Số lượng động vật hoang dã giảm 58% kể từ năm 1970 tới nay và có thể đạt mức 67% vào cuối thập kỷ này nếu không có các biện pháp giải quyết kịp thời.
Số lượng động vật hoang dã giảm 58% kể từ năm 1970. Ảnh: Scott Dickerson.
|
"Báo cáo hành tinh sống" của Hiệp hội Động vật học London (ZSL) và Quỹ
quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) cho biết số lượng động vật hoang dã
trên thế giới giảm 58% kể từ năm 1970 đến nay, BBC hôm nay đưa tin.
Bản báo cáo được công bố hai năm một lần với mục đích cung cấp đánh giá
về tình trạng động vật hoang dã trên thế giới. Nhóm nghiên cứu sử dụng
dữ liệu thu thập từ 3.700 loài chim, cá, động vật có vú, động vật lưỡng
cư và bò sát, chiếm khoảng 6% trong tổng số động vật có xương sống trên
thế giới. Từ đó, họ bắt đầu phân tích sự thay đổi của số lượng động vật
hoang dã từ năm 1970.
Báo cáo gần đây nhất ước tính số lượng động vật hoang dã trên thế giới
sụt giảm một nửa trong 40 năm qua và cho rằng xu hướng này đang tiếp
tục. Tiến sỹ Mike Barrett, giám đốc Trung tâm Khoa học và Chính sách
thuộc WWF, cho biết một số loài động vật ở trong tình trạng tồi tệ hơn
các loài khác.
"Chúng tôi nhận thấy sự suy giảm mạnh của các loài sống trong môi
trường nước ngọt với mức sụt giảm 81% kể từ năm 1970. Tình trạng này
liên quan tới cách con người sử dụng nước, cũng như sự chia cắt các hệ
thống nước ngọt do hoạt động xây đập", tiến sỹ Barrett nhận xét.
Số lượng voi châu Phi giảm mạnh trong những năm gần đây do hoạt động săn bắn. Ảnh: WWF.
|
Bản báo cáo cũng nhắc đến các loài động vật khác, ví dụ như số lượng
voi châu Phi giảm mạnh trong những năm gần đây do hoạt động săn bắn gia
tăng hay cá mập đang bị đe dọa bởi việc đánh bắt quá mức.
Từ đó, nhóm nghiên cứu kết luận số lượng động vật có xương sống đang
giảm xuống với mức trung bình 2% mỗi năm. Họ cảnh báo nếu không có các
biện pháp giải quyết, số lượng động vật hoang dã có thể giảm 67% vào
cuối thập kỷ này.
"Trong trường hợp sức ép tới từ các hoạt động khai thác quá mức, buôn
bán động vật hoang dã bất hợp pháp tăng lên, xu hướng này có thể trở nên
tồi tệ hơn", tiến sỹ Robin Freeman, giám đốc Bộ phận Đánh giá và Cảnh
báo thuộc ZSL, cho biết.
"Tôi nghĩ chúng ta đã chạm tới giới hạn, không còn lý do nào để tình
trạng này tiếp tục diễn ra. Chúng ta biết nguyên nhân và mức độ ảnh
hưởng của con người lên môi trường tự nhiên và động vật hoang dã. Vì
thế, bây giờ là lúc chúng ta hành động", tiến sỹ Barrett nhấn mạnh.
Hiền Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét