18 thg 10, 2016

“Khiếp sợ” với những mảnh nhựa nhỏ trong các đại dương

gettyimages-486270066-676x450
Phế thải nhựa nổi lềnh bềnh trên bờ biển gần Dakar, Senegal, ngày 2 tháng 9 năm 2015. (SEYLLOU/AFP/Getty Images)

Trong nhiều năm qua, cá đã ăn nhiều mảnh nhựa nhỏ tí xíu trong đại dương vì tưởng lầm đó là thức ăn.
Ngày nay những “mảnh nhựa siêu nhỏ” này đôi khi mảnh hơn sợi tóc người, chúng có thể đang ở trong người của 85-90% trong một vài quần thể cá, dù số lượng tương đối ít, Richard Thompson, một giáo sư sinh học biển tại Đại học Plymouth, cho biết.
Rồi sau đó con người ăn cá.
Thompson đã nghiên cứu ảnh hưởng của chất thải nhựa ở các đại dương trong hơn 20 năm, ông cho biết, tác hại trực tiếp của nhựa siêu nhỏ đối với con người vẫn chưa được nghiên cứu.
“Sự hiểu biết khoa học về tác hại này còn sơ khai”, Thompson nói.
Năm 2014, các nhà nghiên cứu đã mua 152 con cá từ các chợ ở California và Indonesia.
Cứ 10 con cá ở California thì 1 con có nhựa bên trong. Còn ở Indonesia là 1 trong 4 con.
Và một nghiên cứu hồi tháng 7 năm nay dự đoán rằng đến năm 2050 các đại dương trên thế giới sẽ có nhiều nhựa hơn là cá.
Các nhà khoa học đang nghiên cứu những tác động có hại của các hóa chất phụ gia trong nhựa và điều gì sẽ xảy ra khi chúng phát tác – như các kim loại nặng (liên quan đến thận, phổi và tổn thương não), Bisphenol A (liên quan đến tổn thương não và phát triển hành vi ở trẻ em), và phthalates (liên quan đến việc cản trở phát triển tính năng nam ở bé trai).
Các nhà khoa học cũng phát hiện ra rằng các mảnh nhựa siêu nhỏ có tác dụng như một miếng bọt biển, hấp thụ hóa chất ô nhiễm khác từng được phát hiện trong nước, chẳng hạn như DDT, một loại thuốc trừ sâu liên quan đến sự tổn thương hệ sinh sản, đã bị cấm ở Hoa Kỳ từ 40 năm trước, nhưng vẫn được sử dụng ở một số nước, chẳng hạn như Trung Quốc.
beach-sand-nurdles-uk
Những mảnh nhựa tại một bãi biển ở Anh. (Ảnh của Charles Rolsky)

Mức độ gây hại của những chất phụ gia hoá chất độc hại này và những hoá chất đã bị hấp thụ, đối với cá, các hệ sinh thái, và con người, còn chưa được nghiên cứu.
Có rất nhiều loại mảnh nhựa kích cỡ khác nhau, với một loạt các phụ gia và các chất gây ô nhiễm đã bị hấp thụ khác nhau.
“Tháo gỡ điều này khá phức tạp”, Thompson nói.
Hơn nữa, các nhà khoa học thường cần một nhóm đối chứng để định lượng những ảnh hưởng tới sức khỏe của một thứ gì đó. Trong trường hợp này, ngày càng khó tìm được một nhóm vừa đủ những người chưa bị phơi nhiễm với ô nhiễm nhựa.
Thompson cho biết con người không nên hy vọng tìm được bằng chứng khoa học cho thấy ô nhiễm nhựa tàn phá sức khỏe của toàn bộ dân số.
Con người đang tiếp xúc với quá nhiều nhân tố khác trong môi trường đến mức “việc tách riêng tác hại của nhựa, chứ chưa nói đến nhựa siêu nhỏ, là gần như không thể,” ông nói.
Một trong những chuyên gia hàng đầu về ô nhiễm hóa chất là Rolf Halden, giáo sư tại Đại học Tiểu bang Arizona (ASU) và Giám đốc Trung tâm An ninh Môi trường của Học viện Thiết kế Sinh học.
Halden nghiên cứu về các hóa chất gắn liền với ô nhiễm chất dẻo cuối cùng sẽ đi đến đâu.
Nghiên cứu còn cả một chặng đường dài, nhưng đã hé mở một số manh mối về quy mô của vấn đề, ông Charles Rolsky, nhà nghiên cứu sau đại học ở ASU và là một thành viên trong nhóm của Halden, cho biết.
Rolsky cho biết, những ảnh hưởng được ghi nhận trên động vật và các hệ sinh thái có thể gợi ý cho thấy những tác động đến con người. “Chúng tôi còn chưa hình thành được mối liên hệ này giữa chúng và chúng ta trên quy mô lớn, nhưng chúng tôi đang quan sát nó trên một quy mô nhỏ,” ông nói.
more-beach-pics
Các mảnh nhựa trên một bãi biển. (Ảnh của Charles Rolsky)

Và bởi vì nhựa ở khắp mọi nơi, nên ngay cả với một lượng nhỏ bằng chứng cho thấy nó có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cũng có thể là báo động cho một vấn đề rất lớn.
“Trong trường hợp này nhân tố chưa nhận thức đến được là vô cùng đáng sợ,” Rolsky nói.
Trong năm 2013, các nhà khoa học cho loài cá medaka ăn thức ăn có chứa những mảnh nhựa siêu nhỏ lấy từ môi trường biển. Một số con cá có biểu hiện thương tổn và các triệu chứng của tổn thương gan.
Nhưng có một tác động rõ ràng nhất – cá đang chết đói. Các mảnh nhựa trong dạ dày làm cho chúng cảm thấy no, dẫn đến suy dinh dưỡng.
Điều đó có thể cản trở sự sinh sản, ít nhất là đối với loài rùa biển – việc ăn nhựa làm cho chúng bị suy dinh dưỡng, và và chúng sẽ sinh sản ít hơn hoặc hoàn toàn không sinh sản, theo Wallace J. Nichols, một nhà nghiên cứu sinh học biển đã nghiên cứu về các loài rùa biển trong 25 năm.

Có bao nhiêu nhựa?

gettyimages-75374364-674x419
Một người Ấn Độ đi ngang qua bãi rác ở bãi biển Juhu ở Mumbai, năm 2007. (PAL Pillai / AFP / Getty Images)

“Nghiên cứu hiện hành nhất hiện nay” ước tính có hơn 165 triệu tấn nhựa các loại trong các đại dương, theo một tài liệu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố hồi tháng Giêng.
Đó là trọng lượng của hơn 3.500 con tàu Titanic.
Và mỗi năm con người bổ sung thêm khoảng 9 triệu tấn – bằng khoảng 190 lần Titanic.
Việc sử dụng nhựa dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm tới, vào năm 2050 trong các đại dương sẽ có 1 tấn nhựa cho mỗi tấn cá, báo cáo dự đoán.
Năm 2014, có khoảng từ 102.000 đến 260.000 tấn mảnh vụn chất dẻo trôi nổi trong các đại dương, theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Environmental Reseach Letters. Những mảnh nhựa siêu nhỏ có mặt ở những bờ biển có dân cư sinh sống ở tất cả các châu lục, và ngay cả ở những vùng xa xôi hẻo lánh và tại Bắc Cực.
Những mảnh nhựa siêu nhỏ có thể nhỏ đến mức chúng lọt qua những máy xử lý nước thải. Và bởi vì các mảnh nhựa siêu nhỏ có thể hấp thụ hóa chất, chúng thậm chí có thể làm cho các máy xử lý không loại được những hóa chất nguy hiểm ra khỏi nước.
Thậm chí tệ hơn, chính các nhà máy xử lý nước sử dụng hóa chất, như chlorine, để làm sạch nước. Những mảnh nhựa siêu nhỏ cũng có thể hấp thụ các hóa chất này và mang chúng ra khỏi các nhà máy xử lý nước.

Lẩn quẩn

cornwall-samples-450x450
Những mảnh nhựa được tìm thấy ở Cornwall, Vương quốc Anh. (Ảnh của Charles Rolsky)

Một nghiên cứu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho rằng những giải pháp cho vấn đề này nên tập trung vào bao bì bằng nhựa – chiếm hơn một phần tư trong tất cả các loại chất dẻo được sản xuất ra và là một nhân tố chủ yếu gây ra tình trạng ô nhiễm. Hầu hết chúng được sử dụng một lần.
Các nhà nghiên cứu thuyết phục nên tạo ra những loại chất dẻo có thể tái sử dụng đến mức độ nó sẽ “không bao giờ trở thành chất thải”. Tuy nhiên, họ cũng thừa nhận rằng với công nghệ hiện nay điều này không khả thi.
Nghiên cứu này thừa nhận là người tiêu dùng sẽ không giảm ngay việc sử dụng bao bì bằng nhựa, nhưng đề nghị mọi người cố gắng. Ví dụ có thể mang túi ở nhà để đi mua hàng tạp hóa hoặc dùng những chiếc cốc tái chế để đựng café sáng.
Nhưng việc đặt trách nhiệm lên người tiêu dùng chứ không phải là với nhà sản xuất cũng tương tự như việc tập trung vào phần ngọn chứ không giải quyết nguyên nhân gốc rễ. Và việc thiếu bằng chứng trực tiếp rằng chất dẻo là có hại cho con người có thể gây khó khăn cho việc áp đặt những quy định đó.
Vấn đề ô nhiễm môi trường xảy ra một phần là do không có đủ cơ sở hạ tầng xử lý chất thải nhựa. Khoảng một phần ba bao bì làm bằng nhựa không bị thiêu hủy, tái chế, chôn lấp hoặc xử lý. Nó đơn giản là len lỏi qua kết cấu hạ tầng và trôi về các đại dương, đất trồng và sông suối.
“Ngay cả trong các kịch bản nâng cấp cơ sở hạ tầng tốt nhất hiện nay, việc rò rỉ sẽ chỉ trở nên ổn định, chứ không loại trừ được”, các nhà nghiên cứu nói.
Báo cáo cũng bày tỏ sự hoài nghi về các loại chất dẻo có thể bị phân hủy sinh học hiện nay, nói rằng chúng “khó thể nào so bì” với phương pháp không-chất-thải, vì chúng “thường chỉ biến thành phân trong những điều kiện được kiểm soát.”
Các tác giả nêu rõ, việc giải quyết vấn đề này đòi hỏi sự hợp tác trên bình diện toàn cầu giữa ngành công nghiệp nhựa, các chính phủ, các nhà lập pháp, và các tổ chức phi chính phủ.
Cho đến nay, chưa thấy xuất hiện một dấu hiệu nào.
Năm ngoái Hoa Kỳ đã thông qua một đạo luật cấm những chất tẩy rửa có chứa những hạt nhựa siêu nhỏ – ví dụ những mảnh nhựa li ti được sử dụng để tẩy da chết. Nhưng điều đó chỉ đối phó với một phần nhỏ của sự ô nhiễm nhựa, ít nhất là dựa trên đánh giá của Thompson về việc sử dụng những vi hạt nhựa ở Anh.

Làm sạch đại dương

gettyimages-137416226-674x475
Các tình nguyện viên dọn rác ở Tamentfoust, Algeria, trong một chiến dịch làm sạch ngày 20 tháng 1, 2012. (Farouk BATICHE / AFP / Getty Images)
Năm 2012, chàng trai 18 tuổi Boyan Slat đã đưa ra một ý tưởng tài tình – vì sao phải chủ động đi gom rác nhựa trong khi những dòng hải lưu có thể mang nhựa đến cho chúng ta?
Trong một cuộc nói chuyện tại TEDx đã lan truyền rộng rãi, Slat trình bày ý tưởng về lớp ngăn nổi thụ động để gom mảnh vụn nhựa ra khỏi bề mặt của đại dương một cách tự nhiên, khi nước chảy qua nó.
Năm 2013 Slat đã thành lập Quỹ Làm sạch Đại dương và vào tháng sáu năm nay đã triển khai thử nghiệm đầu tiên dài 100 mét cho phát minh của mình ở Biển Bắc, khoảng 14 dặm ngoài khơi bờ biển Hà Lan.
Lớp ngăn cuối cùng, dài hơn 62 dặm, sẽ được triển khai trong năm 2020. Dự án ước tính lớp ngăn của Slat sẽ thu gom gần 80.000 tấn rác nhựa trong khoảng 10 năm.
Đó là vào khoảng 8.000 tấn một năm.
Để so sánh, năm ngoái phải cần 800.000 tình nguyện viên để dọn 9.000 tấn rác ở các bãi biển và sông rạch trên toàn thế giới, theo báo cáo về làm sạch các bờ biển quốc tế của tổ chức Bảo tồn Đại Dương.
Loại rác phổ biến nhất là nhựa.
Phát minh của Slat là cách làm hiệu quả nhất để chống ô nhiễm nhựa hiện nay, một đại diện truyền thông của dự án viết trong một email.
Nhưng có một thực tế khó tránh khỏi: dự án sẽ cần khoảng 350 triệu đôla cho 10 năm hoạt động, như vậy là tốn khoảng 4.500 đôla cho mỗi tấn nhựa.
Điều đó có nghĩa là sẽ phải tốn khoảng 40 tỷ đôla một năm để dọn 9 triệu tấn nhựa mà chúng ta thải vào đại dương hàng năm.
Và đó là chưa tính đến việc gia tăng sản xuất nhựa. Và 165 triệu tấn nhựa đã có sẵn trong các đại dương. Sẽ phải tốn hơn 740 tỷ đôla để dọn sạch chúng.
Và đó là giả định dự án Làm sạch Đại dương của Slat có thể dọn tất cả nhựa – vốn là điều không thể.
Nghiên cứu tính khả thi của dự án cho biết lớp rào cản để lọt khoảng 20 phần trăm chất ô nhiễm, một phần bởi vì nó chỉ tiếp cận được đến độ sâu 3 mét.
Ngoài ra, nó không thể cản được các hạt nhỏ hơn 2 cm (khoảng 0,8 inch), có nghĩa là nó không thể dọn sạch những hạt siêu nhỏ.
Nhưng nó có thể chặn các mảnh lớn hơn trước khi chúng biến thành các mảnh siêu nhỏ.
Nhưng từ năm 2014 đã có từ 102,000 – 260,000 tấn các mảnh siêu nhỏ trong các đại dương. Sẽ có thêm bao nhiêu nữa trước khi dự án dọn sạch đại dương hoạt động?
Chưa kể, dự án không có kế hoạch cụ thể nào sau năm 2020, cũng chưa có lời cam kết “tỷ đôla” nào từ các chính phủ hoặc các công ty.
Slat ví vấn đề nhựa với một quả bom hẹn giờ. Vấn đề là, khi nào nó sẽ phát nổ? Hay nó đã nổ rồi?

http://vietdaikynguyen.com/v3

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét