nói rất chân thành.
                        Những mong an uỉ nhau giây phút,
                        Để nhớ về "con" của chúng mình!


      
               Nhất Tuấn  Phạm Hậu  với Truyện Chúng Mình
   
    DIỄM PHÚC 艷福 : Không phải là cái Phúc Rực Rỡ, mà là chỉ "Có số Đào Hoa", được nhiều người đẹp để ý đến. Trong văn học cổ, DIỄM được dùng để chỉ Tình Yêu, như:
    DIỄM SỰ 艷事 : là Chuyện tình đẹp.
    DIỄM THI 艷詩 : là Thơ tả tình yêu đẹp đẽ.
    DIỄM SỬ 艷史 : là Lịch sử của những mối tình đẹp.
    Các dị bản của chữ DIỄM : 艷,  豓,  豔,  艳  (giản thể).
14. BỘ THIỆT  :
      THIỆT  : là LƯỠI. Thiệt là chữ lấy Tượng Hình làm Hội Ý, theo diễn tiến của chữ viết,
Ta thấy :
     Giáp Cốt Văn, Kim Văn là hình tượng của cái lưỡi dài le ra từ miệng của động vật, có vài giọt nước bọt văng ra xung quanh, Kim Văn đầu lưỡi còn chẻ ra làm hai như hình lưỡi rắn hoặc các loại bò sát, nên, THIỆT 舌 là phần thịt mềm nằm trong miệng dùng để nêm nếm phân biệt chua, cay, ngọt, mặn... và quan trọng nhất là dùng để Ăn Nói! Ta có từ:
     KHẨU THIỆT 口舌 : là Miệng Lưỡi, chỉ Ăn Nói giỏi, như nói: "Hắn ta là một tay KHẨU THIỆT" có nghĩa là: Một người ăn nói giỏi.
     THIỆT CHIẾN 舌戰 : là Chiến đấu bằng lưỡi, chỉ sự tranh luận quyết liệt, mà giới bình dân gọi là "Cải lộn Cải lạo."
     THIỆT CHIẾN QUẦN NHO 舌戰群儒 : Chỉ trận tranh luận quyết liệt giữa Khổng Minh Gia Cát Lượng và đám Nho Sĩ của xứ Giang Đông trước khi Thục Ngô liên kết lại để chống sự xâm lược của 83 vạn quân Tào Tháo tràn xuống Giang Nam gây nên trận chiến Xích Bích để đời.
      


              Khổng Minh Gia Cát Lượng Thiệt Chiến Quần Nho


      ĐIỀU CHUỶ LỘNG THIỆT 調嘴弄舌: là Điều động miệng và múa cái lưỡi. Ta nói là Khua môi múa mép (mỏ) hoặc Mồm năm miệng mười. "Cái lưỡi không xương nhiều đường lắt léo!"  Nói đến cái lưỡi lại nhớ đến chuyện ngụ ngôn sau đây:
     Esope là nhà ngụ ngôn Hy Lạp. Một hôm, chủ của Esope là Xanthus bảo Esope ra chợ mua món ăn nào  ngon nhất hạng để đem về đãi khách. Esope ra chợ chỉ mua toàn là lưỡi rồi làm nhìều món khác nhau  bằng cách cho nước xốt khác nhau. Khi khách sắp sửa ăn, ông nói:
- "Có gì quý hơn cái lưỡi không? Chính nó là sợi dây liên lạc với đời sống văn minh, là chìa khóa của Khoa học, là cơ quan của sự thật và lẽ phải.
      Ðể gây bối rối và thử tài Esope, Xanthus bảo:
- "Vậy thì ngày mai ngươi hãy mua cái gì tệ nhất!"
      Hôm sau Esope lại trở lại món cũ và nói rằng cái lưỡi là thứ xấu xa nhất trên đời.
- "Ðó là Mẹ đẻ của những sự tranh cãi, vú nuôi của những vụ kiện tụng, nguồn gốc của chia rẽ và chiến tranh.  Nếu cái lưỡi là cơ quan nói ra sự thật, thì nó cũng nói lên sự sai lầm và  tệ hại hơn nữa là sự vu khống.  


       Có tất cả 15 chữ được ghép bởi bộ THIỆT nầy, tiêu biểu là:
   XÁ 舍 : là Nhà Trọ. TÚC XÁ 宿舍: là Nhà ở. KÝ TÚC XÁ 寄宿舍: Nhà để ở trọ. LỮ XÁ 旅舍: là Nhà trọ cho khách lữ hành.
   XÁ 舍 còn là từ khiêm tốn dùng để xưng hô người nhà của mình với người khác, như :
   XÁ ĐỆ 舍弟 : là Thằng em nhà tôi. XÁ ĐIỆT 舍侄 : là Thằng cháu nhà tôi. XÁ THÂN 舍親 : là Người bà con nhà tôi....
   TỆ XÁ 敝舍 : là lời Tự xưng Nhà của mình. QUÝ PHỦ 貴府 : là lời tôn xưng Nhà của người khác.
   XÁ 舍 còn là đơn vị đo lường ngày xưa trong quân đội dùng trong hành quân. Một XÁ là 30 dặm (khoảng 6 km ), ta thường gặp thành ngữ THOÁI TỊ TAM XÁ 退避三舍 : là Lui binh tránh đi 3 Xá để nhường cho địch quân. Ngày nay, thành ngữ nầy có nghĩa là: Đã nhường nhịn hết mức rồi! Ví dụ: "Đối với anh ta tôi đã Thoái Tị Tam Xá rồi, mà anh ta không biết điều vẫn muốn làm tới để gây sự!"
    Thành ngữ trên có xuất xứ từ SỬ KÝ và TẢ TRUYỆN ghi lại một sự tích thời Xuân Thu như sau: Công Tử nước Tấn là Trùng Nhĩ lưu vong đến nước Sở, được Sở Thành Vương giúp đỡ. Sở Thành Vương hỏi Trùng Nhĩ: "Nếu sau nầy các hạ lên ngôi, mà Tấn Sở lại xảy ra chiến tranh thì các hạ tính sao?" Trùng Nhĩ đáp: "Nếu sau nầy hai nước giao binh, ta sẽ THOÁI TỊ TAM XÁ để nhường quý quốc."  Quả nhiên, sau khi Trùng Nhĩ đã lên ngôi, năm 632 trước Công Nguyên, Tấn Sở giao chiến, Tấn Văn Công Trùng Nhĩ tự động rút lui 90 dặm đến chân thành mới quyết chiến, đó là trận THÀNH BỘC CHI CHIẾN 城濮之战 nổi tiếng thời Chiến Quốc.
            

  
                          THOÁI TỊ TAM XÁ 退避三舍
      XÁ LỢI TỬ 舍利子 : Tiếng Phạn là "sarīra; Buddhistrelics", chỉ Nhục thân của Đức Phật sau khi đã hỏa thiêu còn đọng lại những phần dưới dạng như hạt châu, gọi là Xá Lợi hoặc Xá Lợi Tử.  Sau này, các cao tăng khác khi phần hóa những phần còn xót lại cũng được gọi là XÁ LỢI.
      THỈ 舐 (còn đọc là THỊ, là ĐỂ): là Liếm. THIỂM 舔: cũng là Liếm; nên THỈ THIỂM 舐舔: là Liếm Láp. Ta có thành ngữ :
      LÃO NGƯU THỈ ĐỘC 老牛舐犢: là Con Trâu gìa liếm con Nghé con, chỉ tình thương yêu âu yếm của cha mẹ đối với con cái. Thành ngữ nầy tương đương với thành ngữ THỈ ĐỘC TÌNH THÂM 舐犢情深: Thâm tình của cha mẹ đối với con cái, mặc dù con cái đã lớn khôn. Nói tới đây làm ta nhớ đến cha con của Dương Bưu đời Tam Quốc:
      Theo sách Hậu Hán Thư, Dương Bưu có con là Dương Tu làm Chủ Bộ trong dinh Tào Tháo. Tu là người thông minh tài hoa lỗi lạc, nhưng phải tội háo thắng tranh hơn, hay đoán được ý muốn của Tào Tháo. Như có một lần, thợ vừa xây xong hoa viên, Tháo đến xem xong, trước khi bỏ đi viết vào cửa Viên một chữ HOẠT 活 là SỐNG, thợ không hiểu là ý gì. Khi Dương Tu đến thấy vậy, bèn bảo đám thợ rằng: "Thừa Tướng chê cửa rộng qúa, sửa cho nhỏ lại đi, vì chữ HOẠT 活 viết vào giữa chữ MÔN 門 là chữ KHOÁT 闊 có nghĩa là RỘNG".
      Lại một lần có người tặng cho Tào Tháo một hộp kẹo sốp, Tháo bèn viết 2 chữ lên đó rồi bỏ đi, mọi người xem không hiểu là ý gì, khi Dương Tu đến thấy chữ trên hộp, bèn mở ra chia cho mỗi người một miếng, khi Tháo đến thấy kẹo gần hết mới hỏi tại sao, thì Tu thưa rằng: "Theo lệnh của Thừa Tướng đã viết trên hộp chữ "NHẤT HIỆP 一合 " chiết tự ra có nghĩa là: NHẤT NHÂN NHẤT KHẨU 一人一口 là Mỗi người một miệng, nên thần đã phát cho họ ăn cả rồi!" Tháo không nói gì, nhưng trong bụng không vui.
      Khi Tào Tháo đem binh đi đánh Hán Trung, nhằm lúc thời tiết khắc nghiệt, tướng sĩ ngã bệnh rất nhiều tiến binh thì không có lợi, còn lui binh thì cũng tiếc công, đang lúc do dự chưa quyết, thì có tướng trực đêm vào xin khẩu lệnh, lúc đó Tào Tháo đang gặm một cái đùi gà bèn vuột miệng nói là "Gân Gà" (Kê Cân 雞筋), Dương Tu nghe thấy bèn bảo với các binh sĩ là hãy chuẩn bị hành trang vì Thừa Tướng sẽ ban sư về quê. "Gân gà" trông như thịt, nhưng nuốt thì không trôi, mà bỏ đi thì uổng, nhưng không ăn được gì cả, thế thì về quách cho rồi! Khi Tào Tháo đi tuần, thấy quân sĩ đều chuẩn bị hành trang để ban sư thì giật mình, hỏi ra mới biết là do Dương Tu nói, bèn nổi giận chém Dương Tu với tội danh: Quấy rối lòng quân. Thật ra thì Tháo cũng đã có ý "ban sư" rồi!
       Cha của Dương Tu là Dương Bưu ngày đêm thương nhớ con mà đâm ra ốm o gầy mòn. Tào Tháo hỏi, thì ông ta đáp là vì THỈ ĐỘC TÌNH THÂM 舐犢情深. Tháo nghe xong, có vẻ hối hận cho việc mình đã giết Dương Tu một cách qúa vội vả....
                         Image result for 舐犢情深 

                   THỈ ĐỘC TÌNH THÂM 舐犢情深.
15. BỘ TIÊN :
      TIÊN : là TRƯỚC (chỉ Thời Gian). TIÊN là chữ Hội Ý, theo diễn tiến của chữ viết,
 Ta thấy :
     Giáp Cốt Văn phía trên là hình tượng của bàn chân, phía dưới là hình tượng của một người, lấy Ý: Bàn chân bước đi trước con người, nên TIÊN 先 là Trước về thời gian (khác với TIỀN 前 là TRƯỚC về Không gian). TRANH TIÊN 爭先 : là Giành Trước. Bất cứ việc gì đó, người nào giành trước thì vẫn hơn, ta đã biết qua câu: "Tiên đáo vi quân, hậu đáo vi thần", "Thằng nào" tới trước thì làm "Cha"!
      TIÊN NHÂN 先人: là Người đi trước, nếu trong dòng họ, bộ tộc thì gọi là TỔ TIÊN 祖先.
      TIÊN 先 còn chỉ người đã qúa cố, như: TIÊN PHỤ 先父: là Ông Cha đã mất. TIÊN PHU 先夫: là Ông chồng đã chết...
      TIÊN THIÊN 先天 : là Trước khi có Trời, là cái gốc của vũ trụ, là bản thể của muôn vật.... nhưng TIÊN THIÊN cũng có nghĩa là "Trước khi thấy Trời", có nghĩa là "Trước khi bào thai được sinh ra", nên Y Lý Đông Phương có câu :
            Tiên thiên bất túc,      先天不足,
            Hậu thiên thất điều.    後天失調.
Có nghĩa :
     Khi còn trong bụng mẹ bào thai đã èo ọt (không đủ dinh dưỡng)
     Lúc đã sinh ra rồi lại thiếu điều dưỡng chăm sóc, nên... đứa bé bất bình thường, lớn lên một cách èo ọt yếu ớt.
     TIÊN PHONG 先鋒 : PHONG có bộ Kim 金 bên trái, có nghĩa là Bén Nhọn, nên TIÊN PHONG là Muĩ nhọn đi trước, cánh quân Tiên Phong luôn là cánh quân thiện chiến, xông lên trước để phá địch.
     TIỆP TÚC TIÊN ĐĂNG 捷足先登 : là Nhanh chân thì leo lên trước. Có nghĩa Chậm chân thì đứng dưới nhìn lên mà thôi!
     THÂN TIÊN SĨ TỐT 身先士卒: là Thân mình luôn luôn đi trước quân lính; đây là tác phong của kẻ chỉ huy, luôn luôn đi đầu làm gương chớ không phải sợ việc mà lấp ló phía sau. Nói tới đây, lại nhớ đến câu nói của Phạm Trọng Yêm một danh sĩ đời Tống viết trong Nhạc Dương Lầu Ký là:
     TIÊN thiên hạ chi ưu nhi ưu,    先天下之憂而憂,
     Hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc.     后天下之樂而樂.
Có nghĩa :
      Lo trước cái lo của thiên hạ, và Vui sau cái vui của thiên hạ.
         Image result for 宋·范仲淹, 先天下之憂而憂,后天下之樂而樂   Image result for 宋·范仲淹, 先天下之憂而憂,后天下之樂而樂   Image result for 先天下之憂而憂 後天下之樂而樂
          Nhạc Dương Lầu và câu nói của Phạm Trọng Yêm
    Chữ TIÊN lại làm ta nhớ đến Trạng Mạc Đĩnh Chi đời Trần với tài văn chương trác tuyêt. Thử thách văn chương đầu tiên là, do trời mưa nên Sứ bộ của ông đến cửa ải Pha Lũy (nay là ải Nam Quan) bị trễ. Quan trấn ải phía Trung Quốc không chịu mở cổng thành, song vì biết danh tiếng ông, nên thử tài bằng câu đối:
     Quá quan trì, quan quan bế, nguyện quá khách quá quan.
       過   關    遲, 關    關    閉,   願      過    客       過    關,
Có nghĩa là:
    Qua cửa quan trễ, cửa quan đã đóng, mời khách qua đường qua cửa quan.
Ông đã đáp lại là :
            Xuất đối dị, đối đối nan, thỉnh tiên sinh tiên đối.
              出   對 易, 對  對   難,   請   先    生    先   對。
Có nghĩa là:
   Ra câu đối thì dễ, đối câu đối mới khó, xin mời tiên sinh hay đối trước đi.
   Quan giữ ải phải phục là tài giỏi, lập tức mở cửa ải đón sứ bộ của Ông và tiếp đãi rất long trọng.
              Lưỡng quốc Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi
  
      Chữ QUAN 關 : Danh từ, có nghĩa là Cửa Quan, Cửa Ải. Động từ, có nghĩa là Đóng lại, nên QUAN QUAN BẾ 關關閉 : là Cửa Ải đã đóng lại. Chữ ĐỐI 對 : Danh từ là Câu đối, còn Động từ thì có nghĩa là Đối lại, nên ĐỐI ĐỐI NAN 對對難 : là Đối lại Câu Đối mới khó.
      QUÁ KHÁCH 過客 là Khách qua đường. QUÁ QUAN 過關 là Qua ải.
      TIÊN SINH 先生 là Người sanh ra trước, là Tiền bối, là Ông, là Thầy. TIÊN ĐỐI 先對 : là Đối Trước. Đây là câu Mệnh Lệnh Cách, nên có nghĩa là : Hãy đối trước đi !
16. BỘ HÀNH :
      HÀNH  : là ĐƯỜNG ĐI. Hành là chữ Tượng Hình theo diễn tiến của chữ viết,
Ta thấy :
     Từ Giáp Cốt Văn đến Kim Văn Đại Triện đều là hình tượng của một ngã tư đường, nên nghĩa gốc của HÀNH 行 là Đường Đi.
     Nói theo chiết tự thì HÀNH 行 là chữ Hội Ý, gồm có Bộ XÍCH 彳 là Bước Chân Trái ở bên trái, và XÁCH 亍 là Bước Chân Phải ở bên phải; ghép XÍCH XÁCH lại với nhau là HÀNH 行: Với ý: Bước chân trái một cái, rồi bước chân phải một cái, có nghĩa là ĐI. Còn nếu tách rời ra thành 2 chữ thì :
     XÍCH XÁCH 彳 亍 : Có nghĩa là Đi Bách Bộ, là Tản Bộ.
     HÀNH 行 là ĐI, với các từ như HÀNH TẨU 行走 : Không phải là vừa đi vừa chạy, mà có nghĩa là ĐI ĐỨNG hoặc ĐI LẠI. Ví dụ như: "Sản phụ HÀNH TẨU bất tiện 產婦行走不便: là Đàn bà đẻ ĐI ĐỨNG khó klhăn" hoặc như trong tiểu thuyết võ hiệp hay nhắc từ "HÀNH TẨU giang hồ 行走江湖 là ĐI LẠI trên giang hồ"... Ta thường gặp các từ: BỘ HÀNH 步行, LỮ HÀNH 旅行, HÀNH TUNG 行踪, HÀNH LÝ 行李, HÀNH TRANG 行装 .... 
      HÀNH là LÀM, như HÀNH ĐỘNG 行動, HÀNH LỄ 行禮, HÀNH VĂN,  行文, HÀNH SỰ 行事, HÀNH Y 行醫 (làm nghề Thầy Thuốc)... 
      HÀNH VIỆN 行院: là Kỷ Viện, là Nhà Chứa, nơi mà các kỹ nữ ngày xưa hành nghề. Khi đã gạt được Thuý Kiều thành thân với mình rồi, Bạc Hạnh mới đưa Kiều về Châu Thai để bán vào kỹ viện. Cụ Nguyễn Du đã viết :
            Thuyền vừa đổ bến thảnh thơi,
       Bạc sinh lên trước tìm nơi mọi ngày.
            Cũng nhà HÀNH VIỆN xưa nay,
      Cũng phường bán thịt cũng tay buôn người.

      NGŨ HÀNH 五行 : Năm nguyên tố cơ bản để cấu thành vạn vật theo quan niệm cổ xưa là : “KIM 金”, “MỘC 木”、“THỦY 水”、“ HỎA火”、“THỔ 土”.
      HÀNH còn là một Cổ thể của thi ca có thể phổ nhạc được, như TÒNG QUÂN HÀNH 從軍行 của Vương Xương Linh, TÌ BÀ HÀNH 琵琶行 của Bạch Cư Dị, LỆ NHÂN HÀNH 麗人行 của Đỗ Phủ...    
      Khi đọc là HẠNH thì chỉ phẩm chất hạnh kiểm của con người, như: TÁNH HẠNH 性行, PHẨM HẠNH 品行, ĐỨC HẠNH 德行...
      Khi đọc là HÀNG thì chỉ Ngành Nghề, như CẢI HÀNG 改行: là Đổi Nghề. NGÂN HÀNG 銀 行: là Cái Ngành chuyên kinh doanh về tiền bạc. Ta có thành ngữ :
      HÀNG HÀNG XUẤT TRẠNG NGUYÊN 行行出狀元: Có nghĩa Ngành  nào cũng có Trạng Nguyên của ngành đó cả! Ý muốn nói: Ngành nghề nào cũng có người kiệt xuất, thành công và làm giàu vì ngành nghề đó cả. Ông Bà ta cũng nói: "Làm quan cũng qúy, đi cày cũng sang" mà!
     

    360 ngành nghề, Ngành nghề nào cũng có Trạng Nguyên cả!
       行 còn đọc là HÃNG để chỉ Cửa Tiệm, Hãng Xưởng, như THƯƠNG HÃNG 商行 : là Hiệu Buôn.
XƯỞNG HÃNG 廠行: Ta gọi là Hãng Xưởng.
TỬU HÃNG 酒行: là Cái Hãng rượu, mà cũng là Tiệm Rượu nữa!
       HÀNH là chữ Tượng Hình Hội Ý và là chữ Giả Tá tiêu biểu nhất cho câu nói "Nhất TỰ lục Nghì" (một chữ 6 nghĩa) của các Cụ Đồ Nho xưa thường dùng để giảng giải cho học sinh như sau:
     " HÀNH là Con đường, mà con đường là dùng để đi, nên HÀNH còn có nghĩa là ĐI, mà Đi đứng là biểu thị cho hành động của con người, nên HÀNH còn có nghĩa là LÀM. Việc làm của con người thể hiện tính cách của con người đó, nên khi HÀNH được đọc là HẠNH thì có nghĩa là PHẨM HẠNH, là HẠNH KIỂM của một con người. Khi đọc là HÀNG thì có nghĩa là Ngành Nghề, và khi là Mạo Từ thì HÀNG có nghĩa là Một Hàng , Một Dãy... như trong bài Thất Ngôn Tuyệt Cú của Đỗ Phủ :
            兩個黃鸝鳴翠柳,  Lưỡng cá hoàng li minh thúy liễu,
            一行白鷺上青天。  Nhất HÀNG bạch lộ thướng thanh thiên.
            窗含西嶺千秋雪,  Song hàm tây lãnh thiên thu tuyết,  
            門泊東吳萬里船。  Môn bạc Đông Ngô vạn lý thuyền !
Diễn nôm :
                     Hai cái oanh vàng ca liễu biếc,
                     Một HÀNG cò trắng vút trời mây.
                     Cửa Tây thấp thoáng ngàn năm tuyết,
                     Muôn dặm thuyền Ngô đậu chật đầy.

  
  
    Image result for 兩個黃鸝鳴翠柳 一行白鷺上青天 Image result for 兩個黃鸝鳴翠柳 一行白鷺上青天
   Hai cái oanh vàng ca liễu biếc, Một hàng cò trắng vút trời xanh.
        Một Công Ty ở Hồng Kong, ý chừng để thu hút sự tò mò của khách hàng đã đặt tên cho Thương hiệu của mình là 行行行. Qủa nhiên đã lôi cuốn được rất nhiều khách hàng đến làm ăn, một phần  vì cũng muốn biết là tên Công Ty được đọc như thế nào. Thì ra ông ta đang chơi trò Giả Tá, ba chữ 行行行 đọc là : HẠNH HÀNH HÃNG, có nghĩa cái HÃNG nầy tên là HẠNH HÀNH thế thôi!
        Có 21 chữ được ghép bởi bộ HÀNH, tiêu biểu là :
    GIAI 街 : là Đường Phố, là Đường mà 2 bên có nhà ở. Ta có từ THIÊN GIAI 天街 : là Đường trong Cung Vua, hoặc Đường ở Kinh Thành, Kinh Đô, nay là những con đường ở Thủ Đô của một nước.
     Nhắc đến THIÊN GIAI 天街 lại nhớ đến 2 câu cuối trong bài Thu Tịch của Đỗ Mục đời Đường là :
            天街夜色涼如水, THIÊN GIAI dạ sắc lương như thuỷ,
            臥看牽牛織女星。 Ngọa khán Khiên Ngưu Chức Nữ tinh.
Có nghĩa :
     Đường phố trong cung vua về đêm mát mẻ và trong như nước,
     Nằm ngữa mặt lên trời mà xem hai sao Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau :
                  Đường trời đêm xuống trong như nước,
                  Nằm xem sao Chức gặp sao Ngưu!


   Image result for 杜牧 秋夕Image result for  臥看牽牛織女星
     GIAI THỊ 街市 : là Chợ Búa. Trước đây người Hoa ở Chợ Lớn gọi Chợ Lớn Mới là TÂN GIAI THỊ 新街市.
     ĐẠI GIAI TIỂU HẠNG 大街小巷: là Đường lớn hẽm nhỏ (Trong Thành phố). Ý chỉ khắp nơi trong thành phố.
     GIAI PHƯỜNG 街坊: Ta nói là Phố Phường. Hà Nội 36 Phố Phường là chữ Phố Phường nầy. Mặc dù ta có chữ PHỐ PHƯỜNG 舖坊 như thế nầy, nhưng đây là từ Hán Việt thuần Việt.
17. BỘ HUYẾT  
      HUYẾT  : là MÁU. Ta có từ kép Máu Huyết. HUYẾT 血 là chữ CHỈ SỰ theo diễn tiến của chữ viết,
Ta thấy :
     Giáp Cốt Văn là hình cái chậu, ở giữa có một giọt máu nhễu xuống, tượng trưng cho máu của các cầm thú dùng để ăn thề hoặc tế lễ với thần linh, nên HUYẾt là MÁU của người và động vật. Huyết là chất lỏng đậm đặc lưu thông trong cơ thể để duy trì cuộc sống của con người và có quan hệ về giòng giống mà ta gọi là HUYẾT THỐNG 血統.
     HUYẾT 血 Có rất nhiều thành ngữ mà cách nói giống như tiếng Việt ta, như:  
     ĐẦU PHÁ HUYẾT LƯU 頭破血流: Ta nói là Lổ đầu chảy máu.
     HUYẾT LƯU THÀNH HÀ 血流成河: Ta nói là Máu chảy thành sông.
     SÁP HUYẾT VI MINH 歃血為盟 : Ta nói là Uống Máu ăn thề. Sự thực là chỉ lấy máu của súc sinh thoa lên miệng để tỏ ý thủ tín không hối tiếc, không làm trái lời thề.
     KHẨU HUYẾT VỊ CAN 口血未乾: Máu miệng chưa khô, ý chỉ những người bội bạc, mới uống máu ăn thề, máu trên miệng còn chưa khô thì đã bội ước rồi.
     NHIỆT HUYẾT PHẤT ĐẰNG 熱血沸騰: Ta nói là Máu nóng bừng bừng, chỉ khí thế đang lên.  
     LÃNH HUYẾT ĐỘNG VẬT 冷血動物: Ta nói là Động vật máu lạnh để chỉ những người dửng dưng trước những chuyện thương tâm hoặc đau khổ của người khác. 
     HÀM HUYẾT PHÚN NHÂN 含血噴人: Ta nói là Ngậm máu phun người. Ý chỉ ngụy tạo sự kiện để nói xấu, bôi nhọ và hãm hại người khác. Câu nói nầy có xuất xứ từ La Hồ Dã Lục của Hiểu Doanh đời Tống, nguyên văn như sau: "含血噴人,先汙其口 Hàm huyết phún nhân, tiên ô kỳ khẩu" Có nghĩa là: "Ngậm máu phun người thì dơ miệng mình trước."  Trong Minh Tâm Bửu Giám của ta ngày xưa cũng có câu nầy, nhưng lại nói khác đi một chữ dù ý nghĩa vẫn như nhau là : 含血噴人,先汙自口. Hàm huyết phún nhân, tiên ô TỰ khẩu.
                       Image result for 含血噴人 
              Ngậm máu phun người, dơ miệng mình trước.
     HUYẾT HẢI THÂM THÙ 血海深仇: Là Thù sâu tợ biển do sát hại thân nhân cha mẹ của ai đó mà ra.
      ĐỖ QUYÊN ĐỀ HUYẾT 杜鵑啼血: là Chim Đỗ Quyên kêu đến ra máu miệng vì nhớ nước thương dân. Chim Đỗ Quyên còn có tên là Đỗ Vũ, Tử Quy, Tử Quyên, giới bình dân Miền Bắc gọi là Con Quốc, Miền Nam gọi là con Cuốc. Đỗ Quyên kêu suốt ngày đêm từ cuối xuân cho đến cuối hạ, sang thu thì tắt tiếng. Tiếng cuốc kêu đều đều trầm buồn gợi nhiều cảm xúc trong những đêm hè và khi há miệng ra kêu thì da bên trong miệng toàn một màu đỏ, nên mọi người lầm tưởng là chim kêu đến thổ huyết mà chết. Khoảng thời gian chim cuốc kêu lại nhằm lúc có một loại hoa đỏ thắm nở rất đẹp khắp núi đồi, nên dân gian lại truyền tụng rằng: Hoa có màu đỏ thắm là do nhuộm máu của chim Cuốc thổ ra, vì thế mà gọi loài hoa đẹp đó là Hoa Đỗ Quyên. Theo như bài thơ Ngũ Ngôn Tứ Tuyệt của Thành Ngạn Hùng đời Đường như sau :
                   杜鵑花與鳥, Đỗ Quyên hoa dữ điểu,
                   怨艷两何賒, Oán diễm lưỡng hà xa.
                   疑是口中血, Nghi thị khẩu trung huyết,
                   滴成枝上花.  Trích thành chi thượng hoa!
Có nghĩa :
      *  Đỗ Quyên là tên của hoa và cuả cả chim,
      *  Một bên là oán hờn, một bên là đẹp rực rỡ, hai bên cũng không xa cách là mấy, nên...
      *  Ngờ là máu ở trong miệng (của con chim) đã...
      *  Nhỏ xuống nở thành hoa đẹp ở trên cành!
Diễn Nôm :
                        Đỗ Quyên chim với hoa,
                        Oán đẹp có nào xa.
                        Ngờ là máu trong miệng,
                        Nhỏ xuống cành nở hoa!   
                        Image result for 杜鵑啼血 
                Chim Đỗ Quyên (Cuốc) và Hoa Đỗ Quyên

         Tích ĐỖ QUYÊN ĐỀ HUYẾT  杜鵑啼血 theo câu truyện về truyền thuyết sau đây:
      Theo sách Sưu Thần Ký thì Đỗ Vũ là tên một vị vua nước Thục (tỉnh Tứ Xuyên ngày nay) thời Chiến Quốc, ông có tính hoang dâm vô độ nên dưới thời ông  làm vua chính sự nước Thục không ổn định. Đỗ Vũ nhân nhà Chu suy yếu bèn tự xưng đế hiệu là Vọng Đế (望帝), vì là vua nước Thục, nên còn gọi là Thục Đế. Ông từng thông dâm với phu nhân của vị tướng quốc lúc bấy giờ là Biết Linh (鳖灵), sau chuyện bị lộ, nên Đỗ Vũ thẹn quá bèn nhường ngôi cho vị tướng quốc này. Tuy nhiên sau khi nắm trong tay quyền lực thì Biết Linh ngược đãi Đỗ Vũ, cấp lương thực không đầy đủ khiến ông phải hậm hực mà bỏ nước ra đi, sau khi ông chết linh hồn hóa thành một loài chim suốt ngày chỉ kêu "quốc, quốc". Người ta bảo đấy là Thục Đế nhớ nước nên mới kêu như vậy, và dân gian đặt tên cho giống chim đó là chim Cuốc.
      Trong văn học cổ điển người ta thường dùng tích Thục Đế, Vọng Đế, Đỗ Vũ hoặc Đỗ Quyên để nói lên việc nhớ nhung quê hương đất nước khi phải đi phiêu bạt nơi đất khách quê người. Trong  Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du, lúc Kiều đờn cho Kim Trọng nghe khi Kim Kiều tái hợp có câu:
                     Khúc đâu êm ái xuân tình,
               Ấy hồn Thục Đế hay mình Đỗ Quyên"

là lấy điển tích từ vị vua nước Thục này qua câu thơ trong bài thơ Cẩm Sắc của Lý Thương Ẩn là:
            Thục Đế xuân tâm hóa Đỗ Quyên,    
                   蜀帝春心化杜鵑。
 và  trong văn học cổ của ta, trong bài Qua Đèo Ngang bà Huyện Thanh Quan cũng đã hạ một đôi Luận để đời là:
           Nhớ nước đau lòng con quốc quốc,
          Thương nhà mõi miệng cái gia gia.
   và đến bài Nghe Cuốc Kêu của cụ Nguyễn Khuyến thì tiếng cuốc kêu mới thật sự bâng khuâng, khoắc khoải làm ngơ ngẩn lòng người nhất là những ai đang xa quê hương lưu lạc gởi thân nơi xứ lạ quê người như chúng ta hiện nay:
                   Khắc khoải sầu đưa giọng lửng lơ, 
                   Ấy hồn Thục Đế thác bao giờ. 
                   Năm canh máu chảy đêm hè vắng,
                   Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ.
                   Có phải tiếc xuân mà đứng gọi?
                   Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ? 
                   Ban đêm ròng rã kêu ai đó?
                   Giục khách giang hồ dạ ngẩn ngơ.
           



                        Bà Huyện Thanh Quan        
                        Tam nguyên Yên Đỗ  

18. BỘ DƯƠNG 羊 :
      DƯƠNG : Con DÊ. DƯƠNG 羊 là chữ Tượng Hình theo diễn tiến của chữ viết,
Ta thấy :
     Giáp Cốt Văn, Kim Văn và Đại Triện đều là hình tượng mặt trước của con Dê, với 2 cái sừng cong về hai phía và khuôn mặt hình tam giác từ trên xuống dưới.
     Có Hai loại DÊ chính mà ta cần phân biệt, đó chính là:
     SƠN DƯƠNG 山羊: là Dê Núi, tức là loại dê mà ta thường nuôi để lấy sữa và ăn thịt.
     MIÊN DƯƠNG 綿羊: Ta gọi là con Cừu, chủ yếu là để lấy lông.
     DƯƠNG 羊 đứng hàng thứ 8 trong Địa Chi, ứng với ngôi MÙI hợp với Hợi Mão thành Tam Hạp; và trở thành Tứ Hành Xung khi đi chung với Thìn Tuất Sửu .
     NGỌC DƯƠNG 玉羊 : là từ Hán Việt thuần Việt, vì từ gốc là DƯƠNG NGỌC 羊玉 hay nói đúng ra là DƯƠNG HOÀN 羊丸 là Dái Dê: Món ăn bổ dưỡng về mặt sinh lý cho phái nam. Ta hay nghe nói "Ngọc Dương tiềm Thuốc Bắc."  Theo tôi nghĩ, thì chính Thuốc Bắc "đính kèm theo" mới làm cho cường dương, chớ Ngọc Dương thì cũng bổ dưỡng như các loại "trứng" thường khác mà thôi!
     Các thành ngữ về chữ DƯƠNG như:
     HỔ NHẬP DƯƠNG QUẦN 虎入羊群: là Cọp vờn bầy Dê, ý chỉ Kẻ mạnh lạc vào trong đám người yếu ớt, người giỏi trong một đám người dở ẹt, nên mặc sức mà tung hoành, thao túng.
     ĐA KÌ VONG DƯƠNG 多歧亡羊: là Nhiều lối rẽ quá nên mất dê. Thành ngữ có xuất xứ từ câu nói của Liệt Tử thời Chiến Quốc: "大道以多歧亡羊,學者以多方喪生 Đại đạo dĩ đa kì vong dương, Học giả dĩ đa phương táng sinh" Có nghĩa: "Đường lớn vì có nhiều ngã rẽ nên mất dê, Người học nhiều thứ quá dễ mất phương hướng sống."  Ý muốn nói: Vì đường nhiều ngã rẽ quá nên không biết dê đi về hướng nào mà tìm, còn người học vì tham học nhiều thứ quá, thấy cái nào cũng hay cũng muốn học, rốt cuộc chỉ hại cho bản thân lạc hướng như vào mê hồn trận, mà không có môn học nào chuyên và giỏi cả!" Có 2 chữ cần nói thêm ở đây là :
      VONG 亡 là CHẾT, mà TÁNG 喪 cũng là CHẾT nữa, nhưng ở đây lại không có ai CHẾT cả! VONG DƯƠNG 亡羊 ở đây là MẤT DÊ, vì nếu Dê Chết thì sẽ nói là DƯƠNG VONG 羊 亡. Tương tự, TÁNG SINH 喪生 ở đây không phải là mất mạng, mà là Mất Đi Phương Hướng Của Cuộc Sống!
   Image result for 多歧亡羊 Image result for 多歧亡羊
                    ĐA KÌ VONG DƯƠNG 多歧亡羊
        DƯƠNG 羊 còn là họ Dương. Người họ Dương nổi tiếng trong văn học cổ là Dương Giốc Ai 羊角哀 cùng với Tả Bá Đào 左伯桃 tạo thành một cặp TRI KỶ 知己 nổi tiếng ngang hàng với cặp TRI ÂM 知音là Du Bá Nha 俞伯牙 và Chung Tử Kỳ 鍾子期.
        Có 39 chữ được ghép bởi bộ Dương nầy, như chữ :
    MỸ 美 : là Đẹp. Đây là chữ Hội Ý theo quan niệm cổ xưa. MỸ 美 được ghép bởi bộ DƯƠNG 羊 là Dê ở trên, bên dưới là chữ ĐẠI 大 là Lớn, với Hội Ý là Con Dê Lớn, Mập, thì ăn ngon, là Món Ngon, gọi là MỸ VỊ. Nên Hình ảnh con dê mập là hình ảnh đẹp, MỸ có nghĩa Đẹp là vì thế! Nên...
    MỸ 美 là Đep một cách khỏe mạnh, dồi dào sinh lực.
    DIỄM 艷 là Đẹp một cách rực rỡ, nhiều màu sắc.
    KIỀU 嬌 là đẹp một cách yểu điệu đáng yêu.
    NHÃ 雅 là Đẹp một cách thanh thoát trong sáng.
    GIAI 佳 là Đẹp toàn diện, đẹp tổng thể, dùng để chỉ chung cả người, vật, sự vật... như: GIAI NHÂN 佳人 là Người Đẹp. GIAI PHẨM 佳品 là Sản Phẩm hoặc Tác Phẩm hay, đẹp, ngon. GIAI TIẾT 佳節 là Thời Tiết đẹp, là Lễ Hội Náo Nhiệt Vui Vẻ....
     Có một chữ MỸ mà ai cũng thích hết, nhất là tại các nước chậm phát triển đó chính là MỸ CHÂU 美洲, MỸ QUỐC 美國 và nhất là MỸ KIM 美金. Có phải tại vì nó ĐẸP?! Thưa không phải, mà cũng phải!!!...???...
     Không phải : Vì chữ MỸ là do phiên âm chữ AMERICA của người Hoa là Á-MỸ-LỢI-GIA Châu 亞美利加洲, tức là MỸ Châu, lấy chữ MỸ không lấy chữ Á vì đã có Á CHÂU rồi, nên Châu MỸ là do phiên âm mà ra chứ không phải vì NÓ ĐẸP mà gọi thế. Còn...
     Cũng Phải: Vì MỸ Châu 美洲 là Tân Đại Lục nên thiên nhiên tươi đẹp, đất đai mầu mỡ, khoáng sản dồi dào... Xứng danh là một Châu Lục ĐẸP, nên gọi là MỸ Châu cũng không ngoa!
     Tương tự, MỸ Quốc 美國 là do goị tắt của phiên âm Á-MỸ-LỢI-KIÊN (American) Hiệp Chúng Quốc 亞美利堅合眾國. Một quốc gia Dân chủ, Văn minh và Giàu có nhất thế giới mà ai cũng muốn đến định cư. Còn...
      MỸ KIM 美金 thì khỏi phải nói, vì nó quý giá và tiện lợi hơn Vàng! Đi bất cứ nơi đâu trên thế giới, cứ chìa đồng Dollar ra là sẽ có được các dịch vụ và thực phẩm như ý muốn ngay!
     
                              Mỹ Châu   
         

                             Mỹ Quốc  

            
                          Mỹ Kim

      Một điều cần nói rõ ...
      NƯỚC MỸ là một HIỆP CHÚNG QUỐC 合眾國, chớ không phải HIỆP CHỦNG QUỐC 合種國. Vì HIỆP CHỦNG 合種 là Hợp tất cả những Chủng Loại lại. Nghĩa nầy rất hạn hẹp và chỉ có một mặt. Còn...
HIỆP CHÚNG 合眾 là Tập hợp tất cả Quần Chúng (không phân biệt Tôn giáo, Màu da, Chủng loại...) sống trên cùng một mảnh đất lại, nên trong từ HIỆP CHÚNG đã có sẵn HIỆP CHỦNG trong đó rồi. Cho nên, HIỆP CHÚNG QUỐC HOA KỲ là nước TẬP HỢP TẤT CẢ QUẦN CHÚNH NHÂN DÂN sống trên cùng mảnh đất thuộc địa của Anh, Pháp, Tây Ban Nha... lại, để giành quyền Độc Lập và thành lập Quốc Gia.
19. BỘ DUẬT :
      DUẬT : là Cán Viết, Cây Bút. DUẬT 聿 thuộc chữ Chỉ Sự theo diễn tiến của chữ viết,
Ta thấy :
     Giáp Cốt Văn và Kim Văn là hình tượng của  một bàn tay đang cầm một cây cọ để viết hoặc vẽ. Ý chỉ dụng cụ dùng để viết lách, nên DUẬT 聿 là Cây Viết, đến đời Tần mới thêm bộ TRÚC   vào phần trên thành chữ BÚT 筆 như hiện nay.
     DUẬT 聿 thuần túy là một Bộ hơn là một Chữ. Chữ Duật chỉ hiện diện trong các sách cổ mà thôi, như câu nói “武骑聿聿” Võ Kỵ Duật Duật: Quan Võ cởi ngựa bon bon.
     Có khoảng 10 chữ được ghép bởi bộ DUẬT 聿, tiêu biểu nhất có chữ :
     THƯ 書 : Đây là một chữ Hội Ý rất đặc biệt, trên DUẬT 聿 (bút) dưới VIẾT 曰 (nói), nên có nghĩa: Nói bằng Bút, tức là Viết Ra, mà Viết ra thì thành Sách. Vì vậy, khi...
     THƯ 書 là Danh từ, thì có nghĩa là Sách Vở, là THƯ TỊCH 書籍.
     THƯ 書 là Động từ, thì có nghĩa là Viết Lách, là THƯ TẢ 書寫.
     THƯ PHÁP 書法 : là Cách viết chữ. Các lớp Tiểu Học của bất cứ Trường Hoa nào mỗi tuần đều có một giờ THƯ PHÁP để thầy cô giáo dạy cách cầm bút và viết chữ bằng bút lông; và mỗi ngày học trò đều phải nộp một hoặc hai trang THƯ PHÁP homework vào mỗi buổi sáng trước khi bắt đầu học.
      Với phong trào viết chữ Quốc Ngữ bằng bút lông như hiện nay, thì THƯ PHÁP là Cách viết kiểu cọ tuỳ theo hoa tay và bút pháp của mọi người, mạnh ai nấy "Phăng" theo ý của mình sao cho lạ và bắt mắt là... ăn tiền!
                Image result for 書法字體 
                            Thư Pháp HOA 

                      Image result for thư pháp việt

                        Thư Pháp VIỆT
      
     Chữ THƯ 書 vừa có thể xếp vào bộ DUẬT 聿, vừa có thể xếp vào bộ VIẾT 曰, vừa là chữ Hội Ý mà cũng vừa là chữ Giả Tá nữa.
     Tiêu biểu cho bộ DUẬT còn có chữ :
     TỨ 肆 : là Cái Tiệm, Ta có từ THỊ TỨ 市肆 : là Chợ Búa. TỬU TỨ 酒肆 là Quán Rượu, như thơ của Lý Bạch trả lời cho Tư Mã Hồ Châu hỏi ông là ai:
           Thanh Liên Cư Sĩ trích tiên nhân,    
                   青蓮居士謫仙人,
           TỬU TỨ đào danh tam thập xuân.   
                   酒肆逃名三十春。
           Hồ châu Tư Mã hà tu vấn,              
                   湖州司馬何須問,
           Kim túc Như Lai thị hậu thân!         
                   金粟如來是後身。
Có nghĩa :
      Tiên bị đày Thanh liên Cư Sĩ chính là ta đây,
      Suốt ba mươi mùa xuân ẩn danh trong quán rượu. 
      Hồ Châu Tư Mã sao còn phải hỏi,
      Ta chính là hậu thân của  Đức Phật Như Lai đây!
    TỨ 肆 còn là số 4 được viết theo dạng phức hợp cho khó sửa đổi, như sau: 壹 Nhất,貳 Nhị,叁 Tam,肆 Tứ,伍 Ngũ 。。。
    TỨ 肆 còn có nghĩa là Phóng túng, như PHÓNG TỨ 放肆 : là Buông thả, không theo khuôn phép, là Làm càn.
     Như thường lệ, trước khi kết thúc bài viết nầy, mời tất cả cùng đoán một chữ cho vui :
                  此字不奇怪,     Thử tự bất kỳ quái,
                  芬芳又自在,     Phân phương hựu tự tại.
                  七人頭上草,     Thất nhân đầu thượng thảo,
                  大家都喜愛.     Đại gia đô hỉ ái .
Có nghĩa :
                  Chữ nầy không kỳ quái,
                  Thơm tho lại thoải mái.
                  Bảy người đầu đội cỏ,
                  Mọi người đều ưu ái!
        Mời đoán MỘT chữ qua bốn câu trên!
     Hẹn bài viết sau: Phần cuối, tiếp theo và hết các bộ 6 nét.
                              Đỗ Chiêu Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét