25 thg 10, 2016

Những Ngày Thân Ái Cũ - Võ Hồng Phi


Thường thường trước ngày Khai Giảng năm  học của Viện Hán Học, tôi và các bạn nữ hẹn nhau đi Huế trước một tuần để sắp xếp chỗ ăn ở; riêng mùa tựu trường năm thứ ba vì bà nội tôi ở quê lên chơi nên tôi đi sau các bạn vài hôm.  Tới Huế, vừa bước vào nhà, chào hỏi chú thím Đức (chủ nhà trọ) xong thì tôi được nghe một "tin sốt dẽo" nhưng... lạnh lòng:
-  O Hồng Phi nì.  Viện Hán Học trao đổi cơ sở với trường Mỹ Thuật ở Bến Ngự rồi tề.
Tôi sững sờ, tròn mắt nhìn chú thím.  Kiểu này thì chị Hai Cam của tôi và mấy người bạn khác ở đâu? Những người này trọn niên khóa trước được các thầy trong Bạn Giám Đốc dành một phòng trống rộng rãi trên lầu của Viện Hán Học (Phủ Nội Vụ) cho nữ sinh viên cư ngụ, còn nam sinh viên thì có dãy nhà bên hông trường. Bây giờ các bạn ấy ăn ở sao đây?

         (Chú thím Đức và 5 cô SV khóa 2 gốc Sài Gòn: Cam, Phi, Ngân, Minh, Sương)

Được sự chỉ dẫn của chú Đức tôi đạp xe đi thăm ngôi trường mới sau khi đi ngang qua chào vĩnh biệt ngôi trường cũ ở Đại Nội.  Bước vào cổng, bà "chị Hai ngang hông khác họ" của tôi và đám bạn nữ vẫy tay réo gọi. Tôi bước lên lầu, nhìn những gương mặt eo sèo, hỏi:
- Các thầy cho các bạn ở đây hả?
Một người trả lời:
- Ở tạm thôi vì chưa tựu trường... Bây giờ phải tìm nhà mà ở trọ. Biết nhà ai có đủ phòng để cho cả sáu đứa ở bây giờ!
- Ơ hay, còn tụi tui ba đứa nữa.
Chị Hai nói:
-  Phi đang ở nhà chú Đức thì tiếp tục đi.  Dời đi đâu nữa. Còn hai đứa kia: Ngân và Minh đang trọ ở đâu cứ tiếp tục ở đó, chỉ có bọn mình ở trên lầu trường cũ và mấy đứa mới trúng tuyển khóa 4 là cần có chỗ ở mà thôi.
Tôi bèn cất giọng "ca vọng cổ, xuống xề" rất mùi mẫn và thảm não:
- Chị ơi là chị, tội cho tấm thân em "gầy như liễu" lắm lắm! Từ cửa Đông Ba sáng sớm đổ đường đi tới đây dưới cơn mưa Mùa Thu và Mùa Đông tối trời thúi đất, xa ơi là xa, lạnh ơi là lạnh, em chắc thác sớm.  Qua cầu Trường Tiền gió lạnh cắt da, co ro cúm rúm, thế nào cũng bị "gió đưa gió đẩy về... " ơ... ơ... không phải,  "xuống sông ăn cá..."(1) hay cá ăn em mất xác?  Em sợ mưa Huế lắm rồi. Đổ bệnh thì sao đây? Em đâu có ai săn sóc và an ủi như... ai... có tới hai ba người lận.
Chị mắng:
- Con nhỏ mắc dịch này.  Mình đang rầu thúi ruột mà cứ châm chọc hoài.  Các thầy có hứa tìm cho một căn nhà, và đóng mấy cái giường hai tầng cho sáu đứa tụi mình,  không có "em" đâu, đừng "nghèo mà ham."  Chịu khó tìm nhà trọ đi... e...em..
Đang nói tới đây thì có tiếng vừa chạy rầm rập ở cầu thang vừa léo nhéo giọng của Minh:
- Chị Hai ơi, có trên đó không?  Bọn em tìm được chỗ trọ rồi.
Minh lên cùng với Ngân cho biết nhờ một người bạn bên Văn Khoa có nhà của người bà con gần đây, đi bộ mất khoảng mười, mười lăm phút, dư một phòng, chịu cho mướn. Điều tuyệt vời là gía không mắc độ 300 đồng, bao điện nước, phòng riêng biệt, và có cửa đi riêng, kẹt một điều chỉ cho ở, không nấu  ăn.
Nghe tới đây, tôi xen vào:
- Phòng rộng không?  Cho mình ở chung với, được không?
- Không biết, bây giờ Ngân và mình đi xem phòng và đóng tiền nếu ưng ý. Phi muốn thì đi theo xem tình hình.
Tôi nheo mắt nhìn chị Hai và trêu choc:
- Em đi theo tụi nó nghen.  Chị "ở lại"... mạnh... giỏi!

(Bên bờ dòng Bến Ngự)

Thế rồi chúng tôi đi xem nhà.
Căn nhà là một biệt thự nhỏ, trong đường hẽm nối hai đường cái, khu xóm vắng vẻ, sau chợ Bến Ngự.  Chủ nhân là một quả phụ làm Thư Ký Tòa Hành Chánh, có hai cô con gái: một học lớp Nhất (tức lớp Năm tiểu học) và một học Đệ lục (tức lớp 7 bậc Trung Học). Nhà có vườn cây trái mát mẻ.  Bên phía trái cất một dãy gồm bốn phòng: phòng vệ sinh và nhà tắm ở cuối cho chị bếp và người ngoài; phòng giữa rộng rãi là nhà bếp và chỗ ngủ cho chị bếp; phòng ngoài để cho người tới dạy kèm hai cô con gái học.  Phòng này cũng rộng rãi, một tuần chỉ sử dụng có ba ngày, mỗi ngày 2 giờ.  Bỏ không thì phí, cho nên bà cho chúng tôi mướn, với điều kiện phải để con bà học khi có người đến dạy. 
 Bà giăng một tấm màn ngăn phần học của hai con gồm một bàn dài và tấm bảng đen treo tường, và phần "gia cư" của chúng tôi.  Ngoài giờ học của hai cô con gái, chúng tôi có thể dùng bàn học này.  Phần của chúng tôi có một cái tủ nhỏ, thấp, vừa làm bàn ăn vừa làm bàn học, có một cây đèn điện để học bài.  Một bộ ván lớn làm chỗ ngủ cho hai người thì rộng mà ba người hơi chật một chút. Đây là "phượng sàng" của Minh và tôi.  Ngân  có cái giường gỗ cá nhân, do đó phòng trở nên chật chội, chỉ còn lối đi rộng đủ một người mà thôi. "Tài sản" của chúng tôi là một va-li vừa đựng quần áo vừa sách vở, cứ gầm giường, gầm ván mà cất vào. Không sao, chúng tôi chỉ cần một chỗ ngủ, phần lớn thì giờ ban ngày của chúng tôi ở Viện Hán Học và Văn Khoa. 
Bà lấy giá 300 đồng một tháng, hai người hay ba người cũng cùng một giá.  Nước xài: có sẵn giếng nhà, mặc sức mà múc thoải mái, không hạn chế. Nấu ăn thì có bếp củi, cứ mua củi về nấu không ngăn cản. Nhìn bếp, chúng tôi ngán ngẫm. Ở Sài Gòn, gia đình chúng tôi xài nước máy và nấu ăn bằng bếp dầu hôi.  Ở đây nhà giàu như bà mà còn bếp củi!!! Chúng tôi chọn ở ba người, chật một chút nhưng đỡ tốn tiền.  Ăn thì sẽ đi kiếm chỗ nấu cơm tháng, chứ thì giờ đâu mà chúng tôi đi chợ nấu ăn, rồi lại phải mua nồi niêu soong chảo, chén đủa.  Ôi chao! Nấu ăn bằng củi, lọ nghẹ sẽ dính tùm lum mặt mủi, tay chân, quần áo... Thật là phiền! Vả lại, chợ Bến Ngự đến trưa là tan, làm sao chiều về có rau cải, thịt cá... mà mua!  Lúc đó tủ lạnh chưa xuất hiện trong sinh hoạt đời sống của người dân.
Nhóm của chị Hai cũng được thầy Ngân mướn giùm cho một căn phố mặt tiền đường, gần chợ và gần trường, chỉ một phòng ngủ nhỏ xíu.  Các chị lấy phòng khách làm phòng ngủ mới đủ chỗ cho ba cặp giường tầng.  
Chợ Bến Ngự có sập bán cơm cho thợ thuyền, chúng tôi mua gào- mên và lấy cơm tháng mang tới tận nhà. Thức ăn chia hai: một nửa cho buổi trưa, một nửa cho buổi chiều.  Tuy không có tủ lạnh, nhưng cũng may trời vào Thu, mưa nhiều và lạnh nên... chúng tôi không có người nào bị "Tào Tháo rượt."(2)  Cả đám nữ Sài Gòn "du học xứ Huế" thoải mái bước vào năm học.
Ăn cơm được hơn tháng thì bắt đầu ngán cơm canh không hạp khẩu vị và quá bình dân.
Minh ngồi nhìn thức ăn thở dài:
- Lại cá nục kho nước lỉnh bỉnh, canh mít nêm mắm ruốc, rau cải xào nêm mắm ruốc.
Tôi cố thuyết phục:
- Thì rán đi, ăn để sống chứ đâu phải sống để ăn.
- Hai bạn ăn đi, tui không ăn đâu. Chắc nghỉ ăn chỗ này quá. Tìm chỗ khác.
- Ở đâu có nấu cơm tháng, ngoài chỗ này.
Ngân và tôi ngồi khều, gắp từng chút thực phẩm mà nhai như nhai cao su. Bỗng Ngân la lên:
- Này xem nè. Cái gì đen đen trong cá kho đây?  Có phải mấy hạt tiêu hột không? Á... không phải. Con ruồi.  Không phải  một con mà... hai... ba... Ôi chao ơi!  Có con ruồi mẹ nằm dưới đáy đây. Hai con trong món xào nữa nè.  Vậy mà bấy lâu nay không đứa nào phát hiện ruồi cả.
Tôi chêm:
- "Ngọc trầm thủy thượng" mà, bọn mình ăn kiểu nhà giàu, có lần nào ăn cạn đáy gào-mên đâu mà thấy.
Minh xỏ vô:
- Có thêm chất protein tốt cho cơ thể lắm.
Thế là tôi và Ngân chạy ra ngoài hè móc họng. Ngày đó ăn cơm trắng. Và hôm sau nghỉ lấy cơm tháng. 
Ở đầu chợ có một xe bán bánh mì thịt, những ngày nghỉ học, chúng tôi thường mua ăn sáng.  Ngày thường thì bận ngủ đến cận giờ vào lớp mới thức dậy đi học nên không có thì giờ cho điểm tâm.  Bánh mì thịt ở đây không giống ở Sài Gòn. Ổ bánh mì dài cỡ một gang tay, to bằng cổ tay trong có dăm lát thịt gọi là xá xíu và vài lát ớt, vài cọng ngò.  Xá xíu được làm bằng thịt ba rọi kho tiêu vị mằn mặn ngòn ngọt.  Xe bánh mì không có pa-tê, jam- bông, xá-xíu, trứng, bì v. v. đa dạng như ở Sài Gòn.  Chúng tôi mua cất vào cặp để thay cơm trưa vì đến trưa tan học thì chợ Bến Ngự cũng tan, xe bánh mì cũng về nhà.  Ở Bến Ngự không có tiệm ăn nào cả, cũng không có tiệm tạp hóa, tiệm bánh để mua ăn cho đỡ đói.  Dù có tiệm ăn chúng tôi cũng không có tiền để ăn.
Ngày đầu tiên, đến chiều đói quá, ghé qua nhà trọ của Chị Hai tính đường ăn ké.  Vừa bước vào nhà, chị đưa cho tôi xem bàn tay trái của chị và than phiền:
- Nè các bồ xem, tụi nó giành chia nhau đi chợ, rửa chén, và đùn đẩy cho mình nấu ăn làm mình bị gãy hết hai móng tay. Mình  nghỉ nấu cơm hai ngày nay rồi, người nào tự lo thân người đó, mình không nấu nữa.
Thì ra các "đồng bọn" này nghỉ ăn cơm tháng trước chúng tôi năm bảy ngày và tổ chức chia nhau nấu ăn lấy.  Chị Hai suýt xoa, đau khổ vì hai móng tay bị dao xắn mỗi móng khoảng một ly. Chị lấy băng keo dán lại.  Minh cầm bàn tay của chị ngắm nghía rồi góp ý:
- Móng tay đâu có liền lại như da được mà chị dán làm chi cho mất công.  Cắt bỏ móng gãy đi.  Mai mốt nó mọc dài ra lại, lo gì.
Tôi liếc mắt thấy mấy "đồng bọn" kia đang nháy mắt cười với nhau. Hiểu ý, tôi châm dầu:
- Nói vậy sao được.  Mười móng được cắt xén trau chuốt trên mười ngón tay búp măng ngọc ngà, tự dưng cụt mất hai móng thì thành bàn tay gì? Bàn tay tật nguyền? bàn tay phù thủy? hay bàn tay Hàn Mặc Tử?
Chị nổi nóng đuổi:
- Đi dzìa hết đi. Không thông cảm còn chế thêm... xăng Shell.
Ngân vốn ít nói, điềm đạm trả lời:
- Hai đứa nó ăn nói dzô dziêng, không có em. 
- Mấy người một bụng với nhau, đi dzìa hết đi.
Thế là tụi tôi ra về, bụng trống, ngồi ngay bậc cửa nhìn nhau, nghe bụng kêu réo cứu đói thê thảm.  Gia đình chủ nhà đóng cửa ngủ sớm, cổng không khóa cũng không đóng. Người dân Huế hiền lành, đạo đức, không có trộm, không có cướp cho nên tuy đất nước chiến tranh nhưng người dân "cửa thường bỏ ngỏ."
Chúng tôi ngồi nhìn trời tối dần. Bên hông nhà là một bãi đất trống bỏ hoang.  Mùa mưa đến, cỏ mọc um tùm, nước đọng vũng, ếch nhái kêu inh ỏi càng thêm thê lương.  Đứa nào cũng nhớ nhà, nhớ những bữa cơm hạp khẩu vị, ngon ngọt của mẹ mình mà ứa nước mắt.  Chợt nghe tiếng rao của một O bán bún bò gánh dạo, chúng tôi vội vã kêu vào, mỗi đứa một tô, xì xụp ăn. Tô 5 đồng có ba lát thịt bò mỏng và một cục giò heo nhỏ (giò heo nhỏ thì cắt hai, lớn thì cắt làm bốn).  Ăn xong vẫn chưa no, làm thêm một tô 3 đồng chỉ có bún và ba lát thịt  bò mới tạm đủ no.
Chỗ chúng tôi trọ rất vắng vẻ, chỉ lưa thưa vài nhà.  Trời sụp tối, nhà nhà đóng cửa, không ai ăn quà vặt nên các quán hàng rong về đêm không qua đây. Hôm ấy nhờ O Bún Bò này nên chúng tôi mới đỡ đói lòng.  Sau mới biết Chị Hai Cam chỉ đường cho O vào cứu đói chúng tôi. 
Sau khi no bụng, ngồi tính nhẫm nếu cứ ăn kiểu này thì thiếu tiền, những ngày cuối tháng lấy gì no lòng?  Hôm sau đành ăn tiết kiệm: tô thứ nhất sụt xuống còn 3 đồng (chỉ còn ba lát thịt bò, mất cục giò heo), tô thứ hai 2 đồng chỉ có bún và nước dùng.  Như vậy cũng tạm qua ngày.
Từ đó, xe bán bánh mì và gánh bún bò Huế này là cứu tinh của  hai nhóm chúng tôi: nhóm ngoài đường cái và nhóm trong hẽm.
Được vài tuần, thèm cơm chi lạ! Thời điểm đó, các O Huế không vào quán cơm, thường thì kéo nhau một đám vào các quán bánh bèo, bánh bột lọc,  chè v. v. Các gia đình Huế ít khi ăn quán, chỉ có những khách lỡ đường, những người ở tỉnh khác không có gia đình mới "ăn quán ngủ đình" mà thôi. Nhưng  chúng tôi thèm cơm, phải ăn cơm, không ăn gì khác. Trưa Chúa Nhật nào chúng tôi cũng tới quán cơm ở Nhà Ga Xe Lửa kêu cho mình một dĩa cơm chiên chỉ có trứng, vài con tôm khô, vài lát thịt heo.  Quán vắng khách vì vào giờ đó không có chuyến xe lửa đi hay đến, tiệm ăn không làm sẵn thức ăn, nên chúng tôi phải chờ rất lâu, e rằng cả tiếng đồng hồ mới có cơm.  Chúng tôi thường đùa "cơm đang nấu, ăn nóng sốt mới ngon." Tối Chúa Nhật trở lại "nạp năng lượng" bún bò như mọi ngày.  Cả tuần chỉ được một dĩa cơm cho đỡ ghiền! Chúng tôi trở thành "tín đồ ngoan" của Bún bò Huế.  Nếu có ai hỏi ở Huế món ăn nào ngon số một?  Xin trả lời: Bún Bò.  các món khác đều thứ yếu.
Chúng tôi ăn ở như thế suốt cả năm học. Khi hè, về nhà mới được những bữa cơm đàng hoàng. Biết làm sao bây giờ? Chúng tôi thường nói đùa: mình là con cháu nhà Nho nên phải biết thực hành lời dạy của tiền nhân: "Ngộ biến tùng quyền" và "an bần học đạo..."(3) 
Cứ thế mà ăn, ở, học, hành.  Rồi cũng tốt nghiệp.
Cảm ơn xứ Huế êm đềm và hiền lành đã dang rộng vòng tay đùm bọc chúng tôi.  Cảm ơn Viện Hán Học nơi có các Thầy kiến thức uyên thâm, hết lòng lo cho thế hệ trẻ, và là nơi mà bạn bè đồng môn coi nhau như ruột thịt để tôi có ngày hôm nay ngồi viết mấy dòng chữ này.

Võ Hồng Phi (khóa 2 VHH Huế)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét