Truyên ngắn cuả Nguyên Yên
Người đàn ông ngồi nhìn theo bóng vợ và con trai
khuất sau cánh cửa đóng chặt, căn nhà thoáng chốc chìm vào im ắng. Gã mở
email lặng nhìn vào hộp thư. Hệt như mọi ngày, hộp thư gọn gàng chỉ vài
cái email còn sót lại từ những năm tháng cũ. Hộp thư sạch sẽ, ngay
ngắn, đơn điệu như đời sống tẻ nhạt hàng ngày của chính gã. Gã nhìn vào
đó đăm chiêu, đợi chờ, như thể cuộc đời gã tuỳ thuộc vào sự sống còn của
cái hộp thư ấy. Ánh mắt gã trở nên xa xăm bất thần, tâm thân vô hướng
như rơi chìm vào một khoảng không mù mờ, vô định.
Từ bao giờ, mọi ngày của gã đều như thế. Kim đồng
hồ trên tường chỉ mới hơn 7 giờ sáng, gã uể oải đứng dậy bước về phía
phòng ngủ. Bên khung cửa sổ, từng vạt nắng sớm quệt dài những vệt sáng
loang lỗ trên bệ tường. Bên ngoài, tiếng xe cộ rình rang của thế giới
thường nhật vừa thức giấc, hối hả tất bật vào ngày.
Ðưa tay kéo sập tấm màn chắn cửa xuống, gã ngã
tấm thân mỏi mệt nặng trĩu xuống giường. Nằm yên trong cái mền đen dày
cui trùm kín đầu, gã bắt đầu cuộc chiến tách rời thân xác khỏi cái thế
giới tạm bợ nơi vợ con gã cùng với 7,3 tỷ người trên trái đất đang hăm
hở chen chân. Chẳng bao lâu sau, cơn động kinh của ngày sẽ không còn tác
động đến gã nữa; những mưu sinh, bận rộn của cuộc đời sẽ tạm thời gác
lại. Trong cơn mê của giấc ngủ ngày, linh hồn gã sẽ thức tỉnh; trái tim
gã sẽ vực dậy, sống lại nhịp đập của những tháng ngày còn ước mơ.
Bao giờ cũng vậy, giấc mơ xưa nay luôn bắt đầu từ
một tiếng gáy gà. Chàng trai thức dậy trên cánh đồng thênh thang, nơi
chàng mơ thấy mình thành chim sải cánh trên bầu trời. Ước ao tự do từ
thuở ấu thời vẫn không ngừng thôi thúc. Chỉ để khi lớn khôn người ta mới
nhận ra con người từ khi sinh ra đã được ném vào cái nhà tù cuộc đời,
loay hoay mở hết cánh cửa này sang cánh cửa khác, rốt cuộc nhận ra ảo
mộng thoát ly cũng hệt như niềm tin ngây thơ vào một đấng giải thoát tối
cao.
Gã vẫn bay lượn trên bầu trời, những cánh đồng
ngút ngàn biến thành những cột cầu thép đen hun hút đan nối chiếc cầu
treo dẫn vào thành phố. Mùi lúa mạ bốc hơi chuyển sang mùi muối mặn. Gã
bay cao theo cơn gió, là là qua các khung cửa sổ, nhìn vào những căn
phòng, thấy chính mình sống lại một ngày mùa xuân ở thành phố sương mù
này.
Buổi trưa hôm ấy, từ căn phòng tràn ngập ánh sáng
trên dốc núi này, gã đã một lần thoát ly. Lần đầu tiên bỏ mặc vòng quay
cuộc đời, bỏ lại đằng sau cơn bão tuyết và cái lạnh kinh niên đóng băng
từ bên trong, gả nhẹ hẫng xách túi đến con phố nắng vàng gặp nàng.
Chính từ không gian này, đúng giây phút thân xác gã tự do hòa quyện, tâm
hồn gã bay cao. Ngắn ngủi nhưng bất tận, như giấc mơ hằng đêm vẫn đưa
gã trở về. Tình yêu. Một lần có thật, có khuôn mặt, bằng da bằng thịt.
Thật như cái đầu đã một lần thoát hèn. Như trái tim có khúc tự do. Như
đôi cánh đêm của gã đang dang rộng trên bầu trời. Trong cơn mớ ngày, gã
tự cấu vào da thịt xem mình đang tỉnh hay mơ.
Ai đó đã nói, chỉ trong giấc mơ người ta mới dám sống không sợ bị phán xét.
***
Mùa xuân năm Ất Tỵ 1965, trong không khí chan hòa
ngày Tết tại một làng quê thôn dã miền Trung, đôi vợ chồng son trẻ thắp
nhang vái tạ tổ tiên đã ban cho họ đứa con trai đầu lòng kháu khỉnh,
đặt tên nó là Văn Hưng, như một lời cầu mong chinh chiến chóng tàn cho
quê hương sớm có ngày văn hưng khí thịnh. Chiến tranh leo thang, hàng
ngàn thanh niên trai tráng tử trận, thằng bé lớn khôn đã mồ côi cha, vẫn
sống còn trong những tháng ngày làng quê tan tác.
Hơn hai mươi mùa xuân sau, từ biệt Mẹ và tuổi
thơ, chàng trai trẻ lên tàu vượt biển mang theo ưu tư và hoài vọng thanh
xuân. Con tàu nổi trôi chở theo vận mệnh của mấy trăm con người phó
thác mạng sống mình cho trời đất. Trong những ngày tháng tuyệt vọng trôi
dạt trên biển, người thanh niên luôn khấn nguyện, thề sẽ sống cho ra
sống nếu có cơ may sống sót.
Bản năng sinh tồn của con người vượt trên tất cả.
Như hàng triệu người Việt ra đi, gã cũng may mắn vẫn sống sót. Những
ngày đầu đặt chân đến đất Mỹ, gã học tiếng Anh, học nghề, rồi đâm đầu đi
làm ngày làm đêm kiếm tiền gởi về nhà. Có lẽ khi không còn tin chắc vào
bản thân, người ta sẽ dựa vào những thứ có thể cân đo đong đếm để xác
định giá trị bản thân. Ở vùng đất xa lạ cách quê hương nửa vòng trái
đất, cái cây bị bứng rễ không được uống nước từ gốc, không phát triển từ
trong ra ngoài, mà nảy nở sinh sôi từ ảnh hưởng môi trường.
Ở Mỹ đầu thập niên 90, gã thấy mình lạc lõng,
sinh sau đẻ muộn. Phần đông người Việt đi trước đã an cư lạc nghiệp. Dạo
ấy gã như con ngựa non háu đá, hùng hục chứng tỏ khả năng “có” của mình
qua công ăn việc làm, nhà cửa, xe cộ… Như cái ngày gã quyết định có vợ
và sinh con đẻ cái, cũng chỉ để lấp đầy cái khoảng trống ngày càng loang
lổ; hay trần trụi hơn, chỉ để thực hiện bản năng gieo giống của gã đàn
ông.
Ngày cưới vợ, gã gặp lại một người bạn cũ khá
thân thiết từ những ngày đầu mới xa quê hương. Nàng có cặp mắt đen láy
sâu thẳm như mặt nước con sông quê gã vào những đêm sáng trời. Lần gặp
nhau sau cùng, nàng trở lại trường học theo đuổi giấc mộng làm y sĩ
trong khi gã bỏ mộng chữ nghĩa đi học nghề để kiếm tiền. Lần đầu tiên
sau chục năm miệt mài theo đuổi giấc mơ Mỹ, trong thoáng chốc, gã mơ hồ
nhận ra chiếc bóng của sự mất mát.
Cuộc đời là những cuộc thỏa hiệp. Người đàn bà
bước vào cuộc hôn nhân cũng giống như gã, cả hai cùng thực hiện một cuộc
đổi trao kiếm chác. Nàng gái quê tìm visa đi Mỹ. Gã Việt kiều về quê
tậu mái ấm. Mùa đông đầu tiên lấy vợ, gã ôm thân thể người vợ tròn trịa
ấm áp trong tay, hiểu ra mình đang ôm một nỗi cô đơn tổ chảng vào lòng.
Đây cũng là mùa đông đầu tiên gã thấy cơn bão tuyết xứ sở này lạnh đến
mức không thể chịu nỗi.
***
Chiếc giường gỗ không ngừng cọt kẹt. Người đàn
ông lăn qua lăn lại như cố gắng tìm một tư thế dễ chịu hơn. Bên ngoài
tiếng còi hú ầm vang, chiếc xe cứu hỏa chạy ngang nhà đánh thức gã dậy
giữa ngày. Nhìn đồng hồ, đã gần 2 giờ chiều. Gã đưa tay tắt chiếc đồng
hồ báo thức. Ngày nào gã cũng để đồng hồ, nhưng bao giờ cũng bị đánh
thức bởi những tiếng động inh ỏi từ đường phố. Căn nhà nằm ngay mặt
tiền, ngoài những tiếng ồn ào còn biết bao nhiêu phiền nhiễu khác. Đã
bao nhiêu lần gã định bán nhà dọn đi nơi khác, nhưng cũng như nhiều thứ
khác trong cuộc sống, gã thấy mình như cá mắc cạn, càng vùng vẫy lại
càng lún sâu.
Gã đưa tay kéo tấm màn nhìn ra ngoài, bầu trời
quang đãng không một gợn mây. Từ ngày đổi ca làm việc, đối với gã ngày
cũng như đêm. Gã thấy mình không còn có khả năng phân biệt sáng tối. Khi
gã về đến nhà, vợ gã đã ngủ say. Khi vợ về đến nhà, đã đến giờ gã đi
làm. Như mặt trăng mặt trời, vợ chồng gã cùng hít thở một bầu không khí
nhưng chẳng mấy khi chạm mặt nhau. Như vậy có lẽ tốt hơn cho cả hai. Con
người khi đã một lần bằng lòng thỏa hiệp, sẽ tiếp tục đi từ dàn xếp này
sang dàn xếp khác, cho đến khi người ta không còn băn khoăn mình đang
sống hay đang dần mòn thối rữa trong guồng máy.
Gã bật dậy chuẩn bị đi đón con tan học. Trường
học cách nhà chỉ vài góc đường, nhưng gã tập thói quen đi đón con về rồi
ăn uống, trò chuyện với chúng mỗi ngày. Con cái thời đại này không dễ
dạy dỗ. Hai thằng con trai mỗi thằng mỗi tính. Thằng lớn chậm rãi mơ
mộng chừng nào thì thằng nhỏ ranh ma nhanh nhẩu chừng đó. Cả hai đều
nhìn y khuôn vợ gã, với khuôn mặt trái soan tròn trịa, môi dày, mắt đen,
ngược với khuôn mặt cả dòng họ nhà gã góc cạnh, gò má cao, môi mỏng,
mắt nâu. Có lẽ nào khi vợ chồng ăn ở thiếu gắn bó, con cái sinh ra không
mang diện mạo hòa hợp của cả hai, còn tìm cách giải thích một cách khoa
học hơn thì gã hoàn toàn không nghĩ đến.
Đón con về đến nhà, gã vào bếp hâm nóng thức ăn.
Ngày nào cũng vậy. Ba cha con. Ba cái bánh pizza nướng. Hôm nay mở tủ
lạnh, thấy có tô thịt kho trứng, cái bao tử của gã reo hò. Có vậy thôi
mà bỗng dưng cảm động. Đã từ lâu lắm rồi, bếp núc trong nhà lạnh tanh.
Người vợ lâu nay chẳng còn ngó ngàng gì đến chuyện ăn ở của chồng con.
Bỗng dưng gã nhớ đến những ngày đói khát sau 75. Ban đầu khi mới đói,
người ta nhớ và hiểu mình mất mát cái gì, vì ai, cho đến khi được xếp
hàng đi mua gạo ở hợp tác xã, người ta chỉ biết vui mừng cảm ơn cách
mạng đã ban cho họ bát cơm đầy sạn. Con người thật ra dễ huấn luyện hơn
con vật. Lấy đi tất cả rồi cho lại chút xíu, trái tim người ta đã lại
sướt mướt.
Hai thằng con trai hôm nay thấy gã tươi tỉnh cũng
thích thú ra mặt. Ba cha con ăn xong, chúng lấy sách vở ra học bài xong
dụ gã cho chúng xem phim. Gã ngồi vào máy, những hình ảnh xưa nay như
bộ phim quay đi quay lại. Vài năm gần đây, gã bắt đầu viết trở lại. Cũng
chẳng để làm gì, nhưng khi viết, gã thấy mình như cầm lại chiếc gương
soi vào cuộc đời. Đâu đó trong mỗi câu chuyện, gã đặt vào đấy những mảng
mộng. Nếu cuộc sống thực tại của gã không có lối thoát, thế giới giả
tưởng này may ra có thể cưu mang gã. Ít ra thì gã cũng không thấy điều
này là một cuộc thỏa hiệp bi đát.
Gả chìm vào những ý tưởng. Gã ngấu nghiến gõ, như
sợ những hình ảnh trong đầu giống như ký ức rồi cũng sẽ bỏ gã đi mất.
Hôm nay gã không muốn đi làm, gã muốn ở nhà viết về một cảm xúc, về mùa
xuân trong lòng. Từ lâu lắm, gã mới sống và nhớ lại. Hình ảnh tình yêu
trong giấc mơ hiện rõ hơn bao giờ hết. Gã nhớ rõ một khuôn mặt. Cái cảm
xúc ngắn ngủi nhưng bất biến. Nhớ lời thề sống cho ra sống nếu còn được
sống sót trên chiếc thuyền sắp đắm ngày nào…
***
Trời chuyển sáng. Dưới mái nhà trú ẩn hai linh
hồn dị mộng. Người đàn ông nằm cạnh tiếng ngáy đều đặn của vợ bỗng nghe
trong lòng mình một tiếng gáy gà. Ngoài kia, đàn chim trốn tuyết đã bay
về thành phố. Tia nắng đầu ngày quét ngang chiếu sáng một góc phòng, rồi
nhanh chóng trả không gian lại cho bóng tối.
Như mùa xuân đã bao nhiêu lần tạt ngang qua đây, nhưng chưa một lần đủ hơi ấm ở lại.
Gả bật dậy mở email bần thần nhìn vào hộp thơ.
Một ngày mới cũ rích lại bắt đầu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét