Sau đó tôi biết mình đã viết thiếu chính xác khi đọc lại một số tư liệu cũ. Nếu bạn đọc nào trên tuổi 60, học bài tập đọc Tả cảnh sinh hoạt gia đình buổi tối nhà em thì thường nhớ câu: “Anh em tôi ngồi học bài, mẹ tôi ngồi may vá và ba tôi ngồi đọc báo”. Bỗng
dưng tôi nhớ lại hình ảnh mỗi buổi chiều ba tôi đi làm từ công sở về
thường mang theo tờ báo mới mua để tối, sau khi cơm nước xong, nằm đọc
để biết tình hình thời sự.
Thú đọc báo buổi chiều
Trong quá trình tìm hiểu tôi có đọc được đoạn sau đây từ Báo Phổ thông số ra ngày 1.8.1961: “Tối nay cơm xong, thầy nằm ghế xích đu đọc báo...”. Và trong Báo Bách khoa số ra ngày 1.3.1962 trong tác phẩm Thư nhà, nhà văn Võ Phiến viết: “Mới
ba bốn giờ chiều đã có tiếng rao báo sớm chạy trên các đại lộ, trung
tâm đô thành. Rồi thì tiếng rao ấy lan dần mau chóng ra tới các khu phố.
Vậy là cho đến 8, 9 giờ tối người bán báo len lỏi vào các xóm lao động
ngoại ô la lớn bất ngờ, tiếng nghe ấy vẫn cứ hấp dẫn cho tới khuya, khi
ta đang ngồi trước một tô mì, tô phở trong tiệm, người bán báo loáng
thoáng rảo qua một vòng khắp các bàn ăn chìa ra xấp báo, ta vẫn thấy tò
mò kích thích, tưởng còn có hy vọng tìm thấy trong ấy một tin tức gì mới
khác thêm nữa...”.
Còn nhà thơ Thái Ngọc San đã viết trong Tạp chí Ý thức ra tháng 4.1971:
“Cái
khung cảnh gây cho tôi nhiều hứng khởi nhất những ngày ở Sài Gòn, là
vào những buổi chiều khi xuống bến xe lam nhằm vào lúc những tờ báo mới
ra đời. Đấy là hình ảnh những anh công nhân kê vai vác từng kiện báo
lớn, những người đàn bà, những chị thanh nữ thoăn thoắt xếp gấp vội vàng
bên vỉa hè, những đứa bé lăng xăng chạy lui chạy tới gọi báo mới, báo
mới. Chen lẫn trong rừng ngựa xe người ngợm mắc cửi, nếp sinh hoạt nầy
mỗi chiều được nhóm lên một lần, hoạt náo như một khu chợ”.
Một mẩu quảng cáo cho tờ nhật báo sắp ra còn làm rõ hơn: “Bạn đọc chú ý. Muốn biết thời sự nóng hôi hổi hãy mua Báo Sóng Thần. Nhật báo Sóng Thần sẽ có mặt trên các sạp báo lúc 3 giờ chiều ngày...”.
Tôi
tự đặt câu hỏi và cũng tự trả lời: trừ các tạp chí và tuần báo, tại sao
các nhựt trình, hay nhựt (nhật) báo trước kia lại ra buổi chiều. Đơn
giản vì người đọc biết ngay tất cả tin tức, sự kiện nóng xảy ra trong
ngày. Thí dụ, sáng ngày 1 có tin giá xăng lên thì người dân đã biết ngay
chứ không phải đợi đến sáng ngày 2 mới được biết. (Chỉ trừ những sự
kiện như hỏa hoạn, đụng xe xảy ra đột xuất vào buổi chiều thì các báo
đều bó tay). Thoạt đầu nhiều báo ra lúc 17 giờ, sau đó vì cạnh tranh có
báo ra lúc 16 giờ rồi 15 giờ. Thậm chí có tờ nhựt trình mới ra đời
thường cạnh tranh ra sớm hơn nữa, khoảng 12 đến 13 giờ đã có báo để lấy
độc giả (vì số lượng in không nhiều).
Nhà báo làm việc từ 5 giờ sáng
Để
có tờ báo ra buổi chiều thì giờ lên khuôn của các tờ báo lúc ấy thường
vào buổi sáng. Đi ngược dòng thời gian, vào khoảng năm 1934, theo bài
viết của Tế Xuyên thì tờ Ngọ Báo lên khuôn vào buổi trưa. “Một hôm vào buổi trưa, Ngọ Báo sắp lên khuôn thì có người cho tin sốt dẻo...”. Ông Châu Lang, chủ bút Báo Sài Gòn Mai trả lời Báo Văn Đàn (Sài Gòn): “Chúng
tôi làm việc từ 5 giờ sáng và 9 giờ báo đã lên khuôn chờ cho máy chạy.
Công việc tòa soạn xong khoảng 8 giờ, chúng tôi tản mát đi mỗi người một
ngả rồi chừng 10 giờ mới trở lại làm việc tiếp, lo bài vở cho số báo
sau”.
Để
có được tờ báo ra buổi chiều và sau đó cố gắng ra báo trước hoặc sau 12
giờ trưa hằng ngày thì thời đó, các ký giả “chân chạy” (săn tin) và
“chân nằm” (các biên tập viên) đều làm việc từ lúc sáng sớm. Các phóng
viên chạy tin thì đeo bám tin thời sự ở nghị trường hay các cơ quan, ty
cảnh sát rồi về viết bài trong buổi sáng. Còn các biên tập viên thì
trong buổi sáng phải “dựng” cho xong các trang nằm như trang tiểu thuyết
dài kỳ, kịch trường, điện ảnh… là những trang không đòi hỏi tính thời
sự.
Nhà
văn Bình Nguyên Lộc cho biết trong một hồi ký rằng mỗi ngày 5 giờ sáng
đã đi đến tòa soạn. Bài học vào nghề đầu tiên của ký giả, theo hồi ký
của nhà báo Lê Thiệp khi nhận việc tại một tòa soạn: “Chúng tôi làm việc
sớm, 5 giờ sáng đã bắt đầu rồi. Vì thế tôi trước hết là phải dậy sớm
đến tòa soạn cỡ chưa đến 5 giờ sáng”.
Nhìn
lại, bây giờ ta có thói quen đọc báo buổi sáng ngày 2 để biết tin tức
ngày 1 chỉ vì một thời gian trước đây chúng ta không có nhật báo mà chỉ
có tuần báo. Lúc ấy, chỉ có một số nhật báo nhưng những tờ báo này cũng
chẳng cần phải cạnh tranh vì mỗi báo có nhiệm vụ riêng, đối tượng của
mình. Dần dần, theo thời gian các tờ tuần báo tiến lên nhật báo và báo
phát vào buổi sáng vẫn tiếp tục duy trì và người đọc lại vào nếp quen
đọc báo vào buổi sáng.
Bây giờ có thêm báo mạng nên tin tức sốt dẻo đã đáp ứng được nhu cầu đói thông tin của thời đại @.
Nhà văn Lê Văn Nghĩa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét